Phần 1. Tin báo chí & sự kiện doanh nghiệp

  1. Một số khái niệm trong truyền thông, báo chí

1. ‘Tin’, ‘tin tức’ là gì?

Thuật ngữ «tin», hay còn gọi là «tin tức», thường dùng trong hoạt động truyền thông, báo chí - để chỉ một sự kiện, sự việc nào đó có tính MỚI.

Trong tiếng Anh, người ta dùng từ «news» ("new" - mới) để chỉ tin tức, sự kiện.

Tính mới ở đây có thể là:

- Sự việc mới xảy ra.

Ví dụ: Một vụ tai nạn giao thông gây chết người vừa xảy ra lúc 21h ngày 31/12/2016 tại TP.HCM.

- Sự việc tuy xảy ra đã lâu, nhưng chưa có nhiều người biết. Nay được báo chí phát hiện và đăng bài phản ánh.

Ví dụ: chuyện hai cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh, Hồ Văn Lang ở tỉnh Quảng Ngãi. Hai cha con họ đã bỏ lên rừng sinh sống cách ly xã hội trong suốt nhiều chục năm. Đến giữa năm 2013 mới “bị phát hiện”, được gia đình đưa về chung sống cùng cộng đồng.

- Sự việc đã xảy ra từ lâu, nổi tiếng, nhiều người đã biết. Nay có tình tiết mới.

Ví dụ: Từ năm 2003 ông Nguyễn Thanh Chấn (ở tỉnh Bắc Giang) đã bị tòa án tuyên tù chung thân về tội giết người. Bất ngờ giữa năm 2013, sau 10 năm, từ việc có một người tự thú mình là hung thủ, các cơ quan tiến hành tố tụng đã xác minh và phát hiện đã xử oan ông Nguyễn Thanh Chấn. Do vậy đã ra quyết định minh oan cho ông Chấn. Như vậy, trong năm 2013 có rất nhiều tình tiết, sự kiện mới xảy ra, dù "sự việc" đã diễn ra từ năm 2013.

2. Tin báo chí là gì?

Tin báo chí về bản chất chính là “tin”, "tin tức" nói ở phần trên, điểm khác biệt là tin này được đăng tải, phản ánh trên mặt báo hoặc phát trên Tivi (báo hình).

Tuy nhiên, tin báo chí có thêm một số đặc điểm sau đây:

- Được đăng một cách có chủ đích, chọn lọc, phù hợp tiêu chí hoạt động của tờ báo. Điều này được hiểu là báo có quyền chủ động chọn lọc và quyết định đăng hay không đăng tin/bài về một vấn đề, sự kiện nào đó.

Ví dụ: Một vụ cháy xảy ra tại khu công nghiệp tỉnh Bình Dương. Báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên đưa tin về vụ việc này. Tuy nhiên nhiều báo khác như: Tiền Phong, Giáo Dục Thời Đại ... lại không có tin, bài về vụ việc này.

- Ngoài tính mới, còn phải có tính hấp dẫn, thậm chí "giật gân" (liên quan đến các vấn đề như: tình ái, tiền bạc, tội phạm, người mẫu, đời tư của những người nổi tiếng ... vv) để câu khách/câu view, thu hút nhiều người đọc. (Lưu ý: đây là chỉ nói đến những tờ báo độc lập về tài chính. Tức là phải tạo ra nguồn thu từ việc bán báo, quảng cáo để tồn tại và phát triển. Còn những tờ báo được bao cấp bởi ngân sách nhà nước thì không bị áp lực phải đăng những tin bài kiểu này).

- Nói về vấn đề, sự kiện đang được nhiều người quan tâm theo dõi, hoặc liên quan đến quyền lợi, cuộc sống của số đông trong xã hội.

Ví dụ: Các bài viết về đời tư của các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng, hay nói về những quy định mới trong chính sách về nhà đất, tài chính …vv thường được nhiều người quan tâm.

Lưu ý:

- Khái niệm báo chí, truyền hình mà chung tôi nói tới trong chuyên đề này là khái niệm hẹp, chỉ riêng ở Việt Nam. Tại Việt Nam, báo chí chịu sự quản lý của Nhà nước và đồng thời cũng là những Cơ quan (báo chí) của Nhà nước. Tại Việt Nam không có báo chí tư nhân.

- Tuy nhiên, ở những nước tư bản phát triển, khái niệm báo chí rộng hơn rất nhiều. Báo chí chủ yếu là của tư nhân, hoạt động như một doanh nghiệp thực thụ và rất đa dạng, phát triển.

- Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật, đã hình thành các mạng xã hội rất lớn. Như mạng xã hội Facebook, mà chỉ riêng ở Việt Nam đã có nhiều chục triệu người tham gia. Có thể khẳng định tin tức trên mạng xã hội - tuy không phải là "tin tức báo chí", nhưng có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa thậm chí có thể còn hơn cả nhiều tờ báo "chính thống". Nói khác đi, vai trò của mạng xã hội cần được doanh nghiệp đặc biệt quan tâm và có thể sử dụng như một kênh truyền thông hiệu quả.

Có những vụ việc được nhiều báo cùng lúc tập trung đưa tin, phản ảnh, tạo thành một sự kiện báo chí (ảnh minh họa)


3. Sự kiện báo chí là gì?

Sự kiện báo chí là một "vệt" tin, bài về một sự kiện hay vấn đề nào đó, được nhiều tờ báo/cơ quan truyền thông cùng lúc tập trung đăng tải, phản ánh trong cùng một thời điểm.

Hay có thể nói cách khác, khi một sự kiện hay vấn đề - nếu có tính hấp dẫn, được nhiều người quan tâm, thì nhiều khả năng sẽ tạo thành một sự kiện báo chí. Tức là cùng lúc được nhiều báo đăng tải, phản ánh.

