Một số lễ hội văn hoá - phong tục tập quán truyền thống các dân tộc ở Hà Giang

       Hà Giang có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90% dân số, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông, Tày, Dao... Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán rất riêng, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo cho mảnh đất này. Từ lâu, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bảo các dân tộc trên địa bàn.

                 Các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm, ngoài phần nghi lễ còn có các hoạt động văn hóa, văn  nghệ, dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian, đem đến một không gian đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, tạo điểm nhấn thu hút khách thập phương. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc trên địa bàn còn lưu giữ được ngôn ngữ, chữ viết, kho tàng tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, trang phục, công cụ lao động, nhạc cụ… 

GIỚI THIỆU CHUNG 

Hà Giang có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90% dân số, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông, Tày, Dao... Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán rất riêng, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo cho mảnh đất này. Từ lâu, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bảo các dân tộc trên địa bàn. 

Tỉnh Hà Giang có khoảng 20 lễ hội truyền thống, trong đó hầu hết là lễ hội dân gian còn lưu giữ được những phong tục, tập quán đặc trưng của các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Nếu như đồng bào dân tộc Mông có lễ hội Gầu Tào, người Nùng, người Pu Péo có Lễ cúng Thần rừng, người Dao có lễ Cấp sắc, thì người Pà Thẻn có lễ hội Nhảy lửa, người Lô Lô có lễ cúng Tổ tiên, người La Chí có lễ Mừng cơm mới; người Tày có lễ hội Lồng Tồng…

Các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm, ngoài phần nghi lễ còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian, đem đến một không gian đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, tạo điểm nhấn thu hút khách thập phương. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc trên địa bàn còn lưu giữ được ngôn ngữ, chữ viết, kho tàng tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, trang phục, công cụ lao động, nhạc cụ…

Tỉnh Hà Giang có 19 dân tộc cùng sinh sống và  bà con các dân tộc đã chủ động, tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ sau. Tại huyện Quang Bình, UBND huyện tổ chức các lớp học nghề truyền thống như dệt tơ tăm, dệt thổ cẩm cho các em học sinh và mời các nghệ nhân giỏi về truyền dạy các làn điệu dân ca, các nhạc cụ dân gian cho con em các dân tộc... Trong năm nay, huyện đã ban hành kế hoạch về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.  

Tỉnh Hà Giang chủ trương gắn kết chặt chẽ các chương trình, kế hoạch giữa bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch bền vững. Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc đã có nhiều thành tựu đáng kể. Các lễ hội truyền thống, giá trị phi vật thể, phong tục tập quán của các dân tộc được phục hồi, phát triển và ngày càng được nhiều người biết đến, trở nên gần gũi với công chúng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, du lịch phát triển, nhất là du lịch cộng đồng đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân, đồng thời tạo động lực cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cho phát triển du lịch. 

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc gắn với việc khai thác tiềm năng về du lịch trên địa bàn, tỉnh Hà Giang đã đầu tư, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý làm nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững. 



Lễ hội Nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn

  Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn

Nhảy lửa (Cầu lửa) là lễ hội truyền thống của người Pà Thẻn tại thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, thường được tổ chức vào ngày 16/10 (Âm lịch) hàng năm khi mùa màng đã thu hoạch xong. Đây là một lễ hội độc đáo, đậm nét Shaman giáo, sơ khai và huyền bí.

Theo truyền thống, Nhảy lửa gắn liền với lễ truyền nghề thầy cúng - được tổ chức cho các thầy cúng nhận học trò và truyền nghề. Theo tiếng Pà Thẻn, lễ truyền nghề thầy cúng được gọi là “Póc Quơ”, hội Nhảy lửa được gọi là “Po dinh họn a tờ”. Ngày nay, lễ hội này được biết đến rộng rãi với tên gọi Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn.

Thông thường, Lễ hội Nhảy lửa diễn ra theo từng họ. Họ nào tổ chức thì cùng nhau chuẩn bị lễ vật, gồm: một con gà trống, một bát gạo, hương, một chai rượu, tiền giấy… Các thành viên khác trong họ có trách nhiệm chuẩn bị củi khô. Thành phần chính tham gia gồm có thầy cúng (Pác mân) và các học trò (Tô thích). Trước kia, một hội nhảy lửa thường có khoảng 10 - 12 học trò và tất cả đều phải là học trò của người thầy cúng đó. Hiện nay, số người học làm thầy cúng không đông như trước, nên chỉ còn 5 - 6 người nhảy và cũng không bắt buộc phải là học trò cùng thầy, mà có thể là thanh niên trai tráng trong làng hoặc những học trò của thầy cúng khác cũng có thể tham gia.

Lễ hội chính thức được bắt đầu vào khoảng 8 giờ tối. Mở đầu, thầy cúng thắp nến và bày lễ vật lên mâm cúng, rồi thắp ba nén hương cắm vào bát hương trên bàn, rồi thắp ba nén hương khác, cắm dưới đất bên cạnh ghế nơi thầy cúng ngồi. Sau đó, thầy ngồi vào ghế cúng, một tay cầm que tre, một tay cầm chiếc vòng lắc Pà sán tầu vừa gõ que tre vào đàn Pàn dơ vừa lắc vòng, thân người rung bần bật theo từng nhịp gõ, miệng đọc bài cúng đầu tiên nói lên lý do tổ chức Lễ hội Nhảy lửa bằng tiếng Pà Thẻn. Thầy cúng sai các học trò nhóm lửa vào đống củi, rồi thầy cầm bát nước thơm đi vẩy vào bốn góc của đống lửa và vẩy lên các học trò. Tiếp đó, thầy quay về đàn cúng, tay gõ đàn Pàn dơ và lắc Pà sán tầu liên tục, miệng đọc các bài cúng để được “xuất hồn” lên trời tìm các vị thần về nhập vào các chàng thanh niên đã ngồi chờ. Khi cúng, đầu ông thầy lắc lư, hai chân thầy rung lên đều đặn theo nhịp gõ của đàn Pàn dơ, nhạc lắc Pà sán tầu bên tay trái thầy cũng rung lên từng nhịp tạo âm thanh náo động, dồn dập. Người Pà Thẻn cho rằng, lúc này ông thầy đang xuất hồn đi chu du ở thế giới bên kia để tìm các vị thần. Thế giới bên kia là thế giới vô hình, chỉ nhờ có ma “âm binh” phù trợ thầy cúng mới nhìn thấy và đi đúng vào con đường mà các ma nam “Pạ quơ” đang trú ngụ.

Qua bài cúng và nhạc điệu, người Pà Thẻn cho rằng, con đường đi tìm thần về nhảy lửa của thầy cúng thật lắm gian lao, vất vả, có khi phải đi qua cả hang quỷ. Do vậy, thầy cúng phải là thầy cao tay, có nhiều phép thuật và quân binh mới làm được.

Sau tiếng nhạc nổi lên, cùng với lời gọi của thầy cúng trong khoảng 20 - 30 phút, cơ thể của các chàng trai bắt đầu rung lên, ánh mắt khác lạ, đầu lắc đi, lắc lại... Họ cho rằng, các thần ở trên trời đã xuống và nhập vào những người đó. Cứ thế, họ lao vào nhảy múa giữa đống lửa đang đỏ hồng, với bàn chân trần và dùng tay bốc than tung lên, ánh than phủ kín một màu đỏ rực xung quanh người nhảy, có người còn cho than hồng vào mồm nhai. Khi một người nhảy xong lao từ trong đống than hồng ra, thì lại có một người khác tiếp nối, cũng có khi hai, ba người cùng vào nhảy một lúc. Họ vẫy vùng trong ánh lửa hồng rực trước sự reo hò, khích lệ của người xem như không hề cảm thấy sức nóng của than hồng. Trong lúc đó, thầy cúng vẫn không ngừng gõ đàn và đọc bài cúng như hòa vào nhịp nhẩy của các học trò, toàn thân rung lên bần bật trên ghế.

Khi một người kết thúc màn nhảy lửa của mình thì trở về ngồi bên cạnh thầy cúng và một lúc sau người lại rung lên, đầu lắc liên tục, rồi bất ngờ thay người khác lao vào đống lửa nhảy múa với than hồng. Việc nhảy lửa cứ thế diễn ra trong khoảng một tiếng - Lửa tàn thì nhóm lại, rồi nhảy tiếp cho đến khi đống than tàn hẳn mới thôi. Khi lửa tàn hẳn, thầy cúng sẽ đọc bài cúng tiễn các ma về trời, lúc này các học trò của thầy mới dần tỉnh lại. Điều kì lạ nhất là họ không thấy đau  đớn và cũng không hề bị bỏng. Lễ hội kết thúc, thầy cúng đọc bài cúng cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cho dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.

Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn đã có lịch sử lâu đời và được gìn giữ, duy trì qua nhiều thế hệ. Lễ hội không chỉ phản ánh vai trò và địa vị của những người thầy cúng trong xã hội trước kia, mà còn là bằng chứng thể hiện những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai, niềm tin vào thế giới thần linh và những thế lực siêu nhiên.

Lễ hội Nhảy lửa còn là một di sản văn hóa mang tính đại diện tộc người, được biết đến như một bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn. Khi nhắc đến Lễ hội Nhảy lửa, người ta nghĩ ngay đến người Pà Thẻn và ngược lại. Đây cũng là lễ hội duy nhất của người Pà Thẻn còn duy trì đến ngày nay.

Lễ hội Nhảy lửa là nguồn tư liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu truyền thống, lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng người Pà Thẻn ở thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang nói riêng và của người Pà Thẻn nói chung.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của di sản, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội Nhảy lửa của người Pà Thẻn vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1, tháng 12/2012) nhằm bảo tồn và phát huy một lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa tộc người và thu hút được đông đảo cộng đồng tham gia.

Website Cục di sản văn hoá: http://dsvh.gov.vn/le-hoi-nhay-lua-cua-nguoi-pa-then-1041

Nghi lễ Cấp sắc dân tộc Dao

  Người Dao quan niệm, đàn ông nếu chưa trải qua Lễ cấp sắc thì dù già vẫn coi là trẻ con vì chưa có thầy Cấp sắc, chưa được cấp đạo sắc, chưa có tên âm. Người đã qua Cấp sắc dù ít tuổi vẫn được coi là người trưởng thành, được tham gia vào các công việc hệ trọng của làng, được giúp việc cho thầy cúng, được cúng bái.

  Họ cũng quan niệm rằng có trải qua Lễ cấp sắc mới biết lẽ phải trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Nếu gạt bỏ những yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng thì Lễ cấp sắc có tính giáo dục rất lớn, thể hiện qua những lời giáo huấn hướng tới việc thiện, không làm điều ác. Các điều giáo huấn được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng kiến của tổ tiên và các quan âm binh nên tính giáo dục càng có giá trị.

