Viêm Xoang là gì? [ bệnh học ]

Viêm xoang là gì trong trong Y khoa về Bệnh Học? mời bạn cùng tham khảo bài viết này và một chùm bài viết liên quan...

VIÊM XOANG LÀ GÌ?

Viêm xoang là bệnh lý đường hô hấp trên phổ biến. Nguyên nhân gây bệnh thường là do nhiễm trùng vi khuẩn sau một đợt nhiễm virus đường hô hấp. Nếu viêm xoang cấp không được điều trị thích hợp hoặc nguyên nhân gây tắc nghẽn xoang chưa được giải quyết, bệnh có thể tái phát thường xuyên và diễn tiến thành mãn tính.

Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng và viêm một hoặc nhiều xoang do xoang bị tắc nghẽn. Viêm xoang xảy ra đột ngột và chỉ kéo dài trong thời gian ngắn (khoảng 4 tuần) – viêm xoang cấp tính. Một trường hợp khác là viêm xoang có thể kéo dài (khoảng hơn 3 tháng) và lặp đi lặp lại gọi là viêm xoang mạn tính.

VIÊM XOANG LÀ GÌ

TỔNG QUAN VỀ BỆNH VIÊM XOANG

Nếu bạn bị nghẹt mũi, ấn đau ở mặt, ho và chảy nước mũi đặc, bạn có thể bị viêm mũi xoang, được gọi là viêm xoang.

Các xoang của bạn là những hố rỗng trong xương gò má, quanh mắt và sau mũi. Xoang chứa chất nhầy, giúp làm ấm, làm ẩm và lọc khí thở. Khi chất nhầy bị chặn không chảy ra được như bình thường, nhiễm trùng có thể xảy ra.

Viêm xoang cấp tính

Có viêm xoang cấp tính khi các triệu chứng viêm xoang kéo dài dưới bốn tuần. Hầu hết các trường hợp bắt đầu giống như cảm lạnh thông thường. Các triệu chứng thường biến mất trong vòng một tuần đến 10 ngày; nhưng ở một số người, nhiễm trùng phát triển.

Viêm xoang mạn tính

Viêm xoang mạn tính, còn được gọi là viêm mũi xoang mạn tính, thường được chẩn đoán khi các triệu chứng đã diễn ra hơn 12 tuần, mặc dù đã được điều trị nội khoa.

Những người bị viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn có nhiều khả năng bị viêm xoang mạn tính. Điều này là do đường thở có nhiều khả năng bị viêm khi có viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn. Viêm xoang cũng có thể do nhiễm trùng, nấm, lệch vách ngăn mũi, polyp mũi hoặc trong một số trường hợp hiếm gặp là suy giảm hệ thống miễn dịch.

TRIỆU CHỨNG & CHẨN ĐOÁN VIÊM XOANG

Triệu chứng

Các triệu chứng viêm xoang, cho dù cấp tính hoặc mạn tính, thường phát triển sau khi bị cảm lạnh hoặc trong thời gian bị viêm mũi dị ứng nghiêm trọng hoặc liên tục. Dấu hiệu viêm xoang rõ ràng nhất là ấn đau ở má và trán. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

• Chảy mũi đặc màu vàng xanh

• Chảy mũi sau, thường có mùi hôi

• Ho

•Nghẹt mũi

•Đau răng

Trong trường hợp viêm xoang cấp tính, sốt có thể xuất hiện.

Chẩn đoán

Xét nghiệm dị ứng thực hiện bởi bác sĩ dị ứng / miễn dịch học có thể xác định được những yếu tố dị ứng đằng sau nhiễm trùng xoang mạn tính hoặc tái phát.

Trong trường hợp mạn tính hoặc nặng, bác sĩ cũng có thể kiểm tra đường mũi của bạn bằng cách sử dụng một kỹ thuật gọi là nội soi mũi. Trong thủ thuật này, một dụng cụ mảnh, mềm mại được đưa lên lỗ mũi để xem các đường đi của xoang và tìm kiếm tắc nghẽn.

Bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI hoặc CT để tìm kiếm những bất thường trong xoang - đường dẫn lưu hẹp, polyp hoặc lệch vách ngăn.