Qua đó chúng ta thấy:

- Sự kiện báo chí có thể được tạo ra một cách chủ động, qua kế hoạch (thường gọi là "kế hoạch truyền thông") hay mong muốn (và còn phù thuộc vào khả năng/tài năng nữa) của một cá nhân hay tổ chức nào đó.

- Tại Việt Nam, sự kiện báo chí có thể được tạo ra từ một mệnh lệnh hành chính hay chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo địa phương. Chẳng hạn Hội đồng nhân dân TP. HCM tiến hành một kỳ họp, bàn luận về nhiều vấn đề quan trọng. Khi đó, lãnh đạo thành phố có thể chỉ đạo, yêu cầu các báo tham dự, đưa tin, tuyên truyền về kỳ họp này.

- Tuy nhiên, phần lớn các sự kiện báo chí xuất hiện một cách ngẫu nhiên, không thể lường trước. Và chủ yếu do tính hấp dẫn của sự kiện, đã mặc nhiên "kéo" các tờ báo cùng vào cuộc, để đáp ứng nhu cầu về thông tin trong xã hội.

Ví dụ: Đầu năm 2012, vụ án anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãnh (Hải Phòng) dùng súng hoa cải bắn vào đoàn cưỡng chế đất đai do chính quyền địa phương tiến hành, đã tạo nên một tiếng vang lớn, được dư luận trong nước đặc biệt quan tâm. Thậm chí cả trên báo chí quốc tế. Khi đó, hầu như tất cả các tờ báo tại Việt Nam đều liên tục đăng rất nhiều tin, bài về sự kiện này. Xét về mặt báo chí, đây chính là một sự kiện báo chí, mà không tờ báo nào có thể đứng ngoài cuộc (vì sẽ mất bạn đọc, mất uy tín).

4. Sự kiện doanh nghiệp

Sự kiện doanh nghiệp, nói một cách ngắn gọn, là sự kiện/sự việc vừa hoặc sắp xảy ra/diễn ra, gắn liền hoặc liên quan với doanh nghiệp đó.

Mỗi doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và phát triển của mình đều sẽ trải qua rất nhiều những biến cố, sự việc. Từ to đến nhỏ, từ diễn ra một cách chủ động cho đến có thể xảy ra do bị động, bất ngờ. Tất cả đều có thể xem là sự kiện của doanh nghiệp, với nhiều mức độ và ý nghĩa khác nhau.

Chẳng hạn như:

- Doanh nghiệp A chuẩn bị bán ra thị trường một sản phẩm mới - sự kiện chủ động.

- Tổng giám đốc công ty bất ngờ bị tai nạn giao thông qua đời - sự kiện bị động.

- Một vụ tai nạn lao động xảy trong Nhà máy của công ty làm chết 2 công nhân - sự kiện bị động

- Sản phẩm của công ty được Bộ Công Thương trao giải thưởng quốc gia về chất lượng - sự kiện khách quan.

Chúng ta có thể thấy rằng những sự kiện, sự việc như trên đều có tính mới, và có khả năng có thể trở thành một bản tin, bài viết trên báo chí.

5. Sự cố doanh nghiệp

Con ruồi trong chai nước ngọt Number One là một "sự cố doanh nghiệp" của công ty Tân Hiệp Phát, mà họ phải đối đầu với bao khó khăn, sóng gió (ảnh minh họa)

Sự cố doanh nghiệp cũng chính là một sự kiện doanh nghiệp, nhưng có tính chất và mức độ nghiêm trọng, xảy ra như một rủi ro, thường nằm ngoài dự liệu và tầm kiểm soát của doanh nghiệp.

Một sự cố doanh nghiệp thường được hoặc tiềm ẩn sự quan tâm/hiếu kỳ của dư luận xã hội. Chính điều này mặc nhiên tạo nên tính "hấp dẫn" của sự cố doanh nghiệp. Dù muốn hay không.

Ví dụ : Cuối năm 2014 ở Tiền Giang, sự việc trong một chai nước ngọt Number One có con ruồi, rồi anh Võ Văn Minh dùng làm vật để tống tiền công ty Tân Hiệp Phát, bị công an bắt, được báo chí phản ánh rầm rộ, thu hút dư luận cả nước quan tâm, tìm đọc. Qua thông tin phản ánh trên báo chí và mạng xã hội, cho rằng Tân Hiệp Phát "gài bẫy" để bắt anh Minh, nhiều người đã kêu gọi tẩy chay, không dùng sản phẩm của Tân Hiệp Phát nữa. Đại diện Tân Hiệp Phát tại phiên tòa cho rằng vụ việc này đã gây tổn thất cho Tân Hiệp Phát hàng ngàn tỷ đồng! Đây có thể xem là là một SỰ CỐ của Tân Hiệp Phát, mà Ban lãnh đạo công ty Tân Hiệp Phát không thể lường trước và cũng không mong muốn xảy ra.

Qua đó, chúng ta thấy rằng sự cố doanh nghiệp, nếu bị giới truyền thông "phát hiện", hoặc do doanh nghiệp chủ đông cung cấp thông tin, gần như chắc chắn sẽ trở thành một bản tin, thậm chí trở thành một sự kiện báo chí.

Việc báo chí, truyền thông đưa tin, phản ánh một sự cố doanh nghiệp trên mặt báo chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm, theo dõi của bạn đọc, cũng chính là nhưng khách hàng, hay khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp. Nếu thông tin tốt thì sẽ tốt cho doanh nghiệp, ngược lại nếu thông tin xấu, hoặc không đầy đủ, thiếu khách quan thù sẽ rất xấu, bất lợi cho doanh nghiệp. Thậm chí ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh, kết quả sản xuất kinh doanh ...