  Lễ cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng hàng năm, vì đây là thời gian nhàn rỗi. Ngày thụ lễ được lựa chọn rất kĩ, người Dao Đỏ, Dao Tiền thường làm lễ cấp sắc từ độ tuổi 12-30, có khi đến già, trong khi đó ở người Dao Áo Dài là 11-19 tuổi. Người Dao Đỏ có thể tổ chức Cấp sắc cho một đợt tối đa 13 người (nếu ít hơn phải theo số lẻ) và ở nhà trưởng họ; người Dao Áo Dài mỗi lần chỉ cấp sắc cho một người và tại nhà người đó. Gần đến ngày lễ, gia đình phải cử người mang lễ vật đi mời thầy cúng, người được thụ lễ phải kiêng hò hát, cãi nhau, ngủ chung... Để phục vụ lễ nghi và khoản đãi dân làng đến chứng kiến, các gia đình có người thụ lễ phải chuẩn bị các vật thiết yếu như lợn, thóc gạo, rượu, y phục thầy cúng... Mỗi nhóm Dao có một cấp bậc cấp sắc: người Dao Đỏ và Dao Áo Dài cấp 7 đèn, Dao Tiền cấp 3 đèn. Mỗi Lễ cấp sắc phải có 6 thầy cúng đảm nhiệm các nhiệm vụ và các nghi lễ lớn nhỏ khác nhau. Các thầy cúng trước khi hành lễ đều phải cúng ma ở bàn thờ tổ tiên nhà mình để xin được phù hộ và đi theo giúp đỡ. Tại nơi hành lễ, họ treo tranh Ngọc Hoàng và các vị thần thánh của người Dao, lập bàn thờ tổ tiên người thụ lễ và bàn thờ các thần thánh. Khi hành lễ, các thầy cúng phải thực hiện rất nhiều bài cúng, múa, điệu bộ phép thuật theo sách cấp sắc; người thụ lễ, có khi cả vợ anh ta cũng phải thực hiện nhiều động tác nghi lễ theo sự chỉ dẫn của các thầy. Khác với nhóm Dao Đỏ và Dao Tiền, người Dao Áo Dài có một nghi thức gọi là hóa kiếp khá đặc biệt. Theo đó, người thụ lễ phải ngồi xổm, bất động, các ngón tay bắt vào ngón chân khoảng một giờ đồng hồ, rồi mới được thầy đẩy nhẹ cho rơi xuống một cái võng có 3-4 người đỡ. Làm xong lễ hóa kiếp là lễ giáo huấn, lễ thề và lễ đặt tên cấp sắc. Ở tất cả các nhóm Dao, sau khi thực hiện đầy đủ các nghi thức phức tạp và đã cấp sắc cho người thụ lễ xong, các thầy cúng đều phải cúng tạ ơn tổ tiên, thần thánh đã đến dự thì nghi lễ mới kết thúc.

  Lễ Cấp sắc của người Dao nói riêng và bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung là cái hồn riêng của mỗi dân tộc, cần phải được gìn giữ và phát huy. Đây được xem là nhiệm vụ chiến lược để đảm bảo cho một nền văn hóa phát triển lâu dài và bền vững không chỉ ở vùng dân tộc miền núi Hà Giang mà của cả dân tộc Việt Nam nói chung.

Website Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Giang

https://hagiang.gov.vn/province/pages/information.aspx?CateID=10&ItemID=47

 Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông

    Lễ hội Gầu Tào là lễ hội tiêu biểu nhất của người Mông ở Hà Giang, được diễn ra vào khoảng từ ngày mùng 3 đến ngày15 tháng giêng âm lịch hàng năm.

    Lễ hội Gầu Tào được mở ra với ý nghĩa là cúng tạ trời đất, núi sông đã ban cho con người sức khoẻ, con cái, tài lộc, con cái học hành, công tác thành đạt và mùa màng bội thu, ngô lúa đầy sàn, gia súc, gia cầm đầy chuồng. Lễ hội cũng là dịp để người người gặp gỡ, vui chơi; là cơ hội để mọi người thi thố tài năng, như: thi các làn điệu dân ca giao duyên, các điệu múa khèn… Lễ hội mang lại cho mọi người tinh thần phấn chấn bước vào một năm mới làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu, gặp nhiều may mắn hơn năm qua. Bắt đầu lễ hội là Lễ dựng cây nêu. Thầy cúng cùng gia đình hay đại diện làng bản đứng ra tổ chức lễ hội sẽ làm lễ dựng cây nêu (là cây mai cao vút ngọn để lá phần ngọn và trang trí thêm các hình nhân và các hoa văn xung quanh bằng nhiều màu xanh, đỏ, tím, vàng) thông báo cho dân bản gần xa biết về tham dự chung vui.

  Sau khi sợi chỉ màu được căng quanh cột cây nêu và khi trưởng lễ hát bài dựng cây nêu thì phần hội được bắt đầu với các cuộc vui chơi, ca hát, thi thố tài năng. Ngoài những trò chơi dân gian như đánh yến, đua ngựa, đánh cù... còn có những trò chơi mang tính nghệ thuật như múa khèn, thổi sáo, thi hát đối đáp. Sau 3 đến 5 ngày diễn ra lễ hội, khi lá trên ngọn cây nêu đã rụng hết, cũng là lúc đồng bào làm lễ hạ cây nêu, kết thúc lễ hội.

  Lễ hội Gầu Tào của người Mông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2012.

(Trích: Tài liệu tuyên truyền giáo dục bài trừ, xóa bỏ hủ tục, dùng trong các trường THPT tỉnh Hà Giang)

 Lễ hội Lồng Tồng dân tộc Tày, Nùng

  Lễ hội Lồng Tồng (Lễ xuống đồng) đã có từ rất lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác phổ biến trong cộng đồng dân tộc Tày, Nùng ở Hà Giang; là lễ hội quan trọng nhất vào dịp đầu năm mới, gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước củangười Tày, Nùng; được tổ chức để cầu mong một năm mới mùa màng bội thu, bản làng yên lành, no đủ, hạnh phúc. Lễ hội thường được nhân dân tổ chức từ ngày mùng 3 đến hết ngày 30 tháng giêng âm lịch hằng năm. Một số nơi, lễ hội được tổ chức gắn với Lễ hội Chùa như: Lễ hội Chùa Bình Lâm, xã Phú Linh tổ chức ngày mùng 6 tháng giêng và Lễ hội Chùa Sùng Khánh, xã Đạo Đức (huyện Vị Xuyên) tổ chức ngày rằm tháng giêng hằng năm...

  Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng bao gồm phần lễ và phần hội. Vào ngày tổ chức lễ hội, tất cả mọi người trong thôn, trong bản đều tham gia làm lễ. Lễ hội được tổ chức ngoài trời, trên một thửa ruộng lớn gọi là ruộng xuống đồng. Phần lễ bắt đầu bằng việc rước mâm lễ (có nơi rước từ một ngôi đền, chùa hoặc miếu thờ thành Hoàng làng có nơi rước từ một gia đình già làng, trưởng bản có uy tín nhất) đến khu diễn ra lễ hội. Các mâm lễ là các sản vật của địa phương để dâng tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho nhân dân địa phương có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mâm lễ thường có khẩu nua (xôi nếp), hua mu (thủ lợn), nựa mu, nựa cáy (thịt lợn, gà), lẩu (rượu) và các loại bánh như: bánh khảo, chè lam… Ở một số nơi tổ chức lễ hội qui mô lớn, người chủ trì còn cho tổ chức lễ hiến tam sinh (trâu, lợn, gà hay lợn, dê, gà). Đặc biệt, trên mỗi mâm cỗ đều có hai đôi quả còn được làm bằng vải mầu, trong nhồi cát, bông, có tua rua nhiều màu sắc sặc sỡ. Người làm lễ đứng vòng quanh mâm cúng, khi thắp hương, thầy mo đọc lời khấn và bắt đầu những nghi thức cầu cúng. Sau phần rước, thầy mo (chủ lễ) sẽ làm lễ khai lộ và nghilễ tạ ơn các vị thần linh, cầu trời, đất và các vị thần cho người dân một năm mới người người có sức khỏe, hạnh phúc... Sau nghi thức dâng hương, dân làng cử ra một người vạch một luống cày đầu năm mở đầu cho cuộc sống nhà nông. Sau đường cày khai hội là những trò chơi dân gian. Tung còn là trò chơi vui nhất, đông người tham gia nhất, người dân quan niệm trong hội phải có người tung được quả còn ngũ sắc xuyên thủng hồng tâm thì năm đó bản làng mới có thể làm ăn thuận lợi. Tiếp đó là những bài hát Sli mượt mà, tình cảm với những câu Lượn giao duyên gái trai, trò chơi kéo co giữa các cô gái, chàng trai Tày, Nùng. 

  Lễ hội Lồng Tồng là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, mang tính chất cầu mùa của các cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng mang đậm dấu vết tín ngưỡng phồn thực, cầu mong sự sinh sôi nảy nở.

(Trích: Tài liệu tuyên truyền giáo dục bài trừ, xóa bỏ hủ tục, dùng trong các trường THPT tỉnh Hà Giang)

Lễ hội chợ tình Khâu Vai  


Lễ hội chợ tình Khâu vai mỗi năm một lần duy nhất vào dịp 27/3 (âm lịch) Du khách được chìm đắm trong không khí tưng bừng náo nhiệt của lễ hội, ngây ngất trước khung cảnh núi non hùng vĩ, rạo rực trong tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn du dương, trầm bổng với tiếng khèn Mông, lời hát đối đáp tỏ tình của các chàng trai, cô gái Mông, Nùng, Giấy...

Hàng năm  mỗi độ xuân về cao nguyên đá Đồng Văn đang ấm dần trở lại bởi sắc hoa Đào, hoa Lê, hoa Mận... Mùa lộc biếc, bồi hồi trong mắt người thương... mùa xuân cũng là mùa lễ hội của các dân tộc với sắc màu rực rỡ, náo nhiệt đầy tính nhân văn. Trong các lễ hội tiêu biểu phải kể đến lễ hội “Chợ tình Khâu vai” hết sức độc đáo, ấn tượng khó quên.

Từ thị trấn Mèo Vạc huyện Mèo Vạc du khách có thể đi bằng xe gắn máy hoặc ô tô ngược qua Cán Chu Phìn, Lũng Pù đến với Khâu Vai: Từ lâu đời cái xóm nhỏ heo hút ở vùng cao núi đá huyện Mèo Vạc mang tên Khâu Vai đã trở thành nơi hội tụ của những đôi trai gái tìm bạn tình, của đôi lứa yêu nhau, của cả những người đã từng yêu nhau mà không lấy được nhau . Nơi đây còn được gọi bằng cái tên thật đẹp “Chợ Phong lưu” một hiện tượng văn hoá đặc sắc hiếm có ở Việt Nam và có lẽ cả trên thế giới.

Nội dung lễ hội chợ tình Khâu Vai có hai phần:

Phần lễ: Dâng lễ lên miếu ông, miếu bà, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nhớ công lao những người đã có công khai thác vùng đất Khâu Vai. Tôn vinh sự thuỷ chung trong sáng của tình yêu đôi lứa. Chủ lễ là già làng trong xã cùng đại diện chính quyền dâng hương xin phép được tổ chức lễ hội.

Phần hội: Sau khi lễ dâng hương, cúng lễ kết thúc, chủ lễ tuyên bố khai hội lúc này các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống được các thanh niên nam nữ cùng nhau trổ tài.

Chuyện kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa, ở vùng Khâu Vai có một gia đình nông dân nghèo, dân tộc Nùng có 3 người con trai, cả 3 chàng trai đều khoẻ mạnh, khôi ngô tuấn tú, giỏi việc nương, săn bắn... nhà nghèo, ít ruộng nương, các chàng trai hàng ngày phải theo cha vào rừng săn bắn, hái lượm, khai thác song mây đem sang vùng Bảo Lạc để đổi lấy vải, dầu, muối. Càng lớn các chàng trai càng khoẻ mạnh, càng đẹp, làm siêu lòng nhiều cô gái trong vùng. Riêng chàng thứ 3 có giọng hát rất hay và có tài thổi sáo. Tuy  nhà nghèo nhưng rất tốt bụng, thấy ai gặp khó khăn chàng sẵn sàng giúp đỡ. Vì vậy dân làng yêu quý gọi chàng bằng cái tên trìu mến (chàng Ba), tiếng sáo, giọng hát của chàng bay tới đâu đều làm cho mọi người say đắm nhất đối với các cô gái trẻ.

Ở làng người Giấy gần cạnh trong một gia đình tộc trưởng có một cô con gái út xinh đẹp vừa đến tuổi thích ra bờ suối soi bóng mình. Đôi mắt nàng trong như dòng suối, đôi môi hồng như nụ đào mới nhú, làn da trắng mịn như hoa Lê, hoa Mận. Nàng có giọng hát rất hay tựa như chim hoạ mi hót...

