Chuyện Làm Đẹp

Những bác sĩ “hai trong một”: Bài 4: “Làm đẹp cho người và cho... mình”

Thứ Sáu, 24 Tháng hai 2012, 16:02 GMT+7

Bàn chuyện làm đẹp, người ta nhắc đến ông với vai trò một BS giỏi, nổi tiếng của chuyên khoa tạo hình. Bàn chuyện văn thơ, hội họa, người ta lại kể về ông - một nghệ sĩ đa tài, cừ khôi, hào phóng và… lãng mạn. Ông là BS. Dương Đình Hùng, Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, hội viên Hội Nhà văn, hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM.

Làm đẹp cho người!

“Trải nghiệm” đầu tiên khi đối diện với BS. Hùng là một ấn tượng mạnh về sự gần gũi, cởi mở đến thân tình, và một phong thái khá… bận rộn của người biết tận dụng, quý trọng thời gian. “Xuất thân” là BS chuyên khoa mắt, ông lại tìm đến với phẫu thuật thẩm mỹ và nổi danh ở công việc này. Hỏi về chuyện “dao kéo” làm đẹp cho người, sau tiếng cười khà, ông giải đáp: “Có gì đâu, ai cũng muốn hoàn mỹ cho nhan sắc, nhân dạng của mình. Nghề của tôi là giúp họ làm đẹp, giờ mỗi ngày 5, 6 ca giải phẫu thẩm mỹ là chuyện bình thường”. Kể câu chuyện làm đẹp, BS. Hùng cho hay, đó là một chức năng mà xã hội giao phó, nghề đòi hỏi sự chính xác và tỉ mẩn đến từng chi tiết nhỏ. Như chuyện cắt mí, trước khi mổ phải vẽ cho hai mí giống nhau, kế tiếp phải như một nhà điêu khắc dùng con dao mổ tỉa tót trên da người. Rồi lại phải tính toán cho giỏi cái lớp da thừa hay lớp mỡ phải cắt bỏ đi để hai bên tương xứng. Thế nhưng, “khâu” khó nhất đối với một BS chuyên khoa tạo hình, không phải là chuyện mổ xẻ sao cho đẹp, đều, đúng quy cách mà phải… làm hài lòng “thân chủ”. Đó là bởi quan niệm cái đẹp mỗi người mỗi khác, ngay cả BS và bệnh nhân khi ngồi lại với nhau cũng nhiều khi không chung tiêu chí về cái đẹp! “Do đó, công việc đòi hỏi tôi trước tiên phải tìm hiểu thấu đáo mục đích, tiêu chí cuối cùng của sản phẩm tạo hình mà bệnh nhân đặt ra. Chứ chuyện cắt mí, nâng mũi hay căng da mặt… đối với một BS nhiều kinh nghiệm sẽ chỉ như một bài toán dễ” - BS. Hùng cho hay.

Làm đẹp cho… mình!

Thế nhưng, khi nhắc đến cái tên Dương Đình Hùng, sự “oái oăm dao kéo” lại không được ông đam mê bằng cái “oái oăm” của văn chương, hội họa. Thông qua tiếng tăm là một nhà điêu khắc, hội họa, nhiếp ảnh cừ khôi và là một cây bút của báo chí, văn thơ chuyên nghiệp. “Dương Đình Hùng là một người đa tài… Ở lĩnh vực nào anh cũng gây được ấn tượng đẹp” - như nhà thơ Nguyễn Mậu Lâm khẳng định. “Nhà” nào cũng vương mang, nên bạn bè thường “bình phẩm” ông là một BS mang đầy chất nghệ! Hình dung một BS đi đâu cũng vác theo… cọ, giá vẽ và chiếc máy ảnh to đùng để ghi lại những trải nghiệm, khoảnh khắc đẹp đẽ trên bước đường mình qua. “Gia tài” của ông, không chỉ là thành công trong y khoa mà còn là hàng vạn những bức ảnh khắc họa từng đường nét của đồi cát trong nắng chiều chói rọi, vẻ đẹp hoa đào của quốc gia mặt trời mọc đến các ngôi biệt thự ẩn mình trên vùng đất thông reo sương lạnh… Để rồi, đồng hành với mấy chục năm giữ vai trò một BS giải phẫu là hơn 20 cuộc triển lãm nghệ thuật tranh ảnh trong và ngoài nước được giới chuyên môn khen ngợi, đánh giá cao.