Đặt lịch hẹn với bác sĩ ngay nếu bạn bị sốt, đau hoặc sưng ở mặt hoặc mắt, đỏ trên má hoặc quanh mắt, đau đầu dữ dội, lú lẫn hoặc cứng cổ.

Điều trị & đề phòng viêm xoang.

Việc điều trị viêm xoang phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng và thời gian của các triệu chứng.

Viêm xoang cấp tính

Có đến 70% những người bị viêm xoang cấp tính tự phục hồi mà không cần dùng thuốc đã kê toa. Nếu nguyên nhân là do nhiễm khuẩn, điều trị bằng kháng sinh có thể rút ngắn thời gian viêm xoang cấp tính và cũng có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Các lựa chọn khác để điều trị bao gồm:

Thuốc thông mũi hoặc thuốc xịt mũi có thể giúp giảm triệu chứng và thúc đẩy việc làm sạch mũi xoang.

Nhiều người được giảm nhẹ triệu chứng nhờ cách sử dụng nước muối xoang này.

Nghỉ ngơi nhiều và giữ cho cơ thể đủ nước bằng cách uống vài ly nước mỗi ngày.

Thuốc giảm đau không kê đơn như aspirin, acetaminophen (Tylenol, loại khác) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin, những loại khác) có thể có lợi. KHÔNG cho trẻ em dưới 18 tuổi uống aspirin.

Ngoài thuốc, một số người bị viêm xoang giảm đau bằng cách hít thở không khí nóng, ẩm, sử dụng túi chườm nóng hoặc rửa khoang mũi bằng nước muối.

Viêm xoang mạn tính

Viêm xoang mạn tính thường không phải do nhiễm khuẩn, vì vậy điều trị tình trạng này bằng kháng sinh thường không giúp ích gì. Tránh các hoạt động và địa điểm có thể làm nặng thêm các triệu chứng của bạn, đặc biệt là nếu các triệu chứng của bạn liên quan đến dị ứng.

Thuốc xịt corticosteroid vào mũi có thể thích hợp cho viêm xoang tái phát, nhưng phải có sự chăm sóc của bác sĩ. Nếu chẩn đoán liên quan đến một loại nấm, bác sĩ có thể kê toa thuốc chống nấm.

Nếu một bác sĩ dị ứng / nhà miễn dịch học đã chẩn đoán bạn bị dị ứng, điều trị bằng cách tránh các tác nhân hoặc bằng thuốc hoặc tiêm dị ứng có thể giúp ngăn ngừa viêm xoang tái phát. Các biện pháp kiểm soát môi trường như tránh các chất gây dị ứng là rất quan trọng đối với những người bị viêm mũi do các chất gây dị ứng trong nhà như mạt bụi, nấm mốc hoặc vẩy da động vật. Chiến lược điều trị này có thể ngăn ngừa việc phẫu thuật hoặc tái phát bệnh sau phẫu thuật.

Khi phương pháp điều trị hoặc thuốc thất bại, phẫu thuật xoang nội soi có thể là một lựa chọn. Nếu bạn đang cân nhắc phẫu thuật xoang, hãy cân nhắc các yếu tố trong tình trạng của bạn. Đây có thể là một quyết định rất phức tạp và bạn nên hỏi ý kiến ​​của bác sĩ dị ứng / miễn dịch học.

Phẫu thuật nên luôn được xem là giải pháp cuối cùng ở trẻ em. Trước khi bạn đồng ý phẫu thuật xoang cho con bạn, hãy xem xét nhận ý kiến ​​thứ hai từ bác sĩ dị ứng / miễn dịch học điều trị viêm xoang ở trẻ em.

Phẫu thuật xoang không giúp lành ngay. Hầu hết bệnh nhân trải qua phẫu thuật xoang vẫn sẽ cần điều trị để ngăn ngừa viêm xoang mạn tính tái phát.

