Bổ Sung Dinh Dưỡng

Một củ khoai nhưng nhiều công dụng

Khoai lang có rất nhiều công dụng, nguồn dinh dưỡng tuyệt vời mà không phải ai cũng biết để tận dụng. Trong khoai lang có protein, glucid, nhiều tinh bột, ít đường khử, sterol, chất nhựa, sinh tố B1, B2, C, acid nicotinic, Ca, Mn, P, Fe, K, I,… có tác dụng kiện tỳ, ích khí, hòa vị, sinh tân, thông tiện. Dùng cho các trường hợp tỳ vị hư nhược (đái tháo đường, táo bón, quáng gà, vàng da…).

1. Giúp đôi mắt khỏe mạnh

Khoai lang chứa hàm lượng beta-carotene rất cao. Một củ khoai lang có kích thước vừa chứa hơn 200% lượng beta-carotene cần thiết cho cơ thể. Beta-carotene là một chất dinh dưỡng quan trọng mà khi vào cơ thể, nó được chuyển hóa thành vitamin A, giúp cho hệ miễn dịch và đôi mắt khỏe mạnh.

2. Giảm chứng sưng, viêm

Khoai lang là một nguồn cung cấp các chất oxy hóa tuyệt vời, giúp kiềm chế các chứng bệnh gây sưng, viêm. Ngoài ra, anthocyanin trong khoai lang tía cũng có lợi ích cho sức khỏe khi làm giảm các chứng sưng, viêm, triệu chứng có thể báo hiệu trước nhiều căn bệnh.

Khoai lang là một nguồn cung cấp các chất oxy hóa tuyệt vời, giúp kiềm chế các chứng bệnh gây sưng, viêm

3. Kiểm soát đường huyết

Ăn khoai lang có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Khoai lang có thể tham gia vào quá trình chuyển hóa insulin, giúp kiểm soát đường huyết bằng cách tăng nồng độ adiponectin. Ngoài ra, khoai lang giàu chất xơ có thể làm chậm quá trình giải phóng đường vào các mạch máu, qua đó, ngăn cản sự gia tăng đường huyết đột ngột.

4. Giúp làn da khỏe mạnh

Có thể bạn nghĩ rằng, trái cây mới là nguồn cung cấp vitamin C cao nhất. Tuy nhiên, khoai lang cũng là loại thực phẩm giàu vitamin C. Một củ khoai lang cỡ vừa cung cấp gần 40% lượng vitamin C cần thiết cho chúng ta hàng ngày. Lượng vitamin C này giúp cơ thể sản sinh collagen, giúp chúng ta có làn da khỏe mạnh.

5. Bảo vệ tim

Khoai lang có hai loại chất dinh dưỡng rất tốt cho tim của chúng ta, đó là vitamin B6 và kali. Vitamin B6 là loại vitamin quan trọng giúp phá vỡ homocysteine – loại acid amin có thể gây bệnh về tim. Ngoài ra, kali cũng giúp cho trái tim của chúng ta luôn khỏe mạnh.

Khoai lang chứa vitamin B6 và Kali giúp trái tim luôn khỏe mạnh

6. Giúp xương chắc khỏe

Một củ khoai lang cung cấp 28% lượng mangan cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Đây quả là một thông tin tuyệt vời bởi mangan chính là một khoáng chất thiết yếu đối với sức khỏe chúng ta. Mangan giúp cơ thể chuyển hóa carbohydrate và duy trì năng lượng. Ngoài ra, khoáng chất này còn giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng khác cũng như giúp xương chắc khỏe.

7. Có thể chữa các chứng dị ứng

Khoai lang chứa quercetin, một loại flavonoid vô cùng tốt cho sức khỏe với nhiều lợi ích. Nó có thể giúp làm giảm lượng cholesterol LDL và giảm chứng sưng, viêm. Ngoài ra, quercetin còn đóng vai trò như một loại thuốc antihistamin tự nhiên có tác dụng chống lại các chứng dị ứng.

8. Chống lại gốc tự do

Gốc tự do là những loại hóa chất có thể gây tổn hại cho tế bào cơ thể. Những nghiên cứu mới đã khám phá ra rằng có những loại protein trong khoai lang có khả năng chống oxy hóa (antioxidant) rất cao.

Những protein này chứa khoảng 1/3 lượng chất chống oxy hóa quan trọng nhất có trong cơ thể là glutathione.