Khi buông những dụng cụ y khoa để hòa mình trong niềm say mê nghệ thuật, BS. Hùng đâu đã dừng lại với ống kính và nét cọ, ông còn tìm đến với thơ văn để được vượt thoát ưu tư, xúc cảm của mình. Đã có hơn 10 tác phẩm văn học nên hình nên dạng với nhiều thể loại đến với bạn đọc từ ngòi bút của vị BS tài ba, như: Đồi hồng, Qua đôi mắt, Cội nguồn, Gia phả nhà họ Đinh… Khi hỏi ông, bận rộn với vai trò xã hội, thời gian đâu dành cho những đam mê nghệ thuật, ông lại cười: “Khi đã làm đẹp cho người, tôi cũng phải làm đẹp cho mình, cho đời sống tâm hồn để cuộc sống mang nhiều ý nghĩa. Cuộc chơi nào rồi cũng kết thúc, chỉ có nghệ thuật là muôn đời, mãi mãi…”. Dẫu ví chuyện làm đẹp cho người và làm đẹp cho mình chỉ như những cuộc chơi, nhưng ít ai ngờ rằng lợi nhuận sinh ra từ bán tranh, thơ truyện cho đến phẫu thuật, 50% chi phí ông dành đóng góp cho xã hội, thông qua quỹ khuyến học của ngành y.

Nặng lòng với đề tài chiến tranh

Trong cuộc trò chuyện, BS. Hùng nhắc nhiều đến câu chuyện chất độc da cam và những hậu họa mà Việt Nam gánh chịu trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Nặng lòng với đề tài này nên nhiều tác phẩm, không chỉ riêng văn chương mà còn qua tranh ảnh, hội họa đã được ông khắc họa chân thật đến ngỡ ngàng về nỗi đau da cam. Còn nhớ năm 1996, ông đã sang Canada tổ chức một cuộc triển lãm, trình làng các tác phẩm điêu khắc tạo nên chỉ từ những phế liệu tầm lượm khi cuộc chiến đi qua. Triển lãm mang tên Hồi ức chiến tranh Việt Nam 1965-1975. Chất liệu làm nên những bức tranh triển lãm ấy được chắt lọc từ trong cuộc chiến, như các mảnh bom đạn tại thung lũng Khe Sanh, miểng cánh quạt trực thăng với đầy vết đạn ở Vịnh Cam Ranh và có cả chiếc thẻ bài của một người lính Mỹ… Và trước khi đến Canada mở cuộc triển lãm này, các tác phẩm nặng lòng ấy đã được trưng bày ở Hội Cựu chiến binh Mỹ tại Hawaii.

… Mấy mươi năm cống hiến cho y học và tạo dựng một “tài sản” riêng trong nghệ thuật, có thể nói, người “hậu thuẫn” cho BS. Hùng, giúp ông có khoảng riêng cho mình để đeo đuổi đam mê, không ai khác ngoài người vợ. Khi mà “Không ít lần tôi quên bỏ trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình để “ích kỷ” sống với cõi riêng tư. May mà vợ tôi hiểu, thông cảm và đã hy sinh, một cách rất thầm lặng”, BS. Hùng chia sẻ.

Bài, ảnh: Tuyết Dân

BS. Hùng trong chuyến đi công tác tại nước ngoài

Sinh năm 1950, tại Huế, BS. Dương Đình Hùng từng tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Sài Gòn và tu nghiệp tại Bệnh viện Price of Wales, Lion NSW eyes bank, Bệnh viện Sydney, Royal Prince Alfred Đại học Sydney… Sau khi nghỉ hưu ở Bệnh viện Chợ Rẫy, ông lui về “công tác” cho phòng khám thẩm mỹ của mình, đồng thời cộng tác với nhiều bệnh viện trong nước…