Luật nhân quả

Ai nuôi dưỡng ý định – năng lượng – gì thì người ấy sẽ trải nghiệm kết quả cho ý định ấy, như là một sự đảo nghịch năng lượng quay về với chính người đã sinh ra nó, dù “thay hình đổi dạng” qua bao nhiêu kiếp đời

Bạn nhận được từ thế giới những gì bạn trao cho thế giới. Người thù ghét người khác sẽ trải nghiệm sự thù ghét từ người khác; người biết yêu thương sẽ trải nghiệm tình yêu thương đáp lại.

Luật nhân quả dạy rằng nhân luôn luôn sinh quả và nhân nào sẽ tạo quả đó. Nhân quả là luật vũ trụ nên có tính chất bất di bất dịch chứ không như pháp luật của con người, thường thay đổi theo thời gian và không gian. Luật nhân quả khác với hệ thống luân thường đạo lý ở đời. Đạo lý là chuẩn mực về phép tắc đối nhân xử thế do con người tạo ra, nhưng Vũ trụ không phán xét dựa theo những chuẩn mực này. Luật nhân quả giữ vai trò như một người thầy vĩ đại dạy chúng ta về tinh thần trách nhiệm.

Khi sinh ra đời, ai cũng mang theo mình một khối nhân đã tạo ra từ trước, tốt cũng như xấu, lành cũng như dữ, và trong đời sống hiện tại, con người tiếp tục gieo thêm nhiều nhân nữa. Có nhân ắt có quả, do đó khối quả mà họ phải trả sẽ tiếp tục gia tăng theo thời gian. Vì không ai có thể trả hết những quả này trong một kiếp nên khối nhân đã tạo đó trở thành động lực lôi kéo, dẫn dắt con người từ kiếp này qua kiếp khác, đó là sự Luân hồi. Người ta thường gọi khối nhân này là “định mệnh” hay “nghiệp”, có nghĩa là “động lực thúc đẩy, tạo tác” nhưng Nghiệp không có tính cách cố định như nhiều người lầm tưởng. Con người có tự do ý chí nên có thể thay đổi, hoán cải được định mệnh. Nếu đã biết gây nhân nào gặt quả đó thì ta có thể suy nghiệm thêm rằng trải qua vô số kiếp sống, con người đã gây biết bao nhiêu nhân và sẽ phải trả hết từng đó quả. Tuy nhiên, vì không hiểu biết nên khi trả quả, họ lại tiếp tục gây thêm nhân nữa nên cứ luẩn quẩn không sao thoát khỏi sự rằng buộc nhân quả và luân hồi này.

Vòng luân hồi mà các Phật tử hy vọng cuối cùng có thể thoát ra thì đang diễn ra liên tục, và chỉ trong khoảnh khắc này, bằng sức mạnh của hiện tại, ta mới có thể thoát ra khỏi nó. Đây là giáo lý căn bản của đạo Phật, sống trong tỉnh thức, biết rõ từng tư tưởng, từng hành động để không tạo nghiệp và để phá tung màng lưới sinh tử.