Bệnh Học Viêm Xoang Theo tài liệu của Bệnh Viện Quân Y 103

I. ĐẠI CƯƠNG VỀ XOANG

1. Giải phẫu.

1.1. Cấu tạo giải phẫu:

Xoang là những những hốc nằm trong xương sọ và được mang tên cùng với tên của xương đó ví dụ như: xoang trán nằm trong xương trán, xoang hàm nằm trong xương hàm trên. Trong lòng xoang được lót bởi niêm mạc hô hấp, các chất xuất tiết của xoang đều đổ vào hốc mũi qua các lỗ nhỏ (các lỗ thông mũi-xoang), các xoang mặt được chia thành 2 nhóm:

    • Nhóm xoang trước: xoang hàm, xoang sàng trước, xoang trán vây quanh hốc mắt. Nhóm xoang này đều đổ ra ngách mũi giữa, nên các xuất tiết đều đổ ra mũi trước, là vùng hô hấp của hốc mũi. Vùng này mở thông ra ngoài, dễ bị nhiễm khuẩn và dễ gây ra biến chứng mắt. Khi mới đẻ xoang sàng đã thông bào, xoang hàm còn nhỏ, xoang trán thì khoảng 4-7 tuổi mới bắt đầu phát triển. Xoang hàm có lỗ thông với hốc mũi rộng, lại liên quan nhiều đến các răng hàm trên nên các xoang trước thường bị viêm cấp tính thể nhiễm khuẩn, mủ.
  • Nhóm xoang sau: xoang sàng sau và xoang bướm ở sâu dưới nền sọ, liên quan tới phần sau ổ mắt, dây thần kinh thị giác, xoang tĩnh mạch hang, tuyến yên. Xoang sàng sau đổ ra ngách mũi trên, xoang bướm đổ ra vùng khứu giác của hố mũi. Vùng này kín hơn, ít bị xâm nhập bởi nhưng nguyên nhân bệnh lý bên ngoài. Do xoang sau có lỗ thông với mũi ở phía sau khe trên nên xuất tiết thường chảy xuống họng và ít bị viêm cấp tính mà thường bị viêm mạn tính.

Các xoang đều có lỗ thông nối với nhau nên khi bị viêm 1 xoang kéo dài dễ đưa đến các xoang khác gọi là viêm đa xoang.

Các xoang trước dễ bị nhiễm khuẩn, nên thường hay viêm mủ và các triệu chứng biểu hiện ở phía trước (như đau ở mặt, chảy mủ ra ở cửa mũi trước, xì mũi ra mủ...).

Các xoang sau, ngược lại hay bị cương tụ và phù nề niêm mạc hơn là viêm mủ, các triệu chứng viêm xoang sau phần nhiều biểu hiện ra phía sau (như đau đầu vùng chẩm, nước mũi hoặc chất nhầy chảy ra cửa mũi sau, bệnh nhân khịt mũi chứ không xì mũi v...), các xoang nói chung thường hay viêm là do nguyên nhân viêm mũi, viêm họng.

1.2. Mạch máu và thần kinh hốc mũi.

1.2.1. Mạch máu: Những động mạch của hốc mũi xuất phát từ 2 nguồn mạch máu chính sau đây:

    • Động mạch cảnh ngoài: Động mạch bướm khẩu cái là nhánh của động mạch hàm trong. Động mạch khẩu cái lên là nhánh của động mạch mặt.
  • Động mạch cảnh trong: Động mạch sàng trước và động mạch sàng sau là nhánh của động mạch mắt.

Các nhánh của các mạch này tập trung ở vùng trước của vách ngăn mũi tạo thành điểm mạch (gọi là điểm mạch Kisselbach), nơi thường xảy ra chảy máu mũi.

1.2.2. Thần kinh hốc mũi:

    • Thần kinh khứu giác.
  • Thần kinh cảm giác do dây V chi phối.
  • Thần kinh thực vật do hạch bướm khẩu cái chi phối.

2. Sinh lý: Sinh lý của xoang dựa vào 2 điểm chính:

    • Lưu thông không khí.
  • Dẫn lưu dịch.
  • Bảo vê.
  • Phát âm

Vai trò của lông chuyển niêm mạc xoang và các lỗ tự nhiên của các xoang đổ vào các ngách giữa, ngách trên bảo đảm 2 chức năng này. Nếu các lỗ bị tắc, lông chuyển bị huỷ hoại, tình trạng bệnh lý sẽ phát sinh ở các xoang.

II. VIÊM CÁC XOANG MẶT.

1. Viêm xoang cấp tính.

1.1. Viêm xoang trước cấp tính.

Viêm xoang cấp tính là viêm niêm mạc xoang cấp tính. Thông thường một xoang bị viêm, có khi cả hai bên, hoặc lan ra ra cả xoang sàng, xoang trán, xoang bướm tạo thành viêm đa xoang.