Tuy con nhà khá giả nhưng nàng rất tốt bụng, thường giúp đỡ những người khó khăn, thích chăn trâu cùng các bạn gái trong bản, mỗi khi có dịp đi chơi cùng các bạn trong bản nàng lại ra bờ suối thả hồn theo mây gió và gửi tiếng hát của mình vào dòng suối, rừng sâu vách đá. Càng lớn càng đẹp rực rỡ như chim nộc hang, nộc phầy vào mùa kết bạn. Đã có bao  chàng trai con nhà giầu, con tộc trưởng người Giấy ở các bản trong vùng ngỏ ý muốn hỏi nàng làm vợ nhưng nàng không bằng lòng với ai vì trái tim của nàng chỉ rạo rực thổn thức vì tiếng sáo của chàng Ba, tiếng hát của nàng đã quyện vào tiếng sáo của chàng Ba từ lúc nào không rõ nữa. Chỉ biết rằng khi nghe tiếng sao của chàng Ba, cái chân của nàng lại muốn xuống cầu thang chạy đến bên chàng. Đối với chàng Ba mỗi khi nghe thấy tiếng hát của nàng út trái tim chàng thấy bồi hồi xao xuyến... Mối tình của hai người như suối lửa âm ỉ đến một ngày bùng cháy thành ngọn lửa, đó là vào đêm lễ hội “lồng tồng”.

Tiếng sáo của chàng Ba réo rắt ngay chân cầu thang nhà nàng. Nàng Út ra mở cửa đón chàng lên nhà cùng ngồi bên bếp lửa hát đối. Thấy vậy, cha mẹ nàng lấy trộm gạo với muối đem ra cầu thang ném để đuổi chàng đi vì chàng là con nhà nghèo lại khác dân tộc... Sự cấm đoán gay gắt của gia đình, họ hàng càng làm cho mối tình của chàng Ba và nàng Út ngày càng thắm thiết, tình yêu càng bùng cháy như ngọn lửa gặp gió. Nàng út đã nhiều lần trốn gia đình ra bờ suối cùng chàng Ba gặp gỡ tâm tình. Nhưng lần nào cũng bị cha mẹ sai người đi bắt về và bị nhốt trong buồng, cuối cùng chàng Ba và nàng Út đã dùng tiếng sao, lời hát hẹn nhau bỏ nhà lên sống trong một cái hang trên núi Khâu Vai. Biết vậy gia đình, họ hàng, dân làng người Giấy bên nàng út vác gậy gộc, cung nỏ ... sang nhà chàng Ba chửi bới, cho rằng chàng Ba đã phá lệ làng, bắt nàng Út bỏ nhà theo chàng sống trong rừng. Gia đình họ hàng, dân làng người Nùng bên chàng Ba cũng mang gậy gộc, cung tên ra chửi bới bên nhà nàng, ở trên núi nhìn xuống thấy cảnh hai bên xô xát ngày một lớn, thương cha mẹ, anh em phải đổ máu. Hai người đành gạt nước mắt chia tay nhau về bản của mình, họ hẹn thề kiếp sau sẽ nên vợ nên chồng và hứa với nhau hàng năm nhớ ngày chia tay này sẽ trở lại núi Khâu Vai để gặp nhau. Ngày ấy là ngày 27 tháng 3 âm lịch.

Cũng từ đấy chợ tình  Khâu Vai hay còn gọi là “chợ Phong lưu” được diễn ra vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm. Trước đây người đến chợ không nhiều, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, họ yêu nhau nhưng không lấy được nhau vì những ràng buộc  của lễ giáo phong kiến, những tập tục lạc hậu. Tuy mỗi người đã có một mái ấm gia đình, có người đã thành ông thành bà, xa nhau 3 năm, 5 năm, 10 năm hoặc vài chục năm, nhớ nhau đến chợ gặp nhau tâm sự, kể cho nhau nghe về những vui buồn của mình, gia đình, sự trưởng thành của con cháu và hát cho nhau nghe những làn điệu dân ca quen thuộc (gửi gắm tình thương, nỗi nhớ và giận hờn vào câu hát). Có thể hai vợ chồng cùng đến chợ, khi đến chợ chồng đi gặp người yêu cũ của chồng, vợ đi tìm người tình cũ của vợ, không có sự ghen tuông. Những người ở bản xa  đến chợ từ chiều hôm trước, họ tìm đến ngủ trọ ở nhà người quen ở gần chợ, đôi bạn tìm thấy nhau có thể ngồi tâm sự với nhau suốt đêm 26, cả ngày 27/3, họ mời nhau uống rượu, ăn cơm nắm, cơm lam, các loại bánh (tất cả đồ ăn, đồ uống được mang từ nhà đến chợ) tình cảm của họ hoàn toàn trong sáng. Nếu một trong hai người  có sự sàm sỡ thì người kia coi là bị xúc phạm, bị bạn tình coi thường, tình cảm sẽ bị rạn nứt và không bao giờ gặp lại nhau nữa. Chiều ngày 27/3 chợ tan, đôi bạn tình bịn rịn chia tay hẹn gặp lại vào phiên chợ năm sau.

Trước đây chợ tình Khâu Vai là chợ của những mối tình trắc trở. Từ năm 1991 trở lại đây đến chợ có nhiều thanh niên nam, nữ các dân tộc trong vùng đến chợ để vui xuân và cũng để tìm bạn tình, nhiều đôi đã nên vợ nên chồng trong dịp đi chợ tình Khâu Vai.


     Website Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Giang

https://hagiang.gov.vn/esinfo/pages/economicsnews.aspx?ItemID=253

  TẾT và Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô

TẾT CỦA NGƯỜI LÔ LÔ

Mỗi một mùa xuân về, người Lô Lô sau khi hoàn thành xong những công việc cuối cùng của năm cũ, chuẩn bị đón một năm mới. Không quá ồn ào, khoa trương, những phong tục tập quán trong ngày Tết của người Lô Lô mộc mạc nhưng rất hấp dẫn và đầy sức sống. Từ hôm 28 - 29 tháng Chạp, mọi nhà đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ và đưa rác rưởi trong nhà ra các ngã ba, ngã tư đổ, với ý nghĩa tống khứ những rủi ro, uế tạp của năm cũ và chuẩn bị đón tài lộc năm mới. Chiều 30 Tết, theo phong tục, người Lô Lô thường tổ chức bữa cơm sum họp của cả nhà. Tất cả các thành viên trong gia đình đều được gia chủ tổ chức cúng sức khỏe, gọi hồn (hồn sống) về với ông bà, cha mẹ, vợ con, anh em sum họp đầy đủ để đón mừng năm mới. Đàn ông, con trai cúng bằng gà mái, đàn bà, con gái cúng bằng gà trống.

Chiều 30 Tết là ngày "niêm phong" cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái rựa, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để các vật này được "nghỉ Tết" và con người không được chạm đến hay di chuyển đi nơi khác. 

Đêm đón giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất trong năm, cả bản đều thức. Các cụ bà cùng các cháu bé bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng và kể chuyện cổ tích râm ran. Các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu. Thanh niên, thiếu nữ thì đi qua các nhà để xin lộc bằng cách "lấy trộm" vài thanh củi, mấy ngọn rau hay vài cành ngô khô đem về nhà. Khắp nơi hương khói, trong nhà đèn sáng tỏ, ngoài đường thắp lên những ngọn đuốc sáng rực. Thanh niên và trẻ con đổ ra các ngả đường và tập trung ở các sân chơi để chờ gà gáy sáng.

Theo phong tục, người Lô Lô đón giao thừa bắt đầu từ tiếng gà gáy đầu tiên trong bản. Bất kể là gà nhà ai, miễn là ở trong làng có một con gà cất tiếng gáy đầu tiên là chủ gia đình gọi mọi người đón mừng năm mới. Chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, quỳ lạy cúng khấn tổ tiên, mời các cụ trong dòng họ qua các đời về với con cháu ăn Tết. Trong gia đình cử người đi gánh nước, người thì cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy, tiếng heo kêu, chó sủa, ngựa hí vang làm ầm ĩ, náo nhiệt cả làng. 

         Tết của người Lô Lô cũng là cuộc gặp gỡ những người trong nhà. Theo tập quán, dù ai đi bất cứ đâu, làm bất cứ nghề gì, hàng năm mỗi khi Tết đến đều mong muốn trở về sum họp gia đình và tạ ơn tổ tiên. Người Lô Lô có câu: "Sống nhớ về tổ tiên, mồ mả chứ không phải sống vì món ăn", cho nên, ngoài quan niệm vật chất còn có phần tâm linh, đó là mồ mả, bát hương thờ cúng ông bà, cha mẹ.

LỄ CÚNG TỔ TIÊN CỦA NGƯỜI LÔ LÔ 


Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là di sản văn hoá phi vật thể thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng, đã được Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2012. Đây là một nghi lễ cổ truyền của người Lô Lô, thường được tổ chức hàng năm vào ngày 14 tháng 7 (Âm lịch) tại các gia đình trưởng họ.

Theo phong tục của người Lô Lô, khi gia đình có người chết từ 3 đến 4 năm, người con trưởng trong gia đình sẽ lập bàn thờ tổ tiên (ông tổ "duỳ khế") và rước hồn lên bàn thờ, lập bài vị (hình người) để thờ cúng. Người Lô Lô cho rằng, tổ tiên là những người thuộc các thế hệ trước, đã sinh ra mình và chia thành hai hệ: tổ tiên gần (duỳ khế) - các ông tổ 3 đến 4 đời và tổ tiên xa (pờ xi) - những ông tổ từ đời thứ 5 hoặc thứ 6 trở đi. Các gia đình Lô Lô thường lập bàn thờ tổ tiên ở sát vách của gian giữa, đối diện cửa chính, có những hình nhân bằng gỗ, được cắm hoặc cài ở vách phía trên bàn thờ để tượng trưng cho linh hồn tổ tiên.

Tuy mọi gia đình Lô Lô đều có ban thờ tổ tiên, nhưng Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô thường được tổ chức tại nhà trưởng họ (thầu chư) và được dòng họ chuẩn bị trước cả năm. Theo lệ thường, khi làm lễ, trưởng họ sẽ là người đứng ra sắm lễ, các gia đình trong dòng họ đóng góp theo khả năng. Lễ vật bắt buộc phải có để dâng cúng tổ tiên gồm: 1 con bò, 1 con lợn, 1 con gà, xôi, rượu, tiền vàng (phíu khí), đèn dầu, đôi trống đồng.

Khi dòng họ có kế hoạch làm lễ, trưởng họ phải trực tiếp đi mời thầy cúng (trừ khi trưởng họ là thầy cúng thì công việc này do trưởng họ đảm nhiệm) và cử một người đàn ông trong họ đi mượn trống đồng về để làm lễ. Đây là bảo vật linh thiêng của cộng đồng, luôn có đôi, chiếc trống đồng cái (giảnh đú) luôn là chiếc trống to, còn trống đực (giảnh kê) là chiếc trống nhỏ hơn. Đôi trống chỉ được đem ra đánh khi có lễ hội lớn trong cộng đồng, dòng tộc. Sau đó, mời nghệ nhân đánh trống đồng tại nhà trong Lễ cúng tổ tiên, mời và nhờ người hóa trang thành người rừng, hay còn gọi là Ma cỏ (Ghà Lu Ngang) để múa nghi lễ. Những người hóa trang Ma cỏ sẽ cùng nhau đi tìm loại cỏ “Su choeo” trên núi “Chun ta” (đỉnh núi có tên gọi là núi “Sống lưng”). Đây là một loại cỏ dài, mềm, dai, để bện quanh người thành trang phục che kín khắp người. Khi hoá trang xong, Ma cỏ sẽ “nhảy lễ” cho đến khi kết thúc Lễ cúng tổ tiên. Trong giai đoạn đó, họ không được phép ăn, nói; đi đứng không được vấp ngã, vì nếu vấp ngã hoặc bị nhận dạng thì năm đó sẽ gặp xui xẻo. Trong nghi Lễ cúng tổ tiên hay lễ cúng tang ma cho người đã khuất của người Lô Lô bắt buộc phải có người “nhảy lễ” trong trang phục Ma cỏ. Họ quan niệm rằng, Ma cỏ là nguồn cội của tổ tiên xưa ở trên rừng, lấy cây cỏ làm quần áo, nên ngày nay khi làm lễ, muốn tổ tiên về được thì phải có Ma cỏ là người dẫn đường, là cầu nối giữa con cháu trên trần gian với tổ tiên, người chết mới được dẫn đường chỉ lối về nhận tổ tiên ở thế giới bên kia. Đây là một nghi lễ độc đáo trong các phong tục cổ truyền của dân tộc Lô Lô ở Hà Giang.

Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô gồm 3 phần chính: Lễ hiến tế, Lễ tưởng nhớ và Lễ tiễn đưa tổ tiên.

- Lễ hiến tế tổ tiên:

 Mở đầu của Lễ cúng tổ tiên là Lễ hiến tế tổ tiên: thầy cúng chính (Vàng Dích Quỷ) làm thủ tục cúng trước sự chứng kiến của dòng họ và cộng đồng để báo cáo, mời tổ tiên về dự lễ và hưởng lễ vật do con cháu dâng lên. Sau đó, nghi thức đánh trống đồng được tiến hành. Nghệ nhân nhận 2 chén rượu uống cạn và nổi trống, trong khi những người phụ nữ trong nhà mặc trang phục truyền thống, nhảy múa và hành lễ theo nhịp trống cùng đoàn Ma cỏ. Khi thầy cúng dứt lời mời và báo cáo với tổ tiên, gà được mang đi để làm lễ chín. Gà luộc xong, đôi cánh được dâng lên bàn thờ và thầy cúng làm tiếp nhiệm vụ của mình là dâng cúng tổ tiên đôi cánh. Tiếp đó, con lợn còn sống được đưa ra giữa sân để hiến tế cho tổ tiên. Lợn được chọc tiết giữa sân và thầy cúng báo cáo với tổ tiên là con cháu trong dòng họ dâng tổ tiên con lợn - tượng trưng cho con vật để tổ tiên nuôi ở cõi vĩnh hằng. Trong lúc thầy cúng đọc lời khấn dâng lễ, toàn thể trẻ em trong họ có mặt tại buổi lễ quỳ xuống, khoanh tay trước ngực, cúi mặt lắng nghe đến hết bài cúng, mới được ngẩng mặt lên và đứng dậy. Vật hiến tế tiếp theo là một con bò, được chọc tiết ngay tại sân. Mục đích của việc con cháu hiến tế bò là mong muốn dâng thức ăn cho tổ tiên trên đường bay về trời, trở về cõi vĩnh hằng.

- Lễ tưởng nhớ tổ tiên:

Do cộng đồng người Lô Lô trong bản cùng với đoàn múa nghi lễ thực hiện. Đoàn múa liên tục đến chiều, cũng là thời điểm kết thúc “Lễ tưởng nhớ tổ tiên”. Nhờ niềm tin tâm linh và lòng nhiệt tình mà suốt một ngày lễ, đoàn múa nghi lễ vẫn múa dẻo, nhịp nhàng theo nhịp trống, không hề thấy mệt mỏi.

- Lễ tiễn đưa tổ tiên:

Khi màn đêm buông xuống, Lễ tiễn đưa tổ tiên được bắt đầu trong tiếng trống đồng. Giữa sân, gia chủ đốt một đống lửa lớn và thầy cúng thưa với tổ tiên về việc “con cháu dâng lễ vật phẩm, tiền, vàng để tiễn đưa tổ tiên trở về trời; xin tổ tiên nhận lễ vật do con cháu trong dòng họ dâng lên, người dẫn đường đã có, tổ tiên hãy về trời và hãy phù hộ cho con cháu ở trần gian, tổ tiên hãy yên tâm ở cõi vĩnh hằng...”. Sau đó, thầy cúng đốt tiền, vàng và lễ cúng kết thúc vào lúc rạng sáng hôm sau.

Lễ vật sau khi hiến tế tổ tiên được chế biến thành các món ăn và chia đều để cảm ơn những người đã giúp dòng họ làm lễ, như thầy cúng, người hoá trang Ma cỏ, đầu bếp, người đánh trống đồng, người cho mượn trống đồng… và mời mọi người đến dự lễ ăn cơm, uống rượu chia vui với gia đình...

Lễ cúng tổ tiên là một trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời của người Lô Lô, mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự cố kết cộng đồng gia đình, dòng họ, làng bản, … Đây là nghi lễ mang tính thiêng, đầy chất nghệ thuật của riêng người Lô Lô.

Hiện nay, Lễ cúng tổ tiên độc đáo này vẫn được người Lô Lô duy trì và thực hành đều đặn theo truyền thống. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang đã phối hợp với các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương và nhân dân làng Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn thực hiện việc tư liệu hóa Lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô.

Website Cục di sản văn hoá http://dsvh.gov.vn/le-cung-to-tien-cua-nguoi-lo-lo-3157.  

Website Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Giang https://hagiang.gov.vn/province/pages/information.aspx?ItemID=35

Lễ ra đồng "Pặt oong” của người Pu Péo

“Lễ Pặt oong” của người Pu Péo ở thôn Chúng Chải, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, gắn liền với lịch sử phát triển tộc người của dân tộc Pu Péo. Cứ đến tháng Giêng Âm lịch (từ ngày mùng 5 đến ngày 12 Tết, tùy thuộc vào chủ lễ xem ngày), tất cả người dân trong bản lại có mặt đông đủ để tham gia Lễ Pặt oong (Lễ ra đồng) với mong muốn cầu chúc một năm mới thịnh vượng, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Pặt tiếng Pu Péo là làm sạch, còn oong là nước, pặt oong có nghĩa là làm sạch nước, là phát nước, phát lửa, đồng thời đuổi những tà ma, điều xấu, những điều không may mắn, xui xẻo ra khỏi nhà, khỏi làng, ra khỏi địa bàn cư trú của người Pu Péo. Hiện nay, lễ Pặt oong được tổ chức ở khu ruộng đầu thôn Chúng Chải, nơi tập trung nhiều các hộ dân Pu Péo sinh sống.

Trước khi tổ chức nghi lễ, các gia đình trong thôn họp bàn về cách thức tổ chức, đưa ra mức đóng góp và cử ra một vài người phụ giúp thầy cúng. Sáng ngày làm lễ mọi người tập trung đông đủ tại nhà thầy cúng (chủ lễ) để cùng chuẩn bị cho nghi lễ: một đôi gà, ba phên nứa, ba lá dong dùng để làm Pươn cơm cúng, rượu, trứng, đôi thùng đựng nước và một bó đuốc.

Thầy cúng chặt tre, lấy lá dong về làm 3 pươn cơm cúng tượng trưng cho việc đón và đem những điều xấu, bệnh tật ra khỏi nhà, khỏi thôn xóm. Dân làng chuẩn bị cơm, trứng để làm lễ vật dâng cúng, đôi thùng gánh nước để làm lễ phát nước ra đồng. Bó đuốc được làm từ rơm của vụ mới, là đồ để thầy cúng thực hành nghi lễ và duy trì ngọn lửa từ nhà thầy cúng qua các gia đình rồi phát lửa ra đồng. Các vật dụng dùng trong nghi lễ phải là đồ mới để khi dâng lên thần linh mới mang hết những xui xẻo đi được.

Trước tiên, thầy cúng thắp hương lên các ban thờ, báo cáo với tổ tiên, thần linh tại nhà thầy cúng về nghi lễ sẽ thực hiện, cầu mong con người khỏe mạnh, thần linh đuổi hết mọi điều xấu, bệnh tật… ra khỏi nhà, khỏi cửa, khỏi làng, khỏi xóm, khỏi đỉnh núi. Thầy cúng cũng thắp hương, đốt nến và khơi lửa bếp thiêng để chuẩn bị cho nghi lễ.

Đặc biệt, lần lượt từng gia đình được thầy cúng và đội giúp việc đến nhà làm lễ, được góp nước cho nghi lễ chung để gửi tới thần linh lời thỉnh cầu xua đuổi hết những xui xẻo ra khỏi nhà. Đoàn người tham gia nghi lễ đông dần và đến khi thầy cúng làm lễ cho gia đình cuối cùng nghĩa là cả cộng đồng làng đã có mặt để ra đồng thực hiện nghi lễ chung.

Đến mỗi gia đình, thầy cúng và hai người giúp việc sẽ đi thẳng vào nhà, nơi đặt ban thờ tổ tiên để xin rước lửa, rước nước ra đồng, cầu xin bình an cho gia đình dưới sự chứng kiến của chủ nhà và đoàn người trong thôn tham dự ngày cúng lễ ra đồng năm mới. Cúng xong, thầy cúng và đoàn người làm lễ đi ra ngoài, chủ nhà sẽ lấy một ít tro bếp trộn với ngô ném khắp nhà với ý nghĩa đuổi tà ma ra khỏi nhà. Trong khi mọi người vào trong nhà làm lễ, người gánh nước ra chỗ đựng nước của gia đình và đợi sẵn ở đó. Khi thấy đoàn người làm lễ đi ra sẽ nhanh tay múc vào mỗi thùng ba gáo nước. Đoàn người ra khỏi nhà, chủ nhà sẽ nhanh tay đóng kín cửa, không cho ma quỷ, cái xấu quay trở lại.

Sau khi vào tất cả các gia đình trong thôn, thầy cúng cùng dân làng đi ra nơi lập đàn cúng, thường là khu đất rộng, sạch sẽ gần làng và phải gần ruộng của làng. Đến nơi, theo sự phân công trước, mọi người chuẩn bị đồ vật để làm lễ. Cơm và trứng cúng thần được nấu bằng nước lấy từ các gia đình và lửa từ ngọn đuốc được châm từ nhà thầy cúng. Đàn cúng được làm từ những cành tre, trên đặt lá dong để lễ vật. Lễ vật được chia đều cho các vị thần, trong đó phần lớn nhất giành cho vị thần chủ, vị thần đứng đầu, cai quản các thần khác.

Khi lập đàn cúng xong, thầy cúng bắt đầu làm lễ, mở đầu là cúng trình báo với lễ vật là đôi gà còn sống mang theo từ nhà. Sau nghi thức trình báo, đôi gà được những người giúp việc đem thịt. Lúc này, thầy cúng cắm một cành cây trước đàn cúng để đặt pươn cơm cùng thịt, tiết gà, rượu để cúng mời các vị thần về hưởng và tống tiễn các điềm xấu ra khỏi làng, khỏi núi. Cúng xong, thầy cúng đọc tên các thành viên trong làng và hóa tiền, vàng, hương do dân làng dâng lên ngay trước đàn tế để thần linh phù hộ.

Tiếp theo, thầy cúng thực hiện nghi thức tống tiễn điềm xấu ra khỏi làng với động tác cầm chiếc dao nhọn trên tay hất mạnh pươn cơm ra xa.

Nghi lễ cúng kết thúc cũng là lúc mọi người cùng nhau ăn uống vui vẻ ngay tại nơi làm lễ. Theo quan niệm của đồng bào, mọi thứ đã đem đi làm lễ phải được sử dụng hết, nếu đem về gia đình sẽ không gặp may, dân làng sẽ bị ảnh hưởng.

Sau nghi lễ, các trò chơi như đánh yến, chơi quay, hay những khúc hát xuân lại được cất lên vui vẻ, ca ngợi cuộc sống, giúp dân làng tái tạo sức lao động, cùng vun đắp cho cuộc sống ngày càng tươi vui.

Lễ ra đồng với ý nghĩa chào đón điều tốt đẹp cho năm mới, thể hiện mong muốn mưa thuận gió hòa, làng bản yên bình giúp bà con trong bản gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế. Thực hành nghi lễ góp phần giữ gìn và trao truyền những truyền thống tốt đẹp của ông cha cho thế hệ kế tiếp, góp phần gắn kết cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động, sản xuất.

Với giá trị tiêu biểu, Lễ ra đồng (Pặt Oong) của người Pu Péo được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL ngày 30/01/2018.


