12 món đặc sản tuyệt ngon chỉ có ở Đà Lạt

Kim Anh sưu tầm

1. Nem nướng Đà Lạt

Một trong số những món ăn khi đến Đà Lạt nhất định phải thử, và nếu đã thử thì nhất định sẽ tìm đến lần thứ hai, đó là nem nướng. Thông thường, nghe đến nem, người ta nghĩ đến thịt chua, nhưng, với nem Đà Lạt thì không!

Nem nướng Đà Lạt được làm từ loại thịt heo chọn lọc kỹ, xay nhuyễn, nêm nếm gia vị cùng hành tỏi, buộc người làm phải đi qua một công đoạn là quết bằng tay để tạo độ dai cho món ăn.

Ăn kèm với món nem nướng Đà Lạt gồm bánh tráng chiên giòn, củ quả ngâm chua và nước chấm. Củ quả ngâm chua gồm cà rốt, củ cải trắng, hành tím và dưa leo ngâm dầu giấm, tạo độ chua ngọt nhất định cho món ăn, khiến thực khách không cảm thấy nhàm chán hay ớn ngấy.

Đây chính là những thứ tạo nên sự khác biệt cho nem nướng Đà Lạt với những nơi khác.

2. Canh hoa atiso hầm giò heo

Artiso là loại cây quen thuộc với người Đà Lạt. Artiso được chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn. Trong đó, canh artiso hầm giò heo là món đặc sản Đà Lạt nổi tiếng, thường xuất hiện trong bữa cơm của người Đà Lạt.

Canh artiso có vị ngọt tiết ra từ hoa artiso. Khi ninh với giò heo càng lâu, phần thịt càng mềm và nước dùng càng ngọt đậm đà. Canh có thêm vị tiêu nên thực khách vẫn cảm thấy ấm bụng.

Phần giò heo được hầm nhừ với một vài lát hành tím để thơm nước dùng. Người nấu phải để ý hớt phần bọt để nước canh không bị đục. Khi giò heo đã chín, hoa artiso được ninh cùng phần thịt trong khoảng 10 phút cho các cánh hoa chín mềm.

Khi ăn, bạn cho thêm ít rau mùi để món ăn dậy mùi thơm. Phần thịt của cánh hoa artiso là phần nhiều chất dinh dưỡng và rất mềm. Còn lại phần sơ khi ăn sẽ bỏ bã. Không chỉ là món ăn ngon, atisô hầm giò heo còn là loại thuốc bổ. Nó giúp cho người ăn ngủ ngon, lợi tiểu, mát gan, tăng thêm sức khỏe.

Canh atiso hầm giò heo là món đặc sảnĐà Lạt dân giã khiến du khách ăn một lần là nhớ.

3. Chả ram bắp

Du khách vẫn thường nghe tới các món như ram thịt, ram tôm. Vì thế, ram bắp Đà Lạt tạo sự tò mò mới lạ cho nhiều thực khách. Ram bắp có vị ngọt thơm, ngậy béo của trái bắp, vị đậm đà của các loại gia vị trộn đều, xen vào vị cay nhẹ của tiêu, thơm của hành tím, giòn tan của lớp vỏ ram cuốn.

Chả ram bắp Đà Lạt vị ngon mà chế biến cũng lắm công phu. Trái bắp được đem bào nhỏ, ướp cùng các gia vị như: hành tím, tiêu, muối, trộn cùng thịt heo xay nhuyễn. Bánh tráng mỏng cuốn phần bắp nhuyễn bên trong, đem chiên trong chảo dầu nóng cho đến khi vàng ruộm. Chả ram bắp còn cầu kì ở khoản nước chấm đi kèm làm từ đậu phộng xay nhuyễn ngậy ngậy, ăn kèm với đĩa rau sống. Tất cả tạo nên vị ngon hòa quyện hấp dẫn khó quên của ram bắp Đà Lạt.

Vì sự tình tế của món ăn mà chả ram bắp Đà Lạt được xem là đặc sản phố núi.

4. Bánh ướt lòng gà

Không ăn với chả, nem hay bánh tôm, nem chua như món bánh ướt nhiều nơi khác, món bánh ướt ở Đà Lạt được ăn kèm với thịt gà, lòng gà. Sự kết hợp giữa bánh dẻo, mềm với thịt gà thơm ngọt, lòng gà giòn, khiến cho món ăn trở nên rất ngon và lạ miệng.