Chính điều này cho thấy doanh nghiệp cần cố gắng làm chủ tình thế, ngoài việc tập trung các giải pháp khắc phục sự cố, thì việc chủ động cung cấp thông tin, giải thích cho giới báo chí truyền thông là rất quan trọng và cần thiết. Để thực hiện việc này, phải thông qua một văn bản hành chính - pháp lý. Đó chính là Thông cáo báo chí.

2. Sự kiện doanh nghiệp & Bản tin báo chí

Sự kiện/sự cố doanh nghiệp diễn ra rất nhiều, khắp nơi, mỗi ngày. Đây chính là "nguồn thông tin" quan trọng của các bản tin, bài viết trên báo chí (ảnh minh họa)

1. Sự kiện doanh nghiệp là nguồn của bản tin trên báo


Nói chung, những bản tin, bài viết đưa lên mặt báo đều phải dựa trên những sự kiện, sự việc có thật trong đời sống xã hội. Hay có thể nói cách khác, chính từ các sự kiện, sự việc nào đó trên thực tế, là nguồn và tạo ra các bản tin trên báo chí.


Lưu ý: Tất nhiên, cũng có những tờ báo hoặc có thể là người phóng viên đã dựng chuyện, bịa đặt khi viết bài đăng báo. Người ta hay gọi đây là hiện tượng «nhà báo nói láo ăn tiền»! Việc này xét về nguyên tắc, là hoàn toàn sai trái.


Vậy câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để có thể tạo ra một bản tin báo chí từ sự kiện trong doanh nghiệp của bạn? Hàm ý ở đây là: doanh nghiệp cần chủ động tạo ra tin báo chí, thay vì bị động. Muốn vậy, chúng ta cần phải thực hiện những điều sau đây:


- "Chuyển hóa», diễn giải (viết) và phân tích sự kiện doanh nghiệp theo các yếu tố và đặc tính của một Tin hoặc Sự kiện báo chí.


- Chủ động cung cấp, chuyển thông tin về sự kiện/ sự cố đến đúng địa chỉ (là nhà báo, tòa báo).


Theo đó, các tài liệu viết, hay bản Thông cáo báo chí chính là cách đầu tiên, hữu hiệu mà bạn/doanh nghiệp có thể lồng ghép/chuyển tải thông tin từ doanh nghiệp của bạn đến các phóng viên, cơ quan truyền thông.


Phóng viên và các cơ quan báo chí, truyền thông có đặc tính là lúc nào cũng THÈM KHÁT thông tin. Đặc biệt là các thông tin hấp dẫn, có tính báo chí. Đơn giản là để họ đăng báo và ... bán báo! Vì mỗi tòa báo có thể ví như một doanh nghiệp, sản xuất và kinh doanh tin tức.


Chính vì vậy, họ sẽ "ngấu nghiến" những bản Thông cáo báo chí do doanh nghiệp gửi đến. Trên thực tế, một tỷ lệ lớn những gì bạn đọc đọc được trên báo chí và truyền hình, hay các ấn phẩm thương mại, nghe trên đài ... đều có thể có nguồn gốc từ chính doanh nghiệp, từ các bản Thông cáo báo chí do doanh nghiệp cung cấp.


Tuy nhiên, cần lưu rằng một tòa báo thông thường có thể nhận hàng chục, hàng trăm bản Thông cáo báo chí mỗi tuần. Và không có nghĩa là tất cả những "tin" có trong các bản Thông cáo báo chí gửi đến sẽ đều được đưa lên mặt báo. Mà phần lớn, đại đa số chúng, đều sẽ bị cất giữ trong tủ của nhà báo, của tòa soạn!


Lý do thật đơn giản: Những thông tin do doanh nghiệp cung cấp (trong bản Thông cáo báo chí) không chuẩn, không đầy đủ, không hấp dẫn, thiếu chứng cứ, tài liệu ...vv. Nên không có giá trị sử dụng, không thể dùng làm bản tin đăng báo.


Vậy làm thế nào để "biến" một sự kiện doanh nghiệp thành một bản tin báo chí? Xin xem tiếp phần sau.

Một trong những yếu tố cơ bản đầu tiên, là sự kiện doanh nghiệp phải có tính mới (ảnh minh họa)

2. Cách "biến" một sự kiện doanh nghiệp thành bản tin báo chí


"Biến" một sự kiện doanh nghiệp thành một bản tin đăng báo là việc doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, để báo đăng tin, viết bài về doanh nghiệp của mình theo hướng ... có lợi cho doanh nghiệp! Có thể xem đây là một hình thức quảng cáo, PR hiệu quả, "trá hình" và ... miễn phí!


Ví dụ: Công ty A sắp bán trên thị trường một sản phẩm mới là giày thể thao nhãn hiệu ZXZ. Và trên báo Tuổi Trẻ có một bản tin về sự kiện này, tại trang Kinh Tế. Điều này rõ ràng là có lợi cho công ty A. (Được quảng cáo, quảng bá miễn phí).


Như tôi đã trình bày ở phần trước, muốn vậy, bạn/doanh nghiệp cần phải làm sao đó, cho bản Thông cáo báo chí do mình soạn thảo, có nội dung hấp dẫn, thông tin giá trị ... - để báo chọn đăng.


Nếu thành công, tức là bạn đã "biến" được sự kiện của doanh nghiệp mình thành một bản tin đang báo.


Điều khó nhất của bạn, là phải viết được một bản Thông cáo báo chí - làm sao đó, khiến cho - các nhà báo, tòa báo phải quan tâm và muốn tìm hiểu thêm. Và cuối cùng khám phá ra rằng: câu chuyện/sự kiện mà bạn cung cấp cho họ, qua bản Thông cáo báo chí, chính là điều mà họ cần và muốn đăng báo!


