vxmt 20

Trần Quán Niệm

Kim Khánh sưu tầm

Chó sủa chó không cắn

Ở Việt Nam, nơi thôn quê, làng mạc người ta quen với tiếng gà gáy, chó sủa rộn ràng từ làng trên xóm dưới. Sang đến đất Mỹ, đêm nằm nghe bốn bề vắng lặng, bỗng dưng lòng thấy nhớ. Ôi! bỗng chốc đã gần 30 năm, mà tình quê vẫn còn vấn vương khắc khoải, tựa như sợi dây đàn căng sẵn, khẽ động tới là ngân nga những cung bậc u hoài. Mà cái lý do nào có đáng gì cho cam. Chỉ là tiếng mèo kêu, chó sủa tầm thường.

Nhân mùa Xuân năm Bính Tuất, xin có đôi dòng phiếm luận cốt chia xẻ tấc lòng cùng độc giả gần xa.

Tiếng chó sủa có mang ý nghiã gì không? Thông thường người ta lầm tưởng chó sủa là nó có ý dọa nạt cảnh cáo mình, đừng xâm phạm lãnh thổ của nó. Thật ra đó chỉ là tiếng báo động là có người tới gần, bất kể quen hay lạ, vì nhiều khi thấy chủ về, chó cũng sủa vang. Đến gần hơn, nếu chó nhận ra đó là người quen, thì nó chào mừng, nếu người lạ nó tiếp tục sủa, và có khi cả đàn xông ra vây lấy khách, kiểu “chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”. Thông thường chó chỉ to mồm vậy thôi, chờ chủ nhà ra nhận khách là xong. Do đó mới có câu “chó sủa chó không cắn”, cũng như loài người có hạng người huênh hoang kiểu “thùng rỗng kêu to”.

Ở với loài người lâu, chó cũng tiêm nhiễm thói hư tật xấu của chủ, biết nể mặt khách sang trọng giầu có, khinh khi kẻ bần hàn, đói rách, ăn mày, ăn xin, nhất là chó nhà giầu; thấy kẻ nghèo khó là nó sấn sổ nhào tới, kiểu “chó cắn áo rách”. Trái lại, loại chó lầm lì không mở miệng để hù, mà để cắn thật tình mới đáng sợ. Loại nầy được đặc biệt huấn luyện để tấn công, canh giữ nhà cửa, kho hàng; phối hợp với chủ thi hành công tác cảnh sát, quân sự. Nó yên lặng phóng tới tấn công kẻ địch một cách bất ngờ. Vì được huấn luyện thuần thục nên người thường khó mà địch nổi loại chó này.

Chó sói là tổ tiên của chó nhà. Hàng chục ngàn năm nay, chó sói được loài người thuần hóa thành súc vật nuôi trong nhà. Có điều khác, chó sói không sủa, chỉ biết hú. Những đêm trăng mờ mờ, núi rừng tịch mịch, không khí trong vắt, vẳng nghe tiếng sói hú, kéo dài da diết, vừa thê lương, vừa rùng rợn, khiến người yếu bóng vía phải rùng mình. Các loài vật trong rừng sâu, đang say ngủ cũng nháo nhác giật mình thức giấc, tựa như nghe tiếng gọi của tử thần. Con này hú, con nọ tiếp theo, liên miên không dứt, tựa như một bản hòa tấu ma quái của rừng thiêng.

Lâu lâu vào những đêm trăng sáng, chó nhà cũng tụ họp giỡn trăng. Kích thích bởi tác dụng kỳ bí của ánh trăng, chó cất tiếng tru, mà người ta bảo là chó hú ma, cho đó là điềm xui xẻo. Người dân quê còn tin tưởng những đêm khuya thanh vắng, loài chó trắng có thể biến thành ma, đứng thẳng trên 2 chân sau, đầu đội nón, mình khoác áo tơi, tay chống gậy như ông cụ già đi dạo chơi.

Chó vẫy đuôi

Tại sao chó vẫy đuôi? Loài người gặp nhau, nếu quen biết thì hay tay mặt mừng, chào hỏi tíu tít. Chó cũng vậy, nó vẫy đuôi để diễn tả. Khi còn nhỏ, chó con chưa biết vẫy đuôi. Được độ 30 ngày, khoảng 50% chó con biết vẫy đuôi. Đến 60 ngày là thành thạo. Bản tính loài vật vốn thô sơ chân thật không biết mầu mè kiểu cách. Mừng thì vẫy đuôi chào đón, sợ thì cúp đuôi mà chạy. Suốt đời trung thành với chủ. Loài người tinh ma hơn, thấy bả danh lợi thì tham, đón gió, trở cờ, sớm đầu tối đánh. Loài trí thức vong bản, tựa loài “cỏ đuôi chó”, vẫy đuôi loạn xạ chỉ vì chút bổng lộc, hư danh, nịnh bợ cả kẻ thù quên hết sĩ khí, liêm sỉ.

Nắng tháng ba, chó già le lưỡi.