Bánh ướt được làm tỉ mỉ từ khâu chọn gạo. Gạo phải là loại gạo tẻ, đem trộn thêm chút bột năng, khoai mì tạo độ thơm và dẻo theo tỉ lệ nhất định để tráng bánh không bị vỡ. Người đầu bếp tráng bánh, tay phải luôn linh hoạt để bánh đều không bị chỗ dày chỗ mỏng. Phần lòng gà thì được sơ chế sạch sẽ, ướp với gia vị và hành tỏi để không bị tanh. Món ăn được ăn kèm với nước mắm vừa phải, thêm chút cay của ớt lẫn mùi thơm nồng từ rau thơm.

5. Bánh tráng nướng

Bánh tráng nướng Đà Lạt được mệnh danh là “pizza Đà Lạt”. Đây cũng là món ăn vặt Đà Lạt được nhiều du khách yêu thích. Bánh tráng có lớp vỏ bánh giòn tan. Phần nhân bên trên là thịt, hành, xúc xích, trứng, bò khô…quyện với các gia vị ướp dậy mùi hấp dẫn.

Lớp vỏ bánh tráng được nướng trên bếp than hoa, phết thêm một lớp trứng. Người làm bánh cho thật nhanh các nguyên liệu nhân: mỡ hành đã phi thơm, thịt ( gà hoặc bò), xúc xích, hoặc thêm ngô ngọt, phô mai. Bánh được xoay tròn đều tay trong 1 phút là chín tới, thơm nức mũi. Một ít bò khô xé sợi, rắc thêm ớt bột, rớt sốt maiyonaise là món ăn được hoàn chỉnh.

6. Xắp xắp

Ở Đà Lạt, gỏi khô bò được gọi là xắp xắp, gần giống với nộm đu đủ bò khô ở Hà Nội. Sở dĩ được gọi là xắp xắp bởi khi chế biến món nộm, người làm dùng kéo cắt nhỏ các nguyên liệu tạo nên âm thanh “xắp xắp” vui tai. Một suất xắp xắp có đu đủ bào sợi, khô bò, gan bò, đậu phộng, nước chấm chua ngọt. Khác với nộm đu đủ Hà Nội, ở Đà Lạt dùng rau thơm là húng quế thay cho rau kinh giới, tạo vị cay the mát cho món ăn.

Đu đủ làm xắp xắp phải chọn những quả lớn, không quá chín, ăn giòn, xốp. Đu đủ nạo được ngâm muối cho mềm rồi để ráo nước, chuẩn bị chế biến. Phần gan bò được ướp bột ngũ vị, rán vàng, thơm nức mũi. Lá quế thơm cắt nhỏ rắc lên trên, thêm chút lạc rang giã. Tất cả trộn cùng nước chấm chua ngọt của mắm, dấm, đường. Xắp xắp hợp vị của đa phần thực khách, ăn hoài không ngấy.

7. Bò pía mặn

Bò bía mặn là món ăn vặt phổ biến ở Đà Lạt, xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Nam. Món ăn vặt Đà Lạt này có sự kết hợp hương vị rất hài hòa của rau củ tươi ngon ở Đà Lạt như: su hào, cà rốt, xà lách, cùng với trứng, thơm béo lạp xưởng, chút vị biển của tôm khô dai mềm. Bò pía mặn được chấm với nước chấm đậm đà vị tỏi.

Bò pía mặn được chế biến khá đơn giản. Su hào, cà rốt bào sợi, xào chung cho chín mà vẫn giữ được độ dai giòn sừn sựt. Trứng tráng mỏng cắt sợi. Các nguyên liệu đó được cuốn chung với lạp xưởng, rau xà lách trong lớp bánh tráng dai mỏng. Món ăn vặt này được nhiều du khách ưa thích vì có thể ngồi ở những quán cóc vỉa hè, lai rai cùng bạn bè và tranh thủ ngắm nhìn đường phố Đà Lạt.

8. Bún thố

Bún Thố là một món ăn sáng Đà Lạt tuyệt ngon hợp với thành phố hoa đến khó tả. Không giống như tô bún truyền thống, bún ở Đà Lạt được đặt trong một thố đen nóng đậy nắp. Bún thố luôn thưởng thức nóng hổi, khi khách gọi, thố bún sẽ được làm nóng, nên khi thưởng thức, bạn sẽ thấy nước lèo vẫn còn lăn tăn sôi nhẹ.

