VĂN HÓA - VĂN NGHỆ

Mục đích của việc học ngày nay

Dân tộc ta có truyền thống hiếu học. Thế nhưng câu hỏi “Học để làm gì?” vẫn còn là một nỗi băn khoăn của không ít người và có nhiều cách trả lời khác nhau.

Trong tài liệu hướng dẫn học sinh (HS) ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2009 của một tỉnh miền Trung có câu hỏi:

“Anh chị hãy viết bài văn ngắn (không quá 400 từ) trình bày suy nghĩ về câu nói: “Học vấn có những chùm rễ đắng nhưng hoa quả lại ngọt ngào” (Ngạn ngữ Hi Lạp).

Và đây là “Hướng dẫn làm bài” của tài liệu:

1.Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ:

- Học vấn có những chùm rễ đắng cay: việc học đầy gian khổ, phải thức khuya dậy sớm, suy nghĩ tìm tòi, khổ luyện, nhiều khi mệt mỏi… đó là chưa kể đến những lúc thi hỏng.

- Hoa quả ngọt ngào: kết quả của sự học: sự học thành công - có sự vẻ vang, có cuộc sống hạnh phúc, được mọi người quý mến…

2.Câu ngạn ngữ này gợi cho chúng ta bài học gì?

- Phải kiên trì, vượt mọi gian khổ, có khi là cay đắng để học tập, rèn luyện, chuẩn bị hành trang cho một tương lai tốt đẹp…”.

Đáp án của người ra đề khiến chúng tôi ngạc nhiên. Như vậy, theo quan điểm của tác giả tài liệu, mục đích duy nhất của việc học là “hoa quả ngọt ngào”, là thành công, vẻ vang, hạnh phúc, được mọi người quý mến. Mục đích ấy khiến người ta có thể chịu đựng gian khổ để học hành, rèn luyện.

Cách trả lời ấy rất phiến diện, chỉ hướng vào mục tiêu thực dụng có phần hẹp hòi của việc học. Đặc biệt, tác giả tài liệu trên đã mắc sai lầm khi cho rằng việc học là gian khổ, cay đắng mà không biết rằng bản thân việc học đã là hạnh phúc, cái “hoa quả ngọt ngào” nằm ngay chính trong quá trình học tập. Phân biệt rạch ròi giữa “chùm rễ đắng” (học tập) và “hoa quả ngọt ngào”(thành công) cũng không đúng. Nói thế nghĩa là người ta chỉ dành một khoảng thời gian nhất định để học tập, rồi sau đó chỉ việc hưởng những thành quả ngọt ngào của nó? Giả sử nếu không có “hoa trái ngọt ngào” mang màu sắc thực dụng như trên thì người ta không chịu học chăng?

Như vậy, cách trả lời của tài liệu trên tưởng như đúng nhưng thực chất đã gieo vào trí óc học sinh những quan niệm sai lầm, lệch lạch về vai trò, vị trí của học vấn đối với đời sống con người. Phải chăng những tiêu cực trong giáo dục hiện nay cũng xuất phát từ những quan niệm sai lầm về mục đích của việc học? Quan niệm học chỉ vì những mục tiêu lợi ích trước mắt sẽ gây ra những hậu quả hết sức nặng nề.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trở về cội nguồn của triết học của phương Đông, người xưa quan niệm học vấn, giáo dục có vai trò thiêng liêng đối với việc giúp con người hoàn thiện nhân cách, trí tuệ. “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” (ngọc không mài giũa chẳng nên hình, người không học không biết đạo lý). Đạo lý ở đây là chân lý của vũ trụ, trời đất, và đặc biệt là đạo lý làm người, cách ứng xử tốt đẹp giữa con người với nhau. Người xưa quan niệm “Tiên học lễ, hậu học văn”, nghĩa là mục tiêu đạo lý, lễ nghĩa được đặt lên hàng đầu. Ca dao có câu: “Học là học để làm người. Biết điều hơn thiệt, biết lời thị phi”. Các nhà giáo luôn chú trọng giáo dục đạo đức cho học trò, và dùng chính mình để nêu gương cho học trò.

Người dân Việt Nam đặc biệt coi trọng việc học, cho rằng được học hành là một hạnh phúc lớn lao. “Thương con cho bạc cho tiền-Không bằng cho bút cho nghiên học hành”. Học là một hành trình không có điểm dừng vì “bể học vô bờ”, như Khổng Tử đã dạy “Học nhi bất yếm” (học không biết chán). Bậc học giả chân chính tìm thấy niềm vui vô bờ bến ngay trong chính hành trình vô tận của việc học. Ngạn ngữ có câu “Rất vui chẳng gì bằng đọc sách…”. Vì vậy, việc học hành đối phó, chạy theo bằng cấp, học chỉ để tìm kiếm danh vọng, lợi lộc là hoàn toàn xa lạ với đạo học chân chính.

