NAM MÔ NHƯ LAI TẠNG PHẬT TÍNH

NGUYỆN ĐỜI ĐỜI KIẾP KIẾP KHÔNG CÙNG TẬN 

QUY Y PHẬT, QUY Y PHÁP, QUY Y TĂNG !

Đệ tử hỏi: Bạch Sư phụ, con nghe sư phụ thuyết giới vào lúc giữa tháng hay cuối tháng và thường bảo con "siêng học Kinh Luật Luận kính giữ đừng có buông lung", nhưng khi con học Kinh Luật Luận lại có Thầy nói con là đi "chân không chạm đất", con không hiểu xin Sư phụ giảng dạy cho con hiểu.

Sư phụ nói: Sao lại có Thầy nào lại đi nói như vậy bao giờ? Trừ khi Thầy đó chưa từng nghe thuyết giới hay đọc giới. Ngay cả cư sĩ thọ 5 giới còn phải "siêng học Kinh Luật Luận kính giữ đừng có buông lung" nữa cơ mà, huống hồ là một Sa di ni đã thọ 10 giới như con mà không học thì biết gì để tu !

Đệ tử nói: Bởi vậy con mới thắc mắc hỏi Sư phụ !

Sư phụ nói: Thầy nào nói như vậy là không hiểu rồi, bởi vì khi con mới phát tâm xuất gia chưa biết chi mô mà Thầy Bổn sư của con đã bắt con là phải học, phải đọc tụng Kinh (chú) Lăng Nghiêm rồi ! Kinh (chú) Lăng Nghiêm đối với con lúc đó không phải là khó hiểu khó nuốt lắm hay sao ? Sư phụ thấy nếu theo ý của Thầy nào đó nói như vậy thì con đã "chân đi không chạm đất" từ lúc chưa cạo tóc rồi !

Bài Kệ TÍN TÂM MINH (Tam Tổ TĂNG XÁN)

TRÚC THIÊN dịch

Chí đạo vô nan

duy hiềm giản trạch

Đản mạc tắng ái

đỗng nhiên minh bạch       

Đạo lớn chẳng gì khó

cốt đừng chọn lựa thôi

Quý hồ không thương ghét

thì tự nhiên sáng ngời

 

Hào ly hữu sai

thiên địa huyền cách

Dục đắc hiện tiền

mạc tồn thuận nghịch 

Sai lạc nửa đường tơ

đất trời liền phân cách

Chớ nghĩ chuyện ngược xuôi

Đạo hiện liền trước mắt

 

Vi thuận tương tranh

thị vi tâm bệnh

Bất thức huyền chỉ

đồ lao niệm tịnh     

Đem thuận nghịch chọi nhau

đấy chính là tâm bịnh

Không nắm được mối đầu

hoài công lo niệm tịnh

 

Viên đồng thái hư

vô khiếm vô dư

Lương do thủ xả

sở dĩ bất như  

Tròn đầy tựa thái hư

không thiếu cũng chẳng dư

Bởi mảng lo giữ bỏ

nên Đạo chẳng được Như

 

Mạc trục hữu duyên

vật trụ không nhẫn

Nhứt chủng bình hoài

dẫn nhiên tự tận     

Ngoài chớ đuổi duyên trần

trong đừng ghì không nhẫn

Cứ một mực bình tâm

thì tự nhiên dứt tận

 

Chỉ động qui chỉ

chỉ cánh di động

Duy trệ lưỡng biên

ninh tri nhứt chủng 

Ngăn động mà cầu tịnh

hết ngăn lại động thêm

Càng trệ ở hai bên

Sao bằng do đầu mối

 

Nhứt chủng bất thông

lưỡng xứ thất công

Khiển hữu một hữu

tòng không bối không

Đầu mối chẳng rõ thông

hai đầu luống uổng công

Đuổi có liền mất có

theo không lại trái không

 

