Quá trình biên soạn giáo trình môn Vi tích phân cho các ngành ngoài toán của Bộ môn Giải tích

Huỳnh Quang Vũ

10/2022

Từ  bài tham luận trong kỷ yếu Hội thảo giảng dạy môn Vi tích phân cho các ngành ngoài Toán, Bộ môn Giải tích, 17/2/2022.  

Bộ môn Giải tích của Khoa Toán - Tin học phụ trách giảng dạy môn Vi tích phân cho phần lớn sinh viên các ngành khác ngành Toán của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Khoảng hơn 3000 sinh viên mỗi năm của hầu hết các ngành trong Trường học Toán B (Vi tích phân 1B và Vi tích phân 2B) hoặc Toán C (Vi tích phân 1C và Toán cao cấp C). 

Đã có những nỗ lực xây dựng học liệu cho môn Vi tích phân. Năm 2014 một nhóm gồm 18 người gồm các thầy cô của Bộ môn, Khoa cùng các đồng nghiệp từ các trường đại học trong thành phố, trong đó có tôi, đã dịch ra tiếng Việt và đánh máy cuốn Calculus của James Stewart, nhưng cuối cùng bản dịch không xuất bản được. 

Năm 2016 Trường tiến hành điều chỉnh và chuẩn hóa chương trình đào tạo đại cương môn toán, đi cùng với yêu cầu cao hơn của các khoa về đảm bảo chất lượng cho giảng dạy các môn toán đại cương. Số lượng sinh viên và số lượng lớp Vi tích phân ngày càng tăng, dẫn tới thêm nhiều người từ ngoài Bộ môn được mời tham gia giảng dạy, đội ngũ cán bộ giảng dạy thay đổi theo học kỳ. Lúc này Bộ môn chưa có giáo trình chính để giảng dạy và cho sinh viên học. 

Với mong muốn có một giáo trình đáp ứng nhu cầu, tháng 9/2016 một nhóm các thầy cô của Bộ môn Giải tích và vài thầy cô khác trong Khoa, trong đó có tôi, đã thảo luận về việc viết giáo trình.

Đúc kết kinh nghiệm, nhằm giúp việc soạn giáo trình có hiệu quả lâu dài, nhóm nhận thấy giáo trình cần hướng tới những mục tiêu sau:

Mục tiêu của giáo trình

1. Phù hợp với chương trình hiện tại, phù hợp sinh viên Bộ môn đang trực tiếp giảng dạy.

2. Phổ biến được rộng rãi cho tất cả người học.

3. Có thể được sửa chữa, cập nhật, điều chỉnh lâu dài nhiều năm khi người dạy, chương trình thay đổi.

Nhóm biên soạn hiểu để đạt được mục tiêu này thì cần một cách viết giáo trình phù hợp, được xác định như sau:

Thỏa thuận về tác giả và quyền

Tác giả

1. "Tác giả" là người có đóng góp đáng kể cho giáo trình.

2. Tác giả có quyền được ghi công trạng (credits). Tên của tác giả được liệt kê trong bản mới nhất của giáo trình, cho dù phần liên quan tới đóng góp của tác giả đó đã được thay đổi.

3. Tác giả không còn quyền sở hữu phần đóng góp của mình.

Chủ biên (người biên tập)

1. "Chủ biên" là người có quyết định cuối cùng về mọi mặt của giáo trình.

2. Chủ biên là Trưởng Bộ môn Giải tích hoặc người do Trưởng Bộ môn ủy quyền.

3. Chỉ có bản giáo trình của chủ biên này được đứng tên giáo trình "của Bộ môn Giải tích".

Chủ sở hữu

1. Không cá nhân nào sở hữu mã nguồn hay nội dung của giáo trình.

2. Bộ môn Giải tích luôn có quyền sử dụng và thay đổi mã nguồn và nội dung của giáo trình.

Những định hướng trên về đặc điểm của giáo trình được đưa ra từ đầu, được ghi trong file luôn đi kèm với mã nguồn giáo trình.

