Nghiệm pháp lasègue chẩn đoán đau thần kinh tọa

Bệnh thần kinh tọa thông thường chỉ gây đau một bên, gặp ở lứa tuổi lao động (30-50 tuổi). Trước kia tỷ lệ nam cao hơn nữ, song các nghiên cứu năm 2011 cho thấy tỷ lệ nữ cao hơn nam. Nguyên nhân thường gặp nhất là do thoát vị đĩa đệm. Tỷ lệ đau thần tọa do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng tại cộng đồng miền Bắc Việt nam là là 0,64% (2010)

Những kiến thức tổng hợp về bệnh đau thần kinh tọa

Thế nào là đau thần kinh tọa

Bệnh đau thần kinh tọa (sciatica pain) còn được gọi là đau thần kinh hông to, được biểu hiện bởi cảm giác đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa: đau tại cột sống thắt lưng lan tới mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá ngoài và tận ở các ngón chân. Tùy theo vị trí tổn thương mà hướng lan của đau có khác nhau.

Hướng dẫn chẩn đoán đau thần kinh tọa

Chẩn đoán xác định

Khám lâm sàng

Dựa vào các dấu hiệu như:

  • Đau dọc đường đi của dây thần kinh tọa, đau tại cột sống thắt lưng lan tới mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá ngoài và tận ở các ngón chân.
  • Tùy theo vị trí tổn thương mà biểu hiện trên lâm sàng có khác nhau: Tổn thương rễ L4 đau đến khoeo chân; tổn thương rễ L5 đau lan tới mu bàn chân tận hết ở ngón chân cái (ngón I); tổn thương rễ L5 đau lan tới lòng bàn chân (gan chân) tận hết ở ngón V (ngón út).
  • Một số trường hợp không đau cột sống thắt lưng, chỉ đau dọc chân.
  • Triệu chứng đau thần kinh tọa dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa là quan trọng nhất trong chẩn đoán xác định.
  • Đau có thể liên tục hoặc từng cơn, giảm khi nằm nghỉ ngơi, tăng khi đi lại nhiều. Trường hợp có hội chứng chèn ép: tăng khi ho, rặn, hắt hơi. Có thể có triệu chứng yếu cơ (khó kiễng chân, khó đứng trên đầu ngón chân).
  • Giai đoạn muộn có teo cơ tứ đầu đùi, hạn chế vận động (đi lại khó khăn, khó cúi), có thể có tư thế giảm đau, co cứng cơ cạnh cột sống
Chẩn đoán đau thần kinh tọa

Chẩn đoán đau thần kinh tọa

Một số nghiệm pháp khám đau thần kinh tọa thường sử dụng

Hệ thống điểm đau Valleix (ấn dọc đường đường đi của thần kinh tọa có các điểm đau chói); dấu chuông bấm (ấn ngón cái giữa các mỏm gai L4-L5 hoặc L5-S1 gây đau lan theo rễ thần kinh)

Nghiệm pháp Lasègue dương tính (bệnh nhân nằm ngửa, người làm nghiệm nâng chân lên cao, duỗi thẳng chân, gây đau dọc dây thần kinh tọa, hạ thấp chân trở lại làm đau giảm hoặc mất).

Các nghiệm pháp khác có giá trị tương đương nghiệm pháp Lasègue: nghiệm pháp Chavany (bệnh nhân nằm ngửa như làm nghiệm pháp Lasègue vừa nâng vừa dạng chân sẽ gây đau); nghiệm pháp Bonnet (bệnh nhân nằm ngửa, nâng chân và khép đùi từng bên một gây đau).

Nghiệm pháp patrick: Bệnh nhân nằm ngửa, đầu gối bên bị đau gấp 90° và bàn chân đặt trên đầu gối bên đối diện. Sau đó đầu gối bên gấp bị đẩy xuống bởi người khám để thực hiện động tác xoay ngoài của hông. Nếu đau tại các khu vực của vùng mông, nó được coi là dương tính cho viêm khớp cùng chậu, trong khi đau ở háng thì nghĩ tới bệnh lý khớp háng.

Nghiệm pháp schober: Người bình thường ở tuổi thanh niên có chỉ số Schober khoảng từ 14/10 đến 15/10. Ở các bệnh nhân có hội chứng thắt lưng hông chỉ số này giảm. Ưỡn cột sống thắt lưng: Dùng thước đo độ cong của cột sống thắt lưng, độ ưỡn thắt lưng ở người bình thường là 18mm, khi ưỡn tối đa là 30mm. Xoay và nghiêng cột sống: Dùng thước đo độ xoay và nghiêng, bình thường cột sống nghiêng được 29 -31o về hai bên và xoay được từ 30 – 320.