Giai thoại danh nhân kể rằng C.R.Darwin dù đã được mệnh danh là nhà bác học nhưng vẫn miệt mài học tập, nghiên cứu. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về ý thức, tinh thần học hỏi không ngừng. Có nhiều cụ tuổi gần đất xa trời vẫn đăng kí tham gia các chương trình học Thạc sỹ, Tiến sỹ… Chính niềm đam mê học vấn đã tạo nên những bộ óc vĩ đại của nhân loại.

Quan niệm về “học” cũng không chỉ bó hẹp trong quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường, hay chỉ là những quá trình đào tạo chính quy, bài bản mà mở rộng tới tất cả những hoạt động mang tính chất tiếp thu tri thức, kĩ năng, hoàn thiện nhân cách vô cùng phong phú trong cuộc sống. Theo quan niệm của chúng tôi, đối với những người có ý thức hoàn thiện mình thì phần lớn những hoạt động của người ấy ít nhiều đều có tính chất “học”. Những con người đó sẽ luôn tìm thấy ý nghĩa, niềm vui trong cuộc sống.

Dĩ nhiên việc học trước hết nhằm hướng tới mục đích giúp con người có điều kiện xây dựng một cuộc sống vật chất, tinh thần đầy đủ, tốt đẹp hơn. “Nên thợ nên thầy vì có học. No ăn no mặc bởi hay làm” (Nguyễn Trãi). Giáo dục, học vấn cũng là nhân tố quan trọng để xây dựng quốc gia văn minh, giàu mạnh như Hoàng đế Quang Trung quan niệm “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”. Học giả Thân Nhân Trung cũng có một câu nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Bác Hồ cũng viết “Vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Hiền tài chỉ có được từ một nền giáo dục phát triển, từ những cá nhân biết coi trọng, chăm lo việc học. Muốn phát triển nền giáo dục, thiết nghĩ trước hết mỗi cá nhân cần xác định đúng mục đích của việc học.

Trần Quang Đại

Giáo viên trường THPT Trần Phú, Đức Thọ, Hà Tĩnh

LTS Dân trí - Làm việc gì có mục tiêu đúng đắn thì thường dẫn tới thành công. Việc phấn đấu học hành trong suốt đời người, nhất là giai đoạn tuổi trẻ tập trung cho việc học càng cần xác định rõ mục đích thì mới đem lại kết quả mong muốn.

Việc học ở thời đại văn minh ngày nay có ý nghĩa rộng lớn và được Tổ chức Giáo dục-Khoa học-Văn hóa (UNESCO) của LHQ xác định rõ bốn mục tiêu cơ bản: Học để biết; Học để làm; Học để chung sống; Học để tồn tại với tư cách là Con Người của thời đại ngày nay (learning to be). Đấy vừa là mục tiêu vừa là nhu cầu thiết yếu của mỗi con người cũng như của cộng đồng xã hội.

Xác định mục tiêu của việc học thời nay như UNESCO đã xác định quả là có ý nghĩa sâu sắc và toàn diện. Quá trình phấn đấu thực hiện bốn mục tiêu đó cũng là quá trình không ngừng tự hoàn thiện bản thân, để tự khẳng định sự tồn tại của mình ở thời đại văn minh ngày nay.

---------------------------------------------------------------------------------------

ĐẶC ĐIỂM BAO THỂ VÀ NHIỆT ĐỘ THÀNH TẠO GRANITOID, QUẶNG THIẾC-WOLFRAM VÀ VÀNG Ở VIỆT NAM

HOÀNG SAO

Tổng hội Địa chất Việt Nam, 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội

Tóm tắt: Bao thể là những vật thể nhỏ nằm bên trong khoáng vật, được tạo thành trong quá trình kết tinh của khoáng vật. Các loại bao thể trong khoáng vật được phân thành 3 nhóm: bao thể rắn, bao thể khí và bao thể lỏng - hỗn hợp. Dựa vào thời gian thành tạo bao thể so với khoáng vật bao chúng, có thể chia ra: bao thể nguyên sinh, bao thể nguyên-thứ sinh và bao thể thứ sinh. Hiện nay những phương pháp đồng hóa, nghiệm lạnh, nung nổ, hóa, lý… được sử dụng để nghiên cứu các loại bao thể, nhằm xác định các thông số hóa-lý (nhiệt độ, thành phần, áp suất) định lượng của môi trường tạo khoáng và trên cơ sở đó luận giải chính xác nhiều vấn đề về địa chất học.