Qua kinh nghiệm thực tế của người làm báo, tôi muốn nói rằng yêu cầu đặt ra đối với bản Thông cáo báo chí là:


- Sự kiện phải được diễn đạt sao cho có tính chất, đặc điểm của một tin báo chí (bao gồm cả tính hấp dẫn, độc quyền, mới ....vv). (Xem phần cách viết một bản tin báo chí ở mục sau).


- Doanh nghiệp có thể chủ động tạo nên «tính chất tin báo chí» từ sự kiện doanh nghiệp mình.


- Tiếp cận, gửi thông tin đến cơ quan báo chí, nhà báo một cách hiệu quả.


- Viết bản Thông cáo báo chí tốt, ấn tượng. Với đầy đủ chứng cứ, tài liệu liên quan.

3. Kỹ thuật viết một bản tin/Bài báo

5W + H là một công thức kỹ thuật của bản tin báo chí, có ý nghĩa như là một "chìa khóa" (ảnh minh họa)

1. Công thức 5W + H

Điều đầu tiên mà tôi muốn lưu ý, là bản tin hay bài báo KHÔNG PHẢI LÀ MỘT BÀI VĂN. Do vậy, hoàn toàn không có chuyện phải có đủ các phần "mở bài", "thân bài", "kết luận" - như chúng ta học ở trường phổ thông.

Nói một cách ngắn gọn, là bản tin báo chí KHÔNG CÓ KẾT LUẬN, KHÔNG CÓ MỞ BÀI, mà ĐI THẲNG VÀO NỘI DUNG, cung cấp đầy đủ thông tin cho người đọc.

Một bản tin báo chí được đánh giá là tốt khi và chỉ khi trong nội dung bản tin có đầy đủ và cụ thể những thông tin cơ bản nhất về sự kiện/sự việc đó. Tức là sao cho sau khi đọc xong một bản tin, người ta dễ dàng hiểu ngay ra được sự việc đó đã diễn ra ở đâu, lúc nào, như thế nào, hậu quả ra sao, liên quan đến ai … - đây chính là những thông tin cơ bản và quan trọng nhất.

Còn nếu sau khi đọc bản tin/bài viết đăng trên báo, mà người đọc không hiểu được ý bài viết muốn nói điều gì? hay không rõ sự kiện xảy ra ở đâu, như thế nào, lúc nào …vv - thì đó là một bản tin kém, dở. Trong giới báo chí gọi là tin “què”, không đầy đủ.

Trong các giáo trình giảng dạy về báo chí hiện đại, người ta đưa ra một công thức viết một bản tin báo chí rất đơn giản là 5W + H.

5W và H chính là 5 từ viết tắt của các từ tiếng Anh, gồm: What, Who, When, Why, Where, How.

Nghĩa là:

- What: Điều gì đã xảy ra? Hậu quả như thế nào

- When: Xảy ra khi nào?

- Where: địa điểm xảy ra sự kiện.

- Who: Ai, liên quan đến ai?

- Why: Vì sao, nguyên nhân? Dự đoán ...

- How: bao nhiêu? như thế nào, số lượng …

Lưu ý: không nhất thiết là trong bản tin phải đúng theo thứ tự như trên.

Để dễ hình dung, hãy đọc bản tin sau - đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 22-4-2014, và cùng phân tích:

Động đất tại Nghệ An

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu cho biết một trận động đất có độ lớn 2,5 độ Richter đã xảy ra vào 4 giờ 15 phút (giờ Hà Nội) hôm nay 22-4-2014 tại huyện Quế Phong (Nghệ An).

Cụ thể, vị trí xảy ra động đất có tọa độ 19,902 độ vĩ Bắc - 105,016 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.

Theo đánh giá, trận động đất xảy ra trên khu vực huyện Quế Phong này gây nên rung động trên cấp III (thang MSK 64 gồm 12 cấp) tại khu vực tâm chấn. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần nhận định đây là trận động đất yếu và không có khả năng gây thiệt hại.

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất trên.

------------------------

Chúng ta hãy cùng kiểm tra theo công thức 5W + H xem sao?

- What: Động đất ở Nghệ An (chính là tiêu đề của bản tin)

- When: Lúc 4h15 phút ngày 22-4-2014.

- Where: Khu vực huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.

- Who: Trung tâm báo tin động đất thông báo.

- Why: Động đất yếu, không có khả năng gây sóng thần

- How: Không gây thiệt hại

Chúng ta thấy tất cả các thông tin trong bản tin đã đáp ứng đúng công thức 5W+H.

Như vậy, xét về mặt kỹ thuật, đây là một bản tin rõ ràng, đầy đủ. Một bản tin ngắn gọn, xúc tích những đã chuyển tải được những thông tin cơ bản và quan trọng nhất.

Lưu ý:

Tất nhiên, lý thuyết là một việc, thực tế lại là chuyện khác. Trong nhiều trường hợp, vì nhiều lý do khác nhau, bạn không thể biết để viết đủ 5W + 1H. Hoặc thậm chí tệ hơn, là có thể bạn biết rất rõ nhưng lại không thể viết, không dám viết ra! Điều này cho thấy nghề phóng viên nói riêng, nghề viết lách nói chung đòi hỏi sự dũng cảm và trong sáng.

Ví dụ: Bạn biết rõ một ông quan to vừa nhận một gói tiền hối lộ hàng tỷ đồng. Nhưng bạn không dám viết hay nói ra, vì sợ bị ... trả thù!

Đặt Tít hay quyết định 50% thành công của bài viết (ảnh minh họa)

2. Cách đặt tít (tiêu đề) một bản tin báo chí


Mỗi bản tin báo chí hay bài viết đều phải có tiêu đề. Hay còn gọi là "tên bài viết". Thuật ngữ trong báo chí, truyền thông gọi là tít (Title).


