GIÁO SƯ VŨ QUỐC THÚC:

VỊ THẦY ĐÁNG KÍNH,

CHUYÊN VIÊN KINH TẾ LỖI LẠC

VÀ CHÍNH KHÁCH YÊU NƯỚC

Bài viết: Nguyễn Vạn Bình

*TẤT CẢ CÁC LINKS BÀI VIẾT và VIDEO VỀ Gs. VŨ QUỐC THÚC được trình bày phía dưới của bài viết nầy

Giáo sư Vũ Quốc Thúc qua đời ngày 22-11-2021 tại Paris, Pháp quốc, hưởng đại thọ 101 tuổi. Giáo sư ra đi để lại sự thương tiếc cho 7 người con gồm 3 nam, 4 nữ, một dưỡng nữ, các dâu, rể, một số đông các cháu, nội, ngoại và các cháu chắt cùng hàng chục ngàn môn sinh Luật ở khắp mọi nơi.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc sanh năm 1920 tại Nam Định trong một gia đình khoa bảng. Anh của ông là Gs Vũ Quốc Thông, thạc sĩ Công Pháp, khoa trưởng Luật Sài Gòn từ năm 1973-1975 và cháu trai là Gs Vũ Quốc Thùy. Giáo sư là một người rất hiếu học. Năm 1942, ông đậu cử nhân Luật tại Hà Nội. Sau đó, ông du học lần lượt lấy bằng Tiến Sĩ Luật và Thạc Sĩ Kinh Tế tại Paris vào năm 1952.

Gs Vũ Quốc Thúc đã dành hết thời gian của đời mình cho việc giáo dục nhằm đào tạo nhân tài cho đất nước.
Năm 1953-1954, ông là phó khoa trưởng và dạy tại trường Luật Hà Nội.
Từ năm 1954-1975, ông dạy tại trường đại học Luật Sài Gòn.
Từ 1957-1963 ông là khoa trưởng trường Luật Sài Gòn.
Từ năm 1964-1965, ông dạy tại trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt cũng như có thời gian dạy tại trường Quốc Gia Hành Chánh.
Từ năm 1978-1988, ông dạy Luật tại đại học Créteil, Pháp quốc. Một số các giáo sư trường Luật trước đây như các Gs Nguyễn Văn Canh, Tạ Văn Tài, Quách Thị Nho, Phạm Văn Thuyết, Trần Như Tráng, Nguyễn Hữu Lành, Nguyễn Mạnh Hùng, Vũ Thị Việt Hương, Vũ Quốc Thùy v.v và hầu hết các tiến sĩ Luật, các thẩm phán, luật sư và hàng chục ngàn sinh viên Luật VN trước đây đều là môn sinh của giáo sư.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc với văn bằng Thạc Sĩ Kinh Tế tại Pháp, ông là một chuyên viên kinh tế lỗi lạc. Năm1951, giáo sư viết bằng tiếng Pháp, tác phẩm Kinh Tế Làng Xã VN, nhằm phát triển kinh tế xã thôn VN.
Năm 1961, ông là đồng tác giả của phúc trình kinh tế nổi tiếng Stanley-Vũ Quốc Thúc.
Năm 1968, giáo sư đã cùng chuyên gia kinh tế Mỹ là ông David E. Lilienthal soạn thảo một kế hoạch kinh tế hậu chiến cho VNCH. Kế hoạch nầy gồm đẩy mạnh khai hoang, làm thủy lợi, điện khí hóa đồng bằng sông Cửu Long.

Giáo sư Vũ Quốc Thúc là một chính khách yêu nước. Ông đã tham gia trong chính quyền Quốc Gia Việt Nam thời chính phủ Bửu Lộc (1953-1954) làm Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục. Dưới thời TT Ngô Đình Diệm, năm 1955, giáo sư là Cố Vấn KInh Tế cho TT Diệm. Năm 1955-1956, ông là Thống Đốc Ngân Hàng Quốc Gia VN. Vào năm 1968, ông là Quốc Vụ Khanh đặc trách Tái Thiết và Phát Triển trong nội các Trần Văn Hương và năm 1971 trong nội các Trần Thiện Khiêm.