Website Cục di sản văn hoá http://dsvh.gov.vn/le-ra-dong-pat-oong-cua-nguoi-pu-peo-3137

Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo

Lễ cúng thần rừng được tổ chức ở khu vực bìa rừng, phía sau làng. Đàn cúng được làm từ những cành cây nhỏ, để nguyên lá, cắm xuống đất, cành đan vào nhau, cao khoảng 1,0m, dựng quay về rừng cấm. Trước đó, người dân cùng họp phân công công việc và chuẩn bị lễ vật cho thần rừng. Người dân cùng đóng góp tiền mua lễ vật, mời thầy cúng. Sáng mùng 6 tháng 6, mỗi gia đình cử một đại diện, thường là chủ nhà, mang những lễ vật đã chuẩn bị trước đến một nhà gần rừng nhất, họ cắt cử người nấu cơm, luộc trứng (hoặc thịt), người ra địa điểm cúng dọn dẹp sạch sẽ, người đi chuẩn bị củi, chất đốt… Củi phải được mang từ nơi khác đến. Cơm chín được nắm lại và dùng sợi chỉ cắt cho vuông vắn. Trứng luộc chín được bóc vỏ, cắt đôi.

Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo ở thôn Chúng Chải, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang thường được tổ chức vào ngày 06 tháng 6 Âm lịch, trừ trường hợp ngày đó trùng vào ngày Mùi hoặc ngày Dậu (ngày được coi có tượng là Dê và Gà - hai con vật được đem làm đồ tế lễ) thì có thể tổ chức sớm hoặc muộn hơn.

Trong đời sống tín ngưỡng của người Pu Péo, tục cúng thần rừng đã có từ lâu đời. Các khu vực người Pu Péo sinh sống đều có một khu rừng cấm riêng, nơi thần rừng cư ngụ, được người dân gìn giữ và bảo vệ bởi các luật tục và điều kiêng kỵ, không được xâm phạm nơi ở của thần, không được vào rừng chặt cây, lấy củi, săn bắn… Với người Pu Péo, thần rừng (Sau ngun hay Sau nguôn) có vị trí đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng nhất và được cầu khấn trong hầu hết các nghi lễ thờ cúng.

Người Pu Péo còn lưu giữ câu chuyện về nguồn gốc lễ cúng thần rừng như sau: ở vùng cao heo hút có ông thần lạ, ai muốn chặt cây, đốt nương phải xin phép thần ưng thuận thì mới được vác rìu, vác cuốc tới. Thần giao trách nhiệm cho ong và kiến coi giữ rừng, nếu ai xâm phạm là sà xuống đốt và xua đuổi. Từ đó, người không xâm phạm được tài sản của thần rừng. Không có đất làm nương, không có gỗ làm nhà, người kiện lên vua trời. Vua trời phán rằng: từ nay, thần rừng phải để người khai phá đất đai trồng trọt, làm kế sinh nhai. Người tự do chặt cây, làm muông thú hết nơi cư ngụ, kiếm ăn, chúng lại kéo lên vua trời kiện con người. Vua trời phán: rừng là của chung muôn loài. Con người được khai phá đất đai, lấy gỗ làm nhà, làm củi đốt. Tuy nhiên, rừng phải có người cai quản, muông thú phải có nơi cư ngụ, kiếm ăn. Người muốn chặt cây, đốt rẫy phải thông báo bằng lễ cúng thần rừng.

Người Pu Péo cho rằng thần rừng là chủ nhân của rừng cấm. Rừng cấm còn là nơi ở của nhiều vị thần khác, tổ tiên từ nhiều đời trước, không còn được thờ cúng trong gia đình, là nơi dừng chân, hội tụ của thế giới các vị thần mỗi khi qua lại và gặp nhau.

Lễ vật chuẩn bị xong, được mang ra để bắt đầu nghi lễ cúng thần rừng. Trước khi ra cúng rừng, người chủ của mỗi gia đình phải thắp hương cho tổ tiên trong nhà trước. Chủ trì lễ cúng là thầy cúng (Pế mổ) do người dân trong làng chọn lựa, là người có uy tín, được người dân nể trọng. Trong tháng diễn ra lễ cúng thần rừng, thầy cúng phải kiêng ăn thịt chó.

Trước kia, trong thời gian cúng và ba ngày sau đó, người Pu Péo cấm người ra vào bản, không được ra đồng, săn bắn, chặt cây cối, người ta dựng cột gỗ buộc túm lá xanh để làm ký hiệu treo ở đầu bản.

Lễ cúng thần rừng của người Pu Péo được chia làm hai phần: cúng dâng lễ (cúng sống) và cúng chính (cúng chín).

Cúng dâng lễ: đầu tiên thầy cúng cho buộc hai con gà còn sống vào chân đàn cúng, con dê được buộc gần đó. Mười nắm cơm cắt sẵn, trên có miếng trứng (hoặc thịt luộc) được đặt lên ban thờ. Bên dưới là một nong cơm nắm được xếp thành năm hàng, không quy định số lượng, hàng trên cùng là một nắm cơm to, trên đặt một lòng đỏ trứng gà. Các hàng cơm nắm thể hiện quan niệm của người Pu Péo về thế giới thần linh, trên cùng là thần rừng, dưới là các thần linh được phân theo cấp bậc.

Thầy cúng thắp hương cắm ở hai bên và chính giữa đàn cúng, rót rượu vào 4 chiếc chén và đọc bài cúng để mời thần rừng, các vị thần và tổ tiên về dự, bày tỏ lòng thành kính với họ. Dân làng dâng lễ vật mời các vị thần về tham dự và chứng nhận cho lòng thành của họ. Kết thúc bài cúng, thầy cúng sai người mang gà đi cắt tiết.

Gà được cắt tiết, để nguyên con bày hai bên nong, đầu được đặt lên lá rong hoặc lá chuối. Bát tiết được đặt phía trên nong, hai bên là hai chai rượu, 4 chén rượu đặt ở bốn góc trên chiếc nong. Thầy cúng tay cầm cành tre nhỏ, vừa cúng, vừa vung cành tre. Sau chừng 15 phút, thầy cúng cho mang đôi gà đi và dắt con dê vào, đọc bài cúng khác để báo cáo với thần rừng đây là lễ vật thứ hai dâng lên, xin thần làm chứng cho. Sau đó, thầy cúng cử người mang dê đi cắt tiết rồi mang cả chậu tiết và con dê đưa lên đàn tiếp tục cúng. Ở phần này, thầy cúng phải đứng cúng, bên cạnh có một người đại diện cho dân làng đứng nghiêm, kính cẩn thể hiện lòng thành kính đối với thần rừng và các vị thần cư ngụ trong rừng. Thầy cúng mời thần rừng về và liệt kê những lễ vật mà dân làng dâng cúng, mong các vị nhận lấy. Kết thúc phần này, thầy cúng sai mọi người mang dê đi mổ để chuẩn bị cho phần cúng tiếp theo.

Cúng chính: Dê được thui, nội tạng để sống, đặt bên cạnh đàn cúng. Thầy cúng khấn báo cho các thần biết lễ vật mà dân làng dâng lên nguyên vẹn, đầy đủ. Sau đó, nội tạng dê được mang đi làm chín. Đối diện đàn cúng chính là một tấm phên nhỏ đặt trên một thanh tre cao khoảng 1,0m, cắm trên nền đất, phía trên đặt một tấm lá rong. Thầy cúng cử một người dùng một thanh tre, bê chậu tiết dê chấm lên lá rong đó các chấm nhỏ. Đây là đàn cúng tượng trưng, cúng những ma dữ hay hại con người và những hồn ma vô chủ, không có nơi cư ngụ. Trong lúc người dân chấm tiết dê, thầy cúng đứng cạnh khấn gọi hồn những ma đó về cùng tham dự lễ cúng.

Tiếp đó, thầy cúng quay lại ban cúng chính, đặt vào nong 5 chiếc bát có phần nội tạng của con dê đã luộc chín, thắp thêm hương, rót thêm rượu, bắt đầu cho bài cúng chính. Thầy cúng tay cầm một cành cây, mỗi điểm nhấn trong bài cúng, thầy lại vung cành cây lên phẩy qua, phẩy lại trước ban thờ. Bài cúng kể về công lao của thần rừng, sự tích của đất trời và các vị thần, với hàm ý dân làng không quên nguồn gốc, không quên công lao của thần rừng, tổ tiên người Pu Péo và các vị thần đã phù trợ cho dân làng, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con người khỏe mạnh, no đủ... Kết thúc bài cúng, thầy cúng cầm theo một con dao nhỏ đến đàn cúng các vong hồn và ma quỷ, kể tội các vong hồn, ma quỷ đã quấy nhiễu, làm hại dân làng, rồi dùng con dao hất đổ đàn cúng với ý nghĩa xua đuổi những điều xấu và ma quỷ. Sau lễ cúng, mọi người cùng nấu nướng và ăn tại chỗ, nếu gia đình nào bận việc không đến tham dự lễ cúng được thì dân làng chia phần đem về hộ.

Lễ cúng thần rừng là một nghi lễ truyền thống quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của dân tộc Pu Péo. Lễ cúng tạo nên mối quan hệ gắn kết trong cộng đồng, làng bản, nâng cao ý thức gìn giữ khu rừng cấm , góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên rừng đang ngày càng cạn kiệt và nguồn nước sinh hoạt cho đồng bào. Với giá trị đặc sắc, đại diện cho bản sắc của cộng đồng người Pu Péo, năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Website Cục di sản văn hoá http://dsvh.gov.vn/le-cung-than-rung-cua-nguoi-pu-peo-3161

Lễ hội Mừng năm mới của người Giáy

Lễ hội Mừng năm mới (Lễ hội múa trống) là sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Giáy, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán - từ sáng mùng Một đến hết tháng Giêng.

Lễ hội Mừng năm mới của người Giáy thường được tổ chức đơn giản, không nặng về hình thức và lễ vật cúng thần. Theo quan niệm của họ, Ông (được thờ trong miếu Ông) và Bà (được thờ trong miếu Bà) chính là Tổ tiên của dân tộc Giáy, đồng thời, cũng là những người che chở, bảo vệ cho con cháu người Giáy. Người Giáy không theo một tôn giáo nào, mà chỉ gửi những lời khấn đến Ông và Bà như là một hình thức cầu tổ tiên phù hộ, che chở. Theo đó, lễ hội chính là dịp để đồng bào mời tổ tiên về chung vui với con cháu và gửi gắm những khát vọng của mình. Ngoài ra, lễ hội cũng là dịp để đồng bào nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm lao động vất vả. Thông thường, ngay từ những ngày cuối năm, trưởng thôn đã tập hợp dân làng và thầy cúng để bàn việc chuẩn bị cho Lễ hội Mừng năm mới. Lễ vật chủ yếu là sản phẩm do người Giáy tự làm, gồm có gà, bánh chưng, thịt treo, rượu, hương,… Bên cạnh đó, thầy cúng còn chuẩn bị thêm vài câu đối chúc tết để treo tại miếu Bà. Mỗi gia đình cũng chuẩn bị một mâm lễ vật riêng để dâng tại miếu Bà. Tất cả lễ vật phải được chuẩn bị xong từ trước Tết.

Sáng sớm mùng Một Tết, thầy cúng mặc trang phục chỉnh tề, cùng một số thanh niên khỏe mạnh, chưa vợ, mang một mâm lễ đến cúng tại miếu Bà. Lễ vật gồm: 2 con gà (một trống, một mái), bánh chưng, rượu, hương,... Sau khi miếu được quét dọn sạch sẽ, thầy cúng dán câu đối lên cột, bày mâm lễ xuống đất, rồi thắp hương khấn mời Bà về dự lễ và xin phép Bà cho dân làng hạ trống xuống để tổ chức lễ hội. Trống thần chỉ được đưa ra khỏi miếu Bà một lần duy nhất trong năm. Người Giáy quan niệm, thần trống chính là vị thần đưa tin, những lời khấn của họ muốn đến được với Tổ tiên phải nhờ vào thần trống. Vì thế, khi tổ chức lễ hội, sau mỗi bài cúng, thầy cúng lại gõ một hồi trống để chuyển mong ước của dân làng đến với Tổ tiên. Trống được làm từ thân cây gỗ nghiến cổ thụ, dài khoảng 1,5m, chu vi khoảng hai vòng tay người lớn; mặt trống được bưng bằng da bò... Sau khi hạ xuống, trống được đặt cạnh mâm cúng, thầy cúng đọc lời khấn - cầu mưa thuận gió hòa, xin trời đổ nước về cho kịp mùa vụ, con cháu được mạnh khỏe. Sau đó, thầy cúng gõ ba tiếng trống, rồi cắt cử người bưng lễ, khiêng trống. Thầy cúng cầm hương đi trước, dẫn theo đoàn khiêng lễ vật và trống thần đi qua từng nhà trong thôn chúc mừng năm mới. Qua mỗi nhà, lại gõ một hồi trống, thầy cúng lại khấn để cầu mong cho gia đình luôn gặp những điều tốt lành. Gặp đoàn, gia chủ sẽ bưng mâm lễ của nhà mình cùng nhập vào đoàn rước trống. Trống thần càng đi xa, đoàn rước càng dài thêm, đông thêm, vui thêm không khí ngày Tết. Sau khi đoàn rước trống đi qua hết mọi nhà, sẽ quay về miếu Ông. Sau khi bày lễ vật xong, người dân trong thôn cùng ngồi quanh trống thần (đặt trước miếu Ông), thầy cúng làm lễ cúng Tổ tiên.