Tít là một bộ phận cấu thành của bản tin/bài viết. Có vai trò quan trọng, thậm chí có thể xem là quan trọng nhất trong cấu trúc một bản tin báo chí.


Sở dĩ nói tít quan trọng nhất, là vì tít bài luôn được phóng lớn, làm nổi bật. Mục đích là thu hút người đọc. Kích thích người đọc tò mò và sẽ đọc bài báo/bản tin đó. Thế nên, nếu tít không hay, thiếu tính hấp dẫn, thì người đọc sẽ cảm thấy chán, không muốn xem. Dù là có thể nội dung trng bài viết hay, có nhiều thông tin giá trị.


Việc đặt tít sao cho hay là chuyện không hề dễ dàng, thường là công việc của những Biên tập viên, Tổng biên tập giỏi (trong cơ quan báo chí).


Dưới đây là một số gợi ý, lưu ý về việc đặt tít cho bản tin/bài viết. Hay nói rộng hơn là đặt tít cho bản Thông cáo báo chí.


- Tít cần phải ngắn gọn, dễ hiểu. Thường chỉ trong vòng 10 từ trở lại là tốt nhất.


- Tít không nhất thiết phải là một câu đầy đủ về mặt ngữ pháp. Tức là không nhất thiết phải có cả chủ ngữ lẫn vị ngữ. Mà điều quan trọng hơn cả là chứa đựng được THÔNG TIN QUAN TRỌNG NHẤT mà tác giả muốn nói.


- Tít cần chứa đựng nội dung cụ thể (bao gồm cả số liệu), từ ngữ mang tính hấp dẫn, gây tò mò.


- Tuyệt đối tránh kiểu đặt tít chung chung, hoặc khó hiểu. Chẳng hạn: "Kinh tế tỉnh Hà Tĩnh trên đà phát triển" là một tít chung chung, không có thông tin.


- Có thể đặt tít theo kiểu gây tò mò, nêu nửa nội dung ... và sử dụng các dấu biểu cảm. Như dấu ?, dấu !, dấu ... trong tít. (Nhưng cũng không nên quá lạm dụng).


- Không sáo mòn trong phong cách đặt tít. Cần thay đổi, sáng tạo, đột phá.


Lưu ý: nếu bài viết dài, thì có thể ngắt ra từng đoạn theo nhóm nội dung và đặt các tít phụ.


..............


Dưới đây là Tít một số bản tin/bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 11/01/2017:


- Tổng thống Obama đọc diễn văn tạm biệt


- Bắt, di lý ngay trong đêm 2 nguyên lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín


- Bị phạt vì lên núi phóng sinh 10 bao ... rắn độc


- Phát hiện hàng ngàn mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc


- Sếp "lớn" Sabeco nhận thông báo nghỉ hưu


- Honda Việt Nam giới thiệu Wave Alpha 110cc phiên bản hoàn toàn mới


- vv.

Thông tin đăng trên báo phải luôn bảo đảm sự chính xác tuyệt đối (ảnh minh họa)

3. Tính chính xác và có thật của sự kiện


Khi một sự kiện đã được đăng tải thành một bản tin hay bài viết trên báo, thì điều đầu tiên cần phải bảo đảm là: đó phải là một sự kiện CÓ THẬT. Vì nếu không phải là sự thật, hay thậm chí không có sự kiện đó - mà báo vẫn đăng, thì đó chính là sự giả dối, lừa bịp của phóng viên, của tờ báo. Thậm chí là sự vu khống, xâm hại đến quyền lợi của những người có liên quan trong bài báo. Đó là sự vô đạo đức.


Tính chính xác của sự kiện còn bao gồm và có hàm ý là sự ĐẦY ĐỦ trong thông tin. Tức là có đủ các yếu tô 5W + H. Nếu thiếu thì sẽ trở thành thông tin "què" - một cách gọi của giới nhà báo.


Ví dụ: Chúng ta nói rằng có một vụ cháy vừa xảy ra lúc 9h, làm chết 2 người và hư hao nhiều tài sản. Tuy nhiên có người hỏi vụ cháy xảy ra ở đâu (Where) thì lại "ú ớ" không biết!


Cần lưu ý là sự kiện CÓ THẬT khác với việc đưa tin KHÔNG CHÍNH XÁC. Mặc dù việc đưa tin không chính xác cũng tệ hại không kém việc dựng chuyện, không nói thành có.


Ví dụ: vụ cháy Trung tâm thương mại năm 2002 ở TP.HCM. Khi đó báo Thanh Niên ban đầu đưa tin có ít nhất 200 người chết cháy. Thông tin này gây hoảng loạn dư luận. Nhưng sau đó báo đính chính, xin lỗi bạn đọc, rằng thực tế chỉ khoảng 80 người chết. Điều đáng nói là sau khi báo đã đính chính về số người chết, thì nhiều người lại nghĩ theo chiều hướng không tin. Cho rằng số người chết thực sự là 200 người. Việc báo giảm xuống là che dấu sự thật! Hay tệ hơn, có nhiều người đã không đọc được bản tin đính chính. Mà chỉ đọc bản tin đầu và tin rằng có 200 người chết.


Hay như báo Dân Trí khoảng năm 2014, từng đăng một bài báo mô tả cảnh cha chồng “dính lẹo” với con dâu (làm tình). Vì đề tài quá "hot", nên nhiều báo khác đã đăng lại tin này. Tuy nhiên chỉ sau khoảng vài giờ đồng hồ, báo Dân Trí đã xoá bài, xác định đó là tin do phóng viên tưởng tượng ra, hoàn toàn không có thật!