Người ta khi hoạt động quá sức, mệt thì mồ hôi toát ra như tắm, hơi thở hổn hển. Trời nắng chó cũng thở hồng hộc. Sở dĩ vậy vì chó không có lỗ chân lông để toát mồ hôi như người. Chó há mõm, lè lưỡi, thở gấp rút từng cơn. Lưỡi chó ướt, chính là nơi để nước bốc hơi, làm nhiệt độ cơ thể hạ thấp. Sở dĩ chó không có lỗ chân lông vì nó có bộ lông dầy cốt chống lạnh khi sống ngoài thiên nhiên. Dù được người nuôi nấng trong nhà ấm áp hơn, cũng như có nhiều loại chó lông ngắn, nhưng cơ thể nó vẫn chưa biến thái để thích ứng với nhiệt độ của mùa hè.

Tại sao khi tè chó ghếch chân?

Ai nuôi chó cũng phải để ý đến một thói quen khó bỏ của chó là, hễ thấy gốc cây hay cột đèn là nó phải chạy lại, dùng mũi ngửi kỹ càng, rồi trước khi bỏ đi phải ghếch chân . . . tè một cái. Kể cả những vị chó trong thành phố được chủ dắt đi dạo một cách nghiêm trang cũng không bỏ được thói quen ngàn đời của tổ tiên. Tại sao chó làm vậy? Trước hết nó dùng mũi phân tích mùi hương xem có chó nào đã để lại nơi gốc cây dấu hiệu gì không, trước khi nó tới. Sau đó nó cần tè vào gốc cây để đánh dấu đây là lãnh thổ của nó; đồng thời cũng để nhận ra dấu tích quen thuộc trên đường về để biết chắc không lạc đường. Lúc còn nhỏ, chó đực và cái tè như nhau. Khoảng 8 đến 9 tháng trở lên, chó đực bắt đầu ghếch chân lên khi tè. Tại sao chó chỉ ghếch có một chân? Trả lời: Nếu ghếch cả hai chân nó té thì sao? Đùa vậy thôi. Nó ghếch chân cao là vì muốn “mùi hương” nó để lại vừa tầm mũi của chó khác, đồng thời chó khác cũng ước lượng ra được chiều cao (đi đôi với sức mạnh) của chủ nhân mùi hương, để liệu mà tránh xa. Đây là một nhu cầu khẩn thiết của loài chó, không có không được. Do đó nhiều khi nước tiểu đã dùng hết, thế mà gặp gốc cây mới, nó vẫn thi hành nghi thức này một cách trịnh trọng, trang nghiêm.

Khoảng 20% chó cái khi tè cũng ghếch chân lên, số còn lại dạng hai chân, khom người xuống mà tè. “Tè không cao quá ngọn cỏ” đó là lời người xưa dùng chế nhạo phái nữ (người cũng như chó)

Chó cắn dép

Chó con nuôi trong nhà đến một tuổi nào đó, trở nên phá phách, làm hư hại đồ đạc, đặc biệt nó hay nhai giầy dép, găng tay, đồ chơi, sách báo, thư từ, thảm lót …. . .Lý do, chó dù đã được thuần hóa nhưng vẫn còn giữ nhiều bản tính khi sống trong thiên nhiên. Tuổi trẻ, dù thuộc loài nào cũng vậy, ưa chơi giỡn, vật lộn, để cơ thể phát triển, đồng thời học cách săn mồi, tò mò tìm hiểu thế giới bên ngoài. Ngoài ra khi đến tuổi mọc răng, chó cần nhai đồ vật cứng, để kích động sự mọc răng; mà thông thường thức ăn do người cung cấp (hay đồ hộp) quá mềm, do đó chó nhai, xé bất cứ vật gì tương đối cứng tìm thấy trong nhà. Có nhiều vị chủ chó vừa khôi hài vừa cay đắng than thở, “thư quan trọng thì nó nhai nát, mà bill nợ thì nó để nguyên” Nhưng thật ra, nó cũng có lý do của nó, là bill nợ thường in trên giấy nâu, trông không bắt mắt bằng mầu trắng của thư thường.

Chó huyền đề

Ngày xưa, các bà mẹ thường dặn con gái “Ra chợ thấy chó huyền đề. Thấy gà bốn ngón mua về mà nuôi.” Các cụ cho rằng chó có ngón huyền đề là giống tốt, khôn ngoan, dễ dạy. Thế nào là ngón huyền đề (dew-claw)? Thủy tổ của loài chó, chân có 5 ngón. Dần dà, cần thích ứng với khả năng chạy nhanh để săn bắt mồi, chân chó dần dần dài ra, và nhỏ lại, còn 4 ngón. Sự biến cải này, giúp vận tốc chạy tăng lên; người ta ghi nhận chó sói có thể chạy với tốc độ 35 đến 40 miles (1 mile bằng 1 cây số 6) trong khoảng một phần tư dặm đường đầu tiên. Chó có thể nhảy xa 16 feet. Khả năng chạy đường trường cũng gia tăng; loài chó kéo xe miền tuyết giá (Husky) đã được ghi nhận là từng kéo chiếc xe tuyết (sleigh) đi 500 miles trong 80 tiếng đồng hồ. Trở lại, ngón huyền đề chính là ngón chân thứ 5 bị teo lại và mọc toòng ten phía trên. Giản dị chỉ có thế, nên không liên quan gì đến sự thông minh của chó cả. Phần lớn ngón huyền đề thường thấy ở hai chân trước, nhưng đôi khi, cũng xuất hiện cả 4 chân. Quan niệm cho rằng chó có ngón huyền đề khôn hơn chó thường thì cũng tùy trường hợp.

