Cán Bộ Nhân Viên

NỘI QUY KHI LÀM VIỆC

I. Tại sao cần có Nội Quy Làm Việc Của Cửa Hàng?

Bản nội quy làm việc của cửa hàng quy định những điều nhân viên nên và không nên làm trong ca làm việc; là quy chế, điều lệ áp dụng vào môi trường làm việc thực tế cho từng cửa hàng của Hệ Thống Thương Hiệu Bún Nem Nướng Ngọc Dung định hướng nhân viên làm việc theo đúng chuẩn mực; tạo sự nhất quán trong công việc, giúp cửa hàng hạn chế những sai sót vụn vặt trong phục vụ khách, thể hiện sự chuyên nghiệp, đồng nhất trong chất lượng phục vụ - đồng thời giúp nhân viên có cái nhìn tổng quan về quyền lợi và trách nhiệm của mình trong quá trình làm việc tại cửa hàng, tránh trường hợp bị bóc lột sức lao động, chi trả lương và chế độ không tương xứng với năng lực và công sức nhân viên bỏ ra…và sau đây là Nội Quy Làm Việc Của Hệ Thống Mỗi Cửa Hàng.

II. Nội Quy Và Văn Hóa Của Hệ Thống Cửa Hàng

1. Thời gian làm việc

- Thời gian làm việc của nhân viên nhà hàng sẽ được phân công bởi quản lý/ giám sát chi nhánh làm việc trực tiếp.

- Tùy thuộc vào khối lượng công việc sẽ căn cứ bố trí thời gian biểu làm việc phù hợp cho từng nhân viên, 5:00AM- 9:30AM.

2. Thời gian nghỉ lễ

- Đặc thù ngành dịch vụ kinh doanh cửa hàng ăn uống mở cửa phục vụ cả trong những ngày lễ tết và cuối tuần nên nhân viên thường không được nghỉ những ngày này, trừ trường hợp được nghỉ vì trùng với lịch nghỉ đăng ký hàng tuần.

3. Nghỉ ốm, nghỉ có việc riêng

- Khi nhân viên nghỉ ốm, nghỉ có việc riêng phải thông báo (gọi điện hoặc nhờ người thông báo) cho quản lý/ giám sát cửa hàng ít nhất 1 ngày trước ca làm việc để kịp thời sắp xếp, điều phối nhân sự, tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung của cửa hàng.

- Trường hợp đã nghỉ một ngày nào đó trong tuần thì sẽ sắp xếp đi làm vào cuối tuần để thay thế nghỉ luân phiên.

4. Bữa ăn ca của nhân viên

- Mỗi nhân viên của nhà hàng đều được hưởng chế độ bữa ăn trong ca khi làm việc tại cửa hàng. Giờ ăn và lịch ăn hàng ngày của các bộ phận sẽ được quy định cụ thể bởi quản lý/ giám sát cửa hàng.

5. Văn hóa của doanh nghiệp

- Với khách hàng : Thông điệp chung gởi gắm lời cam kết sản phẩm là những bữa ăn sáng Ngon –Vệ sinh – Chất Lượng tới quý khách hàng chính vì vậy các thành viên phải tuyệt đối tuân thủ quy trình làm việc vệ sinh an toàn thực phẩm; Thái độ phục vụ lễ phép, tôn trọng, ân cần, lắng nghe, hồi đáp, nhiệt tình, vui vẻ. Lời chào khi tiếp xúc với khách hàng là : “ Bún Nem Nướng Ngọc Dung xin chào! ”, và sau khi giao hàng thì nói “ Cảm ơn anh/ chị/ cô/ chú/ bác/ ông/ bà/em….’’

- Với đồng nghiệp, quản lý : Thái độ làm việc chung phải tôn trọng, hòa đồng, vui vẻ, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Trao đổi, đào tạo , huấn luyện, góp ý nội bộ ngày càng nâng cao và phát huy năng lực của mỗi thành viên.

- Với bản thân : Luôn giữ tinh thần tích cực, ham học hỏi, biết lắng nghe, chủ động, năng động hết mình trong công việc.

III. Trật Tự Trong Mỗi Cửa Hàng

1. Chấm công nhân viên

- Hàng ngày, nhân viên nhà hàng phải đến nơi làm việc trước ít nhất 15 phút vào ca. Việc chấm công nhân viên sẽ do quản lý/ giám sát thực hiện.

2. Đồng phục, hình thức, tác phong nhân viên

- Nhân viên cửa hàng phải mặc đồng phục làm việc theo quy định của từng bộ phận trong Hệ Thống Cửa Hàng. Nhân viên có trách nhiệm giữ gìn đồng phục của mình.

- Nhân viên phải ăn mặc chỉnh tề, tác phong gọn gàng, sạch sẽ trước khi làm việc

- Không được để móng tay quá dài, sơn màu móng lòe loẹt, tóc bị gàu, nhuộm màu nổi, cơ thể có mùi

- Không xịt nước hoa mùi quá nồng, không đeo nhiều phụ kiện, trang sức, trang sức có giá trị khi làm việc

– Nhân viên nữ cần trang điểm nhẹ nhàng, tóc buộc gọn gàng, nhân viên nam để tóc ngắn, không dài phủ mang tay hay chấm cổ áo…

3. Sử dụng điện thoại trong ca làm việc

- Chỉ những nhân viên có công việc liên quan đến khách hàng, nhà cung cấp, đối tác hay được sự cho phép của cấp trên mới được sử dụng điện thoại khi làm việc.

- Những nhân viên còn lại không được sử dụng điện thoại (cá nhân) trong ca làm việc.