Trên thực tế, chuyện nhà báo "dựng chuyện", báo đăng bài chưa qua kiểm chứng không phải là quá hiếm hoi. Còn việc nhà báo "thêm mắm, thêm muối" vào bài viết của mình cũng không phải là ít. Nói chung việc này có nguyên nhân là do áp lực trong công việc, đáp ứng nhu cầu thông tin từ bạn đọc. Tuy nhiễn rõ ràng là sai và không thể chấp nhận được.


Nói như vậy để thấy rằng việc đưa tin không đúng, bao gồm cả việc doanh nghiệp cung cấp thông tin cho báo chí, là hết sức nghiêm trọng, nguy hại.


Nói tóm lại, chúng ta có thể chủ động KHÔNG ĐĂNG, hoặc thậm chí có thể CẮT BỚT. Nhưng những gì đã đưa, đã viết, đã đăng đều phải chính xác tuyệt đối.

Mô hình kim tự tháp ngược của một bản tin báo chí (ảnh minh họa)

4. Mô hình kim tự tháp ngược của bản tin báo chí

Cấu trúc của bản tin báo chí (và có thể áp dụng cho cả bài báo/bài viết) hiệu quả nhất là sắp xếp theo hình kim tự tháp ngược. Cụ thể là: những thông tin quan trọng nhất sẽ được thể hiện (ở mức độ "dày đặc") ở phần trên của bản tin. Càng về sau, thông tin càng giảm đi tính quan trọng. ("nặng đầu, nhẹ chân").

Bạn hãy viết bản tin, sao cho, Biên tập viên có thể dễ dàng cầm cây kéo trong tay, và cắt từ dưới lên mà người đọc vẫn hiểu được, không bị mất đi những chi tiết/nội dung quan trọng.

Chẳng hạn một bản tin gồm có 5 đoạn, theo thứ tự từ trên xuống là 1,2,3,4,và 5. Giả sử bạn bỏ đi đoạn dưới cùng (số 5), người đọc vẫn cảm thấy hay. Bạn bỏ tiếp đoạn tiếp theo (số 4), người đọc vẫn OK, hiểu được đầy đủ. Thậm chí cắt tiếp đoạn số 3, rồi số 2 - vẫn OK. Khi đó, bạn đã thực sự "cứng tay nghề" rồi đó.

Nguyên tắc của mô hình kim tự tháp ngược trong một bản tin báo chí là:

- Đưa vấn đề quan trọng, hấp dẫn nhất lên ngay đầu bản tin/bài viết.

- Thậm chí Tít của bài viết chính là thông tin quan trọng nhất.

- Càng về sau, tính quan trọng của các thông tin trong bài càng giảm dần.

- Cuối bài không cần có phần kết luận mà chỉ là những thông tin dạng tư liệu, so sánh.

Mời xem kỹ mô hình kim tự tháp ngược mà chúng tôi đưa ra - ảnh phía trên.

Ảnh báo chí phải chứa đựng thông tin. Sẽ thú vị hơn nếu người xem biết cô bé này đang ăn kem nhãn hiệu gì? kem gì? ở đâu, khi nào, cùng ai ...vv (ảnh minh họa)

5. Ảnh báo chí

"Ảnh báo chí" cũng là một bức ảnh như bình thường thôi, ai cũng có thể chụp được. Điểm khác biệt duy nhất là tấm ảnh này được chụp với mục đích dùng để ... đăng báo!

Chúng ta biết rằng đối với một bản tin đăng trên báo, phải bảo đảm các yếu tố 5W + H. Thì một bức ảnh báo chí cũng vậy, cần hướng đến việc "lồng" các yếu tố 5W + H vào trong bức ảnh.

Hay nói một cách giản dị và dễ hiểu hơn, là bức ảnh cần chứa đựng các yếu tố mang tính thông tin. Chẳng hạn: Ai là người trong bức ảnh? Khu vực này ở đâu? Có gì trong đó? Thời gian nào? ...vv.

Một số lưu ý khi chụp ảnh sử dụng làm ảnh báo chí:

- Chụp có mục đích, ý định rõ ràng. Tuyệt đối không chụp đại, chụp cho có.

- Xác định chủ thể của tấm ảnh: chụp ai? hay chụp cái gì?

- Chụp nhiều tấm, nhiều góc độ. Các bức ảnh có ý nghĩa hỗ trợ, phối hợp và bổ sung thông tin cho nhau.

- Chụp xa để lấy cảnh khái quát, tổng quát. Chụp gần, cận cảnh để đặc tả. Chụp cho mục đích so sánh, ghi nhớ.

- Chụp theo thứ tự rõ ràng, không nhảy cóc. Trong một khu vực, hãy chụp từ ngoài vào trong, từ khái quát đến chi tiết.

- Sau khi chụp cần ghi rõ ngày giờ, địa điểm chụp, nội dung muốn nói trong bức ảnh.

- Lưu giữ tất cả các ảnh đã chụp. Dù không sử dụng hết.

- Có thể "biên tập", chỉnh sửa lại bức ảnh theo ý mình bằng cách cắt bỏ những nội dung, chi tiết thừa ngoài viền. Chỉnh màu sắc, độ sáng tối ...

Ví dụ: Liên quan đến một vụ làm hàng giả, công ty bạn cử bạn đế hiện trường chụp ảnh để sử dụng làm chứng cứ hay đăng báo. Khi đó:

- Muốn có thông tin về địa chỉ, tên cơ sở làm hàng giả > chụp bảng hiệu, bảng số nhà.

- Muốn biết quy mô, hình ảnh từ bên ngoài > chụp từ xa, đứng trên cao, trong bức ảnh có các ngôi nhà xung quanh, biển tên đường ...

- Muốn xác định một người > chụp rõ mặt, dáng toàn thân, quần áo ...

