Thế nào là tắm rừng kiểu Nhật Bản?

Tuấn Tú sưu tầm



Shinrin-yoku (森林浴), là một từ được dịch sang tiếng Việt “tắm mình trong rừng rậm” hay “tắm rừng”, là một nghệ thuật “tắm” mình trong thiên nhiên như là một liệu pháp giảm stress. Bắt đầu tại Nhật từ thập niên 1980 (từ vựng này được đưa ra bởi Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Nhật vào năm 1982), thực hiện shinrin-yoku từ đó đã lan tỏa khắp toàn cầu .

 

Tắm rừng đã trở thành một phần quan trọng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe dự phòng tại Nhật Bản.

 

Tắm rừng kiểu Nhật Bản là gì?

 

Liệu pháp tắm rừng - Shinrin-yoku là khái niệm chỉ việc dành thời gian trong rừng, hoạt động được cho là mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Liệu pháp chữa bệnh này xuất hiện ở Nhật Bản từ những năm 1980, khi người ta dần nhận thấy tác hại của chứng trầm cảm, mất tập trung và đau nhức do stress ở các đô thị. Con người khó có thể thư giãn thực sự ở thành phố, nơi luôn gây cảm giác căng thẳng, quá tải do áp lực dân cư, giao thông và công việc, nơi không gian chật chội và quá ít cây xanh.

 

Trong hoàn cảnh đó, tắm rừng được đề xuất như một liệu pháp giúp con người cân bằng trở lại.

 

Tắm rừng kiểu Nhật Bản là cách bạn thoát ra khỏi những căng thẳng của cuộc sống đô thị bận rộn, là liệu pháp mà các bác sỹ nước này khuyến khích áp dụng.

(Ảnh: Ecomatcher)

 

Cách thực hiện Shinrin-yoku

 

Bạn ở trong rừng, đi bộ chậm rãi, từ từ hít thở để tận hưởng oxy từ cây và cảm nhận mùi vị xung quanh, lắng nghe chiều của gió, âm thanh của lá, tiếng nước chảy, tiếng chim hót, ngắm những tán cây và ánh ánh nắng xuyên qua những chiếc lá, ngửi mùi lá, mùi gỗ, mùi của sương, của hoa và cả lá mục dưới chân…nhắm mặt lại và bắt đầu thư giãn đôi mắt, cảm nhận ánh nắng mặt trời da thịt…

 

Bạn có thể chạm nhẹ vào những cành cây, cảm nhận sự thuần khiết của những giọt sương trên lá, đi chân trần trên cỏ hoặc đá… để tâm hồn và thiên nhiên hòa làm một, tất cả đều đem lại cảm giác thư thái, tự do. Bạn được thả lỏng bản thân, cả cơ thể và tâm trí đều được thư giãn, gạt bỏ muộn phiền và "rác" trong đầu.

 

Để tận hưởng trọn vẹn cảm giác mà Shinrin-yoku mang lại, người tham gia có thể thiền trong khi quan sát thiên nhiên. Bạn nên giữ tâm hồn đơn giản nhất có thể và hạn chế suy nghĩ đến công việc. Tuyệt đối không nên để những thiết bị điện tử làm gián đoạn trong khi đang tắm rừngrừng.

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng phương pháp này ở bất cứ nơi nào gần thiên nhiên, có thể là vườn nhà hay góc ban công. Hãy dành ra 30 phút - 1 tiếng mỗi ngày để hít thở sâu, yoga, thiền, thái cực quyền… Không gian sẽ trở nên lý tưởng nếu có thêm mùi hương tự nhiên như mùi lá chanh, sả… và bên cạnh là ấm một ấm trà nóng.

 

Những lợi ích của tắm rừng kiểu Nhật Bản

 

Các bác sĩ cho biết dành ít nhất 2 giờ mỗi tuần thực hành tắm rừng có thể cải thiện sức khỏe và giúp người thực hiện cảm thấy hạnh phúc hơn.