Chó nhỏ, chó lớn

Càng ngày người ta càng thấy các nhà nuôi chó, gây giống những loại chó nhỏ, cân nặng dưới 20 pounds (10 ký) như: Chihuahua (4lbs.), Maltese Terrier (5lbs.), Pomeranian (6lbs.), Yorkshire Terrier (7 lbs.), Griffon (9 lbs.), Pekinese (12 lbs.), Shih Tzu (14 lbs.), King Charles’spaniel (15 lbs.), Pug (16 lbs.), Dachshund (21 lbs.), Corgri (22 lbs.). Năm 2004, cô ca sĩ Britney Spears bế con chó nhỏ tí tẹo, đi dạo phố, làm các chàng trai ghen tị quá sức “Ước gì anh hóa chó bông. Để cho em bế, em bồng trên tay”. Các cô đào xi nê khác bắt chước. Rồi các fans theo cho đúng mốt. Chó càng nhỏ càng đắt giá. Có con nhỏ đến nỗi nằm lọt trong lòng bàn tay.

Lý do? Nhà cửa trong thành phố chật chội không thích ứng với loại chó lớn. Hơn nữa, những người già cả cô đơn, những cặp vợ chồng không con, muốn nuôi chó để thay thế khoảng trống đó, họ lựa loại chó mà trọng lượng tương tự trọng lượng của một đứa bé, để dễ bế bồng săn sóc. Loại chó này được tuyển giống để có bộ lông mềm mại, mặt ngắn, dễ thương, mắt tròn và to. Một đặc tính nữa được các nhà gây giống chó cố phát triển là sự chậm trưởng thành của những loại chó nhỏ này, lúc nào cũng phụ thuộc chủ, nhõng nhẽo như con nít, để thỏa mãn nhu cầu mẫu tử, hay phụ tử của người nuôi.

Chó thấy ma

Ai đã từng nuôi chó, thật khó mà quên được kỷ niệm sau đây: một chiều mùa hạ, trong công viên nào đó, bạn dắt chó dạo chơi. Bỗng nhiên con chó dừng phắt lại. Toàn thân cứng ngắc, mắt nó nhìn chăm chăm vào một điểm trống không Lông nó từ từ dựng đứng lên, bắt đầu từ cổ, rồi lan dần xuống lưng cho đến cả toàn thân. Nó bắt đầu gầm gừ nho nhỏ, nhiều khi rên lên những tiếng sợ hãi, làm bạn cũng muốn dựng tóc gáy. Dù bạn cố sức lôi đi, nó cũng cưỡng lại, như bị thôi miên bởi một sức mạnh vô hình, hoặc hình ma bóng quế nào đó mà chỉ có nó thấy được. Đột nhiên, cũng bất ngờ như khi hiện tượng trên bắt đầu; phản ứng cứng ngắc dịu dần; nó trở lại bình thường, và tiếp tục đi, tựa như cái vật vô hình nó vừa nhìn thấy đã di chuyển chỗ khác. Người ta bảo chó thấy ma. Đây là một sự kỳ bí chưa ai giải thích được. Nào ai biết nó nhìn thấy gì? Có hỏi nó cũng không nói.

Người ta còn tin tưởng chó có giác quan thứ sáu, có nhiều khả năng vượt trội loài người như biết đường tìm về nhà xa cả vài trăm cây số dù đường đi chưa từng quen thuộc bao giờ; tiên đoán được động đất, bão tố, hoặc những tai họa thiên nhiên. Trước khi bão tố hay động đất, người ta thấy chó trở nên bứt rứt, lè lưỡi thở hồng hộc, chạy quanh trong nhà, đôi khi nó rên rỉ, hoặc run rẩy một cách đau đớn, hú những tiếng thê thảm. Sự đau đớn càng gia tăng khi động đất hay bão tố càng gần. Giới khoa học tin rằng chó rất nhạy cảm trước sự thay đổi áp lực của khí quyển trước trận bão, hoặc cảm được từ điện trong không khí, cũng như nghe được những âm thanh có tần số mà thính giác của loài người không bắt nổi. Chó còn có khả năng phát hiện luồng từ tính địa cầu trong môi trường chung quanh, từ đó nó định hướng để tìm về nhà chủ, dù cách rất xa và đường lạ.