Nghiên cứu các loại bao thể trong thạch anh của granitoid khối Trúc Khê - Núi Điệng, khối Thiện Kế và trong các mạch quặng thiếc-wolfram, vàng ở Việt Nam bằng phương pháp đồng hóa và nung nổ đạt được một số kết quả sau:

1. Granitoid khối Trúc Khê - Núi Điệng và Thiện Kế chứa các bao thể nguyên sinh: kết tinh và thủy tinh với nhiệt độ thành tạo từ 600-700 đến 980oC.

2. Những bao thể trong thạch anh của các kiểu quặng thiếc-wolfram ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng, thường gồm 5 loại bao thể nguyên sinh: khí, khí-lỏng, nhiều pha, lỏng carbonic và lỏng-khí, được thành tạo trong hai giai đoạn: khí hóa - nhiệt dịch (300-500°C) với áp suất 650-1300 At và nhiệt dịch nhiệt độ cao - trung bình (145-390°C) với áp suất 750-1210 At. Quặng thiếc-wolfram tập trung cao, thường có giá trị công nghiệp được thành tạo ở giai đoạn nhiệt dịch nhiệt độ cao - trung bình (145-390°C).

3. Những bao thể trong thạch anh của các kiểu vàng gốc ở Việt Nam rất phong phú, đa dạng; thường gặp 3 loại bao thể nguyên sinh: khí-lỏng, lỏng-khí, nhiều pha, được thành tạo ở giai đoạn nhiệt dịch nhiệt độ cao - trung bình (230-370°C) và trung bình - thấp (120-290°C). Quặng vàng gốc tập trung cao, thường có giá trị công nghiệp được thành tạo ở giai đoạn nhiệt dịch nhiệt độ trung bình - thấp (120-290°C).

Tiếp theo số 308/9-10/2008

Nhiệt độ đồng hoá của các loại bao thể trong mạch thạch anh - tourmalin-cassiterit thay đổi trong khoảng 230-470°C. Nhiệt độ nổ đồng loạt của các bao thể trong mạch này thay đổi từ 290 đến 325°C. Trên những số liệu đó đã xây dựng được biểu đồ thông số nhiệt-động của mạch thạch anh - tourmalin-cassiterit có áp suất của môi trường tạo khoáng là 650-1300 At (Hình 9.I).

Nhiệt độ đồng hoá của những bao thể trong thạch anh của mạch thạch anh - arsenopyrit-pyrrotin-cassiterit thay đổi từ 215 đến 300°C. Nhiệt độ nổ đồng loạt của các bao thể thay đổi từ 230 đến 270°C. Áp suất của môi trường tạo khoáng là 750-1160 At (Hình 9.II).

Hình 9. Biểu đồ nhiệt-động của mạch quặng thiếc khu Trúc Khê, vùng Tam Đảo.

Ghi chú: I. Thạch anh của mạch thạch anh - tourmalin-cassiterit

II. Thạch anh của mạch thạch anh - arsenopyrit-pyrrotin-cassiterit.

b. Đặc điểm bao thể và nhiệt độ tạo quặng wolfram ở Thiện Kế

Mỏ wolfram Thiện Kế nằm ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Quặng hoá ở đây phân bố trong granit khối Thiện Kế và trong ryolit Tam Đảo. Có hai kiểu quặng: đới greisen và mạch thạch anh - wolfram.

Thạch anh của đới greisen chứa bao thể nguyên sinh kết tinh và khí-lỏng. Thành phần pha của bao thể kết tinh: thể rắn 80-90 %, bao quanh thể rắn là thể lỏng 10-20 % thể tích bao thể (Hình 10.a). Bao thể khí-lỏng có dạng oval, hình nhiều cạnh với kích thước 10-20 µ, có thành phần pha: khí 70-90 % lỏng 10-30 % (Hình 10.b). Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 305-400°C.

Thạch anh của mạch thạch anh - wolfram chứa bao thể lỏng- khí có dạng oval, hình ống, nhiều cạnh với thành phần pha: lỏng 70-90 % khí 10-30 % (Hình 10.c, d). Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 180-370°C.

Biểu đồ nổ bao thể của mạch thạch anh - wolfram ở Thiện Kế đặc trưng các đỉnh nổ cực đại khoảng nhiệt độ 180-380 và 180-320°C (Hình 11.b, c, d, e).

Dựa vào nhiệt độ đồng hoá bao thể và nhiệt độ nổ cực đại đồng loạt, áp suất tạo mạch thạch anh - wolfram ở Thiện Kế tính được là 400-1210 At (Hình 12).

c. Đặc điểm bao thể và nhiệt độ tạo quặng thiếc-wolfram ở Bù Me

Mỏ thiếc-wolfram Bù Me nằm ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Ở đây, các thân quặng dạng mạch, bướu phân bố trong granit, greisen và cả trong đá phun trào, thuộc kiểu quặng thạch anh - wolfram-cassiterit.

