Tản mạn cuộc sống...

Ngày nào lên mạng đọc báo cũng thấy đầy rẫy những thông tin giật gân với những cái tít hết sức “cuốn hút” người đọc. Nghe nói là nhiều khi người ta cũng cố tình thêm mắm, dặm muối cho câu chuyện thêm phần li kì, hấp dẫn, biến những kẻ thủ ác trong bài báo của mình thành những tên “có 1 không 2” mất hết tính người. Đôi khi mình cũng suy nghĩ, ngờ vực. Nhưng cũng phải nói, không có lửa làm sao có khói…

Việc làm những chuyện tày trời, kinh thiên động địa, thậm chí là những việc mất hết tính người thì thời đại nào cũng có. Nhưng ngày nay xu hướng phạm tội của con người ngày càng gia tăng. Mình có cảm giác người ta nóng tính hơn, tham lam hơn và cả…độc ác hơn. Đôi khi chỉ vì những chuyện hết sức nhỏ nhặt mà người ta sẵn sàng tước đi mạng sống của người khác 1 cách dễ dàng rồi sau đó sống cả đời trong hối hận và tiếc nuối. Có thể họ nghĩ rằng với những người ngoài cuộc thì những va chạm đó chỉ là chuyện nhỏ nhưng với họ thì đó lại là chuyện rất, rất lớn vì nó xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự và làm tổn thương niềm kiêu hãnh của họ. Và trong 1 phút nóng nảy, bồng bột người ta sẵn sàng biến tất cả những thứ có trong tay thành “vũ khí” chỉ để thỏa mãn cái tôi của mình và cuối cùng là 1 câu nói : Giận mất khôn.

Mình hoàn toàn không đồng ý với cách lí giải này. Tính cách con người được hình thành qua 1 quá trình lâu dài và ổn định. Việc kiềm chế trước những xung đột với những người xung quanh là 1 bài học mà con người cần được rèn luyện. Đừng cho rằng cứ nóng giận thì có quyền làm tổn thương người khác vì nếu cơn giận không đến vào hôm nay có thể cũng sẽ đến vào ngày mai và sớm muộn cũng tự mình gây ra họa. Cách tốt nhất là phải biết kiềm chế cơn giận từ từ và học cách chấp nhận nó vì giận dữ là 1 liều thuốc độc có thể giết chết nhiều người kể cả bản thân mình…

Khi phạm tội người ta đã nghĩ ra đủ thứ lí do để biện bạch : do gia cảnh khốn khó, môi trường sống phức tạp, do cùng quẫn, túng bấn (thậm chí là bần cùng sinh đạo tặc). Nhưng cho dù trăm ngàn lí do đi chăng nữa cũng chỉ là ngụy biện. Có thể mình đã quá chủ quan, phiến diện khi viết những điều này nhưng mình vẫn tin vào câu nói “nhân định thắng thiên”. Tại sao những thành công, thắng lợi đều có chủ nhân nhưng những thất bại, xấu xa lại đổ cho…số phận. Nếu nói như vậy thì những người sống trong giàu có, yêu thương đâu có lí do để phạm tội?

Thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Đã có không ít “cậu ấm, cô chiêu” được sống trong yêu thương, giàu sang, nhung lụa nhưng đã không cưỡng lại được cám dỗ để rồi sa ngã và rơi vào cảnh tù tội. Họ đâu thể đổ lỗi cho số phận, cho định mệnh hay hoàn cảnh éo le, mà ngược lại, họ được số phận ban phát cho một vận may mà không phải ai cũng có được. Nhưng trớ trêu thay, cũng chính họ đã tự đẩy mình sa lầy. Vì cái tôi quá lớn, muốn được thể hiện bản lĩnh, muốn được ca tụng, tung hô hay chỉ vì sĩ diện hão để rồi tự cuốn mình vào vòng lao lí.

Cái sai của những người trẻ tuổi không phải là nóng nảy cũng không phải là bồng bột mà lỗi lầm lớn nhất của họ là tự cho phép mình được mắc… sai lầm. Có rất nhiều người cho rằng tuổi trẻ phải mắc sai lầm mới tiến bộ và thay đổi nhưng sự thật thì ngược lại. Nếu chúng ta tự cho phép mình mắc sai lầm thì vô tình đã đẩy bản thân đến những sai lầm…

Cuộc sống là trải nghiệm và chấp nhận những va vấp nhưng nếu chúng ta tự cho phép mình vấp ngã thì chẳng ai có thể nâng ta dậy. Có 1 câu nói như thế này : “dù cho hoàn cảnh có thể ảnh hưởng đến việc chúng ta là ai thì chúng ta vẫn phải chịu trách nhiệm việc chúng ta trở thành người như thế nào”. Có lẽ cần phải ôn lại rất nhiều lần bài học : ĐIỀU GÌ MÌNH KHÔNG MUỐN THÌ ĐỪNG BAO GIỜ LÀM VỚI NGƯỜI KHÁC.