Trả lời cho một cuộc phỏng vấn,Giáo sư Thúc đã nói lên nỗi lòng yêu nước của mình. Giáo sư cho biết vào năm 1952, khi ông mới tròn 30 tuổi, đậu được văn bằng Thạc Sĩ Kinh Tế tại Pháp, chính quyền Pháp đã có nhã ý mời ông lưu lại để giãng dạy tại các đại hoc Pháp, nhưng ông đã từ chối. Giáo sư Thúc quyết định trở về quê hương để giúp đất nước phát triển và tranh đấu giành lại nền độc lập từ thực dân Pháp. Nhận định về cuộc di cư năm 1954, giáo sư Thúc cho rằng một triệu người Việt vào Nam là để đi tìm sự tư do, xa lánh chế độ Cộng Sản độc tài, vô thần.

Trong vai trò là một chuyên viên kinh tế cho VNCH, giáo sư cho biết nhiều lần đã có ý định dành một ít ngoại tệ cho quốc gia để sử dụng vào lúc hữu sự. Nhưng điều nầy không thể giấu được con mắt của người Mỹ, nhập bao nhiêu, xuất bao nhiêu, bán những gì họ đều nắm và quyết định.Khi họ thấy quỹ ngoại tệ cùa mình đầy lên một chút thì việc nhập khẩu xăng dầu họ bắt phải trả bằng ngoại tệ sở hữu, không viện trợ nữa. Do đó, có để giành cũng vô ích, vì cuối cùng để giành lại phải chi tiêu, viện trợ bị cắt giãm. Chính cách xử sự đó của người Mỹ đã đẩy các nhà quản lý ở miền Nam VN vào xu hướng ỷ lại. Tự lực tự cường không nổi, vì tự lực tự cường thì viện trợ Mỹ cắt giãm, có khi thiệt hại hơn là không tự lực, tự cường.

Nhận định về TT Ngô Đình Diệm, Gs Thúc cho biết ông Diệm là một người yêu nước và không muốn ngoại bang chi phối mình. Về cuộc chiến tranh VN giữa CS Bắc Việt và VNCH, Gs Thúc cho biết qua các chế độ ở trong nước, người mình có một tầm nhìn hạn hẹp quá, không nhìn xa xôi và rồi cũng không ý thức được nhu cầu của dân tộc là phải phát triển để ít nhất cũng thành một nước thật sự giàu mạnh. Người trong nước có lẻ vì hoàn cảnh lịch sử đưa đến chỗ trước hết là chiến tranh giành độc lập, sau rồi lại bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh giữa hai khối Tự Bản tự do và khối Cộng Sản độc tài toàn trị, Vì cuộc chiến tranh nầy và rốt cuộc người mình lại chia rẻ chống nhau với người mình.

Giáo sư Thúc cũng kêu gọi hiện chúng ta có gần 4 triệu người VN tỵ nạn tại hải ngoại đừng có mặc cảm mình là kẻ thất trận trước Cộng Sản. Chúng ta hiện có ưu thế mà người dân trong nước không có. Đó là với kỷ thuật tân tiến và với chế độ tự do ở hải ngoại, chúng ta có thể theo dõi tình hình thế giới và trong nước nhanh chóng. Gs Thúc cho rằng, chúng ta ở hải ngoại tranh đấu cho một nước VN độc lập, tự do, dân chủ dễ dàng hơn người dân ở trong nước. Giáo sư Thúc cho rằng suốt đời ông chỉ mong quê hương được độc lập, tự do, dân chủ và toàn dân được ấm no, hạnh phúc.Theo giáo sư Thúc thì VN hiện nay, vẫn chưa có sự độc lập, vì nhà cầm quyền CSVN quá lệ thuộc vào Trung Cộng.

