Hướng dẫn viết bài báo khoa học quốc tế

Post date: Jul 19, 2016 12:21:30 PM

Bước 1: Hình thành ý tưởng và định vị nội dung nghiên cứu

Một trong những bước đầu tiên quan trọng nhất cho việc hình thành một bài báo quốc tế là xây dựng ý tưởng và đặt câu hỏi cần nghiên cứu. Trong giai đoạn này, nhà nghiên cứu thường tìm đọc các tài liệu liên quan đến lĩnh vực mình quan tâm từ các nguồn tài liệu từ các hội thảo và tạp chí quốc tế chuyên ngành uy tín. Trong quá trình đọc tài liệu tham khảo, chúng ta phải cố gắng tìm ra những khoảng trống (research gap) chưa được giải quyết trong các nghiên cứu hiện tại để từ đó hình thành ý tưởng cho đề tài nghiên cứu mới.

Điều quan trọng để có được một nghiên cứu thành công đó là câu hỏi nghiên cứu phải có tính mới và sáng tạo, các giải pháp đưa ra mang tính cải tiến hoặc đột phá. Trong quá trình đọc tài liệu liên quan, chúng ta cũng cần ghi chú lại và lưu trữ nội dung tóm tắt về phương pháp và kết quả đạt được của những bài báo tốt liên quan đến lĩnh vưc nghiên cứu. Đây là một bước để thuận tiện cho việc viết phần Related work trong bài báo của chúng ta.

Sau khi đã có ý tưởng và câu hỏi nghiên cứu mới thì chúng ta bắt tay vào tìm phương pháp để giải quyết chủ đề nghiên cứu đã đặt ra.

Bước 2: Cách đọc nhanh các bài báo để tìm giải pháp cho vấn đề

Những người mới tiếp xúc với công việc nghiên cứu thường gặp khó khăn trong việc đọc nhanh và hiểu nội dung của các bài báo liên quan đến đề tài cũng như rất khó khăn trong việc đánh giá một bài báo tham khảo có đủ tốt hay không. Khi đọc tài liệu tham khảo chúng ta phải nhanh chóng xác định xem nó có liên quan đến vấn đề chúng ta đang quan tâm hay không. Nếu có thì chúng ta sẽ tiếp tục đọc kỹ và đánh giá nội dung, nếu không thì chúng ta sẽ loại bỏ. Để hiểu nhanh nội dung một tài liệu chúng ta không cần đọc hết toàn bộ văn bản, điều này chỉ làm tốn thời gian vô ích và lấy mất quỹ thời gian quý báu để đọc các tài liệu khác. Trình tự đọc một bài báo như sau:

- Đọc phần tóm tắt

- Đọc sơ lược phần giới thiệu và kết luận

- Lướt qua nội dung hình vẽ và bảng biểu

- Nếu bài báo không liên quan hoặc nội dung tầm thường thì chúng ta nên loại bỏ. Nếu bài báo liên quan đến vấn đề chúng ta đang giải quyết thì chúng ta sẽ đọc phần mô tả nội dung của phương pháp mà tác giả đề xuất. Ghi chú tóm tắt nội dung giải pháp và kết quả đạt được để sau này chúng ta sẽ quay lại tài liệu này để tìm hiểu các phương pháp đánh giá thực nghiệm của tác giả.

- Nếu giải pháp bài báo đặt ra có tính mới và hiệu quả chúng ta sẽ ghi chú phương pháp này lại để sau này cài đặt lại và so sánh với giải pháp chúng ta đề xuất.

- Đọc qua phần Related work của bài báo để tìm các tài liệu tham khảo liên quan khác có giá trị.

- Chúng ta lại tiếp tục đọc các tài liệu liên quan mới.

Bước 3: Đề xuất giải pháp và thử nghiệm

Sau khi chúng ta đã có các câu hỏi nghiên cứu và dựa trên cơ sở những nghiên cứu liên quan đã làm được đến đâu, những giải pháp nào đã được triển khai, chúng ta cần phải suy nghĩ để đề xuất các giải pháp mới. Sau đó tiến hành cài đặt giải pháp và đánh giá hiệu quả. Chúng ta dựa trên câu hỏi nghiên cứu và đọc lại phần thực nghiệm của những bài báo tốt để xem cách các tác giả khác thực hiện thực nghiệm và tiến hành thử nghiệm và ghi nhận kết quả.

Bước 4: Viết bài báo

Phần lớn những tạp chí khoa học hiện tại đều dùng Latex, bởi vậy chúng ta nên sử dụng Latex để viết bài báo khoa học. Hãy bắt đầu với phần tóm tắt nội dung nghiên cứu trong khoảng 150-200 từ. Sau đó sẽ viết phần Introduction, phần giới thiệu là một trong những yếu tố quyết định để gây ấn tượng đối với người phản biện sau này, bởi vậy chúng ta nên dành cho nó thời gian xứng đáng. Trong phần giới thiệu phải nêu bật được những đóng góp mới của tác giả.

