..Thiền sư Viên Minh..

" Nếu mai mốt còn vào ra sinh tử

Bước thăng trầm đâu sá kể nguy nan

Nếu giờ đây vẫy tay chào cuộc lữ

Cát bụi này xin trả lại trần gian."

Thầy hiện đang trụ trì Chùa Bửu Long (2015).

Địa chỉ: số 81 Nguyễn Xiển, P. Long Bình, Q.9, TP.HCM

Website: http://www.trungtamhotong.org/

... Năm thầy học lớp đệ lục (lớp 6 bây giờ), tức khoảng 12, 13 tuổi gì đó, một hôm người em họ học cùng lớp đọc cho thầy nghe một bài thơ có kết cấu rất lạ và rất khó, có lẽ vì thể thơ quá cầu kỳ mà trong Thi Văn Viêt Nam chỉ dẫn chứng được một bài duy nhất. Nghe xong bài thơ tự nhiên thầy nói: “Bài thơ này không hay lắm, để mình làm một bài cho mà xem”, rồi tự nhiên buột miệng đọc ra bài thơ như sau:

Không

rồi

Tu không nếu mãi thành Đạo Quả

này

chữ

Nghiệp

Đây là bài thơ có kết cấu hình chữ thập, đọc từ trên xuống, rồi từ dưới qua trái, từ trái qua phải và cuối cùng từ phải trở lại chữ đầu. Như vậy, bài thơ được đọc như sau:

Không rồi có mãi này chữ nghiệp.

Nghiệp chữ này mãi nếu không tu.

Tu không nếu mãi thành Đạo Quả.

Đạo Quả thành mãi có rồi không.

Điều lạ là lúc đó thầy chỉ mới quy y, và cũng chỉ mới tò mò đọc mấy tờ báo Hải Triều Âm của ông chú để trong tủ sách kinh ở phòng thờ Phật. Bài thơ không khó hiểu lắm nhưng hồi đó thầy cũng chỉ hiểu loáng thoáng gì đó thôi. Mãi đến sau này nhà thơ Bùi Giáng đã phát hiện thêm một điều lạ nữa là chữ đầu và chữ cuối của mỗi câu thơ đều đối với nhau rất chuẩn về luật cũng như về ý, đặc biệt là giữa mỗi câu luôn có một chữ MÃI, nghĩa là không sinh không diệt. Điều này thì thầy hoàn toàn không biết, cả thể loại thơ cũng như luật âm vận của nó thầy đều không biết gì cả làm sao sáng tác được bài thơ kỳ lạ như vậy! Và làm sao lúc đó thầy hiểu hết được ý nghĩa Phật Đạo thâm sâu và giản dị trong bài thơ đó? Chỉ có thể tạm thời lý giải là đạo lý này đã được thấm nhuần và tiềm ẩn trong nhiều kiếp quá khứ mà thôi.

Năm 21 tuổi thầy xuất gia, tự mày mò học Đạo hơn là theo học các trường lớp Phật học chính quy. Và thầy cũng không chính thức thọ pháp thiền với một vị thầy nào, kể cả thầy Hòa Thượng thế độ của mình. Sau một thời gian phụ tá Hòa Thượng Giới Nghiêm tổ chức và giảng dạy ở Trường Phật Học Phật Bảo, năm 30 tuổi, thầy đi lập chùa Huyền Không với mục đích tránh cảnh ồn ào của trường Phật Học, tìm một nơi yên tĩnh để tu tập định tuệ. Nhưng vì hoàn cảnh thực tế, thầy phải để tùy duyên mà tu tập chứ không thể theo một phương pháp nào đã định sẵn. Chẳng bao lâu thầy phát hiện ra rằng mình đã vô tình đi theo sự hướng dẫn của bài kệ đầu đời đó để sống Đạo chứ không áp dụng pháp môn nào để tu tập rèn luyện. Mỗi lần thử tu theo một phương pháp nào đó thì thầy liền thấy ngay là hữu vi tạo tác theo ý đồ của bản ngã nên tự nhiên mắc cỡ không hành nữa. Nói ra ai cũng cười, tưởng là thầy nói chơi, nhưng đó hoàn toàn là sự thật. Và cũng chính nhờ đó mà thầy không kẹt vào một phương pháp kỹ thuật nào cả. Giác ngộ là trực nhận chân lý chứ không qua bất kỳ phương pháp nào. Bồ-tát Siddhattha đã từng áp dụng nhiều phương pháp tu thiền định, rồi tu theo phương pháp khổ hạnh, nhưng cuối cùng Ngài đã trở về với tâm hồn như con trẻ lúc ngồi xem vua cha làm lễ hạ điền. Chỉ với tâm trong sáng hồn nhiên như vậy mới thấy pháp thật sự tinh nguyên ngay nơi thực tại hiện tiền. Và ngay trong đêm đó, với tâm rỗng lặng như hư không, hồn nhiên như con trẻ… Ngài đã hoàn toàn giác ngộ chân lý vô thượng.