4. Quy định về đồ thất lạc và nhặt được

- Bất cứ tài sản (tiền bạc hay đồ đạc) nào nhặt được trong cửa hàng đều phải chuyển ngay cho quản lý/ giám sát nhà hàng và ghi gõ nội dung chi tiết trong sổ ghi chép.

- Quản lý/ giám sát sẽ có trách nhiệm tìm và trao trả lại tài sản thất lạc cho người mất.

5. Xử lý khiếu nại, góp ý của khách hàng

- Khi khách hàng khiếu nại, góp ý về chất lượng dịch vụ của nhà hàng, nhân viên cần chú ý lắng nghe, ghi nhận;

- Không được tranh cãi với khách ;

- Thể hiện thái độ quan tâm, lịch sự, nhã nhặn và chia sẻ với khách ;

- Tìm cách giải quyết theo hướng hợp lý nhất;

- Trường hợp vượt quá khả năng và quyền hạn, nhân viên phải báo cáo ngay lên cấp trên để được hỗ trợ xử lý.

6. Bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh của cửa hàng

- Toàn thể thành viên có trách nhiệm trông coi tài sản của khách khi tới ăn tại chỗ ví dụ ( xe máy)

- Nhân viên không được mang bất cứ một tài sản nào (không phải của mình) ra khỏi cửa hàng khi chưa được phép. Mọi tài sản khi ra khỏi cửa hàng phải có giấy xác nhận có chữ ký của quản lý/ giám sát cửa hàng.

- Tất cả các tài liệu sau đây đều được xem là bí mật kinh doanh của Hệ Thống cửa hàng và nhân viên không được tiết lộ với bất cứ ai, bao gồm: Thông tin cá nhân của khách hàng - doanh thu, tài liệu kế toán của nhà hàng - tài liệu nghiệp vụ, hướng dẫn đào tạo của nhà hàng - quy trình chế biến thực phẩm và phục vụ của nhà hàng - thông tin kỹ thuật liên quan đến tài sản trang thiết bị của nhà hàng.

IV. An Toàn Lao Động Trong cửa Hàng

1. An toàn phòng cháy chữa cháy

- Nhân viên không được phép hút thuốc lá trong cửa hàng vì dễ gây hỏa hoạn;

- Khi xảy ra hỏa hoạn, nhân viên phải báo động ngay để mọi người được biết. Với trường hợp cháy nhỏ, nhân viên cửa hàng, nhất là nhân viên an ninh có nhiệm vụ dùng bình chữa cháy dập tắt ngay đám cháy – Còn trong trường hợp cháy lớn, nhân viên phải nhanh chóng báo cho 114 và phối hợp sơ tán tất cả thực khách, nhân viên ra khỏi cửa hàng để đảm bảo an toàn.

2. An toàn lao động

- Nhân viên cửa hàng phải chấp hành các quy định về vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường theo quy định và dưới sự hướng dẫn của quản lý/ giám sát hoặc người có trách nhiệm

- Tôn trọng và tuân thủ quy định làm việc, an toàn lao động, phải sử dụng các thiết bị và công cụ bảo vệ khi làm những việc có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của mình và mọi người.

3. Xử lý hành vi vi phạm kỷ luật

- Nhân viên vi phạm nội quy của Hệ thống cửa hàng, tùy theo mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lý: phê bình khiển trách, trừ lương hoặc sa thải, đuổi việc.

4. Chịu trách nhiệm vật chất

- Nhân viên nào làm hư hỏng các dụng cụ, trang thiết bị của cửa hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định.

- Tùy trường hợp và hiện trạng của dụng cụ, trang thiết bị mà áp dụng mức bồi thường tương ứng.

Như vậy để đảm bảo công việc được sắp xếp và thực hiện thuận lợi, hiệu quả; bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm hợp pháp của nhân viên. Yêu cầu mọi thành viên trong hệ thống có thái độ tuân thủ và thực hiện tốt nội quy trên.

TUÂN THỦ NỘI QUY – LÀM VIỆC HIỆU QUẢ !

9 Nguyên Tắc Làm Việc

  • Nguyên tắc ứng xử: Bạn có thể sống mà không đi xem hòa nhạc nhưng không thể làm việc mà thiếu hòa đồng.

  • Nguyên tắc đề cao sự sáng tạo: Rác thì phải bỏ đúng chỗ nhưng ý tưởng sáng tạo thì cần vượt ra ngoài khuôn khổ.

  • Nguyên tắc ham học hỏi : Cân nặng hoặc người yêu có thể dấu nhưng dốt thì không.

  • Nguyên tắc tập trung: Người yêu và Facebook có thể chờ bạn nhưng khách hàng thì tuyệt đối không, vì vậy đừng sử dụng điện thoại trong giờ làm việc.

  • Nguyên tắc giải trí trong cửa hàng: Khi căng thẳng có thể hát hoặc hét.... nhưng nếu biết hát thì không nên hét.

  • Nguyên tắc tranh luận: Mọi người có thể không bình đẳng trong bảng lương ...... nhưng luôn bình đẳng về tranh luận về công việc.

  • Nguyên tắc tiết kiệm: Pin điện thoại và thời gian là tài sản riêng của bạn nhưng điện và nguyên vật liệu là của cửa hàng, hãy sử dụng thật tiết kiệm.

  • Nguyên tắc vệ sinh: Quần áo ở nhà có thể để lâu chưa giặt nhưng vệ sinh của cửa hàng phải luôn ở mức sạch sẽ nhất.

  • Nguyên tắc phấn đấu: Bạn có thể quên sinh nhật sếp, nhưng đừng quên nỗ lực mỗi ngày.