Mở đầu là bài cúng mời tổ tiên và các vị thần linh về dự lễ cùng dân làng để nghe thầy cúng báo cáo những việc mà dân làng đã làm trong một năm qua, cảm ơn thần linh đã phù hộ, che chở dân làng. Cúng xong, thầy cúng đến bên trống thần cầm dùi “viết” lên mặt trống những câu thần chú với nội dung như: trai gái hòa thuận, người già sống lâu,… rồi đánh một hồi trống mời các thần linh về dự hội và chứng giám.

Sau đó, thầy cúng chỉ định một đôi nam nữ lên nhận dùi trống và thay thầy gõ nhịp. Trai gái trong làng với trang phục truyền thống của dân tộc mình, lần lượt nối theo nhau múa vòng quanh trống. Điệu múa với những động tác đơn giản nhưng vui nhộn, nhằm cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới. Cùng lúc đó, thầy cúng khấn và dâng lên thần linh những ước vọng của dân làng, như cầu được mùa; trâu bò không bị dịch bệnh; người không ốm đau, làm ăn gặp nhiều may mắn; nhà nhà đủ ăn, đủ mặc, có nhiều thóc, lúa, ngô, khoai,…

Đối với người Giáy, việc thờ cúng Tổ tiên là một tập tục truyền thống có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào. Họ quan niệm, sau khi chết, Tổ tiên sẽ về trời, trở thành thần linh chăm lo cho cuộc sống của con cháu, phù hộ cho con cháu khi gặp tai ách, khó khăn; vui mừng khi con cháu gặp may, khuyến khích con cháu làm điều tốt,... Bởi thế, khi bước sang năm mới, nhất thiết phải mời Tổ tiên về dự hội, để dân làng bày tỏ lòng kính trọng và cầu mong Tổ tiên phù hộ. 

Sau khi múa nghi lễ xong, thầy cúng đại diện cho dân làng khấn tạ ơn, tiễn thần linh về trời và tuyên bố đến giờ vui hội múa trống mừng năm mới. Người dân hòa vào đám hội, cùng múa và rót rượu chung vui. Những mâm lễ của các gia đình được mang ra, họ cùng mời nhau chén rượu đầu năm, cùng múa chung một điệu múa trống, hát cùng nhau những bài hát đối, giao duyên,... Không khí của lễ hội thật náo nhiệt, tới chiều muộn, các gia đình mới trở về nhà mình. Khi đó, những thanh niên được giao tiếp quản trống lại cùng nhau khiêng trống đến từng nhà trong thôn. Đến trước cửa mỗi gia đình, nhịp trống lại vang lên cùng với những lời chúc phúc cho gia đình năm mới gặp nhiều may mắn. Sau màn múa trống, chủ nhà ra mời đội rước trống lên nhà, cùng uống chén rượu chung vui và gửi họ một chút lễ vật để lấy may. Lễ vật có thể là một chút tiền hoặc cặp bánh, chai rượu,... Việc rước trống qua từng nhà chúc Tết có khi kéo dài tới sáng. Ngày mùng Hai Tết, dân làng lại tụ tập về miếu Ông, cùng nhau múa hát và tham gia những trò chơi dân gian, như đánh Yến, tung Còn. Cứ như vậy, hội xuân kéo dài đến hết tháng Giêng, mọi người lần lượt thay nhau đánh trống. Người Giáy quan niệm, được đánh trống là đã xin được may mắn cho mình và gia đình. Hết tháng Giêng cũng là lúc mùa lễ hội kết thúc, thầy cúng cùng các chàng trai trong thôn lại khiêng trống từ miếu Ông về cất giữ tại miếu Bà, chờ mùa lễ hội năm sau…

Lễ hội Mừng năm mới của người Giáy là dịp để dân làng thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân Tổ tiên, gắn kết cộng đồng, dòng họ và khát vọng hướng đến một năm mới, với mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với những giá trị đặc sắc của di sản, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã Quyết định đưa Lễ hội Mừng năm mới của người Giáy vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Website Cục di sản văn hoá http://dsvh.gov.vn/le-hoi-mung-nam-moi-cua-nguoi-giay-1050

Tết Khu Cù Tê của người La Chí ở Hà Giang

  Người La Chí đã tụ cư lâu đời tại vùng đất Hà Giang hiện nay. Theo truyền thống của tộc người này ở Hà Giang, họ tự coi nhóm La Chí ở bản Díu (huyện Sín Mần) được coi là anh cả, còn các nhóm La Chí ở bản Phùng (huyện Hoàng Su Phì) là anh thứ 2, bản Máy (cũng thuộc huyện Hoàng Su Phì) là em út.

  Truyền thuyết cho rằng: Hoàng Dìn Thùng là tổ tiên của người La Chí. Hóa thân của ông chính là các dãy núi trùng điệp, trên đó có các bản làng của người La Chí sinh sống. Trong đó, người bản Díu được coi là anh cả vì được sinh ra từ đầu của ông; người bản Phùng là anh thứ hai, được sinh ra từ bụng của ông; và người em út là bản Máy, được sinh ra từ đôi chân ông. Một dị bản của truyền thuyết lại kể rằng: Ngày xưa, khi có nạn lụt lớn, nước ngập hết núi rừng, ông Hoàng Dìn Thùng đã bế ba người con trai của mình chạy lên núi. Sau đó, ông biến thành dãy núi để các con sinh sống và trở thành Tổ tiên của người La Chí.

Người La Chí định cư trên vùng núi cao, chủ yếu là phát nương làm rẫy, trồng lúa trên những thửa ruộng bậc thang mà mình khai phá. Vào dịp tháng 7 (Âm lịch), tiết trời mát mẻ, công việc của người nông dân ít bận rộn, các trưởng làng (Mổ Cóc) thường tụ họp nhau lại cùng tổ chức Tết Khu Cù Tê để tưởng nhớ Tổ tiên, cầu cho làng bản, gia đình ấm no hạnh phúc, cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu, đồng thời, truyền lại cho lớp cháu con các bài cúng của dân tộc mình.

  Thời gian ăn Tết và nghi thức cúng bái Tổ tiên của người La Chí thường được ấn định theo lịch Âm như sau: bản Díu ăn Tết từ ngày 01/7, bản Phùng ăn Tết từ ngày 17/7, bản Máy ăn Tết từ ngày 01/08. Thời gian ăn Tết của mỗi bản dài hay ngắn do hội đồng già làng, trưởng bản quyết định, nhưng không quá 15 ngày. Nếu năm nào nhuận hai tháng Tư thì cộng dồn, Tết ở bản Díu sẽ được tổ chức vào tháng 6. Các già làng, trưởng bản tại ba bản người La Chí thường xuyên liên lạc để thông báo cho nhau biết thời gian ăn Tết của từng năm.

Khu Cù Tê được coi là nhà cộng đồng để thờ cúng Tổ tiên của người La Chí. Như vậy, Tết Khu Cù Tê có nghĩa là Tết được tổ chức tại nhà cộng đồng. Riêng tại bản Máy, việc cúng Tết chỉ diễn ra trong từng gia đình, mâm cúng được bày trên các tàu lá chuối rừng trải trên mặt sàn.

  Việc tổ chức Tết Khu Cù Tê của người La Chí phải tuân thủ những lề luật chung của cộng đồng. Đầu tiên là việc bầu ra người chủ trì lễ cúng. Người được đề cử phải là người đã lập gia đình, đã có con, gia đình hạnh phúc, không vi phạm luật lệ của làng bản, có uy tín trong cộng đồng, trong nhà không có người ốm yếu. Hội đồng trưởng tộc sẽ lấy chân gà khô để xem, nếu chân gà tốt thì người đó mới được làm...

Trước ngày Tết, các hộ gia đình đi phát quang, dọn cỏ ở các ngôi mộ và kính cáo Tổ tiên biết ngày mở Tết, dặn người chết không được đi đâu và chờ trưởng họ mời về ăn Tết. Riêng ở bản Máy, người dân làm việc này vào ngày 03/3 (Âm lịch). Các hộ gia đình chuẩn bị nấu rượu uống và rượu hoẵng để cúng. Rượu hoẵng được làm từ gạo nếp, nấu lên để nguội, đem ủ cùng một loại men cổ truyền gồm 12 thứ lá lấy ở trên rừng (Mạc Hầu, Pở Sẩm, Lạc Nỏa Buộc, Pi Pi, Nắng Kề, Sính Cà, Thủ Ối, Nha Nà Ti, Nhàng Cha Nóc Chỉn, Bác Nhài, Nhạc Thào Lâm, Mạc Ượt). Rượu có màu trắng đục, vị ngọt thơm.

  Tuỳ từng năm, ngày Tý hoặc ngày Mùi sẽ được chọn là ngày mổ trâu của cộng đồng (loại thực phẩm bắt buộc phải có khi cúng Tổ tiên), nhà nào có điều kiện có thể mổ thêm ngựa hoặc lợn. Người La Chí quan niệm, “trần sao âm vậy”, nên người sống cúng xôi để Tổ tiên có lúa trồng trọt, cúng thịt trâu cho Tổ tiên có trâu cày ruộng.

  Các gia đình trong dòng tộc thường chung tiền mua một con trâu để mổ, chia đều cho các gia đình, riêng trưởng họ sẽ được đôi sừng. Sừng trâu (Khâu vài) được rửa sạch hết mùi rồi đem đi phơi nắng, cưa ngắn bớt phần gốc và khoan một lỗ tại đầu nhọn của sừng, xỏ một sợi dây để treo cùng chiếc giỏ (La mổ) và một củ gừng ở gian giữa của ngôi nhà, đó chính là bàn thờ tổ tiên của người La Chí.

Theo phong tục truyền thống của người La Chí, Tổ tiên được thờ tính từ 3 đời trở lại, những linh hồn này sẽ được mời về khi cúng tại nhà trưởng tộc của các dòng họ. Các gia đình tập trung tại nhà trưởng tộc, khi đi mang theo một chai rượu, một gói xôi, một miếng thịt. Họ mặc quần áo truyền thống, những người được trưởng tộc chỉ định sẽ ngồi xung quanh một mâm gỗ có các giỏ đựng, gói xôi, gói thịt. Họ giúp trưởng tộc cúng để gọi hồn những người đã mất về ăn Tết. Khi cúng, trưởng tộc phải bỏ khăn ra để bài cúng được linh nghiệm. Người giúp việc cho trưởng tộc sẽ chuẩn bị cành hoa trắng bó cùng một vài lá cỏ dài, to bản (người bản Díu gọi là “Đoọc Khâu”, người bản Phùng gọi là "Méo", người bản Máy không dùng cành hoa trong lễ cúng). Mỗi người giúp việc cầm một cành hoa để xua đuổi tà ma, làm cho cây lúa tốt tươi, không bị sâu bọ cắn phá. Vật cúng là một con gà trống, được vặt lông rồi đặt lên mâm gỗ để cúng, tiết gà được đặt trên mâm; Sau đó, gà được treo ở vách tường. Kế tiếp, trưởng họ buộc củ gừng vào sợi chỉ và cầm bên tay phải, tay trái cầm sừng trâu, bên trong đựng rượu hoẵng, miệng đọc bài cúng ba đời. Trưởng tộc sẽ mời các linh hồn là nam giới trước tiên. Các linh hồn này về sẽ nhập vào những người phụ giúp việc cho trưởng tộc. Khi các linh hồn đã về đông đủ thì trưởng tộc và các linh hồn (nhập vào những người giúp việc) cùng ăn xôi, uống rượu hoẵng, uống nước cà đắng. Nước cà đắng có tác dụng xua đuổi những tà ma bám theo linh hồn người chết khi quay về nhà. Nhờ uống nước này, mà tà ma không vào được nhà, không quấy rối linh hồn và người sống trong những ngày Tết. Các linh hồn nam giới được ăn thịt trâu, thịt lợn muối chua. Riêng thịt trâu dùng để cúng có thể xào với gừng hoặc không kèm gừng, nhưng không được cho rau thơm, vì theo người La Chí, rau thơm không tốt khi xào cùng thịt trâu. Người xào thịt trâu không được nếm trước, nếu không sẽ bị coi là phạm thượng, bị Tổ tiên trách phạt.