Chó nóng

Khi vừa đặt chân lên Mỹ quốc, miền đất tạm dung, những người “tỵ nạn buồn . . .ưa nhậu mộc tồn (1)” mừng rơn khi nghe nước Đại Mỹ có món “chó nóng” (hot dog). Ô thì ra quả đất tròn và bé nhỏ, Đông Tây cũng gặp nhau ở một điểm là thích thịt “cờ tây (2)”, vì “Sống ở trêân đời ăn miếng dồi chó. Chết xuống âm phủ, biết có hay không?” Tìm hiều kỹ ra thì . . . bé cái lầm, hot dog không làm bằng thịt chó.

Năm 1900 có người Mỹ tên Harry M. Stevens, ông này chuyên bán xúc sích tại các vận động trường chơi football ở New York. Hồi đó súc xích (frankfurter sausages) luộc nóng rồi bán cho khách mộ điệu vừa xem đá banh vừa nhồm nhoàm thưởng thức món dồi nóng trong cái không khí lạnh giá của ngày cuối thu, chiêu thêm vài hớp bia nâu. Nhận thấy khách hàng phải cầm xúc xích bằng tay, vừa lem nhem vừa dơ, ông Stevens bèn có sáng kiến kẹp súc xích trong ổ bánh mì nhỏ. Trước khi đưa cho khách hàng, ông không quên quệt vào súc xích vài lớp mutard cay xé lưỡi. Thế là món “nóng bỏng” (red-hot) ra đời và được hâm mộ hết mình. Mãi đến năm 1903, một ký giả thể thao trên T.A Dorgan đưa món “red hot” vào tranh hý họa của ông và sửa tên nó thành “hot dog”. Thế là từ đó, tên hot dog trở thành bất tử. Tuy nhiên trước khi được toàn thế giới biết đến, trong lịch sử Mỹ quốc, đã vài lần tên hot dog làm giới tiêu thụ tưởng nó làm bằng thịt chó, khiến sự tiêu thụ sụt hẳn, đến nỗi có lần một phòng thương mại địa phương phải ra lệnh cấm bán và quảng cáo hot dog.

Ấy cái anh Mỹ tếu hay đặt nhiều tên dễ gây ngộ nhận đáo để. Còn nhớ hồi trẻ, tôi được du học Mỹ quốc. Trước mắt dân nhược tiểu, thì Mỹ là một cường quốc siêu việt, tiến bộ vượt bực trên mọi lãnh vực khoa học, nhất là lãnh vực y học, thay tim, thay thận, mổ xẻ bộ phận con người dễ dàng như trò chơi. Ngồi trên xe buýt, từ phi trường về doanh trại, chúng tôi trố mắt quan sát hai bên đường phố. Bỗng anh bạn ngồi cạnh, thúc tôi một cùi chỏ đau điếng, chỉ qua cửa kiếng “Toa thấy gì không?” “Thấy gì?” ”Toa chậm quá. Mình vừa qua tiệm Body Shop toa không thấy sao? Gớm bên này, khoa học nó tiến bộ là thế. Thay thế bộ phận con người mà nó mở tiệm ngay bên đường. Cứ như quán phở bình dân vậy thôi. Để vài bữa được ra phố chơi, thế nào moa cũng tìm lại hỏi giá cả xem sao, nếu rẻ moa thay cái tay khác. Hồi trước bị mảnh đạn, thành thử mỗi khi trở giời là nó lại nhức nhối khó chịu quá“

Tôi ậm ừ bán tín, bán nghi. Sau này, đi theo ông nội sành sỏi kia, tìm đến tiệm mới ngã ngửa người ra là đó là tiệm sửa giàn đồng xe hơi. Thế có chết không cơ chứ. Trên đường về, ông bạn im như thóc; tôi tức cười mà không dám lộ ra. Trước khi vào trại, ông bạn dụt dè dặn chừng “Toa nhớ không được kể lại cho bọn nó nghe, nghe không”. Tôi giư lời hứa, giữ kín bí mật dễ đã mấy chục năm nay, nhưng bây giờ mỗi khi đi ngang tiệm body shop, hay khi vắng vẻ nhớ lại chuyện xưa, lại không nhịn được cười.

Hồi quân sĩ Mỹ tham chiến ở Việt Nam, trong chiến dịch tuyên truyền gây căm thù, khiếp đảm cho dân quê, Việt cộng phao tin Mỹ ăn thịt trẻ con. Sang Mỹ tôi mới thấy đúng. Vào tiệm ăn sườn nướng thì chúng ta gọi món “baby rib”. Vào siêu thị chúng ta mua “baby food”, “baby powder”, “baby oil” . . . Còn cãi vào đâu được nữa. Bộ máy phản tuyên truyền của Mỹ mạnh đến mấy cũng đành chịu thua.