Thạch anh của mạch quặng thiếc-wolfram ở Bù Me chứa 5 loại bao thể nguyên sinh: khí, khí-lỏng, nhiều pha, lỏng nhiều pha và lỏng-khí.

Các bao thể khí và khí-lỏng trong thạch anh của đới greisen có dạng hình nhiều cạnh, oval, hình ống với kích thước 5-30 µ. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 315-406°C đặc trưng cho nhiệt độ tạo quặng wolfram-cassiterit trong đới greisen.

Các bao thể nhiều pha, lỏng nhiều pha và lỏng-khí có dạng hình nhiều cạnh, oval, hình ống với kích thước 10-30 µ. Thành phần pha trong các bao thể: khí 15-50 %, lỏng 20-50 %, rắn 20-40 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 200-390°C, đặc trưng cho quặng thạch anh - wolfram-cassiterit thành tạo ở giai đoạn nhiệt dịch sau greisen.

Hình 11. Biểu đồ nổ bao thể trong thạch anh của pegmatit và của mạch quặng wolfram

khu Thiện Kế, vùng Tam Đảo.

Ghi chú: a. Thạch anh của pegmatit; b, c. Thạch anh của mạch thạch anh - wolfram; d, e. Wolframit của mạch thạch anh - wolfram.

Hình 12. Biểu đồ nhiệt-động của mạch quặng wolfram khu Thiện Kế, vùng Tam Đảo.

d. Đặc điểm bao thể và nhiệt độ tạo quặng thiếc ở Suối Bắc.

Mỏ thiếc Suối Bắc thuộc huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Ở đây, quặng hoá nằm trong đá phiến, thuộc thành hệ quặng cassiterit-silicat-sulfur, gồm hai kiểu quặng thạch anh - tourmalin-cassiterit và thạch anh arsenopyrit-pyrrotin- cassiterit [1].

- Thạch anh của quặng thạch anh - tourmalin-cassiterit chứa bao thể nguyên sinh: khí và khí-lỏng. Những bao thể này có dạng hình nhiều cạnh, oval với kích thước 5-20 µ. Thành phần pha trong các bao thể: khí-lỏng, khí 70-90 %, lỏng 10-30 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 310-400°C.

- Thạch anh của quặng thạch anh - arsenopyrit-pyrrotin-cassiterit chứa các bao thể nguyên sinh: nhiều pha, lỏng-khí và lỏng nhiều pha.

Các bao thể nhiều pha có dạng hình nhiều cạnh, oval với kích thước 10-15 µ, Thành phần pha trong bao thể: lỏng 70 %, khí 20 %, rắn 10 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 245-310°C.

Các bao thể lỏng-khí có dạng hình nhiều cạnh, hình ống với kích thước 10-20 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 60-70 %, khí 30-40 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 250-290°C.

Các bao thể lỏng nhiều pha có dạng hình nhiều cạnh với kích thước 20-30 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 70 %, lỏng carbonic 20 %, khí carbonic 10 % thể tích bao thế. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 220-260°C.

Trên cơ sở những tài liệu bao thể trên, dung dịch tạo quặng thiếc Suối Bắc có độ bão hoà cao, chứa nhiều carbonic. Kiểu quặng thạch anh - tourmalin-cassiterit thành tạo ở nhiệt độ 310-400°C, còn kiểu quặng thạch anh - arsenopyrit-pyrrotin-cassiterit thành tạo ở nhiệt độ 220-310°C.

e. Đặc điểm bao thể và nhiệt độ tạo quặng wolfram ở Bà Nà.

Điểm quặng wolfram Bà Nà thuộc huyện Thuý Loan, tỉnh Quảng Nam. Quặng wolfram phân bố trong đới greisen tiếp giáp giữa granit khối Bà Nà và đá phiến hệ tầng A Vương và quặng wolfram dạng mạch trong granit và đá phiến.

Thạch anh trong đới greisen chứa wolfram có các bao thể nguyên sinh: khí và khí-lỏng.

Các bao thể khí có dạng hình cầu, oval với kích thước 5-15 µ.

Các bao thể khí-lỏng có dạng hình nhiều cạnh, oval, hình ống với kích thước 5-20 µ. Thành phần pha trong bao thể: khí 80-90 %, lỏng 10-20 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 310-380°C.

Thạch anh trong các mạch quặng wolfram chứa các bao thể nguyên sinh: nhiều pha và lỏng-khí.

Các bao thể nhiều pha có dạng hình nhiều cạnh, oval với kích thước 10-20 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 10-40 %, khí 20-30 %, rắn 30-60 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 340-390°C.