1.1.1. Nguyên nhân.

    • Nhiễm khuẩn do viêm mũi hay viêm họng cấp tính, hoặc sau các bệnh nhiễm khuẩn lây qua đường hô hấp, nhiễm khuẩn do răng.
  • Các kích thích lý, hoá các hơi khí hoá chất độc, độ ẩm cao cũng là nguyên nhân gây viêm xoang cấp tính.
  • Chấn thương do hoả khí, cơ học hay áp lực gây xuất huyết, phù nề, thương tổn niêm mạc và thành xoang.
  • Các yếu tố tại chỗ như: dị hình vách ngăn hay nhét mèche mũi lâu ngày làm ứ tắc dịch tiết trong xoang.
  • Các yếu tố toàn thân như suy nhược, đái đường...

1.1.2. Triệu chứng.

Toàn thân: thường chỉ thấy mệt mỏi, sốt nhẹ nhưng cũng có trường hợp thường ở trẻ em có sốt cao, thể trạng nhiễm khuẩn rõ.

Cơ năng:

    • Đau: Đau vùng mặt là dấu hiệu chính, thường đau về sáng do đêm bị ứ đọng xuất tiết, đau thành từng cơn gây nhức đầu. Đau nhức nhất là vùng quanh mắt, đau thành cơn, đau theo nhịp đập. Ấn đau ở phía dưới ổ mắt, cơn đau có chu kỳ, đúng khoảng thời gian nhất định trong ngày thường đau vào lúc từ 8 đến 11 h.
  • Ngạt tắc mũi: tuỳ theo tình trạng viêm, ngạt tắc mũi 1 hay cả 2 bên, mức độ vừa nhẹ, từng lúc hay tắc mũi liên tục gây mất ngửi, ngạt nhiều bên đau, ngạt tăng về ban đêm.
  • Chảy mũi: chảy mũi vàng đục làm hoen bẩn khăn tay, có mũi hôi. Đôi khi xì mạnh thường gây đau và lẫn tia máu.

Thực thể:

    • Soi mũi: Khám mũi thấy niêm mạc mũi nề đỏ, cuốn dưới cương to, đặt bông thấm Ephedrine 1% còn co hồi lại tốt. Cuốn giữa nề, cần lưu ý quan sát khe giữa thấy có mủ đọng bám.

Trường hợp viêm xoang do răng số 5, 6,7 hàm trên, thấy bị áp xe quanh răng đau, răng đau nhức theo nhịp đập, lợi quanh đó bị viêm, mủ chảy từ xoang ra rất thối.

    • Khi ấn ngón tay ở mặt trước xoang gây đau: cụ thể ấn vùng hố nanh tương ứng với xoang hàm. Điểm Grund-wald ấn góc trên trong hốc mắt với xoang sàng và điểm Ewing ấn đầu trên trong lông mày với xoang trán.

1.1.3. Chẩn đoán: Dựa vào các triệu chứng.

    • Cơ năng.
  • Thực thể.
  • Soi bóng mờ (xem cách thăm khám) có thể thấy xoang bị mờ đục hay có ngấn mủ ứ đọng.
  • X-quang: trên phim Blondeau thấy xoang bị mờ đều, mờ đặc hay có vùng đặc phía dưới.

1.1.4. Tiến triển.

    • Viêm xoang trước cấp tính có thể tự khỏi nếu loại trừ nguyên nhân và dẫn lưu tốt tránh ứ đọng trong xoang.
  • Thường dễ chuyển thành viêm xoang mạn tính.
  • Có thể ảnh hưởng đến mắt gây viêm màng tiếp hợp, tới đường hô hấp gây viêm khí phế quản.

1.1.5. Điều trị.

    • Nghỉ ngơi, tránh các yếu tố kích thích.
  • Đảm bảo dẫn lưu tốt mũi xoang, rỏ mũi để đảm bảo thông thoáng, xì mũi hoặc hút để tránh ứ đọng.
  • Tại chỗ: xông hơi nóng với các tinh dầu thơm, khí dung với kháng sinh và corticoid.
  • Toàn thân: dùng kháng sinh nếu có sốt cao, nhiễm khuẩn rõ. Uống hoặc tiêm trong 5 - 7 ngày và cho thêm vitamin C.
  • Chỉ chọc rửa xoang hàm khi đã giảm viêm nhiễm (hết sốt, bạch cầu trong máu trở lại bình thường).
  • Trường hợp do răng, cần nhổ và chữa răng.