Phần phương pháp đề xuất là trọng tâm đóng góp của chúng ta nên cần phải viết một cách chặt chẽ, logic, diễn giải sao cho người đọc dễ hiểu nhất có thể. Chúng ta nên sử dụng hình vẽ và sơ đồ minh họa nhiều nhất có thể để làm rõ nội dung trình bày.

Phần thực nghiệm là cốt lõi cho tính hiệu quả của giải pháp cần triển khai, do đó chúng ta nên viết một cách khoa học nhất có thể.

Cách viết phần thực nghiệm:

- Bước thứ nhất cần viết rõ câu hỏi nghiên cứu mà thực nghiệm sẽ tập trung giải quyết

- Tiếp theo là các tiêu chuẩn hay phép đo được dùng để đánh giá kết quả

- Sau đó chúng ta cần lần lượt trả lời từng câu hỏi nghiên cứu, phân tích các kết quả đạt được tương ứng

- Để nội dung bài báo có giá trị thì chúng ta cần phải so sánh, đánh giá phương pháp đề xuất với các phương pháp khác. Bởi vậy, chúng ta cần sử dụng kiểm định thống kê (statistical validation) để so sánh giữa các phương pháp. Hãy lưu ý đến các phương pháp kiểm định: t-test, Wilcoxon, ANOVA, Friedman-test và các phương pháp hậu định (post-hoc) để loại bỏ giả thiết NULL.

- Sử dụng các công cụ chuyên nghiệp như R, Python, Matlab để vẽ đồ thị khoa học. Các biểu đồ thường dùng là box-plot, line graph, bee swarm, etc.

Để có một bài báo hoàn chỉnh thì chúng ta cần phải viết thật kỹ phần Related work. Trong phần này chúng ta cần đánh giá, so sánh các phương pháp, nhận xét điểm yếu và những vấn đề chưa được giải quyết và những gì sẽ được giải quyết trong bài báo của chúng ta.

Sau khi bài báo đã viết xong cần kiểm tra lại chính tả và ngữ pháp tiếng anh một cách cẩn thận.

Bước 5: Tìm tạp chí và gởi bài

Chúng ta cần đánh giá đúng những nội dung mới trong nghiên cứu của chúng ta có giá trị đến đâu để tìm tạp chí có hạng thích hợp. Sau đó chúng ta tìm các tạp chí trong phạm vi chúng ta quan tâm và chỉnh sửa lại định dạng tài liệu tham khảo cho phù hợp với tạp chí. Chúng ta nên bắt đầu gởi từ tạp chí có IF cao nhất trong khoảng chúng ta dự định.

Nếu tạp chí yêu cầu đề xuất người phản biện thì chúng ta nên tìm những nhà khoa học có uy tín cao trong lĩnh vực mà chúng ta đang thực hiện và tìm email liên lạc của họ trong các bài báo chúng ta đã đọc.

Một số tạp chí yêu cầu tác giả submit thêm cover letter. Trong cover letter chúng ta viết những phần sau: phần giới thiệu chung về nội dung và lĩnh vực nghiên cứu của paper, cam kết nó chưa được submit hay đang được review ở bất cứ nơi nào khác, liệt kê ra từ 3 đến 5 điểm đóng góp mới của bài báo.

Bước 6: Trả lời bình duyệt

Thường sau quy trình bình duyệt, các bài báo thường phải chỉnh sửa lại theo yêu cầu của người bình duyệt. Chúng ta cần trả lời rõ ràng từng nội dung câu hỏi mà người phản biện đặt ra, không được để sót câu hỏi nào. Nội dung trả lời cần lịch sự và mang tính cầu thị. Những nội dung nào không thỏa đáng, chúng ta có thể nêu ra ý kiến phản biện lại của chính chúng ta một cách hợp lý nhất, những nhận xét nào hợp lý thì chúng ta nên tiếp thu và chỉnh sửa lại bài báo để nâng cao chất lượng. Reviewers thường làm việc không nhận lương và những góp ý của họ chỉ là muốn bài báo của chúng ta được đăng và nâng cao chất lượng của nó nên chúng ta cần trân trọng điều này. Những người phản biện nào càng đặt nhiều câu hỏi thì họ càng quan tâm đến bài báo của chúng ta và mong muốn nó được xuất bản.

Bước 7: Proof Reading

Nếu bài báo có chất lượng được chấp nhận xuất bản và editors yêu cầu chúng ta đọc kỹ bài báo để tránh sai sót thì chúng ta nên làm việc này nghiêm túc vì đây là cơ hội cuối cùng để chỉnh sửa các sai sót còn lại trong bản thảo trước khi nó được chính thức xuất bản.