Các bao thể lỏng-khí có dạng hình nhiều cạnh, hình ống, oval với kích thước 15-40 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 60-80 %, khí 20-40 %, thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 190-270°C.

Dựa trên những tài liệu nêu trên, quặng wolfram Bà Nà được thành tạo trong 2 giai đoạn, giai đoạn tạo quặng wolfram trong greisen với nhiệt độ 310-380°C và giai đoạn nhiệt dịch 190-270°C.

f. Đặc điểm bao thể và nhiệt độ tạo quặng thiếc-wolfram ở Sa Vỏ

Mỏ thiếc-wolfram Sa Vỏ thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Quặng hoá phân bố trong granitoiđ Định Quán và trong trầm tích lục nguyên hệ tầng La Ngà.

Mạch quặng thiếc-wolfram Sa Vỏ chứa các bao thể nguyên sinh: khí-lỏng, nhiều pha và lỏng-khí.

Các bao thể khí-lỏng phân bố rải rác, có dạng hình cầu, oval, nhiều cạnh với kích thước 10-20 µ. Thành phần pha trong bao thể: khí 70-90 %, lỏng 10-30 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 390-460°C.

Các bao thể nhiều pha phân bố rải rác, có dạng hình nhiều cạnh, oval với kích thước 10-40 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 50-60 %, khí 10-20 %, rắn 20-30 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 305-340°C.

Các bao thể lỏng-khí có số lượng lớn trong mẫu, có hình nhiều cạnh, oval, hình ống với kích thước 10-50 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 70-80 %, khí 20-30 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 146-280°C.

Dựa vào những tài liệu trên, quặng thiếc-wolfram Sa Vỏ được thành tạo trong hai giai đoạn: khí thành - nhiệt dịch (305-460°C) và nhiệt dịch nhiệt độ trung bình (146-280°C).

Dựa trên các kết quả nghiên cứu bao thể và nhiệt độ tạo các mạch quặng thiếc-wolfram ở Việt Nam, có thể kết luận:

1. Những bao thể trong thạch anh của các loại quặng thiếc-wolfram rất phong phú, đa dạng, kích thước lớn, thường gồm 5 loại bao thể nguyên sinh: khí, khí-lỏng, nhiều pha, lỏng-khí và lỏng nhiều pha, đặc biệt rất phổ biến các loại bao thể nhiều pha, bao thể lỏng nhiều pha, đặc trưng cho dung dịch tạo quặng thiếc-wolfram ở nhiều nước trên thế giới.

2. Quặng thiếc-wolfram được thành tạo trong hai giai đoạn đặc trưng: giai đoạn khí thành - nhiệt dịch với khoảng nhiệt độ 300-500°C và giai đoạn nhiệt dịch nhiệt độ cao - trung bình (145-390°C).

3. Quặng thiếc-wolfram tập trung cao, có giá trị công nghiệp được thành tạo ở giai đoạn nhiệt dịch nhiệt độ cao - trung bình (145- 390°C).

3. Đặc điểm bao thể và nhiệt độ tạo quặng vàng Việt Nam.

Ở Việt Nam, vàng gốc đã được tìm thấy ở nhiều tỉnh, tập trung nhiều ở Cao Bằng, Bắc Cạn, Hoà Bình, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Phú Yên, Đồng Nai. Quặng hoá vàng có các kiểu: vàng - thạch anh, vàng - thạch anh - tourmalin, vàng - thạch anh - sulfur, vàng-bạc, vàng-antimon, trong đó kiểu quặng vàng - thạch anh - sulfur có giá trị nhất.

a. Đặc điểm bao thể và nhiệt độ tạo quặng vàng ở Địch Quả.

Điểm quặng vàng Địch Quả thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ở đây có ba đới quặng: Tân Phong - Lũng Phít, Dốc Than - Cự Thắng và Suối Cú - Làng Vùng (Phạm Hoè, 1995).

Thạch anh ở mạch quặng thạch anh - pyrit-chalcopyrit-pyrrotin-galenit thuộc đới quặng Dốc Than - Cự Thắng chứa bao thể nguyên sinh lỏng-khí. Những bao thể này có dạng hình oval, nhiều cạnh với kích thước 5-15 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 70-90 %, khí 10-30% thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 192-240°C.

Thạch anh của mạch quặng thạch anh - tourmalin-pyrit-vàng thuộc đới quặng Suối Cú - Làng Vùng chứa các bao thể nguyên sinh: lỏng-khí, nhiều pha.

Bao thể lỏng-khí có dạng hình oval, nhiều cạnh, hình ống với kích thước 10-25 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 60-80 %, khí 20-40 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 215-260°C.