1.2. Viêm xoang sàng cấp tính ở trẻ em.

1.2.1. Diễn biến:

    • Trẻ từ 2- 4 tuổi bị viêm mũi rồi sưng nề hai mi mắt không mở được mắt (khám mắt nhận thấy vận động nhãn cầu bình thường, giác mạc không biến đổi, trẻ vẫn nhìn thấy).
  • Vài ngày sau có thể xuất ngoại, thành túi mủ ở góc trong mắt. Có trường hợp gây mù loà, biến chứng nội sọ.

1.2.2. Điều trị cấp cứu:

    • Kháng sinh liều cao.
  • Thuốc chống viêm.

Có khi phải chích rạch tháo mủ.

1.3. Viêm xương - tuỷ hàm trên (giả dạng viêm xoang hàm cấp tính).

1.3.1. Diễn biến:

    • Trẻ còn nhỏ, xoang hàm chưa phát triển. Thực chất là viêm xương - tuỷ hàm trên.
  • Hội chứng nhiễm khuẩn: sưng đỏ mi mắt dưới và vùng má, chảy mũi mủ, lợi răng sưng đỏ có lỗ rò.

1.3.1. Điều trị: Kháng sinh, khi cần nạo bỏ mảnh xương chết.

2. Viêm xoang mạn tính.

Là do sự biến đổi không hồi phục của niêm mạc xoang, gây nên loạn sản, dạng pôlip, tiết dịch, tiết nhầy hoặc viêm mủ.

2.1. Nguyên nhân.

    • Vẹo vách ngăn cao, phì đại xương xoăn giữa, dị ứng, gây nên tình trạng dẫn lưu kém, kéo dài không thoát mủ ra khỏi xoang được (vì lỗ thông tự nhiên bị tắc) hoặc sau một viêm xoang cấp tính có hoại tử xương trong 1 bệnh nhiễm trùng cúm, sởi... hoặc sau một viêm xoang mủ do răng.
  • Vai trò thể địa cũng rất quan trọng, nhất là thể địa dị ứng. Dị ứng dẫn tới nhiễm trùng phát triển và khi bị nhiễm trùng lại làm dị ứng nặng lên. Do đó điều trị bệnh thường làm bệnh thuyên giảm nhưng ít khi khỏi hẳn.

2.2. Triệu chứng.

2.2.1. Cơ năng:

    • Đau: Viêm mạn tính thường không đau, trừ những đợt hồi viêm. Thường chỉ là cảm giác nặng đầu, vị trí tuỳ theo loại xoang viêm. Viêm xoang trước thường nhức quanh mắt, ở hàm trên. Viêm xoang sau thường nhức sâu hoặc ở vùng đỉnh chẩm.
  • Ngạt tắc mũi thường xuyên.
  • Chảy mũi kéo dài ra mủ xanh hoặc mủ vàng, nếu là viêm xoang trước mạn tính. Viêm xoang sau: triệu chứng âm ỉ dễ nhầm lẫn. Mủ hoặc chất nhầy chảy xuống họng, bệnh nhân phải khịt, khạc, nhổ thường xuyên. Hay có biến chứng mắt như viêm thần kinh thị giác sau nhãn cầu, viêm mống mắt thể mi...

2.2.2. Thực thể:

Triệu chứng viêm xoang trước mạn tính:

    • Ngách giữa nề và ướt hoặc mủ chảy từ ngách giữa xuống xương xoăn dưới, hoặc có ít mủ đọng khô ở bờ dưới xương xoăn giữa.
  • Xương xoăn dưới nề to.
  • Niêm mạc ngách giữa phù nề, có khi thoái hoá thành pôlip. Xuất hiện gờ Kauffman (do phì đại niêm mạc ở ngách giữa thành một đường gờ dài, trông như một xương xoăn thứ hai nằm ngoài xương xoăn giữa).
  • Soi mũi sau: mủ đọng ở sàn mũi hoặc ở đuôi xương xoăn dưới.
    • Triệu chứng viêm xoang sau mạn tính:
  • Soi mũi trước nhiều khi không thấy gì.
  • Soi mũi sau: thấy chất nhầy mủ xuất phát từ ngách trên chảy ra cửa mũi sau, tỏa xuống vòm mũi họng.
  • Khám họng: thành sau họng viêm mạn tính với nhiều tổ chức lymphô đỏ và chất nhầy đặc bám.