Trở lại vấn đề thịt chó. Người Mỹ cho đó là một phong tục dã man. Người Việt Nam ta có mặc cảm, cứ tưởng là chỉ có dân mình sơi thịt chó. Thật ra, các dân tộc Á châu đều sơi thịt “nai đồng quê (3)” như điên. Hồi năm 1990, để chuẩn bị đón tiếp khách du lịch và lực sĩ ngoại quốc tham dự Thế Vận Hội, chính phủ Hán Thành đã phải ra thông cáo, cấm bán thịt chó tại các tiệm ăn sang trọng nơi thủ đô, và khuyến cáo dân chúng có thèm loại hương nhục (thịt thơm) này lắm thì nên ghé các tiệm ở trong ngõ hẻm hay ngoại ô, khuất xa “nhĩ mục quan chiêm” của khách ngoại quốc. So sánh như thế đủ thấy dân tộc ta còn kém xa.

Sở dĩ người Mỹ không ăn thịt chó là vì xứ họ thịt thà ê hề nên đỏng đà đỏng đảnh, chê ỉ chê ôi, kiểu “trưởng giả học làm sang”, chứ đói lên đói xuống ít lâu là biết nhau ngay. Hơn nữa cũng vì nền văn minh của họ thuộc loại “trẻ người non dạ”, cho nên nghệ thuật ẩm thực chưa đến mức trác tuyệt để có thể thưởng thức một món ăn ngon như món “sư tử đất (4)”. Trong một bài viết ngắn ngủi, tác giả không thể nói nhiều thêm, nhưng quí vị muốn tìm hiểu thêm về món “hương nhục (5)” thì có thể tham khảo “Miếng ngon Hà Nội” của Vủ Bằng, trang 151 đến 172 về cái món thịt “cờ tây” này. Đọc xong dù người chưa từng ăn thịt chó cũng phải mê tít.

Chó cười?

Bạn có bao giờ thấy một con chó cười, không phải cười mỉm chi mà là cười thành tiếng? Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm bảo vệ động vật hạt Spokane (Mỹ) khẳng định lũ chó vẫn thường xuyên "cười" thành tiếng.

Không biết "tiếng cười" có làm bản thân chúng giảm stress hay không chứ hiệu quả lên những con chó khác thì thấy rõ: giúp cho chúng trở nên ngoan ngoãn và bình tĩnh. Nhưng "tiếng cười" của chó nghe ra sao? Nhà nghiên cứu P.Simonet cho biết nó nghe giống như tiếng sủa nhưng rất dài và rất lớn. Các nhà nghiên cứu đã ghi âm lại tiếng sủa bình thường và "tiếng cười" của chó. Khi tiếng sủa được mở trên loa phóng thanh, lũ chó vẫn sủa bình thường nhưng đến khi "tiếng cười" vang lên, tất cả đều im lặng trong khoảng 1 phút.

Khổ như chó ? Sướng như chó ?

Biến chuyển vĩ đại năm 75 thật sự đã làm đảo lộn nhiều giá trị xã hội, trong đó quan trọng nhất là địa vị của người đàn ông Việt Nam trên đất Mỹ. Một câu cũ mèm như trái đất mà các vị đàn ông Giao Chỉ thuộc nằm lòng là ”giá trị người đàn ông xứ này còn thua cả con chó”. Ôi đau xót cho quí vị mày râu, mũ cao áo dài, quan to, súng ngắn, hét ra lửa mửa ra khói ngày nào. Hào quang quyền thế, chức vị đã mất, nói chó nó cũng chẳng thèm nghe, nữa là vợ. Nhiều vị anh hùng một thủa ngày xưa giờ gặp lại, cứ nhũn như con chi chi, vợ bảo sao nghe vậy “nấu cơm, rửa bát, quét nhà. Vợ gọi thì dạ “bẩm Bà, con đây”, chẳng còn thấy hó hé một lời.

Chân lý phương Đông, sang bên Tây bị đảo lộn cả. Ngày xưa thì “khổ nhý chó” nay thì “sướng như chó”, “khôn như chó”. Nhưng nói nhỏ để quí vị thuộc “phái yếu” (tức quí vị liền ông con trai đấy) vui lên một tý là không phải là chó nào ở Mỹ cũng sướng cả đâu. Loài người chóng chán, mua về nuôi được ít lâu, cũng chán, lại thêm tốn kém tiền thức ăn, tiền thuốc chích, tiền bác sĩ, xà bông tắm . . . bèn bỏ cho đi hoang, sống vất vưởng nơi đầu đường xó chợ. Xã hội Mỹ nuôi 40 triệu con chó, so với số 6 triệu con bên Anh quốc. Hàng năm số chó vô chủ ở Mỹ lên đến 25,000 con, mà chỉ 1 phần 4 số này được những kẻ có lòng, nhận nuôi. Số còn lại “hui nhị tỳ”.