Bao thể nhiều pha có dạng hình oval, hình nhiều cạnh, ngọn lửa với kích thước 15-30 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 55-65 %, khí 10-20 %, rắn 10-15 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 225-270°C.

Như vậy, dựa trên kết quả xác định trên, quặng vàng Địch Quả được thành tạo ở giai đoạn nhiệt dịch nhiệt độ trung bình (192-270°C).

b. Đặc điểm bao thể và nhiệt độ tạo quặng vàng-antimon ở Tà Sỏi

Mỏ vàng-antimon Tà Sỏi thuộc huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Ở đây quặng hoá có hai kiểu: thạch anh - vàng và thạch anh - antimon-vàng.

Thạch anh của mạch thạch anh - vàng chứa các loại bao thể nguyên sinh: khí-lỏng và lỏng-khí.

Các bao thể khí-lỏng có dạng hình nhiều cạnh, hình cầu, với kích thước 5-10 µ. Thành phần pha trong bao thể: khí 70-80 %, lỏng 20-30 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 275-315°C.

Các bao thể lỏng-khí có dạng hình nhiều cạnh, oval, hình ống với kích thước 10-15 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 60-80 %, khí 20-40 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 190-255°C.

Thạch anh của mạch thạch anh - antimon-vàng chứa các bao thể nguyên sinh: lỏng-khí, nhiều pha, lỏng nhiều pha.

Các bao thể lỏng-khí có dạng hình oval, hình nhiều cạnh với kích thước 10-20 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 60-80 %, khí 20-40 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 215-270°C.

Các bao thể nhiều pha có dạng hình nhiều cạnh với kích thước 20-25 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 70 %, lỏng-carbonic 20 %, khí-carbonic 10 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 210-295°C.

Dựa vào những số liệu trên, ta thấy quặng vàng-antimon Tà Sỏi được thành tạo trong khoảng nhiệt độ 190-315°C thuộc giai đoạn nhiệt dịch nhiệt độ trung bình.

c. Đặc điểm bao thể và nhiệt độ tạo quặng vàng ở Nhâm

Điểm quặng vàng Nhâm thuộc xã Nhâm, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế.

Thạch anh trong mạch thạch anh - pyrit-chalcopyrit- magnetit-hematit-vàng chứa các loại bao thể nguyên sinh: khí-lỏng, lỏng-khí và nhiều pha.

Các bao thể khí-lỏng phân bố rải rác, có dạng hình nhiều cạnh, oval, hình ống với kích thước 5-20 µ. Thành phần pha trong bao thể: khí 60-90 %, lỏng 10-40 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 215-295°C.

Các bao thể lỏng-khí phân bố nhiều trong mẫu, có dạng hình nhiều cạnh, oval, hình ống với kích thước 5-25 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 70-90 %, khí 10-30 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 133-215°C.

Các bao thể nhiều pha phân bố rải rác trong mẫu, có dạng hình nhiều cạnh với kích thước 10-25 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 50-60 %, khí 10-30 %, rắn 30 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 155-185°C.

Qua kết quả phân tích bao thể trong mạch quặng vàng ở Nhâm có thể nhận xét là các mạch thạch anh - pyrit-chalcopyrit-magnetit-hematit-vàng xuyên cắt các đá khác nhau của hệ tầng Núi Vú được thành tạo giai đoạn nhiệt dịch nhiệt độ trung bình (215-295°C) và giai đoạn nhiệt dịch nhiệt độ trung bình - thấp (133-215°C).

d. Đặc điểm bao thể và nhiệt độ tạo quặng vàng vùng Trà Nú - Phước Thành

Dải khoáng hoá vàng Trà Nú - Phước Thành nằm ở phía N-TN tỉnh Quảng Nam và B-TB Quảng Ngãi, gần mỏ vàng Bồng Miêu. Dải khoáng hóa này gồm nhiều điểm vàng phân bố rải rác, có các kiểu khoáng hoá: thạch anh - pyrit-vàng trong granit và thạch anh - sulfur-vàng trong đá biến chất.

Thạch anh của mạch thạch anh - pyrit-vàng trong granit chứa các loại bao thể nguyên sinh: khí-lỏng và lỏng-khí.

Các bao thể khí-lỏng có dạng hình nhiều cạnh, oval với kích thước 10-25 µ. Thành phần pha trong bao thể: khí 70-90 %, lỏng 10-30 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 270-480°C.

Các bao thể lỏng-khí có số lượng nhiều trong mẫu, dạng hình nhiều cạnh, oval, hình ống với kích thước 15-40 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 60-80 %, khí 20-40 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 180-280°C.

Thạch anh của mạch thạch anh - sulfur-vàng trong đá biến chất chứa các bao thể nguyên sinh: khí-lỏng, lỏng-khí và nhiều pha.

