365 ngày cùng các Thánh học trường Giê-su

Học với Giêsu

“gia vị thiêng liêng” của thánh Têrêsa Cancutta

--------------------------------------------------/--------------------------------------------------

“Magis” có nghĩa là hơn nữa, và “Magis” cũng có nghĩa là người giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ không được phép dừng lại, mà luôn ý thức tiếp tục học hỏi, tìm hiểu và đào sâu đời sống Đức Tin qua tri thức, cụ thể qua việc học hỏi Thánh Kinh, Giáo Lý, Thần Học, Giáo Huấn của Giáo Hội. Song đôi với việc trau dồi tri thức là tinh thần tập sống hành trình tâm linh và Đức Tin, để qua đó người tín hữu có thể trở nên giống Chúa Giê-su mỗi ngày nhiều hơn.

“Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29). Lời Chúa Giê-su mời gọi chúng ta luôn ý thức kiên trì cùng học với Ngài. Như thế, hành trình Đức Tin là “hành trình học không ngừng”, hành trình khao khát vươn lên hơn nữa để nên giống Chúa, để nên Công Chính hơn như lời Chúa mời gọi (x.Mt 5,20).

Khi ý thức học hỏi trau dồi đời sống Đức Tin, chúng ta còn khám phá được Chân Lý cao quý là Chúa Giê-su, như thánh Giê-rô-ni-mô đã nói trong câu: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”. Cũng như khi người tín hữu mở lòng và chịu khó siêng năng học hỏi, thì với ân sủng của Chúa Thánh Thần ban, sẽ có được khả năng phân định khôn ngoan dưới ánh sáng Tin Mừng, nhờ đó họ tránh được những sai lầm, những kiểu sống đạo ngớ ngẩn. Đó cũng là điều mà thánh Tê-rê-sa Avila đã nói: “Học thức là một kho tàng quý giá, vì nó khai quang cho những người ít hiểu biết và soi sáng chúng ta, để khi gặp chân lý trong Thánh Kinh, chúng ta phải hành động cho đúng. Nguyện xin Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi những lối đạo đức ngớ ngẩn”. 

Đấng đáng kính, Đức Cố Hồng Y Phan-xi-cô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, vị mục tử tốt lành và kính yêu cũng mời gọi người Công Giáo Việt Nam chúng ta ý thức: “Nếu mỗi ngày con học thuộc một danh từ, nếu mỗi tháng con đọc thêm một cuốn sách, đến nay con đã tiến nhiều. Nếu đến nay con chưa làm, hãy khởi sự ngay từ hôm nay”.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.