FacebookYouTube

----- Giới thiệu  -----

Kính thưa quý thầy cô giáo và các bạn học sinh thân mến !

 

Phong tục tập quán của các dân tộc Việt Nam vô cùng phong phú, đa dạng, giàu bản sắc. Năm mươi tư dân tộc anh em sinh sống trên khắp mọi miền tổ quốc hình chữ S, mỗi dân tộc lại lưu giữ trong mình những nét văn hóa đặc trưng, riêng biệt.

Là một tỉnh miền núi cực bắc địa đầu của Tổ quốc, nơi có cộng đồng 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, Hà Giang đã và đang lưu giữ nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, những giá trị di sản văn hóa vô cùng quý báu. Theo kết quả kiểm kê di sản năm 2021, Hà Giang còn lưu giữa 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 bảo vật quốc gia, 61 di tích, danh thắng, 27 di sản văn hóa phi vật thể được xếp hạng và đưa vào danh mục di sản văn hóa cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Những giá trị di sản đó đã và đang trở thành những tiềm năng vô giá để Hà Giang bứt phá phát triển du lịch trong tương lai.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tốt đẹp đó, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Hà Giang, đặc biệt là những vùng xa xôi, hẻo lánh do nhận thức hạn chế của một bộ phận nhỏ đồng bào nên vẫn còn tồn tại các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, những tục lệ biến tướng đã và đang gây nhiều hệ lụy xấu là nguyên nhân khiến biết bao gia đình rơi vào cảnh nghèo đói, bệnh tật, làm tổn hại sức khỏe và tinh thần con người, vừa là vật cản cho sự phát triển của xã hội và đặc biệt đang ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ tương lai chúng em.

    Trước thực trạng đó, đầu năm 2022, Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết chuyên đề số 27 về "Xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh" giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn các tập quán, phong tục lạc hậu trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Để làm được điều đó cần sự chung sức đồng lòng của các cấp lãnh đạo, của các tổ chức, cá nhân, trong đó có vai trò quan trọng của nhà trường. Dưới sự dẫn dắt, định hướng các thầy cô giáo, mỗi học sinh chúng em sẽ trở thành lực lượng xung kích, tiên phong trên hành trình bài trừ hủ tục, để bảo tồn, phát huy tối đa các mỹ tục.

Tuy nhiên hiện nay chúng em nhận thấy việc tiếp cận thông tin về vấn đề này còn bị động và chưa đầy đủ do công tác tuyên truyền chưa thực sự được thường xuyên, liên tục, chỉ vào kỳ cuộc, nhỏ lẻ ở các buổi tuyên truyền, diễn đàn, hội thi… Phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời gian, không gian và hình thức tổ chức, số lượng người tiếp cận còn hạn chế. Đặc biệt là trong giai đoạn giãn cách xã hội và khoảng cách địa lý càng làm cho công tác thông tin, tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Khi gặp phải vấn đề liên quan nhiều bạn học sinh cũng như người dân còn lúng túng, thiếu thông tin và phương pháp giải quyết.

Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của thời đại công nghệ thông tin 4.0 mạng internet đã đến khắp các bản làng ngõ hẻm, chỉ cần gõ từ khoá là rất nhiều thông tin xuất hiện, nhưng nội dung về bài trừ hủ tục lạc hậu thì hiện nay cũng chưa có một hệ thống thông tin nào đầy đủ để mọi người có thể chủ động tìm hiểu một cách hệ thống.

Xuất phát từ những lý do trên đã thôi thúc chúng em thực hiện dự án: “Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong tuyên truyền bài trừ hủ tục lạc hậu” với mong muốn tạo ra được hệ thống thông tin tổng quan các nội dung có liên quan về bài trừ hủ tục lạc hậu, gồm:

-   Thông tin về văn hoá lễ hội truyền thống

-   Những hủ tục lạc hậu và tục lệ biến tướng (Nhận diện, hậu quả, phương pháp giải quyết và quy định pháp luật)

-  Tài liệu tuyên truyền về bài trừ hủ tục lạc hậu

-  Trắc nghiệm online tìm hiểu kiến thức và khảo sát liên quan về bài trừ hủ tục lạc hậu

-   Thông tin, hỗ trợ về bài trừ hủ tục lạc hậu

 Toàn bộ thông tin được xây dựng dựa trên các công cụ và phần mềm miễn phí trực quan và cập nhật, nhằm chia sẻ thông tin rộng rãi, linh hoạt ai cũng có thể tìm hiểu mọi lúc, mọi nơi, là một kênh tuyên truyền, tương tác hỗ trợ và nguồn tư liệu tham khảo giúp mọi người cùng tìm hiểu, chia sẻ, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm góp phần chung tay nếp sống văn minh, hiện đại.

Để hoàn thành dự án này chúng em trân trọng gửi lời cảm ơn sự hướng dẫn tận tình của cô giáo Bùi Thị Xuân và giúp đỡ quý báu của :

Chúng em rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ, góp ý của các thầy cô giáo và các bạn để dự án hoàn thiện và có giá trị. 

Chúng em xin chân thành cảm ơn !