Cách viết giáo trình này khác biệt, những người tham gia không tránh khỏi những băn khoăn và khó khăn. Dù vậy nhóm vẫn quyết định tiến hành và kiên trì với công việc. Nhóm đã quan niệm đây là một việc lâu dài, nhiều năm.    

Quá trình biên soạn và sử dụng

Việc viết giáo trình bắt đầu vào tháng 9 năm 2016. Các bản ban đầu còn khá thô, còn thiếu thống nhất giữa những phần do những người khác nhau phụ trách, nhưng dần dần đã được cải thiện. Sự thống nhất về hình thức bắt đầu có được nhờ có người nhận biên tập lại toàn bộ mã nguồn LaTeX. Nhờ có người nhận vẽ lại nên các hình vẽ mượn từ nguồn khác dần được thay thế. 

Thời gian đầu giáo trình nhận được nhiều đóng góp và nhận xét góp ý, dẫn tới những sửa chữa đáng kể. Về sau các góp ý nhận được chủ yếu là chỉ lỗi, tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn có những thảo luận quan trọng về nội dung. Thường khi cập nhật giáo trình có bổ sung các bài tập dựa trên các đề thi môn học, giúp giáo trình sát hơn với thực tế. Việc biên tập do tôi đảm nhận, về sau phần lớn qua trực tiếp sử dụng giáo trình để giảng dạy, tiếp nhận thông tin phản hồi, rà soát, và tham khảo tài liệu.

Cách soạn giáo trình này có ưu điểm là giáo trình đã nhận được đóng góp của nhiều người và theo thời gian có thêm những người mới đóng góp.

Định kì một phiên bản cập nhật được đưa ra đầu học kì để phục vụ giảng dạy, Vi tích phân 1 vào đầu học kì 1, Vi tích phân 2 vào đầu học kì 2.

Hiện nay giáo trình đã cơ bản đầy đủ và phù hợp về nội dung, không còn phần trình bày hay hình vẽ vi phạm bản quyền, không còn lỗi toán hay lỗi đánh máy quan trọng. Giáo trình đã đủ chất lượng để cho tất cả sinh viên tham khảo.

Mỗi lần cập nhật giáo trình thì mã nguồn mới nhất của giáo trình được để trên một thư mục của Bộ môn Giải tích. Bản pdf của giáo trình luôn có trên trang web của Bộ môn và được gởi cho các thầy cô tham gia giảng dạy đầu mỗi học kì. Như thế giáo trình được phổ biến dễ dàng cho sinh viên.

Giáo trình không cản trở giảng viên giảng theo cách của mình. Các slide bài giảng, tài liệu bài tập, hay các tài liệu tham khảo khác bổ sung và dùng kèm được với giáo trình. Giảng viên có thể hướng tới bám sát đề cương và các chuẩn đầu ra môn học đồng thời điều chỉnh việc giảng dạy cho phù hợp thực tế mỗi lớp học, chứ không cần phải bám sát giáo trình. Còn có thể dùng mã nguồn giáo trình làm cơ sở để soạn slide và các tài liệu giảng dạy khác.

Tổng kết lại, có thể nói những mục tiêu của công việc biên soạn giáo trình Vi tích phân khởi đầu 6 năm trước nay đã cơ bản đạt được.

Tải giáo trình

Từ nhiều năm nay giáo trình luôn có ở địa chỉ web cố định:

Có đường liên kết tới các địa chỉ này từ trang web của Bộ môn Giải tích:

https://sites.google.com/view/math-hcmus-edu-vn-giaitich

cụ thể là ở mục Đào tạo, trang Đại cương ngành khác ngành Toán:

https://sites.google.com/view/math-hcmus-edu-vn-giaitich/trang-chủ/đào-tạo-đại-học/đại-cương-ngành-khác-toán