Nhất bạch, nhì vàng

Âu châu có cả vài trăm loại chó mà gia phả, giòng giống được trình tòa, ghi sổ bộ cẩn thận. Thôi thì đủ hình dáng, mầu sắc. Lớn như anh Đại Đan Mạch, bụng thon ngực nở, to cao sừng sững, dễ đến cả gần 200 pounds, nhỏ tí hon như chú Chihuahua cỡ vài pounds, hoặc quí phái, vương giả như chàng Afghan hound, lông lá mỡ màng, chải chuốt, kẻ hầu người hạ. Ngoài những loài nuôi làm kiểng thông thường mà ai cũng biết, còn có anh chó đốm Dalmatian, được nuôi tại sở chữa lửa, suốt ngày cà nhỏng, lâu lâu lại được cưỡi xe chữa lửa hú còi đi chơi. Ai hay coi phim hoạt họa Disney, chắc không thể quên phim “100 con chó đốm Dalmatiam”. Loài chó Lhasa Apso, nuôi trong điện Lhasa bên Tây Tạng mà nhiệm vụ chính chỉ là báo động khi có kẻ lạ xâm nhập cung điện của Đức Phật sống Đạt Lai Lạt Ma.

Tên tuổi cũng cầu kỳ khó nhớ, không như những anh chó Việt với cái tên nôm na mộc mạc như Mực, Cún, Vàng. Vện v.v. . . Nhưng với bợm nhậu Việt Nam ưa “đả cẩu” thì chó ta giản dị hơn, chỉ có 3 đến 4 loại. Đó là “trời mưa chó trắng, trời nắng chó vàng, mưa nắng làng nhàng, chó nào cũng tốt”, hay là “nhất bạch, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm”.

Hội chó, nơi gặp gỡ của giới văn minh, lịch lãm

Một năm, tôi chiều con, dắt nó đi coi hội chó (dog show). Nguyên một khu vực Civic Center rộng mênh mông, đông nghẹt những người và chó. Không biết cơ man nào là chó. Thôi thì đủ giống, đủ loài, đủ hình dáng, mầu sắc. Con nào, con đó được chủ tưng tiu o bế, chải chuốt, thắt nơ, xịt keo, xịt nước hoa thơm lừng, quyết lòng giật giải chó đẹp, chó khôn.

Đến giờ trình diễn, các chủ chó dẫn chó chạy vòng vòng, khi nhanh khi chậm, khi tiến, khi lui, theo lệnh của giám khảo. Anh, chị chó nào được chấm nhất, được tặng bằng khen, gắn nơ, chụp hình kỷ niệm. Con chó đứng nghiêm trang hãnh diện, mắt hướng về ống kính, điệu bộ duyên dáng như những cô người mẫu. Đèn nháy lên, rồi tiếng vỗ tay hoan hô vang dội làm chủ cũng được thơm lây. Có điều lạ là chó đông như vậy, mà không hề có chuyện lộn xộn. Các cô, các cậu chó, chải chuốt, diêm dúa, dáng điệu chững chạc, nghiêm túc, đi bên cạnh chủ mà đàn ông thì vét- tông, cà vạt, đàn bà thì thời trang đúng kiểu, như là các cậu ấm, cô chiêu con nhà quí phái, chiều chiều theo bố mẹ ra đường hóng mát.

Chó gặp chó mà lạnh lùng tỉnh bơ, mắt nhìn thẳng, chân bước điều, chứ không có cảnh xô lại, hít hít, ngửi ngửi “công súc tu sĩ” lố bịch, khả ố như chó ta. Cũng không có cảnh giựt dây, chạy xổ tới bên nhau, cắn lộn, ẩu đả như thường thấy ở quê nhà. Ôi, con chó ở xứ văn minh nó cũng có khác. Quí vị nào hồ nghi lời tác giả, xin đi một lần coi cho biết.

Dog days ?

Trong đời sống hàng ngày, gặp ngày nóng như thiêu, thế nào trong câu chuyện làm quà về mưa mưa, nắng nắng, các cậu, các mợ Mẽo cũng than ỏm tỏi “Such a dog day!”. Ý nghĩa của thành ngữ này là gì? Nhiều người cứ tưởng Mỹ nó cũng biết ví von kiểu “nắng tháng ba chó già le lưỡi” như ta. Thật tình, Mẽo nói để mà nói chư chưa chắc đã biết nguyên ủy của danh từ trên.

Đúng ra dog days dùng chỉ những ngày nóng nực từ 3 tháng 7 đến 11 tháng 8. Nguồn gốc của nó đã có từ lâu, từ triều đại La Mã hùng cường. Thời đó người ta tin rằng, ngôi sao Sirius thuộc tinh tòa Canis Major (Liệp cẩu tinh quân, sao chó lớn), trong thời kỳ này đã phụ thêm cho sức nóng mặt trời để tạo nên những ngày nóng bức của mùa hè; tiếng La Tin gọi là dies caniculares hay là days of the dog. Người La Mã chỉ đúng có một phần, vì tuy sức nóng của Sirius lên đến 10 ngàn độ C, nhưng sau đó lại cách chúng ta một khoảng cách bằng 540 ngàn lần khoảng cách từ mặt trời đến quả đất. Do đó dog days chỉ là một tên gọi lâu ngày thành thói quen mà thôi.