Đa ngôn đa lự

chuyển bất tương ưng

Tuyệt ngôn tuyệt lự

vô xứ bất thông      

Lắm lời thêm lo nghĩ

loanh quanh mãi chẳng xong

Dứt lời bặt lo quẩn

đâu đâu chẳng suốt thông

 

Qui căn đắc chỉ

tùy chiếu thất tông

Tu du phản chiếu

thắng khước tiền không     

Trở về nguồn nắm mối

dõi theo ngọn mất tông

Phút giây bừng phản chiếu

trước mắt vượt cảnh không

 

Tiền không chuyển biến

giai do vọng kiến

Bất dụng cầu chơn

duy tu tức kiến       

Cảnh không trường thiên diễn

thảy đều do vọng kiến

Cứ gì phải cầu chơn

chỉ cần dứt sở kiến

 

Nhị kiến bất trụ

thận mạc truy tầm

Tài hữu thị phi

phân nhiên thất tâm

Hai bên đừng trụ kiến

cẩn thận chớ kiếm tầm

Phải trái vừa nghĩ đến

là nghiền đốt mất tâm

 

Nhị do nhứt hữu

nhứt diệc mạc thủ

Nhứt tâm bất sanh

vạn pháp vô cữu    

Hai do một mà có

một rồi cũng buông bỏ

Mảy tâm ví chẳng sanh

Pháp nào ngăn ngại chứ ?

 

Vô cữu vô pháp

bất sanh bất tâm

Năng tùy cảnh diệt

cảnh trục năng trầm

Chẳng ngại thì không pháp

không sanh ắt chẳng tâm

Tâm theo cảnh mà bặt

cảnh theo tâm mà chìm

 

Cảnh do năng cảnh

năng do cảnh năng

Dục tri lưỡng đoạn

nguyên thị nhứt không       

Tâm là tâm của cảnh

cảnh là cảnh của tâm

Nên biết hai đàng dứt

rốt cùng, chỉ một không

 

Nhứt không đồng lưỡng

tề hàm vạn tượng

Bất kiến tinh thô

ninh hữu thiên đảng

Một không, hai mà một

bao gồm hết muôn sai

Chẳng thấy trong thấy đục

lấy gì mà phân hai

 

Đại đạo thể khoan

vô dị vô nan

Tiểu kiến hồ nghi

chuyển cấp chuyển trì

Đạo lớn vốn khoan dung

không dễ mà chẳng khó

Kẻ tiểu kiến lừng khừng

gấp theo và chậm bỏ

 

Chấp chi thất độ

tất nhập tà lộ

Phóng chi tự nhiên

thể vô khứ trụ 

Chấp giữ là nghiêng lệch

dấn thân vào nẻo tà

Cứ tự nhiên buông hết

bổn thể chẳng lại qua

 

Nhậm tánh hợp Đạo

tiêu dao tuyệt não

Hệ niệm quai chơn

hôn trầm bất hảo    

Thuận tánh là hiệp Đạo

tiêu dao dứt phiền não

Càng nghĩ càng trói thêm

lẽ Đạo chìm mê ảo

 

Bất hảo lao thần

hà dụng sơ thân

Dục thủ nhứt thặng

vật ố lục trần  

Mê ảo nhọc tinh thần

tính gì việc sơ thân

Muốn thẳng đường nhứt thặng

đừng chán ghét sáu trần

 

Lục trần bất ác

hoàn đồng chánh giác

Trí giả vô vi

ngu nhơn tự phược 

Sáu trần há xấu chi?

vẫn chung về giác đấy

Bậc trí giữ vô vi

người ngu tự buộc lấy

 

Pháp vô dị pháp

vọng tự ái trước

Tương tâm dụng tâm

khởi phi đại thác    

Pháp pháp không khác pháp

do ái trước sanh lầm

Há chẳng là nhầm lắm

đem tâm mà khiến tâm

 