Nhờ chứa một hàm lượng cao vitamin A và vitamin C, khoai lang có thể ngăn ngừa sự tổn thương tế bào, chống lại những gốc tự do trong cơ thể. Sự hình thành các gốc tự do được xem là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như xơ cứng mạch máu, đái tháo đường, tim mạch, ung thư…

9. Giảm nguy cơ ung thư vú

Một nghiên cứu do ĐH Harvard (Mỹ) thực hiện trên 124.000 người cho thấy, những người tiêu thụ thức ăn giàu carotene trong chế độ ăn uống thường xuyên của mình giảm tới hơn 32% nguy cơ ung thư phổi.

Màu cam trên vỏ khoai lang là dấu hiệu cho thấy mức carotene rất cao của loại củ này. Nhóm chất carotene giúp tăng thị lực, thúc đẩy hệ miễn dịch, chống oxy hóa và ngăn ngừa lão hóa.

Ngoài ra, những phụ nữ có nồng độ carotene cao nhất có nguy cơ tái phát ung thư vú thấp nhất. Đây là kết luận được các nhà khoa học từ WHEL (Women’s Healthy Eating and Living) đưa ra sau khi tiến hành nghiên cứu trên những phụ nữ hoàn tất giai đoạn đầu điều trị căn bệnh này.

10. Giúp giảm cân

Khoai lang cũng là sự lựa chọn số 1 cho những người muốn giảm béo. Năng lượng có trong khoai lang rất ít, chỉ bằng 1/3 so với cơm và 1/2 so với khoai tây. Loại củ này không chứa chất béo và cholesterol, ngăn ngừa quá trình chuyển hoá đường trong thức ăn thành mỡ và chất béo trong cơ thể. Ăn khoai lang trước bữa ăn sẽ tạo cảm giác no bụng, vì thế sẽ giảm được lượng thức ăn hấp thụ trong bữa ăn chính.

11. Điều trị bệnh loét dạ dày

Khoai lang còn có khả năng làm dịu nhẹ và điều trị bệnh loét dạ dày vì nó chứa nhiều vitamin B, vitamin C, potassium, beta carotene và calci. Chất xơ có trong khoai lang giúp phòng ngừa bệnh táo bón và kiểm soát nồng độ acid trong dạ dày nên cũng góp phần làm giảm các cơn đau và viêm loét dạ dày.

Khoai lang được chị em tin tưởng lựa chọn làm thực phẩm giảm cân

12. Kích thích tiêu hóa, chữa táo bón

Cách đơn giản nhất là ăn khoai lang luộc. Ăn khoai lang ở mức độ vừa phải (100 g/ngày) rất có lợi cho hệ tiêu hoá vì thành phần vitamin C và các acid amin giúp kích thích nhu động ruột, làm quá trình tiêu hoá thức ăn trở nên nhanh hơn, ngăn ngừa tình trạng táo bón.

Ngoài ra, để chữa táo bón còn có thể uống nước khoai lang luộc (phải rửa sạch vỏ). Tuy nhiên, ăn quá nhiều khoai lang cũng sẽ gây ra đầy bụng, khó tiêu.

13. Phòng ngừa bệnh viêm khớp

Chất beta cryptoxanthin dồi dào trong khoai lang có tác dụng phòng ngừa các bệnh viêm nhiễm mạn tính như viêm khớp, thấp khớp. Các kết quả nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy việc tiêu thụ nhiều chất beta cryptoxanthin giúp giảm 50% tỷ lệ phát triển của bệnh viêm khớp. Thêm vào đó, vitamin C có trong khoai lang còn giúp duy trì collagen và giảm thiểu tỉ lệ phát triển của bệnh viêm khớp.

Tác Giả: Đinh Bá Tường

Ăn gì để trẻ – sống thêm khỏe

Ăn rong biển: Thực phẩm này là một nguồn tuyệt vời của chất dinh dưỡng, từ kali, vitamin C và canxi đến beta-carotene… những chất dinh dưỡng giúp đẩy lùi lão hóa, bổ máu…Đây cũng chính là bí quyết để duy trì sự trẻ trung của phụ nữ Nhật Bản.

Bí quyết của sự trẻ trung của phụ nữ Nhật chính là rong biển

Ăn cá: Cá là món ăn tốt cho phụ nữ nói riêng và sức khỏe nói chung bởi vì nó là một nguồn tuyệt vời của axit béo omega-3, một loại axit giúp chống lại sự lão hóa hiệu quả và giúp da căng mịn, săn chắc. Để trẻ lâu, bạn không nên nói không với cá, đặc biệt là các loại cá như: cá hồi, cá ngừ, cá thu hoặc cá trích… Đây là loại thực phẩm tuyệt vời không những giúp kéo dài sự trẻ trung mà còn giúp giảm nguy cơ bệnh tim và ung thư vú.

Cá hồi, cá ngừ và hải sản giúp chống lại sự lão hóa

Uống trà xanh: Trà xanh là một trong những đặc điểm ẩm thực nổi tiếng và phổ biến của một số nước Châu Á, như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc…. Tác dụng của trà xanh là giàu chất chống oxy hóa EGCG chứa trong nó và giúp cơ thể khỏe mạnh bằng cách đào thải độc tố, loại bỏ mỡ thừa, chống lại các gốc tự do có khả năng gây ung thư…

Trong trà xanh có chứa EGCG – là chất chống oxy hóa cực hữu hiệu

Tiêu thụ đậu nành và các loại hạt:

Đậu nành là nguồn protein tuyệt vời, cung cấp cho bạn rất nhiều năng lượng và là thực phẩm tốt cho sự cân bằng kích thích tố trong cơ thể người phụ nữ. Đặc biệt là trong sữa đậu nành có nhiều acid béo không bão hòa có tác dụng không cho mỡ đóng tầng trong cơ thể và làm cho da dẻ hồng hào, tăng lượng vitamin B1 làm căng da mặt.

Các loại hạt chứa nhiều vitamin E, làm chậm quá trình lão hóa của da. Nó cũng ngăn ngừa da tránh được các tia cực tím có hại cho da, giúp da được cân bằng độ ẩm, làm cho da trẻ hơn, tươi sáng hơn. Bên cạnh đó, hạnh nhân và quả óc chó, là hai loại hạt rất giàu Omega-3 và axit béo, không gây bão hòa sắc tố da.

hãy tích cực ăn các loại hạt

Tiêu thụ các loại rau: Các loại rau nói chung không những giàu giá trị dinh dưỡng mà còn chứa nhiều chất xơ nên rất tốt cho quá trình tiêu hóa, đào thải độc tố khỏi cơ thể. Điều này sẽ giúp chị em khỏe mạnh và giảm áp lực trong việc tiêu hóa thức ăn, từ đó cũng giảm được phần nào những lo lắng khiến chị em nhanh già.

Các loại rau – không thể thiếu đối với sức khỏe và sắc đẹp

Tích cực ăn các loại hoa quả sau:

Bưởi chứa nhiều thành phần dinh dưỡng, nhất là vitamin C có thể giúp cơ thể giảm lượng cholestrol, cân bằng insulin và ngăn chặn sự xâm hại của gốc tự do. Vì vậy, bạn có thể ăn bưởi vào buổi sáng để kiếm soát năng lượng và ngăn chặn sự lão hoá diễn ra trên cơ thể suốt cả ngày.

Lựu là một loại trái cây có thành phần nước cao. Khi thực hiện một buổi sáng uống một cốc nước ép lựu có thể giúp cho hệ thần kinh tránh được sự căng thẳng và làm chậm quá trình lão hoá diễn ra trên cơ thể.

Ăn lựu để làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể

Quả việt quất có chứa lượng calo thấp, nhưng lại giàu vitamin, chất xơ và polyphenol. Những thành phần này có tác dụng hỗ trợ khả năng hoạt động linh hoạt của các bộ phận trên cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất.

Làn da nói lên tuổi tác của chúng ta và có nguy cơ bị lão hóa bất cứ lúc nào nếu không được chăm sóc hợp lý. Nhưng chúng ta thường chỉ để tâm chăm sóc tới da khi dấu hiệu lão hóa nhanh và rõ rệt mà khi đó, e rằng hơi… muộn. Vì vậy, đừng chần chừ gì nữa, hãy bắt đầu ngay hôm nay với phương pháp “ăn” bạn nhé!

Tác Giả: Đinh Bá Tường

Vi chất dinh dưỡng cho trẻ: Cần ít nhưng phải đủ

Có thể khẳng định rằng vi chất dinh dưỡng có rất nhiều vai trò khác nhau đối với cơ thể, giúp cho cơ thể có thể phát triển trí tuệ, thể chất, giúp cho cơ thể khỏe mạnh chống đỡ bệnh tật. Đặc biệt vi chất dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng về chiều cao và cân nặng ở trẻ em.

Tuy nhiên, cơ thể con người lại không tự tổng hợp được hoặc chỉ tổng hợp được lượng rất nhỏ không đủ cho các hoạt động đó. Do đó mà con người, đặc biệt là trẻ em phải bổ sung vi chất dinh dưỡng thông qua thực phẩm hàng ngày.

Vi chất dinh dưỡng là những chất mà cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ, tính bằng miligam hoặc nhỏ hơn, nhưng có vai trò rất quan trọng trong các quá trình sinh học của cơ thể, khi thiếu sẽ dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Vi chất dinh dưỡng hết sức cần thiết là do vi chất dinh dưỡng là thành phần chủ yếu để tạo ra các hormon, các dịch tiêu hóa. Bên cạnh đó, chúng tham gia vào việc xây dựng nên các tế bào, các mô; tham gia vào các hoạt động như hô hấp, chuyển hóa, bài tiết của tế bào, xây dựng nên hệ thống miễn dịch của cơ thể và tham gia vào nhiều cơ chế hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể. Ngoài ra, vi chất dinh dưỡng có tác dụng duy trì sự cân bằng của hệ thống nội môi, giúp phục hồi các tế bào, các mô bị tổn thương….

PGS.TS Lê Danh Tuyên – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) cho biết: “Thiếu vi chất dinh dưỡng bao gồm thiếu vitamin A, iod, sắt, kẽm là các vấn đề sức khỏe cộng đồng ở nước ta ảnh hưởng tới sự phát triển tinh thần và thể lực của trẻ em, đồng thời ảnh hưởng tới năng suất lao động của người Việt Nam và nhiều mặt kinh tế – xã hội”.

Việt Nam hiện có dân số hơn 90 triệu người và ước tính có khoảng 7,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng năm 2012 cho thấy, chế độ ăn điển hình của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không cung cấp đủ năng lượng, chất dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng cho trẻ để có sự tăng trưởng và phát triển tối ưu. Kết quả từ cuộc Điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2010 cho thấy có 9,1% trẻ em bị thiếu máu; 12,9% có tình trạng thiếu sắt và 51,9% thiếu kẽm. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 25,9%.

Thiếu vi chất dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ dễ bị còi xương (Ảnh: Internet)

Theo Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia Lê Bạch Mai: “Giải pháp để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng bao gồm các tiếp cận dựa vào thực phẩm, tăng cường vi chất vào thực phẩm và bổ sung vi chất dinh dưỡng. Đặc biệt, công tác truyền thông giáo dục đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao kiến thức và thực hành dinh dưỡng đúng trong phòng chống các bệnh do thiếu vi chất dinh dưỡng, đa dạng bữa ăn, sử dụng các thực phẩm giàu vi chất. Các bà mẹ nên cho trẻ bú sớm, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và chú ý sử dụng các thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng”.

Nhu cầu những vi chất dinh dưỡng thường rất nhỏ nhưng rất cần cho sức khỏe, sự phát triển tầm vóc và trí thông minh. Tuy nhiên chúng dễ bị thiếu hụt trong chế độ ăn. Các nghiên cứu cho thấy suy dinh dưỡng không chỉ là chậm lớn, thấp bé, nhẹ cân mà luôn đi kèm với tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu vitamin A, thiếu sắt và thiếu Iod. Điển hình như:

Vitamin A: Là loại vitamin tan trong dầu cần thiết cho quá trình nhìn, phát triển xương, sinh sản, sự phân bào, sự sao chép gene. Vitamin A còn giúp điều chỉnh hoạt động của hệ miễn dịch bằng cách tạo bạch cầu chống lại vi trùng và virus gây bệnh. Thiếu vitamin A trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng và dễ mắc các bệnh: sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… Hậu quả nghiêm trọng nhất của thiếu vitamin A là quáng gà, khô mắt, có thể dẫn đến mù lòa.

Iod: Là vi chất dinh dưỡng rất cần cho sự tăng trưởng và hoạt động trí não mà cơ thể chỉ cần với một lượng rất nhỏ. Thế nhưng nếu thiếu thì tác hại vô cùng. Chức năng quan trọng nhất của iod là tham gia tạo hormone giáp T3 (Triiodothyronine) và 4 (thyroxine). Đây là những hormone rất cần cho sự phát triển bình thường của não, làm tăng quá trình biệt hóa tế bào não, tham gia vào chức năng của não bộ. Bên cạnh chức năng điều hòa chuyển hóa cơ thể, hormon giáp còn tham gia trong việc chuyển đổi beta-carotene thành vitamin A, tổng hợp protein, hấp thu chất bột đường ở ruột non.

Nên bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng bằng các sản phẩm thực phẩm chức năng (Ảnh: Internet)

Nếu thiếu iod dễ dẫn đến thiếu hormone gây ra nhiều rối loạn khác nhau, gọi chung là các rối loạn do thiếu iod. Thiếu iod ở phụ nữ trong thời gian mang thai có thể gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, mẹ thiếu iod nặng, trẻ sinh ra có thể bị đần độn do tổn thương não vĩnh viễn. Thiếu iod liên tục ở trẻ em và thanh thiếu niên, sẽ gây giảm khả năng trí tuệ, giảm chỉ số thông minh, học hành kém, lưu ban, bỏ lớp, kể cả chậm phát triển thể chất, suy dinh dưỡng, lùn, kém hoạt động…

Sắt: Là một vi chất quan trọng tham gia trong quá trình tạo máu và một phần cấu trúc của bộ não. Sắt trong các hemoglobin và myoglobin có thể gắn với oxy phân tử rồi chuyển chúng vào trong máu và dự trữ ở trong cơ. Hemoglobin có trong tế bào hồng cầu và làm hồng cầu có màu đỏ. Myoglobin chỉ có ở cơ vân, có tác dụng như là nơi dự trữ oxy, chúng kết hợp với các chất dinh dưỡng để giải phóng năng lượng cho hoạt động cơ bắp.

Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng thường hay gặp nhất, phụ nữ mang thai, phụ nữ từ 15 – 49 tuổi, đặc biệt là các em gái tuổi dậy thì, là những đối tượng thường bị đe dọa thiếu máu dinh dưỡng. Đối với trẻ em thiếu sắt làm chậm lớn, suy dinh dưỡng, kém thông minh, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như: viêm họng, viêm phổi, tiêu chảy…; Đối với phụ nữ có thai thiếu sắt làm chậm phát triển bào thai, dễ bị đẻ non hay đẻ con thiếu cân, tăng tỷ lệ tử vong của mẹ và con; Đối với thanh thiếu niên và người lao động làm giảm thể lực, giảm khả năng học tập, giảm sự tập trung, chú ý, tăng rủi ro khi lao động, giảm sức đề kháng, giảm năng suất lao động.

dạng hóa bữa ăn hàng ngày để cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng (Ảnh: Internet)

Kẽm: Là vi chất cần thiết để tổng hợp enzyme giúp chuyển retinol thành retinaldehyde trong ruột và các tổ chức khác (kể cả võng mạc mắt). Kẽm còn tham gia vào quá trình tổng hợp và điều hòa protein vận chuyển vitamin A.

Thiếu kẽm có thể dẫn đến một số rối loạn tiêu hóa, chuyển hóa, thần kinh, đặc biệt là các enzyme cần thiết cho sự tổng hợp protein, acid nucleic cũng như sự tổng hợp bài tiết của nhiều hormon tăng trưởng quan trọng khác. Thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai sẽ làm giảm cân nặng và chiều cao trẻ sơ sinh. Trẻ em thiếu kẽm sẽ dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn, chậm phát triển chiều cao, rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì, giảm chức năng sinh dục.

Để phòng ngừa thiếu vi chất dinh dưỡng chúng ta cần phải chú ý đến việc đa dạng hóa bữa ăn trong gia đình, lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, ăn đủ nhu cầu năng lượng, ăn đủ rau và trái cây tươi, tăng cường ăn rau xanh đậm và củ quả vàng đậm, thực phẩm nguồn gốc động vật và hải sản chứa nhiều kẽm, thường xuyên dùng muối Iod trong ăn uống và chế biến thức ăn.

Tác Giả: ĐInh Bá Tường