Bài viết của Thầy Nguyễn Huy Tảo - Nguyên hiệu trưởng trường THPT Thanh Liêm B, 1976 - 1989

NĂM HỌC ĐẦU TIÊN

Thầy giáo: Nguyễn Huy Tảo

Nguyên hiệu trưởng trường THPT Thanh Liêm B, 1976 - 1989

Vừa tròn ba mươi lăm năm về trước, khi cầm quyết định làm hiệu trưởng trường THPT Thanh Liêm B, tôi tìm đến gặp đồng chí Đinh Văn Nhương, bí thư huyện uỷ huyện Thanh Liêm. Đồng chí Nhương nhắc tôi: “Đồng chí hãy về trường ngay, đang thi công đấy, kẻo sau này hỏng hóc chỗ nào phải sửa chữa thì vất vả, tốn kém lắm”.

Tôi vào cuộc luôn.

Về đến trường thì nào có thấy trường đâu? Đó là một công trường, chỉ toàn người là người, với công việc đào và đắp đất. Tôi không khỏi nao nao, man mác nghĩ về một vùng quê đồng chiêm trũng cho đến lúc ấy vẫn là điển hình của cảnh đói nghèo, cơ cực, tôi cũng nghĩ về người Thanh Liêm đầy nghị lực trong cuộc sống lao động và học tập.

Khu trường đóng rộng hai công mẫu, lác đác còn vài nấm mộ thấp lè tè mà trước đó người ta gọi là miễu Mai Cầu, cây cỏ um tùm, một vài vạt đất do người dân nơi đây khai phá để trồng khoai lang. Chính giữa và lệch về phía nam khu đất có một bệ thờ với một bát hương lộ thiên.

Khu đất của trường được tôn cao thêm 0,7 m, tính ra là 13000m3 đất. Việc xây dựng gồm hai phần xếp theo hình thước thợ ở phía nam, ôm lấy một cái ao rộng; một dãy chạy từ đông sang tây là tám lớp học, một dãy chạy từ bắc xuống nam là mười gian nhà ở (mười phòng riêng biệt). Cạnh hai dãy nhà này là nhà văn phòng năm gian, ba gian giữa để họp hội đồng giáo dục, hai bên có hai gian để làm văn phòng. Xung quanh trường có giao thông hào . Toàn bộ các lớp học, các phòng ở, văn phòng đều là nhà tạm bằng gianh tre do các xã trong huyện chở vật liệu đến, cử nhân công đến tự làm do đã được uỷ ban nhân dân huyện phân công.

Mỗi lớp học có một bảng đen và đủ bàn ghế cho giáo viên, học sinh ngồi. Mỗi giáo viên ở một phòng, có một giường cá nhân và một bộ bàn ghế. Chỉ có mấy thầy cô ở gần trường hết giờ làm việc là được đạp xe về nhà. Cơ sở vật chất của trường chỉ có như vậy. Cây xanh bắt đầu trồng. Khu trường rộng, bốn mùa lộng gió.

Thượng tuần tháng tám năm ấy, bộ giáo dục về kiểm tra công nhận cho phép mở trường. Hôm ấy trời mưa. Tôi và thầy Nhữ Công Sần - hiệu phó, thấp thỏm chờ. Đến 18 giờ, chiếc xe ôtô của Bộ mới về đến trường. Tạm để ôtô ở cổng trường, đoàn đi kiểm tra dãy nhà ở, các lớp học. Do trời mưa nên lộ rõ còn vài chỗ bị dột. Chúng tôi mời đoàn kiểm tra của Bộ có năm người vào nhà ông Do thôn Mai Cầu, mượn làm nơi tiếp đón của trường. Đi bộ vài trăm mét có cảm giác sao mà xa thế? Trời tối sầm, tối xịt, mưa vẫn rả rích, những cặp giày đen đành phải nện gót trên mặt đường lầy lội. Sau khi làm việc xong, hai mâm cơm được bày ra cho cả khách lẫn chủ. Đến 21 giờ, xe ôtô từ từ lăn bánh tiếp tục đưa đoàn kiểm tra của Bộ lên Non, nơi đặt văn phòng uỷ ban nhân dân huyện để nghỉ ngơi.

Trong quá trình xây dựng cơ sở vật chất của trường, mấy thầy được điều về trường sớm như thầy Lượng, thầy Sầnvà các anh Đợi, anh Hoàng, anh Lễ, cô Loan làm việc rất mẫn cán. Tôi rất khâm phục.