Khác với người Cộng Sản vô thần, Gs Vũ Quốc Thúc là một người có lòng tín ngưởng mạnh mẽ.Vào năm 1976, sau khi CSBV chiếm miền Nam VN, ông rất hoang mang lo sợ cho số phận mình cùng gia đình và chỉ mong được ra khỏi nước. Ông đã chạy đến cầu xin Đức Mẹ Fatima ở Bình Triệu, Thủ Đức cho gia đình ông và bốn con nhỏ được ra ngoại quốc, thì ông sẽ xin nguyện đem tất cả những năm còn lại trong đời, trước hết để tranh đấu cho dân tộc, và tranh đấu cho tôn giáo.

Sau khi ông vừa cầu nguyện xong, thì tượng Đức Mẹ sáng rực lên và trong lòng ông thấy bồi hồi vô cùng, và sau lần đó ông đã được thủ tướng Pháp can thiệp và sang được bên Pháp vào năm 1978. Ngày 12/10/1997, GS Thúc hành hương ở Fatima Bồ Đào Nha, ông xin Đức Mẹ cho trưởng nam là ông Vũ Quốc Lưu có con nối dõi tông đường và thứ nữ là bác sĩ nha khoa Vũ Thái Vân có tin mừng. Lạ lùng thay, 9 tháng 10 ngày sau, GS có cháu nội là Guillaume Vũ Quốc San và cháu ngoại là Vivian Đào Vũ Kim Anh.Cả hai đều sinh trong tháng 8 có ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. (15/08), chỉ cách nhau một tuần. Ngày 08/04/2012, giáo sư Thúc đã giữ trọn lời hứa với Đức Mẹ. Ông lãnh phép rửa tội với tên thánh là Gioan Phao Lô do đức ông Mai Đức Vinh, chánh xứ tại Giáo Xứ Việt Nam, Paris cử hành. Người cha đỡ đầu là Gs Lê Đình Thông, một học trò cũ của giáo sư. Gs Thúc cho biết còn nhiều chuyện mà ông không muốn nói ra, nhưng quả thật là linh ứng.

Gs Vũ Quốc Thúc thọ 101 tuổi, là nhân chứng giá trị cho những biến chuyển quan trọng xảy ra tại VN trong thế kỳ qua từ thời Pháp thuộc, cuộc chiến giành độc lập từ thực dân Pháp, chia đôi đất nước qua Hiệp Định Gèneve, cuộc di cư năm 1954, nền đệ nhất và đệ nhị của VNCH cùng biến cố 30-4-1975 và cuộc sống người Việt tỵ nạn tại hải ngoại.

Năm 2010, Gs Vũ Quốc Thúc đã hoàn thành 2 quyển hồi ký “Thời Đại Của Tôi ” rất giá trị.
Quyển I: Nhìn Lại 100 Năm Lịch Sử .Quyển II: Đời Tôi Trải Qua Các Thời Biến.

GS Thúc cho biết mục đích khi viết quyển Thời Đại Của Tôi chỉ với ước vọng là với con mắt của một kẻ hiếu học, ông đã cố gắng tìm hiểu và phác học những nỗi thăng trầm của dân tộc Việt trong suốt thế kỷ XX.

Thánh lễ cầu nguyện cho Gs Gioan Phao Lô Vũ Quốc Thúc được diễn ra vào ngày thứ năm 25-11-2021 tại Giáo Xứ VN và lễ Hỏa Táng vào ngày thứ tư 1-12-2021 tại Paris.

Chúng tôi là những môn sinh của thầy, nguyện xin Thiên Chúa và qua lời cầu bầu của Mẹ Maria cho linh hồn Giáo sư Gioan Phao Lô Vũ Quốc Thúc được về hưởng Nhan Thánh Chúa trên nước Thiên Đàng./.


Nguyễn Vạn Bình