Đánh chó phải ngó chủ

Câu này được rút ra từ kho tàng văn chương bình dân Việt Nam, dặn chừng nên cẩn thận trong cách xử thế. Đánh chó ở Việt Nam thì được, nhưng sang đến đất Mỹ thì hoàn toàn không. Lỡ chó nhà hàng xóm có sang vườn nhà bạn “bậy” một đống cũng nên từ tốn tìm chủ nó mà than phiền một cách nhỏ nhẹ, đừng có hùng hổ chạy ra ném cho nó một cục gạch hay cầm cây đuổi đánh nó què chân mà gặp rắc rối to.

Một ngày đẹp trời nọ, bạn thấy ông bà hàng xóm nào đó dắt chó đi dạo, thì dù con chó có khuôn mặt xấu như quỉ, cũng bấm bụng khen vài câu xã giao, cho vui vẻ cả làng, vừa tỏ ra ta đây là dân Á Đông văn minh, không hề biết ăn thịt chó, vừa gây được cảm tình trong chòm xóm.

Lái xe trong khu dân cư, thấy chó chạy rong (ở Mỹ hiếm lắm, thường là chủ vô ý, để chó xổng chuồng đi lạc) cũng nên nhường đường, đừng dở thói khinh khi loài vật, chạy bừa, cán cho chết bỏ mà mang họa. Lỡ chẳng may cán phải nó, cần dừng xe, cứu giúp nó, tỏ lòng thương xót, đề nghị chở dùm đi nhà thương như trường hợp cán người vậy (đề nghị với chủ, chứ không phải với chó đâu). Đừng coi đây là trường hợp không quan trọng kiểu “xe cán chó” hoặc “chó chết là hết chuyện” như bên nhà, xớn xả, gây gổ với chủ chó, mà phiền nhiễu không biết đâu mà lường.

Tục ngữ, ca dao về chó.

1.Chó ngồi bàn độc. 2- Chơi với chó liếm mặt. 3- Chó gầy hổ mặt người nuôi. 4- Chó tháng ba, gà tháng tám. 5- Lấm lét như chó ăn vụng bột. 6- Mồm chó, vó ngựa. 7- Chạy dông như chó dái. 8- Chó nằm gầm chạn. 9- Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giầu. 10- Cãi nhau như chó với mèo. 11- Mèo không chê chủ khó, chó không chê chủ nghèo. 12- Không có chó bắt mèo ăn c. . . 13- Bao chó chê c. . . thì người chê của. (hai câu này bảo đảm con em Việt thuộc thế hệ thứ hai không hiểu nổi đâu) 14- Chó treo, mèo đậy. 15- Chó đen giữ mực. 16- Chó tiền rưỡi. 17- Treo đầu dê, bán thịt chó. 18- Cầm c. . . chó đái v.v. . . 19- Chó đâu có sủa chỗ không, gái đâu tốt nết mà chồng lại ghen. 20. Đâm heo, thuốc chó 21. Đen như mõm chó, đã khó, chó cắn thêm. 22.Chó ngáp phải ruồi. 23. Bán gà kiêng ngày gió, bán chó kiêng ngày mưa. 24. Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng. 25. Mua trâu xem vó, mua chó xem chân. 26. anh em cột chèo như mèo với chó. 26. Ráng mỡ gà thì gió, ráng mỡ chó thì mưa. 27. Mèo đàng, chó điếm 28. Chó giữ nhà, gà gáy sáng. 29. Chó sủa mặc chó, lạc đà cứ đi. 30. Bớ con đĩ chó mặt mâm. Mày mà hỗn ẩu tao bầm nát thây……………. v.v.

Chó chết vẫn chưa hết chuyện

Một ngày đẹp trời 11 tháng 2, 2000, trên xa lộ dẫn đến phi trường San José dòng xe cộ tấp nập. Có một anh chàng lái xe ngổ ngáo, lách từ lane này sang lane khác, anh ta cắt gấp ngay trước đầu mũi một xe kia. Người lái chiếc xe bị qua mặt tức lắm, tăng tốc độ và cố tình đụng nhẹ vào cảng sau xe anh ta, như là một cảnh cáo. Thế là anh chàng nổi sùng, dừng xe lại, hùng hổ tiến đến chiếc xe nọ. tính đánh lộn. Đến gần mới khám phá ra người lái xe dám 'vuốt râu hùm' lại là kiều nữ McBurnett. Chẳng lẽ gây gổ, ấu đả với một người đàn bà, mà về tay không cũng kỳ, anh chàng thấy chú chó nhỏ nằm gọn trong lòng người đẹp trông ngứa mắt quá, bèn túm cổ, quăng ra đường cho bõ ghét. Tạm hả cơn tức, anh chàng quay về xe, và ai đi đường nấy. Chỉ tội nghiệp con chó, chạy lạng quạng được vài bước, liền bị xe cán chết.