Các bao thể khí-lỏng có dạng hình nhiều cạnh, oval với kích thước 5-15 µ. Thành phần pha trong bao thể: khí 60-80 %, lỏng 20-40 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 250-360°C.

Các bao thể lỏng-khí có số lượng nhiều trong mẫu, dạng nhiều cạnh, hình ống với kích thước 10-30 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 70-80 %, khí 20-30 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 160-250°C.

Các bao thể nhiều pha phân bố rải rác trong mẫu, có dạng hình nhiều cạnh với kích thước 15-30 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 40-60 %, khí 10-30 %, rắn 10-20 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 170-256°C.

Như vậy, các mạch quặng vàng vùng Trà Nú - Phước Thành được thành tạo trong hai khoảng nhiệt độ 250-408 và 160-280°C, tương ứng với giai đoạn nhiệt dịch nhiệt độ cao - trung bình và trung bình - thấp. Mạch thạch anh - sulfur-vàng trong đá biến chất được thành tạo trong giai đoạn nhiệt dịch nhiệt độ trung bình - thấp có hàm lượng vàng cao .

e. Đặc điểm bao thể và nhiệt độ tạo quặng vàng ở Trảng Sim

Điểm quặng vàng Trảng Sim thuộc tỉnh Phú Yên. Ở đây, quặng hoá vàng là kiểu thạch anh - sulfur-vàng.

Thạch anh của mạch thạch anh - sulfur-vàng chứa các bao thể nguyên sinh: khí-lỏng, nhiều pha và lỏng-khí .

Các bao thể khí-lỏng có dạng hình nhiều cạnh, oval, hình ống với kích thước 10-40 µ. Thành phần pha trong bao thể: khí 60-70 %, lỏng 30-40 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 317-337°C.

Các bao thể nhiều pha có dạng hình nhiều cạnh, hình ống với kích thước 10-40 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 60 %, khí 10 %, rắn 30 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 117-237°C.

Các bao thể lỏng-khí có dạng hình nhiều cạnh, hình ống, oval với kích thước 5-50 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 60-90 %, khí 10-40 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 113-285°C.

Như vậy, quặng vàng Trảng Sim được thành tạo trong hai khoảng nhiệt độ là 317-337 và 113-285°C, đặc trưng cho loại quặng vàng có nguồn gốc nhiệt dịch nhiệt độ cao và trung bình - thấp.

f. Đặc điểm bao thể và nhiệt độ tạo quặng vàng ở Krông Pha

Điểm quặng vàng Krông Pha thuộc huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận. Ở đây quặng hoá vàng là kiểu thạch anh - arsenopyrit-vàng.

Thạch anh của mạch thạch anh - arsenopyrit-vàng chứa các loại bao thể nguyên sinh: khí-lỏng, nhiều pha và lỏng-khí.

Các bao thể khí-lỏng có dạng hình nhiều cạnh, oval với kích thước 10-20 µ. Thành phần pha trong bao thể: khí 80-90 %, lỏng 10-20 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 305-367°C.

Các bao thể nhiều pha có dạng hình nhiều cạnh, hình ống với kích thước 10-30 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 30-65 %, khí 15-20 %, rắn 10-50 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 215-263°C.

Các bao thể lỏng-khí có dạng hình nhiều cạnh, hình ống, oval với kích thước 5-40 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 60-85 %, khí 15-40 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 183-265°C.

Như vậy, quặng vàng Krông Pha có nguồn gốc nhiệt dịch nhiệt độ cao (305-367°C) và trung bình (183-265°C).

g. Đặc điểm bao thể và nhiệt độ tạo quặng vàng ở Kôn Chrô

Điểm quặng vàng Kôn Chrô thuộc tỉnh Gia Lai. Ở đây quặng hoá là kiểu thạch anh - sulfur đa kim - vàng.

Thạch anh của mạch quặng chứa các bao thể nguyên sinh: khí-lỏng, nhiều pha và lỏng khí.

Các bao thể khí-lỏng có dạng hình ống, oval với kích thước 5-20 µ. Thành phần pha trong bao thể: khí 60-90 %, lỏng 10-40 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 310-330°C.

Các bao thể nhiều pha có số lượng rất ít trong mẫu, hình ống với kích thước 10-15 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 50-65 %, khí 15-30 %, rắn 10 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hóa trong khoảng 250-285°C.

Các bao thể lỏng-khí có dạng hình nhiều cạnh, hình ống, oval với kích thước từ vài đến 30 µ. Thành phần pha trong bao thể: lỏng 70-90 %, khí 10-30 % thể tích bao thể. Nhiệt độ đồng hoá trong khoảng 121-292°C.

Như vậy, điểm vàng Kôn Chrô có nguồn gốc nhiệt dịch nhiệt độ cao (310-330°C) và trung bình - thấp (121-292°C).