2.2.3. X-Quang:

Blondeau và Hirtz có giá trị trong chẩn đoán xác định: hình xoang mờ đều hoặc hình vòng cung, hình pôlíp...

2.3. Chẩn đoán.

    • Triệu chứng cơ năng.
  • Triệu chứng thực thể.
  • X-quang.

2.4. Điều trị.

2.4.1. Phương pháp điều trị bảo tồn viêm đa xoang mạn tính:

    • Kháng sinh, chống viêm, giảm đau... (nếu có hồi viêm).
  • Khí dung, Proetz...
  • Chọc dò xoang hàm để ống dẫn lưu, rửa và bơm thuốc.
  • Nhổ, chữa răng nếu do răng.
  • Vacxin chống nhiễm khuẩn.
  • Vitamin A và B.
  • Giảm mẫn cảm nếu có dị ứng.

2.4.2. Phương pháp điều trị phẫu thuật viêm đa xoang mạn tính:

    • Mở lỗ thông xoang hàm thường xuyên ở ngách mũi dưới.
  • Phẫu thuật nội soi chức năng mũi, xoang (FESS).
  • Mổ xoang (Caldwell Luc, Delima).
  • Mổ vách ngăn (nếu nguyên nhân do dị hình vách ngăn).
  • Chỉ định phẫu thuật xoang:
  • Viêm xoang gây ra các biến chứng: não, mắt, xuất ngoại...
  • Viêm xoang nguyên nhân do các dị vật trong xoang.
  • Viêm xoang đã có thoái hoá dạng políp.
  • Các khối u trong xoang (khối u lành tính hoặc ác tính).
  • Viêm xoang mủ mạn tính, chọc dò xoang hàm để ống dẫn lưu và rửa nhiều lần nếu qua 10 lần không đỡ nên chuyển sang phẫu thuật.

3. Biến chứng của viêm xoang.

3.1. Biến chứng mắt:

3.1.1. Đau nhức hốc mắt cấp tính: viêm các xoang trước đặc biệt là xoang trán có thể gây ra đau nhức ở hốc mắt, đôi khi dễ bị nhầm lẫn là đau do nhánh mắt của dây V.

3.1.2. Đau nhức mắt do viêm xoang sàng cấp tính:

    • Mắt đỏ, kết mạc cương tụ, mi nề.
  • Góc trong mắt sưng to, có thể đẩy nhãn cầu ra phía ngoài làm hạn chế vận động nhãn cầu, có thể có rò mủ.

Cần chẩn đoán phân biệt với viêm túi lệ cấp tính: viêm túi lệ cấp tính khi bơm rửa qua đường dẫn lệ thấy mủ chảy ra.

Điều trị: dùng kháng sinh mạnh, giảm nề, khi cần có thể chích rach tháo mủ, mổ lấy xương chết.

3.1.3. Viêm mô tế bào ở mắt cấp tính (viêm tổ chức hốc mắt):

    • Triệu chứng: lồi mắt, hạn chế vận động nhãn cầu. Phù nề mi mắt và kết mạc, có khi khó đánh giá về vận nhãn. Đáy mắt gai thị cương tụ, phù nề, mất bờ, mạch máu cương tụ.
  • Khó khăn cơ bản là là phân biệt viêm mô tế bào đơn thuần, chỉ cần điều trị nội khoa với mủ trong hốc mắt. Cần phải dẫn lưu kịp thời tránh khỏi mù.

Cần chỉ định phẫu thuật khi có một trong ba dấu hiệu: Nhãn cầu cố định, giãn đồng tử, mất nhạy cảm giác mạc.