Năm 1973, lúc đó đúng 30 tuổi, lần đầu tiên thầy đi lập Chùa Huyền Không trên một ngọn đồi dưới chân đèo Hải Vân, nhìn ra biển Lăng Cô mênh mang bát ngát. Thời đó, và ngay vùng đó, chiến tranh vô cùng ác liệt, chuẩn bị cho chiến trận cuối cùng năm 1975. Thầy sống ngay giữa lằn tên mũi đạn, trong những cuộc giao tranh đẫm máu, có những quả đạn đại bác nổ gần bên hông chùa, mà chùa thì mái tranh vách ván đơn sơ nên mảnh đạn xuyên vách chui tuốt vào tủ thờ xé nát những trang kinh... Luôn đối mặt với cái chết, đối mặt với sự thiếu thốn đói khổ của người sống “nhất bát thiên gia phạn” trong thời khói lửa đạn bom nên thầy và chư sư có khi không đi bát được, phải trồng thêm khoai sắn, bí bầu để sống qua tháng ngày đạm bạc. Lao động quần quật suốt ngày giữa vùng bom đạn, chứng kiến những trận đánh xáp lá cà ác liệt và những cái chết thảm khốc ngay trước mặt mình, thầy chỉ còn biết ngày nào còn sống thì phải trọn vẹn với chính mình trong từng giây phút, không có thì giờ xa xỉ để hành theo một phương pháp thiền trong điều kiện lý tưởng nào hầu mong chờ kết quả mai sau. Nhờ đó mà thầy thấu hiểu được lời dạy của đức Phật:

Quá khứ không truy tầm

Tương lai không ước vọng

Quá khứ đã đoạn tận

Tương lai thì chưa đến

Chỉ có Pháp hiện tại

Tuệ quán chính là đây

Không động không rung chuyển

Hôm nay nhiệt tâm làm

Ai biết chết ngày mai!

Thực tế cho thầy thấy một điều hết sức đơn giản là dù lao động quần quật suốt ngày, nhưng nếu chúng ta luôn biết thận trọng, chú tâm và quan sát rõ ràng mọi sự mọi vật thì vẫn có thể sống trọn vẹn với pháp hiện tại – tức sống thuận pháp tùy duyên, như Phật đã dạy. Bởi vì thận trọng chu toàn là giới, chú tâm trọn vẹn là định và quan sát rõ ràng là tuệ. Đó là giới định tuệ ứng ra trong khi động dụng, nhưng khi không có duyên sự gì thì tại sao chúng ta không để thân tâm được thư giãn buông xả, nghỉ ngơi hoàn toàn, mà lại tìm cách tập luyện uốn nắn theo một khuôn mẫu nào đó trong ý đồ của bản ngã? Bởi vì chính lúc vô tư vô sự thì thân trong lành (giới), tâm định tĩnh (định) và tánh biết hoàn toàn sáng suốt tự nhiên (tuệ) không do nỗ lực tu luyện. Đó là lý do tại sao tuệ giác thấy biết hoàn toàn vô ngã, không do bản ngã tạo tác, nên trong đó hoàn toàn không có “cái ta giác ngộ”, như nhiều người lầm tưởng đã đem cái ta nỗ lực tầm cầu giải thoát. Nhận ra pháp tu này không ngờ lại chính là thấu hiểu được ý nghĩa đích thực của chữ không, chữ mãi trong bài kệ đầu đời của mình chứ không phải từ đâu khác...

(trích Thư thầy trò số 2)

Đọc thêm: Hành Trạng Một Thời Của Sơ Tổ Huyền Không