Mê sanh tịch loạn

ngộ vô hảo ác

Nhứt thiết nhị biên

lương do châm chước 

MÊ, bỏ vọng, cầu yên

NGỘ, bặt điều ưa ghét

Nhứt thiết việc hai bên

đều do vọng châm chước

 

Mộng huyễn hư hoa

hà lao bả tróc

Đắc thất thị phi

nhứt thời phóng khước       

Mộng như hoa giữa trời

khéo nhọc lòng đuổi bắt

Chuyện thua được thị phi

một lần buông bỏ quách

 

Nhãn nhược bất thụy

chư mộng tự trừ

Tâm nhược bất dị

vạn pháp Nhứt Như

Mắt ví không mê ngủ

mộng mộng đều tự trừ

Tâm tâm ví chẳng khác

thì muôn Pháp Nhất Như

 

Nhứt như thể huyền

ngột nhĩ vong duyên

Vạn pháp tề quán

quy phục tự nhiên  

Nhất như vốn thể Huyền

bằn bặt không mảy duyên

Cần quán chung như vậy

muôn pháp về tự nhiên

 

Dẫn kì sở dĩ

bất khả phương tỷ

Chỉ động vô động

động chỉ vô chỉ      

Đừng hỏi „vì sao“ cả

thì hết chuyện sai ngoa

Ngăn ĐỘNG chưa là TỊNH

động ngăn, khác tịnh xa

 

Lưỡng ký bất thành

nhứt hà hữu nhĩ

Cái hai mà chẳng được

cái một lấy chi mà...

 

Cứu cánh cùng cực

bất tồn quỹ tắc       

Khế tâm bình đẳng

sở tác câu tức

Rốt ráo đến cùng cực

chẳng còn mảy quy tắc

Bình Đẳng hiệp đạo tâm

im bặt niềm tạo tác

 

Hồ nghi tận tịnh

chánh tín điều trực 

Nhứt thiết bất lưu

vô khả ký ức

Niềm nghi hoặc lắng dứt

lòng tin hòa lẽ trực

Một vật cũng chẳng lưu

lấy gì mà ký ức

 

Hư minh tự chiếu

bất lao tâm lực

Phi tư lượng xứ

thức tình nan trắc

Bổn thể vốn hư minh

tự nhiên nào nhọc sức

Trí nào suy lượng được

thức nào cần nhắc ra

 

Chơn như pháp giới

vô tha vô tự

Yếu cấp tương ưng

duy ngôn bất nhị

Cảnh chơn như pháp giới

không người cũng chẳng ta

Muốn nói chẳng nên lời

chỉ thưa rằng „chẳng hai“

 

Bất nhị giai đồng

vô bất bao dong     

Thập phương trí giả

giai nhập thử tông

Chẳng hai mà hòa một

Bao gồm hết muôn sai

Mười phương hàng trí giả

đều về hết tông này

 

Tông phi xúc diên

nhứt niệm vạn niên

Vô tại bất tại

thập phương mục tiền

Tông này vốn tự tại

khoảnh khắc là vạn niên

Dầu CÓ - KHÔNG, KHÔNG - CÓ

mười phương trước mắt liền

 

Cực tiểu đồng đại

vong tuyệt cảnh giới

Cực đại đồng tiểu

bất kiến biên biểu

Cực nhỏ là cực lớn

đồng nhau, bặt cảnh duyên

Cực lớn là cực nhỏ

đồng nhau, chẳng giới biên

 

Hữu tức thị vô

vô tức thị hữu 

Nhược bất như thử

tất bất tu thủ

Cái CÓ là cái KHÔNG

cái KHÔNG là cái CÓ

Ví chưa được vậy chăng

quyết đừng nên nấn ná

 

Nhứt tức nhứt thiết

nhứt thiết tức nhứt  

Đản năng như thị

hà tự bất tất

Một tức là Tất Cả

Tất Cả tức là Một

Quý hồ được vậy thôi

lo gì chẳng viên tất

 

Tín Tâm bất nhị

bất nhị Tín Tâm     

Ngôn ngữ đạo đoạn

phi khứ lai kim.      