 

TS Qing Li, tác giả của cuốn sách “Tắm rừng: Cách tìm thấy sức khỏe và hạnh phúc từ cây cối” ước tính rằng phần lớn chúng ta dành 93% thời gian trong nhà. Chứng rối loạn thiếu hụt thiên nhiên trong xã hội góp phần gây ra cảm giác tiêu cực về cuộc sống, và điều này được cải thiện đáng kể chỉ sau vài giờ tắm rừng.

 

Tắm rừng có lợi ích tương tự liệu pháp thiền nhưng dễ thực hiện hơn do bạn không cần phải ngồi yên.

 

Các kết quả của các nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy việc tắm rừng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, tâm trạng, khả năng tập trung và mức độ căng thẳng, yếu tố gây lo lắng, trầm cảm, mất ngủ, huyết áp cao, căng cơ, suy yếu phản ứng miễn dịch…

 

Hệ miễn dịch là hệ thống phòng thủ quan trọng của cơ thể chống lại vi khuẩn, virus và khối u. Nhưng căng thẳng có thể làm ức chế chức năng của hệ miễn dịch. Những người bị căng thẳng thường hay mắc bệnh là vì vậy. Khi con người được tiếp xúc với thiên nhiên, căng thẳng sẽ biến mất, huyết áp trở nên ổn định, hệ miễn dịch được tăng cường và các tế bào máu trắng chống ung thư sẽ được sản sinh nhiều hơn.

 

Nghiên cứu do bác sĩ Yoshifumi Miyazaki Chiba thực hiện cho biết, Shinrin-yoku làm giảm huyết áp, nhịp tim cũng như căng thẳng và lo lắng. Người ta tin rằng nó cải thiện hơn 50% hoạt động của hệ thần kinh phó giao cảm, giúp tinh thần trở nên bình tĩnh. Khi gặp những tình huống bất ngờ, tim bạn đập nhanh hơn, huyết áp tăng, hoạt động tiêu hóa chậm lại. Còn những lúc bạn thư giãn như tắm rừng thì huyết áp giảm, nhịp tim chậm, hoạt động tiêu hóa được đẩy mạnh.

 

Thư giãn trong rừng thậm chí có thể giải quyết căn bệnh trầm cảm, lo lắng và tức giận. Yoga, tập thở, hương liệu và suối nước nóng tự nhiên trên núi (onsen) cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Tăng khả năng tập trung: Đại học Michigan đã tiến hành nghiên cứu và phát hiện khi đi bộ ở trong rừng, khả năng ghi nhớ của con người tăng đến 20% so với khi đi bộ trên đường phố. Đó là lý do mà các nhà lãnh đạo và triết gia thường hay đi bộ trong rừng để thanh lọc tâm trí, giúp suy nghĩ thấu đáo hơn. 

 

Giúp phục hồi sau phẫu thuật hoặc bệnh tật.

 

Cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tốt nhất bạn nên đi bộ vào buổi chiều hoặc trước khi đi ngủ, và không nên làm công việc quá căng thẳng sau đó.

 

Tăng cảm giác hạnh phúc. Một ví dụ điển hình là cặp vợ chồng Lee Hyori và Lee Sang Soon sau khi cùng nhau dọn về sống cuộc sống yên bình ở đảo Jeju, họ thường dành khoảng 4 tiếng mỗi tuần để đi dạo trong rừng cùng với những chú chó của mình. Lee Hyori cho rằng việc này giúp cô giảm bớt những suy nghĩ căng thẳng với cuộc sống hào nhoáng và tận hưởng những giây phút hiện tại hạnh phúc bên chồng.

 

Ở Nhật Bản có rất nhiều trung tâm chuyên về liệu pháp tắm rừng rải khắp đất nước, cung cấp các tour du lịch tổ chức theo nhu cầu cá nhân. Du khách học cách tận hưởng thiên nhiên xung quanh với sự trợ giúp của hướng dẫn viên hoặc nhà trị liệu. Mọi người cũng có thể tự túc tắm rừng bằng cách đến những công viên quốc gia.