Một thố bún sẽ dậy thơm hương vị của biển: có cá, tôm, thêm vài viên thịt. Nước lèo chan bún được ninh hầm từ xương ống, thêm cả vị thơm của nước dừa tươi. Bạn sẽ cảm nhận ngay được vị ngọt dịu thanh nhẹ của thố bún, khác hẳn với loại gia vị hóa chất.

Bún thố được ăn kèm rau đắng, salad và giá. Khi ăn, bạn vắt thêm chút chanh, thêm ớt là đủ để đánh thức mọi vị giác của bạn vào buổi sáng.

Sáng sớm Đà Lạt có phần lạnh giá, hơi thở như phả ra khói, bạn ngồi thưởng thức một thố bún sôi sục thơm nức mũi với nghi ngút khói thì còn gì tuyệt bằng.

9. Lẩu Gà lá é

Thời tiết du lịch Đà Lạt mát mẻ quanh năm nên những món lẩu tại Đà Lạt rất được ưa thích. Một trong những món lẩu nổi tiếng phải kể đến của ẩm thực Đà Lạt là lẩu gà lá é.

Khi thưởng thức món lẩu gà lá é đặc sản ẩm thực Đà Lạt, bạn sẽ thấy hương vị lẩu gà khác biệt mà không nơi nào có được. Thịt gà để nấu lẩu là loại gà ta, tuy nhỏ nhưng rất chắc, bằng chứng là miếng thịt gà dai, lớp da giòn rất ngon miệng. Lá é là loại rau thơm độc đáo của miền trung nước ta, đặc biệt là vùng Tây Nguyên. Món lá é trong nồi lẩu đặc sản ẩm thực Đà Lạt này giữ vai trò là loại rau khử mùi tanh của thịt và tăng hương vị cho lẩu. Mùi thơm nồng đặc trưng của lá é sẽ khiến các bạn khó quên nổi dù chỉ thưởng thức một lần.

Về phần nước lẩu, chủ quán bật mí cho mình, để có được nồi lẩu gà lá é đặc sản Đà Lạt thơm ngon, nước lẩu phải được ninh từ xương heo, sau đó dùng nước này để luộc thịt gà. Nước lẩu được nêm nếm thêm các gia vị khác. Để cuối cùng, khi thưởng thức món đặc sản Đà Lạt này, người ăn sẽ cảm nhận được hương vị cay nồng, bùi, ngọt. Tất cả hòa quyện trong nồi lẩu gà lá é đang sôi sục bốc lên những làn khói mờ, ấm lòng thực khách.

10. Bánh căn Đà Lạt

Bánh căn là món ăn của người dân vùng duyên hải Nam Trung bộ. Đặc sản này được làm từ gạo tẻ, nướng trên khuôn đất, bằng than củi. Không ai biết bánh căn có từ bao giờ, nhưng xuất xứ ở Ninh Thuận, là một món ăn của người Chăm.

Đến với Đà Lạt, ngoài những vườn hoa thơm ngát, rau củ quả xanh mướt, thì du khách còn "chết thèm" với món bánh căn mang phong cách riêng của xứ sở ngàn hoa này. Ghé bất cứ khu ăn uống nào du khách cũng có thể bắt gặp cửa hàng bán bánh căn. Có khi chỉ là một quán nhỏ ven đường, vài ba cái bàn và chục cái ghế nhựa nhưng cũng đủ làm người ta mê mẩn. Bởi khi đi ngang qua, dân sành ăn vặt đã bị mùi thơm hấp dẫn của bánh làm cho khứu giác níu chân.

Để làm được bánh căn thì trước tiên phải ngâm gạo tẻ (gạo cũ càng ngon vì có độ xốp, giòn, thơm) trộn với ít cơm nguội khoảng sáu giờ, rồi mang đi xay thành bột. Bột cần pha thêm ít nước lạnh cho sền sệt cùng một ít dầu lạc hoặc mỡ heo cho ngậy.

