Màu vàng và đỏ trong kiến trúc tôn giáo phương Đông

Ngoài y phục màu vàng còn có những công trình kiến trúc màu vàng hết sức độc đáo. Một trong những công trình nổi tiếng về sự tráng lệ, rực rỡ được biết đến đó là chùa Vàng - Agko, tháp Shwedagon, được dát vàng ở Myanma, một quốc gia mà Phật giáo đã truyền đến rất sớm và trở thành quốc giáo. Truyền thuyết cho rằng Phật giáo đã du nhập xứ này từ khi Phật Thích Ca còn sống, hai đệ tử là Tapussa và Bhallika đã mang được 8 sợi tóc của Phật về và hiện các di tích vẫn còn giữ tại các chùa tháp. Dữ liệu được xác minh chắc chắn là các đoàn truyền giáo thời vua Asoka đã đến Myanma vào TK III TCN. Yangon (hay Rangoon) và vùng phụ cận là trung tâm Phật giáo lớn còn giữ lại được rất nhiều đền đài, trong đó có tháp Shwedagon, ngôi đền lớn nhất tại đây, toàn bộ được dát vàng và trang trí rất nhiều gỗ, đá quý. Chu vi của ngôi tháp là 1.420 feet và cao 326 feet. Xung quanh có 64 đền nhỏ. Truyền thuyết cho rằng đền này có hơn 2500 năm được xây từ thời Thích Ca còn tại thế. Độ cao nguyên thủy của đền là 66 feet nhưng sau nhiều lần trùng tu nó đã đạt được độ cao hiện tại.

Không những trong các công trình kiến trúc Phật giáo cổ mà ngày nay người ta còn cho xây dựng những công trình kiến trúc Phật giáo màu vàng, cũng rất độc đáo, nhưng trên tinh thần phát huy những quan niệm cổ. Chẳng hạn một trong những công trình nguy nga tráng lệ nhất xây dựng gần đây nổi tiếng khắp thế giới là Phật đài Dhammakaya. Phật đài Dhammakaya được kiến tạo theo hình tháp tròn theo truyền thống của Phật giáo Theravada, vòm đỉnh tròn ở trên gồm có 300.000 tượng (và 700.000 tượng còn lại sẽ được tôn trí bên trong tháp) mỗi tượng Phật cao 18 cm, nặng khoảng 2,5kg, được đúc bằng loại đồng pha vàng, được nung nóng từ 1.200 độ bách phân. Công việc đúc tượng Phật này rất kỳ công, được kết hợp từ kiến thức rút tỉa được từ thời văn minh đồ đồng Ban Chiang ở tỉnh Udon Thani, Thái Lan. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một pho tượng bằng đồng mà người ta tin rằng đã được đúc từ hơn 5000 năm trước. Với khí hậu Thái Lan, một xứ ẩm ướt với lượng mưa acid khá nhiều trong năm, Ban kỹ sư đã quyết định sử dụng kim loại titanium và phủ một lớp vàng bên ngoài để bảo vệ pho tượng chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt tại xứ sở này trên dưới 1000 năm.

Màu vàng và đỏ trong các không gian kiến trúc đình, chùa Việt Nam

Có thể thấy rằng, hầu hết các công trình kiến trúc Phật giáo ở Việt Nam cũng thường sử dụng hai màu sắc này (trong các ngôi chùa, ngoài ra còn sử dụng nhiều trong các đền, đình, miếu mạo) như là hai sắc màu chính để trang trí cho các không gian tâm linh. Khi đặt chân vào bất kỳ ngôi chùa hay đình, đền, miếu ở Việt Nam, nhất là những ngôi chùa cổ, ta thường có cảm giác thanh tịnh.Cảm giác này được tạo nên bởi sự kết hợp hài hòa của những sắc màu, những chữ, những hoa văn thếp vàng trên nền đỏ son, đỏ sẫm hay đỏ trầm của những hoành phi, câu đối, những cột, kèo, hay những ban, bệ thờ. Màu vàng mạ, màu đỏ son của sơn ta kết hợp cùng với những màu nâu trầm, đen cánh gián, tất cả hòa quyện vào nhau, tôn nhau tạo nên một không gian trầm mặc. Có những pho tượng được hoàn toàn mạ vàng, có những pho tượng dùng sơn ta điểm suyết đôi chỗ, dậy lên màu đỏ hay màu vàng mạ của những y phục lấp lánh.

Ngoài những công trình kiến trúc Phật giáo, ta còn thấy hai màu vàng và đỏ được sử dụng rất nhiều trong các kiến trúc đền, đình, miếu, nhà thờ họ. Chất liệu để tạo nên hai màu này thường là thếp vàng và đỏ sơn ta, ta có hai màu là màu đỏ son và đen cánh gián, về màu vàng thì chủ yếu là vàng ta được làm mỏng rồi thếp lên, thường gọi là quỳ vàng. Chỉ với ba màu: đỏ và vàng làm chủ đạo, còn lại là màu đen cánh gián đã tạo nên những không gian tâm linh rất tôn nghiêm, tỏ rõ sự tôn kính đối với các vị thánh thần, một số vị xuất sứ từ Trung Hoa, một số vị là những vị vua chúa, quan, tướng đã có công với đất nước, nhân dân. Hầu hết từ ban, bệ cho tới các hoành phi câu đối, án hương, hay các trang phục của các vị thánh thần đều sử dụng hai màu vàng và đỏ để trang trí. Màu đen cánh gián cũng được sử dụng, nhưng hầu hết được dùng khá hạn chế.