Nhà trường cử thầy Lượng lên trường THPT Thanh Liêm A nhận danh sách học sinh vào học (do trường THPT Thanh Liêm A tuyển giúp). Năm học đầu tiên trường có hai lớp 9, năm lớp 8. Tổng số 365 học sinh. Khu vực trường đóng gồm học sinh các xã: Thanh Nguyên, Thanh Hải, Thanh Nghị, Thanh Tân, Thanh Hương, Thanh Tâm, Liêm Sơn và hai xã thuộc Ý Yên là Yên Thành và Yên Trung.

Để chuẩn bị kịp thời cho khai giảng năm học, tôi đã trực tiếp làm việc với tổ chức ty giáo dục Nam Hà nhiều lần, tôi trực tiếp đến trường sư phạm bồi dưỡng tỉnh mời thầy Nhữ Công Sần về làm hiệu phó; đến trường THPT Thanh Liêm A mời thầy Lượng, thầy Thậm, thầy Ký, thầy Vương Quý về làm giáo viên theo quyết định của ty giáo dục Nam Hà.

Bộ máy gồm 20 cán bộ, giáo viên có mặt tại trường kịp thời theo đúng biên chế năm học.

Sáng ngày 5/9/1976, nhà trường khai giảng năm học rất trọng thể trong tiết thu se se lạnh. Phụ huynh, học sinh đến đông vui, hầu như đủ mặt. Ông Hoàng Quyết - chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện tới dự và phát biểu ý kiến . Moi người trên khoé mắt, nụ cười, trong câu chuyện náo nức, hân hoan, từ nay con em không phải vất vả, tốn kém đi học, trọ học tận trường THPT Thanh Liêm A. Những điều tâm sự ấy phát ra từ những trái tim cho ta tin vào cuộc đời này còn nhiều khát vọng.

Đầu học kỳ II năm học ấy, sau khi nghỉ tết âm lịch, ngày mùng 5 tết, giáo viên, học sinh đến trường dạy và học. Hồi 15 giờ, do sơ xuất của vị thủ kho, đội công trình xây dựng huyện Thanh Liêm đã làm cháy hoàn toàn ngôi nhà văn phòng năm gian. Trời hanh khô, ngọn lửa chỉ trong chốc lát đã thiêu rụi cả ngôi nhà. Rất may, cán bộ nhân viên có mặt đông đủ (ngoại trừ thầy Nhữ Công Sần đi họp ở Nam Định) ra sức cứu chữa, phòng cháy cho những ngôi nhà còn lại. Nếu không thiệt hại còn lớn hơn nhiều.

Thuở ấy, điều kiện dạy và học khó khăn, gian khổ như vậy, nhưng rất kỳ lạ là việc dạy và học rất nề nếp, không có hiện tượng đi học về lại không học và làm bài ở nhà, rất ít giờ bị trống, học sinh đi học chuyên cần, đi học đúng giờ mặc dù rất ít học sinh có xe đạp, thầy và trò đều hăng say trong việc dạy và học. Đó là những yếu tố làm nên chất lượng trong giáo dục và giáo dưỡng.

Có lẽ cả dân tộc ta lúc ấy vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến tranh nên những khó khăn, thiếu thốn về vật chất phục vụ cho đời sống, phục vụ cho dạy và học đã dễ dàng vượt qua.

Học sinh có em ở xa trường hàng chục km. Giáo viên có người ở Ninh Bình, Phủ Lý, Nam Định. Năm học sau còn có người ở Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Nội. Song vượt lên tất cả là tinh thần và ý chí giảng dạy của thầy và học tập của trò.

Khó khăn quá nhiều song niềm vui cũng quá lớn. Trong năm học đầu tiên, ông Hoàng Trung Tích - trưởng ty giáo dục Nam Hà về thăm trường đã ngợi khen nhiều tập thể giáo viên, học sinh.

Tương lai phía trước đang vẫy gọi chúng ta.

Ai đã sống, làm việc, giảng dạy và học tập ở đây, dù bây giờ ở đâu, ở cương vị nào nhưng trong kí ức vẫn không phai mờ hình ảnh “miễu Mai Cầu” với những năm tháng làm việc gian khổ, khó khăn nhưng sống chân thực, vô tư, sâu lắng tinh thần đồng chí, đồng nghiệp, tình thầy trò, tình dân, nghĩa Đảng, làm việc tự nguyện tự giác.

Suốt cả cuộc đời tôi, chỉ biết làm nghề dạy học, ở bất cứ đâu, tôi đều tâm huyết và gắn bó với nghề. Nhiều kỉ niệm sống mãi trong tôi. “Miễu Mai Cầu”, trường THPT Thanh Liêm B, những năm tháng tôi đã sống và làm việc, là một trong những nơi đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất.

Năm học đầu tiên ấy - một thời - không dễ quên.

Phủ Lý, ngày 10 tháng 01 năm 2011.