Đau lòng vì chó quí nuôi đã 10 năm bị chết oan uổng, McBurnett than thở với anh chàng nhà báo quen. Anh này đăng ngay câu chuyện 'chó chết' trên mặt báo. Nếu như ở Việt Nam, thì câu chuyện ‘xe cán chó' lảng xẹt chẳng được ai quan tâm, nhưng ở xứ Mỹ thì khác. Hội Bảo Vệ Súc Vật lên tiếng ngay, và từ khắp nơi, những 'người yêu của chó' ồn ào ủng hộ McBurnnet, gửi tiền về để làm giải thưởng bắt anh chàng nọ. Số tiền thưởng lên đến cả trên trăm ngàn. Chuyện xẩy ra giữa ban ngày, trên xa lộ xe cộ tấp nập, nên nội vụ có khá nhiều nhân chứng, và số tiền thưởng lại hấp dẫn nên việc truy lùng anh chàng kia không khó lắm.

Quả nhiên Andrew Burnett, thợ sửa điện thoại và đang thất nghiệp, bị bắt sau đó ít lâu. Dĩ nhiên nội vụ ra toà. Mới đầu anh Burnett hiu hiu tự đắc, đoán chừng là chỉ bị phạt vạ sơ sơ là cùng. Chó chết chứ có phải người chết đâu mà lo. Ai ngờ câu chuyện có vẻ trầm trọng hơn anh ta dự đoán. Có thể 'ủ tờ' đến ba năm.

Hoảng quá, anh này ngỏ lời xin lỗi và luật sư biện hộ nêu lý do anh Burnett vừa nắm cổ con chó, nó táp bàn tay anh, nên theo phản xạ tự nhiên anh ta ném nó ra xa. Nhưng đã muộn. Quan toà không tin lời xin lỗi của anh là thành thật và cũng chẳng nghe lời biện hộ của ông thầy cãi. Kết quả ngày 20 tháng 6, 2001 Bunett bị tuyên án vào tù bóc lịch ba năm. Không ai nhớ đến cử chỉ lịch sự và văn minh của Burnett là 'không đánh đàn bà, dù chỉ bằng một ‘cành hoa', anh chỉ đánh chó thôi.

Những người bênh Burnett cho rằng bản án quá khắt khe, vì suốt 28 năm qua, anh ta chưa hề mang tiền án. Những người yêu súc vật thì hoan hô quyết định của quan toà. Burnett sẽ kháng án.

Thế mới biết chân lý từ miền Đông mang sang miền Tây thì không đúng nữa. Ở Việt Nam, 'chó chết là hết chuyện', nhưng bên Mỹ, chó chết là 'ủ tờ' ba năm. Nhà văn Nguyễn Vỹ đã từng nói một câu để đời 'nhà văn An Nam khổ như chó'. Trên xứ Mỹ, câu đó sai bét. Khi sống chó Mỹ được chiều chuộng, nâng niu, khi chết còn được chôn cất có mộ phần đàng hoàng, hay hỏa thiêu, chủ chó đem tro cốt về nhà đặt lên bàn thờ, ngày đêm hương khói (chuyện có thật).

Chó hết xăng?

Thay lời kết, xin cống hiến độc giả hai nụ cười Xuân.

Cu Tý mới 5 tuổi. Một hôm có ông bạn của bố cu Tý đến chơi. Ông nhà văn này tính lơ đãng, hết xăng mà quên đổ. Khi về, xe không nổ máy, cả nhà cu Tý phải xúm lại đẩy hộ tới cây xăng cuối đường. Hôm sau, cu Tý đứng chơi trước cửa, thấy con chó cái nhà cu Tý đến tuổi thanh xuân, bị các cậu chó nhà hàng xóm ôm lưng đòi làm chuyện ái tình. Cu Tý chạy vội vào mách bố mẹ “Bố ơi, hôm nay con Cún nhà mình hết xăng, đang được con chó nhà bác Ba đẩy dùm".

Một anh thanh niên bị tai nạn xe hơi, chân dập nát. Bác sĩ giải phẩu cố dùng mọi cách ghép nối để chân anh ta có thể xử dụng được. Tuy nhiên một số bắp thịt nát bấy, không cách nào cứu vãn. Đang tuyệt vọng, thì có người bạn bác sĩ thú y, đề nghị tại bệnh viện của ông ta có con chó lớn vừa chết, có thể dùng thay thế được không. Ông bác sĩ, tuy chưa thử bao giờ, nhưng có còn hơn không, cố gắng lựa một số bắp thịt tương tự của chó ráp nối cho chàng trai. Cuộc giải phẫu thành công mỹ mãn.

Ít lâu sau, anh thanh niên quay lại tái khám. Khi được hỏi về sự tiến triển, anh cho biết “Cám ơn Bác Sĩ. Chân hoạt động bình thường, đi đứng thoải mái, chỉ có điều bất tiện là mỗi khi đi tiểu, cứ phải ghếch chân trái lên”.

Trần Quán Niệm

(1)Mộc tồn: cây còn, lái là con cầy.

(2)Cờ tây: lái là cầy tơ

(3) (4) Nai đồng quê, sư tử đất: ám chỉ con chó.

(5)Hương nhục: Giới ăn nhậu cho hay thịt cho ăn giắt răng 3 ngày, quên không xỉa, thịt vẫn còn thơm

Trở lại trang Mục Lục