Trưởng tộc mời các linh hồn nam giới ở lại ăn Tết cùng con cháu, phù hộ cho con cháu sức khoẻ, làm ăn may mắn, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu...

Khi các linh hồn nam giới được mời về đầy đủ, trưởng tộc lại dùng củ gừng và sừng trâu chứa rượu, miệng đọc bài cúng đọc tên mời từng linh hồn nữ giới trong dòng tộc về. Các linh hồn này cũng sẽ nhập vào những người nam giới giúp việc. Trưởng tộc lại mời các linh hồn uống nước cà đắng và ăn thịt trâu, ăn xôi, uống rượu hoẵng. Trưởng tộc xin các linh hồn phù hộ cho dòng họ ngày càng cường thịnh. Sau bài cúng này, chiêng trống sẽ nổi lên. Tuy nhiên, một số tộc họ nay không còn thực hiện nghi thức đánh chiêng trống nữa.

  Kết thúc lễ cúng, mọi người chuẩn bị mâm, bát, rượu, thịt cùng ăn uống chúc tụng nhau, đến tối mới về nhà. Sau đó, các gia đình trong họ mới được phép làm cỗ mời họ hàng đến ăn. Tại bản Díu, việc cúng bắt đầu từ gia đình người em út (người em út phải có con thì mới được cúng), tiếp diễn theo thứ tự lớn dần và cuối cùng là nhà anh cả. Trong khi đó, tại Bản Phùng, việc cúng bắt lại bắt đầu từ nhà anh cả.

Sau lễ cúng tại nhà các trưởng tộc, là lễ cúng tại nhà trưởng làng, với sự tham gia của các trưởng tộc. Đội cúng ở bản Díu gồm 7 người, trong đó, 5 người đại diện cho dòng họ mình, còn tại bản Phùng gồm 6 người, với 4 người cúng đại diện cho dòng họ. Khi cúng, trưởng làng hoặc trưởng họ là người chủ trì, còn các trưởng họ khác cùng phụ giúp thực hiện nghi lễ. Ai được bầu làm trưởng làng phải dựng thêm một nhà phụ nối tiếp sát ngay nhà chính của nhà mình để hành lễ. Cộng đồng sẽ giúp trưởng làng dựng nhà phụ. Trong nhà đặt một thân cây khô nằm ngang để treo chiêng, trống. Trước đây, người La Chí còn sử dụng cả trống đồng, bao gồm một trống đực và một trống cái để hành lễ. Sau buổi lễ, trống sẽ được mang vào hang trong núi để cất, nhưng từ năm 1976, vật thiêng này đã bị mất.

  Trong lễ cúng, trưởng làng và những người phụ giúp phải mặc quần áo dài, đầu đội mũ vải hình chóp, màu đen, đỉnh mũ gắn một đoạn vải tượng trưng cho tóc của phụ nữ. (Tương truyền, trước đây, việc cúng bái Tổ tiên của người La Chí do phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm, nhưng một ngày kia, họ mải đi hát mà quên cúng Tổ tiên. Do vậy, người đàn ông trong gia đình đã giả làm nữ giới để cúng tổ tiên. Từ đó đến nay, người đàn ông đảm nhận công việc này và mặc bộ quần áo của phụ nữ để cúng).

Người La Chí không dùng tiền giấy bản trong lễ cúng, vì theo họ, xưa, người La Chí cùng các tộc người khác đi tìm đất canh tác. Các tộc người khác nhanh chân hơn, nên họ đi đến vùng đất nào, thì đánh dấu vùng đất ấy, bằng việc dùng cỏ khô đốt thành các đống tro nhỏ. Người La Chí đi rất chậm, họ xếp ba tảng đá kê thành bếp và dùng cành củi, thân cây to để nấu ăn. Với địa hình sườn núi dốc, thường xuyên có gió lớn và mưa to, nên các đống tro, đốt từ cỏ của các tộc người khác bay đi hoặc trôi hết, chỉ những bếp kê ba tảng đá, có vết cháy xém đen của người La Chí còn sót lại. Các tộc người khác nhận đất đó là của họ nhưng không tìm được những điểm đánh dấu của mình, đành phải nhường lại đất cho người La Chí. Chính vì vậy, khi có người chết, các tộc người khác phải tung tiền giấy với dụng ý là mua đất của người La Chí để chôn. Người La Chí nhiều đất không phải cầu cạnh ai, không cần mua đất của ai, nên không phải dùng tiền giấy là vì lẽ ấy.

Trưởng làng là người cúng đầu tiên, sau đó, các trưởng họ mới được cúng. Nếu trưởng làng chưa thuộc hết các bài cúng thì sẽ được một người già am hiểu nhất về phong tục giúp đỡ khi cúng. Những người phụ giúp trong lễ cúng thường mặc áo ngắn và quần chân què ống rộng, đầu quấn khăn. Trưởng làng cúng mời Tổ tiên về ăn Tết cùng dân bản, cùng ăn thịt trâu mà dân bản nuôi được, cùng ăn xôi của dân bản trồng được trên mảnh đất bản Díu màu mỡ, cùng uống rượu ngọt (rượu hoẵng) như tấm lòng thảo thơm của dân bản vậy. Trưởng làng cũng dùng “Đoọc Khâu” để cầu mong cho cây lúa tốt tươi mùa màng bội thu.

  Sau khi trưởng làng cúng xong, các trưởng họ mới được cúng. Họ cũng dùng sừng trâu chứa rượu hoẵng gọi Tổ tiên dòng họ của mình về chứng giám cho lòng thành của con cháu, nhờ Tổ tiên phù hộ cho người trong họ ngày càng đông, sức càng mạnh, ngô, thóc đầy bồ, đầy nhà, trâu, ngựa đầy chuồng... Các trưởng tộc cúng xong thì uống rượu, ăn xôi, thịt để báo hiệu Tổ tiên đã về, chia các phần thịt, rượu cho nhau để thể hiện sự đoàn kết, tương trợ giữa các dòng họ.

Cúng xong, hai người đánh chiêng và hai người đánh trống gõ dạo trước. Sau đó, các trưởng họ lần lượt đánh trống. Trước khi đánh trống, trưởng họ cầm đôi dùi trống vái trưởng làng và các trưởng họ. Khi đánh, phải đánh mặt bên phải của trống trước và nhún người theo nhịp trống, rồi nhảy một vòng theo chiều kim đồng hồ, sang đánh mặt trống đối diện. Khi tiếng trống của người phụ giúp cuối cùng dừng lại cũng là lúc nghi lễ kết thúc. Chủ nhà dọn mâm mời tất cả mọi người tham dự uống rượu, ăn thịt trâu.

  Ngày Tết cuối, dân làng tập trung tại nhà cộng đồng “Khu Cù Tê” làm lễ đánh trống để tiễn Tổ tiên trở về thế giới bên kia. Theo quan niệm của người La Chí, đây là ngôi nhà thiêng, không ai được phép phá huỷ, hoặc làm tổn hại. Lễ cúng tiễn Tổ tiên được tổ chức ngoài trời, bên cạnh nhà cộng đồng, diễn ra từ trưa đến 3 giờ chiều dù mưa hay nắng. Trưởng làng và người phụ giúp đặt những mâm lễ đã chuẩn bị trước ở dưới đất, lần lượt đọc các bài cúng tiễn đưa Tổ tiên về lại thế giới bên kia. Cúng xong, họ cùng nhau nhảy múa và đánh trống. Khi tiếng trống kết thúc, đồ cúng mà các dòng họ mang đến được bày ra, tất cả mọi người tham dự cùng thụ hưởng. Trong khi ăn uống còn có màn hát đối đáp nam nữ. Hát xong cũng là lúc Tết Khu Cù Tê kết thúc.

  Trong bản của người La Chí, tiếng trống chỉ được đánh trong những ngày Tết. Sau Tết, người dân kiêng không đánh vì tiếng trống vang lên nghĩa là mời Tổ tiên về, làm họ không được yên nghỉ và người dân cũng không có điều kiện để tổ chức lễ. Hơn nữa, khi Tổ tiên được mời về, các ma ác cũng bám theo gây hại cho sức khoẻ và mùa màng của dân bản, lúc đó dân lại phải mổ nhiều trâu để cúng, tốn kém tiền của...

  Tết Khu Cù Tê của người La Chí có lịch sử lâu đời, là dịp người trong dòng tộc, cộng đồng ở khắp nơi về sum họp, tưởng nhớ Tổ tiên, cầu mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc, qua đó góp phần duy trì và củng cố mối gắn kết cộng đồng, dân tộc. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu của di sản, Tết Khu Cù Tê của người La Chí ở Hà Giang đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Website Cục di sản văn hoá http://dsvh.gov.vn/tet-khu-cu-te-cua-nguoi-la-chi-o-ha-giang-1052

CÁC NÉT ĐẸP TRONG TRUYỀN THỐNG HÔN NHÂN VÀ NGHI LỄ CƯỚI HỎI CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ 

  1. Coi trọng tình yêu và hạnh phúc lứa đôi

Tự nguyện trong tình yêu và hôn nhân là điều quan trọng, quyết định hạnh phúc của cha mẹ và hạnh phúc của con cái

trong gia đình. Các dân tộc ở Hà Giang có bề dày truyền thống văn hoá, luôn coi trọng tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Nam nữ đến tuổi

trưởng thành được tự do tìm hiểu, tự do yêu đương, đồng thuận kết hôn, không chịu sự ép buộc bởi tục lệ lạc hậu. Điều đó được lưu

truyền qua các tập tục trong hôn nhân, tiêu biểu như tục “Kéo vợ” của dân tộc Mông.

Người Mông có tục lệ “Kéo vợ”, bắt nguồn từ câu chuyện của đôi trai gái yêu nhau tha thiết và mong muốn được kết

hôn, có sự đồng ý và chúc phúc của cha mẹ hai bên gia đình. Nhưng chàng trai người Mông vì gia cảnh nghèo khó, không thể

đáp ứng được tục lệ thách cưới của nhà gái và dòng tộc. Không cam chịu trước nghịch cảnh, nhằm phản đối hủ tục lạc hậu, đôi

trai gái dân tộc Mông đã quyết định đặt cha mẹ hai bên vào “sự đã rồi” bằng một màn “kéo vợ” vào ngày hội xuân.