Tín Tâm chẳng phải hai

chẳng phải hai Tín Tâm

Lời nói làm đạo dứt

chẳng kim cổ vị lai.

 

TAM TỔ TĂNG XÁN       

TRÚC THIÊN dịch

Hai Mươi Lăm Cõi Giới - Nhị Thập Ngũ Hữu (二十五有)

 

25 cõi này còn trong Tam giới.

 

四洲四惡趣,

六欲並梵天;

四禪四空處,

無想五不還。

 

Tứ châu, Tứ ác thú

Lục dục, Tịnh phạm thiên

Tứ thiền, Tứ không xứ

Vô tưởng, Ngũ bất hoàn

 

Có sinh ắt có tử, có nhân ắt có quả, nhân quả không bao giờ diệt mất, cho nên nói là “hữu”. Thế gian, một cách tổng quát, được chia làm 3 cõi (tam giới: Dục giới, Sắc giới và Vô-sắc giới); chi tiết hơn thì chia làm 6 đường (lục đạo: Thiên, Nhân, A-tu-la, Bàng-sinh, Ngạ-quỉ, và Địa-ngục); và chi tiết hơn nữa thì chia làm 25 cõi (nhị thập ngũ hữu). 25 cõi này được kể trong 5 nhóm sau đây:

 

A) 4 cõi ác (tứ ác thú):

 

Địa-ngục

Ngạ-quỉ

Bàng-sinh

A-tu-la

 

B) 4 châu của loài người (tứ châu thiên hạ):

 

Đông Thắng-thân châu

Nam Thiệm-bộ châu

Tây Ngưu-hóa châu

Bắc Câu-lô châu

 

C) 6 cõi trời Dục giới (lục Dục thiên):

 

Tứ-vương thiên

Đao-lợi thiên

Dạ-ma thiên

Đâu-suất thiên

Hóa-lạc thiên

Tha-hóa-tự-tại thiên

 

D) 7 cõi trời Sắc (Sắc giới):

 

Sơ-thiền thiên

Đại-phạm thiên

Nhị-thiền thiên

Tam-thiền thiên

Tứ-thiền thiên

Vô-tưởng thiên

Tịnh-cư A-na-hàm thiên

 

E) 4 cõi trời Vô-sắc (Vô-sắc giới):

 

Không-xứ thiên

Thức-xứ thiên

Vô-sở-hữu-xứ thiên

Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ thiên

 

Ghi chú: Trong cõi Sắc giới, 4 tầng trời Sơ-thiền, Nhị-thiền, Tam-thiền, và Tứ-thiền, mỗi tầng được kể là 1 cõi (1 hữu); trong đó, đặc biệt:

a) Đại-phạm thiên được tách riêng ra từ tầng trời Sơ-thiền để được kể là 1 cõi (1 hữu), vì trời Phạm Thiên là chủ tể của cả ba ngàn đại thiên thế giới.

b) Vô-tưởng thiên được tách riêng ra từ tầng trời Tứ-thiền để được kể là 1 cõi (1 hữu), vì đó là nơi đặc biệt, chúng sinh không còn có tư tưởng.

c) 5 cõi trời Vô-phiền thiên, Vô-nhiệt thiên, Thiện-kiến thiên, Thiện-hiện thiên, và Sắc-cứu-cánh thiên, được tách riêng ra từ tầng trời Tứ-thiền, kết hợp thành một nhóm gọi là Ngũ Tịnh-cư thiên, hay Ngũ Na-hàm thiên, để được kể là 1 cõi (1 hữu), vì đó đều là nơi cư trú của chư vị đã chứng quả A-na-hàm (tức quả Bất-hoàn, quả vị thứ ba của 4 thánh quả Thanh-văn).

Do đó mà Sắc giới được kể có 7 hữu.