- Muốn thấy tem giả dán trên sản phẩm > chụp cực gần để nhìn thấy rõ tem giả. Sau đó chụp thêm nhiều ảnh làm rõ hình dáng món hàng giả, vị trí, kích thước, bối cảnh của món hàng giả đặt trên bàn ...vv

Lưu ý thêm:

Ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, ảnh báo chí có thể là và đa dạng hơn nhiều:

- Ảnh in giấy.

- Ảnh kỹ thuật số (file ảnh lưu trong máy tính, thiết bị di động).

- Clip, video (file lưu trong máy tính, thiết bị di động).

- Ảnh báo chí thường được sử dụng dưới 2 dạng: ảnh minh hoạ theo tìn/bài viết hoặc có thể là ảnh riêng, có ý nghĩa và vai trò gần như một bài báo độc lập, với phần chú thích.

- Rõ, đẹp. Có dung lượng lớn (để có thể phóng to, cắt chỉnh ...).

Nói chung, vai trò của ảnh/ hình ảnh trong hoạt động báo chí, truyền thông ngày càng phổ biến và quan trọng hơn. Điều này là tất yếu, vì ảnh có ưu điểm là trực diện, NHÌN THẤY NGAY, dễ hiểu và hấp dẫn hơn nhiều so với việc đọc chữ.

Việc nắm vững công thức 5W + H chắc chắn sẽ giúp bạn viết được một bản tin hay và giá trị (ảnh minh họa)

6. Phân tích 1 bản tin trên báo Tuổi Trẻ


Dưới đây là 1 bản tin trên tờ báo lớn Tuổi Trẻ mà chúng tôi chọn một cách hoàn toàn ngẫu nhiên. Chúng ta hãy cũng phân tích, về mặt kỹ thuật báo chí, hai bản tin này, đối chiếu với công thức 5W + H và mô hình kim tự tháp ngược.


Ghi chú: Theo đánh giá của tôi, Tuổi Trẻ là tờ báo có nghiệp vụ, tay nghề báo chí thuộc dạng hàng đầu và uy tín nhất tại Việt Nam trong nhiều chục năm qua.


………..


Bản tin trên báo Tuổi Trẻ ngày 09/01/2017:


Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/phap-luat/20170109/khoi-to-bat-tam-giam-nguoi-trom-116-trung-vich-o-con-dao/1249531.html


Khởi tố, bắt tạm giam người trộm 116 trứng vích ở Côn Đảo


Chiều 9-1-2017, thượng tá Trần Văn Thị, phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho biết, cơ quan này đã khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng đối với Phạm Văn Tân.


Phạm Văn Tân (29 tuổi, quê Sóc Trăng, trú huyện Côn Đảo) bị khởi tố về tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ” theo điều 190 Bộ luật hình sự. Lệnh khởi tố đã được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.


Trước đó, tháng 6-2016, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo đã bắt quả tang Phạm Văn Tân đang vận chuyển 116 trứng vích.


Công an huyện Côn Đảo khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Tân nhưng Viện KSND huyện Côn Đảo không phê chuẩn vì cho rằng “trứng vích không phải là sản phẩm của vích”.


Viện KSND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho rằng trứng vích phải có giá trị 50 triệu đồng mới truy cứu trách nhiệm hình sự” và “trứng vích không có trên thị trường nên không định giá được”, do đó chưa đủ cơ sở đề xử lý hình sự đối với Phạm Văn Tân.


Sau đó, ban Nội chính Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu đã tổ chức cuộc họp để nghe ý kiến các ngành chức năng về vụ án. Do chưa có sự thống nhất, nên Viện KSND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã xin ý kiến cấp trên.


Mới đây, cả Viện KSND tối cao, TAND tối cao và Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đều có văn bản khẳng định hành vi trộm 116 quả trứng vích của Phạm Văn Tân đã đủ yếu tố cấu thành tội danh trên.


Ngày 6-1-2017, Viện KSND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có văn bản chỉ đạo Viện KSND Côn Đảo yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Tân.


ĐÔNG HÀ

………..


Hãy cùng phân tích:


Trước hết, chúng ta thấy và xác định chủ đề của bản tin này là việc khởi tố, bắt tạm giam người trộm 116 trứng vích ở Côn Đảo. Chủ đề này, cũng là nội dung quan trọng nhất trong bản tin, được lấy đặt thành tiêu đề (tít) của bản tin. Tức là tôn trong nguyên tắc mô hình kim tự tháp ngược: thông tin quan trọng nhất đưa lên đầu tiên.


Như vậy, chủ đề chính của bản tin này là Who (Ai)? Tuy nhiên, cần lưu ý là mỗi bản tin hay bài viết khác nhau, chủ đề sẽ khác nhau, tức là các W cũng sẽ khác nhau. Chẳng hạn chủ đề chính có thể là Where (Ở đâu)? hay What (điều gì xảy ra)? …vv.


Bây giờ chúng ta hãy kiểm tra về 5W + H trong bản tin này xem sao nhé.


1. Who (Ai)?


- Yếu tố Who chính là “người trộm 116 quả trứng vích” – nhân vật chính trong bản tin. Trong bản tin, tác giả đã mô tả rõ hơn đó là anh Phạm Văn Tân (29 tuổi, quê Sóc Trăng, trú huyện Côn Đảo). Các yếu tố về tuổi, quê quán, nơi cư trú là những thông tin có ý nghĩa bổ sung, làm rõ hơn về Who. Mặt nào đó cũng có thể xem là các yếu tố What, Where … (nhưng đóng vai “phụ”).


- Ngoài ra, trong bản tin cũng đề cập đến nhiều người (Who) khác, theo thứ từ từ trước đến sau như sau:


Who 1 - thượng tá Trần Văn Thị,


Who 2 - Viện KSND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu,


Who 3 - ban Nội chính Tỉnh ủy Bà Rịa- Vũng Tàu,


Who 4 - Viện KSND tối cao,


Who 5 - TAND tối cao,


Who 6 - Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an).