Cô gái chỉ “giả vờ” chống cự nhưng cuối cùng sẽ bằng lòng, theo về nhà trai. Trong 3 ngày ở nhà chàng trai, cô gái ở một phòng riêng, được tiếp đón như một người khách. Qua 3 ngày, cô gái không thay đổi ý định kết hôn, nhà trai sẽ mang sính lễ đến nhà cô gái dạm hỏi. Hai gia đình chọn ngày lành tháng tốt tổ chức đám cưới cho 2 người. Tục "kéo vợ” là một nét đẹp văn hóa mang tính truyền thống trong hôn nhân của đồng bào dân tộc Mông. Tục lệ này được coi là một nét đẹp văn hóa khi cả nam, nữ đều đồng thuận kết hôn và tuân thủ đúng các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

2. Hát đối trong lễ cưới

Trong lễ kết hôn của đồng bào các dân tộc Hà Giang, những lời ca, tiếng hát đối đáp qua lại giữa 2 họ là nét đẹp văn hoá đặc sắc, ngày nay còn được lưu truyền trong một số dân tộc thiểu số ở Hà Giang. Hát Quan làng, hát xin dâu Quan làng: Chỉ người đại diện đưa và đón dâu của hai họ nhà trai và nhà gái. Hát Quan làng là lời hát của ông quan làng nhà trai và nhà gái khi đến xin và đưa dâu. Người Tày ở Hà Giang có truyền thống hát Quan làng trong lễ cưới. Đây là nét văn hoá đẹp, hiện nay được lưu truyền phổ biến trong đám cưới người Tày ở các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Vị Xuyên…

Hát đối đáp xin dâu

Người Mông ở một số nơi như Đồng Văn, Mèo Vạc, Bắc Quang vẫn còn duy trì truyền thống hát đối đáp xin dâu. Mỗi nghi thức trong đưa, đón dâu đều có bài hát riêng, khiến cho không khí đám cưới rất sôi nổi.

Lời hát đối Quan làng, xin dâu là những làn điệu dân ca về lòng biết ơn đối với tổ tiên, về tình yêu gia đình; lời xin dâu; những lời dặn dò đôi trẻ về bảo vệ nề nếp gia phong, văn hoá ứng xử với gia đình và xã hội, chăm chỉ làm ăn và nuôi dạy con cái. Lời các bài hát rất dài và khi hát phải sáng tạo theo tình huống, do vậy phải là những người có năng khiếu mới có thể làm Quan làng, hát đối đáp xin dâu trong đám cưới.

Hát Páo Dung

Người Dao có hát Páo Dung là một loại hình dân ca Dao trong lễ cưới và những lễ hội khác. Lời ca Páo Dung xuất phát từ cuộc sống và lao động sinh hoạt hàng ngày của con người. Qua lời ca, người Dao gửi gắm được tất cả các cung bậc tình cảm giận hờn, yêu, ghét, hy vọng, thành kính, vui sướng hay đau khổ… Lời ca Páo Dung là sự đúc kết những mong ước tốt đẹp của người dân về mùa vụ, thời tiết đồng thời ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, làng bản con người; ca ngợi tình yêu của đôi lứa…

Hát đối

Người Giáy có hát đối. Hát đối diễn ra khi đoàn nhà trai đến đón dâu, trưởng đoàn nhà trai phải hát đối đáp với nhà gái, nội dung xin nhà gái bỏ vật chướng cản đường bởi những sợi chỉ hồng và mây cành gai.

3. Phong tục cưới hỏi

 Phong tục cưới hỏi của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang đều có những thủ tục và nghi thức cưới hỏi mang đậm những phong tục riêng của dân tộc mình. Tuy nhiên đa phần khá tương đồng và căn bản gồm 3 nghi lễ chính: lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi, lễ cưới.

Người Tày

 Lễ cưới của người Tày trải qua các nghi thức như:

- Dạm hỏi: xem nhà gái có ưng không;

- Lễ ăn hỏi: nhà trai mang đồ sính lễ (đôi gà, đôi chai rượu) đến nhà gái làm lễ nhận dâu, nhận rể;

- Lễ lấy lá số: nhà trai sang nhà gái xin lá số của cô gái về xem ngày tốt để làm đám cưới; 

- Lễ cưới: Nghi lễ trong đám cưới của người Tày, nhất là thủ tục chính thức cô dâu chú rể xin phép để về nhà chồng khá phong phú như: căng dây chặn đường; xin nước rửa chân; tục giữ cửa; tục xin trả chiếu; hát mời nước, mời trầu, nộp lễ, xin đón dâu... hay việc cô dâu phải đội nón suốt dọc đường đến nhà trai là một nghi thức quan trọng, có ý nghĩa trên đường về nhà trai, đoàn luôn gặp may mắn, phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ trăm năm hạnh phúc, thuận lợi về đường con cái cũng như trong làm ăn.

Người Pu Péo

Việc cưới hỏi của người Pu Péo được tiến hành khá độc đáo và phải trải qua các bước như lễ dạm hỏi, lễ hỏi, lễ xin dâu, lễ đón dâu và lễ lại mặt. Trong ngày cưới, đoàn đón dâu sẽ ở nhà gái 1 đêm. Trước khi đoàn đón dâu tới, nhà gái kê bàn đặt ngang cửa, mời rượu. Sáng hôm sau, khi làm xong lễ gia tiên, phù dâu sẽ cõng cô dâu ra khỏi cổng để về nhà chồng. Trong tiệc cưới tại nhà trai, tất cả mọi người đều phải ăn bốc, kể cả cô dâu, chú rể và khách đến chung vui. Lễ lại mặt lần đầu được tiến hành sau lễ cưới 3 ngày. Tiếp đó, đô vợ chồng trẻ sẽ phải trở lại nhà vợ ba lần nữa (sau ngày cưới 7 ngày, 13 ngày và một tháng).

Người Nùng

Để tiến tới hôn nhân, người Nùng phải thực hiện trang trọng các nghi lễ như: dạm hỏi, ăn hỏi, thách cưới, lễ cưới, lễ lại mặt và một số tục lệ khác. Trong đó, lễ cưới là một nghi lễ đặc biệt đã lưu truyền trong đời sống người Nùng qua nhiều thế hệ. Theo tục lệ truyền thống, người Nùng không có tập quán ăn hỏi là cưới ngay, phía nhà trai bao giờ cũng phải chờ đợi một thời gian (từ 2 đến 3 tháng trở lên).

Khi đoàn nhà trai đến nhà gái đón dâu. Các cô gái bên nhà gái mang nước đợi ở bên cầu thang, chờ dịp té nước vào chú rể và một số thành viên trong đoàn. Ý nghĩa của việc này là để xua đuổi bệnh tật, vận hạn của chú rể. Sau khi té nước xong đoàn đón dâu mới được vào trong nhà.

Đoàn đưa dâu ra khỏi nhà cô dâu phải cưỡi ngựa, không được đi bộ đến nhà trai. Khi rước dâu về đến nhà trai, cô dâu một tay cầm bó lúa, một tay cầm ống nước (được nhà trai chuẩn bị) đi lên nhà, sau đó đặt bó lúa lên gác bếp, đổ ống nước vào chảo (đã được bắc sẵn trên bếp). Ý nghĩa của việc làm này là răn dạy con dâu mới phải chăm chỉ, đảm đang; vào nhà nấu canh ngon, cơm dẻo; ra đồng lúa, ngô nặng hạt, trĩu bông.

Người Bố Y 

Trước khi tổ chức lễ cưới chính thức, nhà trai nhờ người mai mối đến nhà gái dạm hỏi. Nếu nhà gái đồng ý, lễ cưới được tiến hành theo ba bước: Ăn hỏi (thống nhất các điều kiện, thời gian tổ chức đám cưới), Lễ cưới nhỏ (nhà trai mang lễ đến tổ chức vui cùng nhà gái) và Lễ cưới chính thức. Điểm nổi bật trong đám cưới của người Bố Y là chú rể không được đi đón dâu. Em của chú rể sẽ dắt theo con ngựa hồng đẹp nhất để đón chị dâu về nhà chồng. Khi về nhà chồng, cô dâu mang theo một chiếc kéo và một con gà mái nhỏ, đi đến nửa đường thì thả gà vào rừng.

Khi về đến nhà trai, cô dâu và chú rể sẽ được làm lễ cúng ngoài sân trước để xua đuổi tà ma, cái xấu, sau đó vào nhà làm lễ bái thiên địa, bái cao đường. Sau các thủ tục nghi lễ cưới, họ hàng bà con, bạn bè của gia đình vui vẻ chúc mừng hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ.

Người Giáy

 Trước khi tổ chức lễ cưới chính thức, người Giáy phải thực hiện trang trọng các nghi lễ truyền thống như: thả mối mai (dạm hỏi) và mai mối lai (mặc cả). Hai nghi lễ này chủ yếu bàn luận về hôn nhân của đôi bạn trẻ, thống nhất ngày "đoạn lời", từ đây, đôi bạn trẻ đã được công nhận là vợ chồng. Sau khi đoàn đón dâu vào nhà, nhà gái bôi phẩm đỏ vào má từng người nhà trai. Sau thủ tục xin dâu xong, chị gái cõng cô dâu ra khỏi cửa trao cho nhà trai, nhà trai cử một phụ nữ khỏe mạnh đón và cõng cô dâu đi. Nếu gần thì phải cõng đến tận nhà, ở xa phải đi ngựa... Những phong tục này tuy có được cải tiến hơn so với trước đây, nhưng cơ bản vẫn giữ cho đến ngày nay.

4. Tự may trang phục cho ngày cưới

Để chuẩn bị cho ngày cưới, cô dâu thường tự tay chuẩn bị trang phục truyền thống dân tộc để mặc vào ngày cưới. Đây là nét văn hoá đẹp, thể hiện khả năng may vá khéo léo, tỉ mỉ, chịu khó của các cô dâu dân tộc thiểu số. Tự may trang phục chongày cưới là sự khẳng định chỗ đứng của giá trị trang phục truyền thống dân tộc trước những tác động, xâm hại từ trang phục hiện đại, rất cần được lưu truyền, bảo tồn, phát huy giá trị.

Cô dâu Pà Thẻn

Theo phong tục người Pà Thẻn, trước khi cưới, cô dâu phải tự tay thêu, dệt cho mình bộ váy áo thật đẹp mặc trong ngày cưới. Trang phục của cô dâu Pà Thẻn có sắc đỏ rực rỡ và được mặc hai bộ lồng vào nhau, có thắt dây lưng, một dây đen, một dây trắng; khăn vấn quanh đầu, hai đầu khăn có đính hai chùm tua rua màu vàng, đỏ trông đẹp và lạ mắt. Khăn có hai loại là khăn quấn trong màu đen và khăn quấn ngoài màu đỏ. Sự độc đáo trong trang phục nữ của người Pà Thẻn được thể hiện ở lối tạo dáng áo dài, kỹ thuật ghép vải và thêu chỉ màu hài hòa; xen giữa các mảng dệt hoa văn là các họa tiết thêu bằng tay với nhiều màu sắc sặc sỡ. Những tấm thổ cẩm đẹp, những đường thêu, mũi chỉ, hoa văn trang trí trên bộ áo váy của các thiếu nữ chính là điểm để những chàng trai nhận biết về sự khéo léo, đảm đang của cô gái mà họ sẽ ướm hỏi làm vợ sau này.

Cô dâu Lô Lô

Với bản tính cần cù, chăm chỉ, cô dâu Lô Lô khi về nhà chồng cũng phải tự tay may trang phục với các họa tiết vô cùng tinh xảo và đẹp mắt. Để làm ra một bộ trang phục như vậy, những người phụ nữ phải mất khoảng 4 năm. Khoảng thời gian ấy không chỉ là sự kiên trì, vất vả và đôi bàn tay khéo léo của họ, mà đó còn là nơi họ gửi gắm trọn vẹn khát vọng hạnh phúc tình yêu qua những mũi kim, sợi chỉ.

Cô dâu Bố Y

Trong ngày cưới, cô dâu người Bố Y thường mặc bộ trang phục truyền thống đẹp nhất do chính mình tự may gồm: áo trong và áo ngoài. Viền cổ áo, ống tay áo được khâu hay thêu trang trí hoa văn sặc sỡ. Hai vạt trước của áo có hai túi nhỏ cân xứng nhau thường để đựng tiền hay đồ dùng cá nhân và thường may bằng vải thô, nhuộm chàm.

Đặc biệt, trang phục phụ nữ Bố Y đẹp và đặc sắc là nhờ chiếc khăn đội đầu, váy và tạp dề phía trước. Váy của phụ nữ Bố Y được dệt nhiều màu sắc như xanh, tím, ghi và chàm. Bộ trang phục truyền thống thường được mặc trong các dịp lễ hội, cưới hỏi.

(Trích: Tài liệu tuyên truyền giáo dục bài trừ, xóa bỏ hủ tục, dùng trong các trường THPT tỉnh Hà Giang)