Qua kết quả nghiên cứu bao thể trong mạch quặng của các mỏ và điểm vàng gốc ở Việt Nam, ta có thể rút ra các kết luận dưới đây:

1. Những bao thể trong thạch anh của các kiểu vàng gốc rất đa dạng, phong phú, thường gặp ba loại bao thể nguyên sinh: khí-lỏng, lỏng-khí và nhiều pha. Đặc biệt bao thể lỏng-khí có số lượng lớn và rất phổ biến;

2. Quặng vàng gốc được thành tạo ở giai đoạn nhiệt dịch nhiệt độ cao - trung bình (230 -370°C) và trung bình - thấp (120-290°C);

3. Quặng vàng gốc tập trung cao, thường có giá trị công nghiệp, được thành tạo ở giai đoạn nhiệt dịch nhiệt độ trung bình - thấp (120-290°C).

Tổng quát lại, những kết quả nghiên cứu bao thể trong khoáng vật của granitoid, pegmatit và của các kiểu quặng thiếc-wolfram, vàng ở Việt Nam trình bày trên đã làm rõ điều kiện thành tạo của môi trường địa chất, nguồn gốc, các giai đoạn thành tạo và triển vọng quặng phân bố trên mặt và dưới sâu. Nhưng đây chỉ là những kết quả bước đầu, vì hiện nay ở nước ta chưa đủ điều kiện để tiến hành đồng bộ các phương pháp nghiên cứu bao thể trong khoáng vật.

Mong rằng các cơ quan địa chất của Nhà nước quan tâm đầu tư trang thiết bị, cán bộ chuyên sâu cho lĩnh vực nghiên cứu mới này, để góp phần phát triển toàn diện khoa học địa chất ở nước ta.

VĂN LIỆU

1. Dương Đức Kiêm, 1985. Phân loại khoáng sản thiếc Việt Nam. Địa chất và khoáng sản, 2 : 129-138. Viện Địa chất và Khoáng sản, Hà Nội.

2. Đinh Văn Diễn, Phạm Hòe, Đinh Thanh Bình, 1995. Các thành tạo biến chất trao đổi và quặng hóa vàng vùng Địch Quả. ĐC, KS và DK VN, 2 : 235-246. Cục Địa chất Việt Nam, Hà Nội.

3. Đopjikov A.E. (Chủ biên), 1965. Địa chất miền Bắc Việt Nam. Tổng cục Địa chất, Hà Nội (bản tiếng Việt, 1971).

4. Ermakov N.P., 1972. Hệ địa hóa bao thể trong khoáng vật. Nxb Nedra, Moskva (tiếng Nga).

5. Ermakov N.P., 1979. Nhiệt áp - địa hóa. Nxb Nedra, Moskva (tiếng Nga).

6. Hoàng Sao, 1979. Đặc điểm khoáng vật - thạch học và điều kiện thành tạo granitoiđ Mezozoi vùng Tam Đảo. Luận án PTS. Thư viện QG., Hà Nội.

7. Hoàng Sao, 2000. Các phương pháp nghiên cứu bao thể trong khoáng vật. Thông tin KH - KTĐC, 1-2. Trung tâm TT-LT ĐC, Hà Nội.

8. Nguyễn Nghiêm Minh, Phạm Huy Siêu, 1967. Vài nét về đặc điểm khoáng vật cộng sinh trong quặng thiếc thuộc loại caxiterit-silicat vùng mỏ Sơn Dương. Địa chất, 65 : 10-18. Hà Nội.

9. Phạm Hòe, 1995. Đặc điểm các đá biến chất trao đổi nhiệt dịch và quặng hóa vàng vùng Địch Quả, Thanh Sơn, Vĩnh Phú. Tt luận án PTS ĐC-KV. Thư viện QG., Hà Nội.

10. Roedder E., 1984. Fluid inclusion. Review of Mineralogy, 12. Min. Soc. of America.

11. Shepherd I.J., 1985. A practical guide to fluid inclusion studies. London.

12. Trần Đình Sâm, 1995. Cấu trúc địa chất mỏ vàng-antimon Tà Sỏi và triển vọng khoáng hóa ở phần sâu. ĐC, KS và DKVN, 2 : 277-285. Cục Địa chất VN, Hà Nội.

13. Trần Văn Trị (Chủ biên), 2000. Tài nguyên khoáng sản Việt Nam. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Hà Nội, 214 tr..

14. Võ Văn Bình (Chủ biên), 1998. Đặc điểm khoáng hóa và phân vùng triển vọng quặng vàng vùng nam Trà Nú - Phước Thành, tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi. Lưu trữ Liên đoàn Địa chất Trung Bộ.