Ấm lòng tấm bánh khúc quê nghèo

Cứ mỗi độ Đông về, những người con xa quê lại nhớ tấm bánh khúc nơi quê nghèo.

Mỗi năm, khi những cơn gió heo may bất chợt ùa về cũng là lúc cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ. Người dân bắt tay vào vụ đông. Dưới lòng đất những hạt rau khúc cũng cựa mình đâm chồi nảy lộc. Ẩn mình trong những luống ngô, luống khoai, lẫn trong những đám chua me, rau muối xuất hiện một giống cây thân cỏ non nớt, lá xanh nhỏ, ánh lên màu nhũ bạc với chùm hoa vàng, nhỏ li ti đó là rau khúc.

Quê tôi cứ mỗi độ đông về lại rộn lên làm bánh khúc. Bọn trẻ con háo hức như thể đón tết về. Còn nhớ hồi nhỏ, tôi rất hay theo các bạn trong xóm ra đồng hái những lá khúc đem về cho mẹ làm bánh. Rau khúc không khó tìm, nó nằm dưới chân những luống ngô, khoai hay nép mình ngoài rìa ruộng, thoạt nhìn dễ lẫn với nhiều cây rau dại.

Chúng tôi cắp rổ rá ra đồng, cẩn thận lựa những cây khúc nếp non vừa xanh, vừa mềm để làm bánh. Vui lắm khi trong cái se lạnh, xúng xính quần áo rét mà được nô nghịch ngoài đồng. Đến khi háo hức với rổ rau xanh mướt đầy ắp trên tay thì hí hửng đem về cho các mẹ, các chị làm bánh. Loại rau khúc có nhiều hoa và hơi già sẽ được chọn bởi khi làm bánh, rau khúc già sẽ cho vị thơm đặc trưng hơn.

Quy trình làm bánh không đơn giản. Sau khi lấy rau ở ngoài đồng về, loại bỏ những cọng úa xơ, rửa thật sạch rồi mới đem ra cối giã cho nhuyễn. Gạo được chọn làm bánh là gạo tẻ quê vừa dẻo lại thơm, trắng mẩy. Sau khi ngâm, gạo được đem giã nhuyễn. Ngày nay, ít ai còn đem gạo ra giã nữa, người ta hay dùng máy nghiền thành bột. Nhưng nghiền bột bánh sẽ không dẻo và thơm như giã bằng tay. Bột sau khi xay được trộn với rau khúc giã nhuyễn, cứ một kg bột gạo cho một vốc tay rau khúc và trộn đều.

Nhân bánh được làm bằng đỗ xanh. Nhà nào khá giả hơn thì nhân bánh còn có thêm thịt lợn. Thịt chọn phần mỡ nhiều hơn phần nạc và được thái khổ dọc theo chiều bánh khúc. Thịt lợn sau khi thái phải được ướp muối, hạt tiêu. Công đoạn chuẩn bị xong xuôi, chúng tôi tíu tít quay quanh cái nia nhìn mẹ nặn bánh. Từng chiếc bánh nhỏ xinh hiện lên trên đôi bàn tay mẹ. Màu vàng của đỗ, màu xanh của bột gạo nếp trộn với lá khúc non, sau đó mẹ đặt bánh khúc trên những hạt nếp cái trắng tinh gọi là áo bánh. Bánh khúc luộc, đồ xong có màu xanh lấm tấm của rau khúc và rất mịn. Mẹ cẩn thận lựa những miếng mỡ tươi ngon, cắt hình hạt lựu trộn với nhân bánh rồi khéo léo xếp từng chiếc, từng chiếc vào một chõ đồ xôi lớn. Hết lớp này đến lớp khác. Sau mẹ phủ lên trên một lớp lá chuối cho kín hơi, để bánh nhanh chín. Chẳng mấy chốc, hương bánh khúc từ trong nồi bốc ra thơm nức, ngửi đã thấy tứa nước miếng. Cái mùi rau khúc gây gây đặc trưng, hương đậu xanh với gạo nếp tỏa trong thinh không khó mà cưỡng lại.

Bánh khúc có ở nhiều miền quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ nhưng mỗi miền lại có vị đặc trưng riêng. Ở thành phố cũng không phải khó kiếm. Người Hà Nội vẫn quen dùng bánh khúc Ngoại Hoàng (Hà Tây cũ) hay tìm đến bánh khúc Cầu Gỗ vừa thưởng thức bánh, vừa uống trà nóng trong cái se lạnh của phố phường. Những người con xa quê như chúng tôi, nếu không kịp làm vẫn hay tìm đến làng Phương Liệt, Phúc Tân, Hà Nội chỉ để thưởng thức thứ bánh quê dẻo dẻo, thơm thơm cho với đi nỗi nhớ quê nhà....

Tú Anh( báo Đất Việt)



Trở lại Trang Chính