    • Chẩn đoán xác định bằng chụp C.T.Scan: đánh giá chính xác viêm hay áp xe tổ chức hốc mắt đồng thời xác định xoang viêm
  • Siêu âm mắt có thể xác định được các ổ áp xe trong hốc mắt.
  • Khi cần có thể chọc hút thử những vị trí nghi ngờ.
  • Điều trị: Kháng sinh, giảm nề, dẫn lưu xoang viêm, dẫn lưu ổ áp xe hốc mắt nếu có.

3.1.4. Viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu:

    • Nguyên nhân: có rất nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân cần chú ý là ổ nhiễm trùng lân cận, đặc biệt là viêm xoang sau do xoang sau có quan hệ mạch máu rất gần với thần kinh đoạn sau nhãn cầu. Vì vậy khi có viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu cần phải khám xét về xoang, đặc biệt nhóm xoang sau kỹ lưỡng để tìm nguyên nhân.
  • Triệu chứng: thường âm thầm, mờ nhạt chủ yếu thấy bệnh nhân xuất hiện nhìn mờ, mắt không đỏ, không đau nhức. Khám đáy mắt lúc đầu bình thường, sau gai thị bạc màu, teo. Thu hẹp thị trường đồng tâm dần dần.
  • Điều trị: trong một số trường hợp điều trị triệu chứng phối hợp với điều trị xoang cho hiệu quả tốt.

3.1.5. Viêm màng bồ đào: màng bồ đào là màng giữa của nhãn cầu, được chia ra màng bồ đào trước: mống mắt, thể mi và màng bồ đào sau: hắc mạc.

    • Viêm màng bồ đào trước (viêm mống mắt thể mi): kết mạc cương tụ rìa. Tiền phòng có nhiều tủa viêm Tyndall (+) nếu mức độ nặng có thể thấy mủ tiền phòng. Mống mắt dính vào mặt trước thể thuỷ tinh. Đồng tử méo, co, mất phản xạ. Dịch kính phần trước có thể đục. Bệnh nhân đau sâu trong mắt, có quặp mi, chảy nước mắt, nhìn mờtuỳ mức độ viêm, đục các môi trường trong suốt.
  • Viêm màng bồ đào sau: triệu chứng thầm lặng hơn, bệnh nhân chỉ đau nhức nhẹ, nhìn mờ, thấy rồi bay trước mắt do đục dịch kính. Gai thị cương tụ, mạch máu thành mạch dày, quan sát kỹ có thể thấy các đám dịch rỉ viêm trên võng mạc.
  • Viêm màng bồ đào toàn bộ: có cả 2 nhóm triệu chứng trên
  • Nguyên nhân gây viêm màng bồ đào có thể do chấn thương (đụng dập nhãn cầu, phẫu thuật), giang mai, các bệnh lý miễn dịch của cơ thể... tuy nhiên một nguyên nhân quan trọng cũng là ổ nhiễm khuẩn lân cận ở các xoang đặc biệt là xoang sau.
  • Điều trị: phối hợp điều trị viêm xoang và điều trị triệu chứng của viêm màng bồ đào sẽ đạt được hiệu quả ddáng kể.

3.1.6. Một số bệnh lý ở võng mạc chưa rõ hoàn toàn nguyên nhân, hiện nay

Người ta cũng nghĩ tới vai trò của viêm xoang sau do tính chất liên quan chặt chẽ về giải phẫu, sinh lý của chúng.

Ví dụ: bệnh lý hắc võng mạc trung tâm (bong thanh dịch võng mạc cảm thụ) do tổn thương lớp biểu mô sắc tố, một trong những nguyên nhân gây tổn thương được người ta nghĩ đến là viêm xoang.

3.2. Biến chứng não.

3.2.1. Viêm màng não mủ.

3.2.2. Áp xe ngoài màng cứng, áp xe não, viêm tắc xoang tĩnh mạch dọc

trên, xoang hang... thường do viêm xoang trán cấp tính.

Cần chú ý khi có những tình huống sau đây xuất hiện:

    • Viêm xoang trán cấp tính điều trị tích cực nhưng triệu chứng không giảm.
  • Có các triệu chứng của nhiễm khuẩn nội sọ, khi tìm nguyên nhân cần nghĩ tới viêm xoang.

Nguồn từ: http://www.benhvien103.vn/vietnamese/bai-giang-chuyen-nganh/tai-mui-hong/benh-hoc-xoang/995/

NGUỒN THAM KHẢO: