Áp tơ vùng miệng

Bệnh ap-tơ (aphtes) – Ap-tơ thường bắt đầu là một mụn nước nhỏ rất dễ giập vỡ để lại một vết trợt nông ở niêm mạc miệng, hình tròn hoặc bầu dục, đường kính từ 2-10mm, bờ rõ rệt, đáy màu vàng nhạt, xung quanh có một đường viền màu đỏ tươi, rất đau lúc nói hoặc khi ăn uống. Khu trú của ap-tơ thông thường là mặt trong má, ở rãnh môi – lợi, ở đầu lưỡi, ở bờ bên và nơi hãm lưỡi, đôi khi kèm theo viêm toàn bộ niêm mạc miệng.

Áp tơ vùng miệng - căn bệnh phổ biến ở 1/5 dân số

Biểu hiện của bệnh này là sự xuất hiện các chấm trắng nhỏ ở lợi, gây đau, xót nhất là khi ăn mặn và chua; về đêm thường làm sưng môi, cằm. Áp-tơ vùng miệng tuy nhẹ nhưng gây khó chịu. Cứ 5 người thì một người mắc bệnh này.

Nguyên nhân gây áp-tơ vùng miệng đến nay vẫn chưa xác định được rõ ràng vì có nhiều yếu tố liên quan đến phát sinh bệnh:

- Nhiễm khuẩn: Do mất cân bằng sinh học của tạp khuẩn trong miệng bao gồm: các vi khuẩn ái khí, kỵ khí và nấm cộng sinh.

- Nội tiết: Thể hiện khá rõ ở phụ nữ (dễ bị áp-tơ trong thời kỳ sau đẻ, thời kỳ mãn kinh hoặc trong khi mang thai).

- Tâm lý và xúc cảm: Stress được xem như một yếu tố thuận lợi.

- Các thực phẩm hư gia vị (tiêu, ớt), trái cây chua (giấm, chanh) làm tăng độ pH nước bọt, ltạo điều kiện cho sự tăng sinh của các vi sinh vật ưa axit trong miệng.

- Vitamin: Người ta thấy những người bị áp-tơ miệng luôn luôn bị thiếu sắt và thiếu sinh tố B12.

Về biểu hiện lâm sàng, áp-tơ vùng miệng có hai loại chính:

Áp-tơ đơn độc: Là thể bệnh hay gặp nhất (80%). Tổn thương là một vết loét có đường kính 3-10 mm thường là hình tròn, gây đau nhức tại chỗ, cảm giác bị bỏng, căng và nặng thêm khi cọ xát, tiếp xúc với thức ăn, gây trở ngại khi nhai, nói. Mỗi đợt áp-tơ đều tiến triển qua 4 giai đoạn:

Giai đoạn báo bệnh: 24 giờ trước, bệnh nhân có cảm giác nóng rát ở vùng niêm mạc sẽ bị loét.

Giai đoạn trước loét: Từ 18 giờ đến 3 ngày xuất hiện một vết ban nhỏ có màu đỏ hoặc xuất hiện một nốt sần ở giữa màu vàng, có quầng đỏ bao quanh. Tổn thương này có thể tự khỏi sau 2-3 ngày.

Giai đoạn loét: Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6. Tổn thương lúc này rộng ra, màng hoại tử tróc ra để lại một vết loét hình tròn có đường kính 2-10mm đáy trũng, bờ rõ rệt, có viền đỏ bao quanh và tiết dịch nhày ở giữa.

Giai đoạn lành bệnh: Đau giảm dần sau 5-7 ngày. Viêm và quầng đỏ biến dần. Đáy vết loét trở lại màu hồng, biểu mô mọc trở lại, vết loét lành không để lại sẹo.

Áp-tơ trầm trọng: Khoảng 10% người bệnh ở dạng này những vết loét tái phát xa hoặc rất gần nhau làm đau dữ dội, tăng tiết nước bọt, khó nuốt, miệng hôi, bệnh nhân khó ăn, khó ngủ và lo lắng... Đôi khi có bội nhiễm gây sốt, nổi hạch, thiếu máu nhẹ và giảm bạch cầu. Bệnh kéo dài khoảng 10-30 ngày và khi lành sẽ để lại sẹo.

Do chưa biết rõ cơ chế gây bệnh nên việc điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng, làm giảm độ tái phát của bệnh. Bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa khám và theo dõi.

BS Mạc Cẩm Thúy, Sức Khỏe & Đời Sống