Các nhân vật trên đều là yếu tố Who trong bản tin, nhưng là các Who “phụ”.


Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của các Who phụ càng về cuối bản tin càng giảm xuống – xét về mặt kỹ thuật báo chí. Tức là giá trị (về mặt thông tin) của Who 1 sẽ cao hơn Who 2, giá trị (về mặt thông tin) của Who 2 sẽ cao hơn Who 3 …vv. Tức là cũng tuân thủ theo nguyên tắc kim tự tháp ngược. Nhân vật quan trọng nhất (về mặt thông tin) đưa lên đầu tiên.


2. Where (Ở đâu)?


- Yếu tố Where trong bản tin này cũng rất quan trọng (chỉ đứng sau Who) – đó chính là Côn Đảo (một hòn đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây là Where chính.

3. What (Điều gì, Cái gì)?


- Yếu tố What ở đây chính là hành vi vận chuyển 116 trứng vích của Phạm Văn Tân.


- Các yếu tố như: bắt quả tang, tháng 6-2016, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo chính là các W phụ (gồm: When (khi nào), How (ra sao), Who (ai)) – có vai trò giải thích và làm rõ hơn What.


4. When (Khi nào)?


- Yếu tố When trong bản tin này, là nói về việc Phạm Văn Tân bị bắt và khởi tố, do vậy đó là ngày 9/1/2017 – là thời điểm báo Tuổi Trẻ có thông tin và đăng lên báo.

5. Why (Vì sao)?


- Yếu tố Why trong bản tin này là việc giải thích vì sao Phạm Văn Tân bị khởi tố. Đó là vì Tân đã vận chuyển 116 quả trứng vích, có dấu hiệu phạm tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ” theo điều 190 Bộ luật hình sự. Đây là Why chính, phục vụ cho chủ đề của bản tin.


- Các thông tin liên quan như: trước đây Công an huyện Côn Đảo đã khởi tố vụ án, nhưng Viện KSND huyện Côn Đảo không phê chuẩn vì cho rằng “trứng vích không phải là sản phẩm của vích” ... - là các Why hay What phụ, giải thích cho Why chính.


6. How (Bao nhiêu)?


- Yếu tố Who trong bản tin chính là số lượng 116 quả trứng vích.


Như vậy, qua phân tích, chúng ta thấy rằng:


- Nội dung bản tin đã thỏa mãn công thức 5W + H.


- Những thông tin quan trọng nhất, mới nhất được đưa lên trên, thỏa mãn mô hình kim tự tháp ngược. Các thông tin dưới "đáy" kim tự tháp có thể "cắt bỏ" trong trường hợp cần rút gọn, mà vẫn bảo đảm các yếu tố 5W + H.


- Đặc biệt, chủ đề/thông tin quan trọng nhất đã được sử dụng làm tiêu đề (tít) của chính bản tin. Cách đặt tít đi thẳng vào sự kiện.


- Trong bản tin, các yếu tố W hay H có thể được đề cập nhiều lần, với nội dung/chủ thể khác nhau. Điều này là rất bình thường, tất yếu. Do vậy, người viết cần phải chú ý xác định đâu là W chính, đâu là W phụ. Và đưa các W chính lên phần đầu của bản tin.

Viết một bản tin không khó, hãy viết theo công thức 5W - H (ảnh minh họa)

7. Thực hành: viết một bản tin báo chí


Sau khi đã xem qua phần hướng dẫn công thức 5W + H, mô hình kim tự tháp ngược, phân tích một bản tin trên báo Tuổi Trẻ ... nêu ở phần trên, quý vị hoàn toàn có thể tự tin để tự mình viết một bản tin báo chí - từ một sự kiện, sự việc nào đó tại chính doanh nghiệp của mình.


Bây giờ là lúc chúng ta cùng thực hành viết một bản tin báo chí.


Dưới đây là "đề bài":


Công ty của bạn là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh sản phẩm về thể thao. Công ty bạn dự kiến sẽ đưa ra bán trên thị trường một sản phẩm mới là giày thể thao nhãn hiệu XXX vào tháng 10/2017 tới đây. Hãy viết một bản tin về sự kiện này.


Chúng ta sẽ thực hiện các bước như sau:


1. Chủ đề mà bạn muốn hướng tới là? - giới thiệu sản phẩm giày thể thao XXX và việc công ty A của bạn sắp bán ra thị trường Việt Nam.


2. Xác định trọng tâm muốn giới thiệu: các tính năng ưu việt của giày thể thao XXX?


3. Theo trọng tâm và chủ đề đã chọn, hãy làm rõ 5 W + H bằng cách điền thông tin vào.


- What? - Giày thể thao XXX sắp bán ra thị trường.


- Who? - ai sản xuất, thiết kế ...


- Why? - lý do sản xuất, bán ra sản phẩm.


- When? sản xuất, nghiên cứu từ khi nào? ...


- Where? sản xuất ở đâu, bán ở đâu ...


- How? - giá bán, số lượng sản xuất, nguyên vật liệu ...vv.


3. Sắp xếp, đưa thông tin quan trọng (theo ý chủ quan của bạn) lên trên (theo mô hình kim tự tháp ngược). Kết nối các đoạn thông tin, xóa những câu chữ thừa, không cần thiết.


4. Kiểm tra lại xem có cần giải thích, bổ sung thông tin gì thêm - để người đọc hiểu rõ hơn. Chỉ thực hiện điều này khi thật sự cần thiết.


4. Suy nghĩ và đặt một cái tít thật hay cho bản tin.


Cuối cùng bản tin đã hoàn thành. Nếu số chữ dưới 300 tức là bạn đã có một bản tin hay.