Ngoài ra, làm dầu hẹ cũng tương tự như phi hành, nhưng cần cho thêm chút tỏi băm nhuyễn vào để dậy mùi thơm. Khi đã có đầy đủ nguyên liệu thì bắt đầu làm bánh. Cần chuẩn bị một bộ khuôn nướng bằng đất nung với các lỗ tròn và nắp đậy. Đặt khuôn lên bếp than rực hồng cho đủ nhiệt, xoa chút dầu mỡ cho bánh không dính rồi đổ bột vào khuôn tỉ mẩn, không dày cũng không mỏng để bánh vàng đều. Sau đó đậy nắp chờ chín. Khi bánh chín, cạy ra dĩa và thoa dầu hẹ lên.

Tiếp đến là làm nước chấm. Xắt hành lá cho nhuyễn rồi đem phi lên cho thơm, nhưng nhớ đừng vàng quá. Cũng với nồi phi hành ấy, cho cà chua băm nhuyễn vào xào cho thấm. Sau đó thì đổ khoảng nửa lít nước sôi vào. Khi nước đã sôi đều thì nêm nếm đường, bột ngọt, mắm cho vừa khẩu vị rồi tắt bếp.

Món này ăn với nước chấm, rắc đậu phộng cùng với ớt tươi xay, bỏ thêm xíu mại để tăng hương vị. Ngoài ra có thể dùng với nước cá kho (cá nục, cá ngừ) hoặc mắm nêm. Không như những món ăn mặn khác kèm với rau sống, món này dùng với xoài xanh bào sợi, hành tây, dưa leo băm sợi. Giữa cái lạnh cứa da cứa thịt của miền cao nguyên Đà Lạt mà dùng bánh căn với ly trà nóng thì còn gì tuyệt vời hơn.

11. Bánh mì xíu mại

Ăn sáng Đà Lạt mà bạn được thưởng thức món bánh mỳ xíu mại thì không còn gì bằng. Viên xíu mại được làm bằng thịt nạc nên giòn và ngọt. Hấp dẫn nhất vẫn là phần nước chấm khiến du khách thưởng thức và nhớ mãi.

Hầu hết xíu mại Đà Lạt được làm từ thịt quết khéo nên có độ dẻo dai vừa đủ, nêm nếm cũng vừa phải nên hương vị nhẹ nhàng. Nước xíu mại là nước dùng ninh từ xương heo quyện cùng vị ngọt thanh từ thịt nạc viên, thêm một chút hành lá cắt nhuyễn, khiến món ăn trở nên lôi cuốn từ hình thức đến hương vị.

Khi dùng xíu mại với bánh mì, thường người ta sẽ cho thêm một chút sa tế để tạo màu và vị cay cay. Thực khách có thể dùng kèm thêm chút giá, ngò hay tép mỡ phi giòn, bỏ vào chén khi còn nóng cho ngấm nước sốt rồi dùng sẽ rất thơm.

Ổ bánh mỳ nóng giòn tan trong miệng quyện với nước chấm thịt. Bạn còn cảm nhận được vị thơm của hành lá, ớt cay nồng thấm từng vị giác

12. Mứt Đà Lạt

Nhắc đến món ăn đặc sản Đà Lạt, người địa phương sẽ giới thiệu ngay cho bạn các món mứt Đà Lạt nức tiếng. Các loại mứt có cách làm gần giống nhau nhưng khác ở vị tự nhiên của các loại cây trái đặc sản Đà Lạt. Mứt Đà Lạt nổi tiếng với các loại như: mứt atiso, mứt dâu tây, dâu tằm, mứt khoai, mận, hồng dẻo sấy.

Các loại mứt có cách làm gần giống nhau nhưng khác ở vị tự nhiên của các loại cây trái đặc sản Đà Lạt

Mứt Đà Lạt chủ yếu được làm theo cách nhào đường truyền thống. Quả ngon tiết ra chất ngọt, chua tự nhiên quyện hòa cùng vị đường, keo lại sánh như mật ngọt.

Để chọn được những loại mứt tươi ngon nhất mang thương hiệu chuẩn Đà Lạt, bạn nên chọn những loại mứt được chế biến từ chính các đặc sản trái cây ở Đà Lạt. Bởi, chúng được thu hoạch đúng mùa ngay tại địa phương, không qua trung gian vận chuyển xa xôi, nên đều được đảm bảo chất lượng.



Trở lại Trang Chính