Phản xạ gân xương: Phản xạ gân bánh chè giảm hoặc mất trong tổn thương rễ L4, phản xạ gân gót giảm hoặc mất trong tổn thương rễ S1.

Dấu hiệu Neri: Bệnh nhân đứng thẳng, sau đó cúi gập người, hai tay giơ ra trước (hướng cho tay chạm xuống đất), hai gối giữ thẳng thẳng. Nghiệm pháp dương tính khi bệnh nhân thấy đau dọc chân bị bệnh và chân bên đó co lại tại khớp gối.

Dấu hiệu Déjerine: Khi ho, hắt hơi bệnh nhân thấy đau tăng vùng thắt lưng.

Dấu hiệu Siccar: Bệnh nhân nằm ngửa thoải mái, hai chân duỗi thẳng. Thầy thuốc thao tác khám (như kiểm tra dấu hiệu Lasègue thì 1), nâng chân bệnh nhân lên khỏi mặt giường, khi bệnh nhân thấy đau thì dừng lại và gấp bàn chân bên đó về phía mu. Nghiệm pháp dương tính khi bệnh nhân thấy đau tăng dọc mặt sau chân đang được khám.

Dấu hiệu Bonnet: Bệnh nhân nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng tư thế thoải mái. Thầy thuốc gấp cẳng chân bệnh nhân vào đùi và gấp đùi vào bụng. Nghiệm pháp dương tính khi bệnh nhân thấy đau sau đùi và vùng mông bên được khám.

Dấu hiệu Wassermann: Bệnh nhân nằm sấp, hai chân duỗi thẳng, tư thế thoải mái. Thầy thuốc nâng đùi bệnh nhân khỏi mặt giường từ từ và nhẹ nhàng. Nghiệm pháp dương tính khi bệnh nhân thấy đau, căng ở mặt trước đùi. Nghiệm pháp Wassermann dương tính trong tổn thương dây thần kinh đùi.

Những nghiệm pháp dùng trong chẩn đoán bệnh

Khám cận lâm sàng

Dấu hiệu viêm trong xét nghiệm máu cho kết quả âm tính, các chỉ số sinh hóa thông thường không thay đổi. Tuy nhiên cần chỉ định xét nghiệm bilan viêm, các xét nghiệm cơ bản nhằm mục đích loại trừ những bệnh lý như viêm nhiễm, ác tính và cần thiết khi chỉ định thuốc để chữa trị

Hình ảnh chụp X quang thường quy cột sống thắt lưng rất ít khi có giá trị chẩn đoán nguyên nhân. Đa số các trường hợp X quang thường quy bình thường hoặc có dấu hiệu thoái hóa cột sống thắt lưng, trượt đốt sống. Chỉ định chụp X quang thường quy nhằm loại trừ một số nguyên nhân (viêm đĩa đệm đốt sống, tình trạng hủy đốt sống do ung thư…)

Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh quan trọng và có giá trị nhất nhằm xác định chính xác dạng tổn thương cũng như vị trí khối thoát vị, mức độ thoát vị đĩa đệm, đồng thời có thể phát hiện các nguyên nhân ít gặp khác (viêm đĩa đệm đốt sống, khối u, …).

Chụp CT-scan chỉ được chỉ định khi không có điều kiện chụp cộng hưởng từ do hiệu quả chẩn đoán kém chính xác hơn

Điện cơ sẽ giúp phát hiện và đánh giá tổn thương các rễ thần kinh.

Chẩn đoán phân biệt

Cần phân biệt với các trường hợp giả đau thần kinh tọa

  • Đau thần kinh đùi, đau thần kinh bì đùi, đau thần kinh bịt
  • Đau khớp háng do viêm, hoại tử, thoái hóa, chấn thương
  • Viêm khớp cùng chậu, viêm, áp xe cơ thắt lưng chậu

Để phòng và ngừa bệnh tái phát, mọi người cần thường xuyên vận động, duy trì tập luyện thể thao đều đặn, đặc biệt là môn bơi lội, sống trong một môi trường trong sạch, sử dụng thực phẩm, thuốc đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn. Tránh tiếp xúc với các chất độc hại, tránh ngồi lâu một chỗ, đừng để cho mình trở thành béo phì sẽ giúp cho cái cột sống của bạn khỏe hơn