Tin tức chăn nuôi thú y

Tin tức

GIÁ HEO HƠI TẠI ĐỒNG NAI ĐANG NHÍCH LÊN, TIỆM CẬN VỚI GIÁ THÀNH

Đăng bởi: Vetshop VN | ngày: 6.2.17

Đến trưa ngày 6/2, giá thịt heo hơi được thương lái thu mua tại địa bàn Đồng Nai đã nhích tăng nhẹ, tiệm cận với mức giá thành chăn nuôi trên mỗi kg heo.

Giá heo hơi tại trang trại đang nhích lên, tiệm cận với giá thành chăn nuôi.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, đến trưa ngày 6/2, giá thịt heo hơi được thương lái thu mua tại địa bàn Đồng Nai đã nhích lên từ 36.000 – 37.000 đồng/kg và đã tiệm cận với mức giá thành chăn nuôi trên mỗi kg heo (giá thành trên 1kg heo hơi từ 38.000 – 40.000 đồng).

Theo đánh giá của người chăn nuôi ở Đồng Nai, chưa có năm nào giá heo hơi lại sụt giảm mạnh như dịp Tết Nguyên đán năm nay. Thông thường, người chăn nuôi dành nguồn hàng để bán ra trong dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay do giá heo xuống quá thấp, có thời điểm chỉ còn 25.000 – 26.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi lỗ nặng từ 1 - 1,5 triệu đồng/1 con heo xuất chuồng.

Nguyên nhân khiến giá heo xuống thấp nhất trong 10 năm qua được cho là do Trung Quốc ngừng nhập heo của Việt Nam dẫn đến heo tồn lớn, giá sụt mạnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, hiện trên địa bàn còn tồn khoảng 400.000 con heo có trọng lượng từ 70kg trở lên.

Đây là số heo được người chăn nuôi chuẩn bị để phục vụ cho thị trường dịp Tết Nguyên đán. Nhưng, do giá xuống thấp nên số heo trên vẫn được người dân nuôi cầm chừng để chờ bán khi giá tăng.

Ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng, mặc dù lượng heo tồn còn khá nhiều, tuy nhiên số lượng heo có trọng lượng từ 1,2 tạ - 1,6 tạ hầu như không còn. Vào khoảng đầu tháng 1/2017 khi thị trường Trung Quốc vẫn còn nhập hàng thì loại heo có trọng lượng càng lớn càng bán được với giá cao do nhiều mỡ.

Tuy nhiên, sau khi thị trường Trung Quốc ngưng mua, người dân buộc phải bán heo mặc dù giá thấp và chịu lỗ vì chi phí chăn nuôi và thức ăn không bù được cho giá thành.

Theo nhận định của ông Đoán, nguyên nhân khiến ngày 6/2 giá heo hơi tăng khá mạnh (ngày 4/2 giá mỗi kg heo hơi là 31.000 – 32.000 đồng) là do ngày đầu đi làm của lực lượng công nhân, sinh viên sau kỳ nghỉ Tết. Do đó, thị trường cần một lượng lớn thực phẩm để cung cấp cho người lao động nên giá heo đã nhích lên 36.000 – 37.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, hiện nay do một số tập đoàn chăn nuôi nước ngoài vẫn chưa “bung hàng”, nên thương lái vẫn mua của các trang trại với giá cao. Theo ông Đoán, giá heo hiện nay mặc dù tăng nhưng chưa bền vững mà có thể sẽ tiếp tục biến động trong những ngày tới.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, hiện số lượng heo ở Đồng Nai xuất bán vào thị trường Tp. Hồ Chí Minh khoảng 5.000 – 6.000 con/ngày.

Để tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ số lượng lớn nguồn heo tồn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai đã đề nghị các doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm thu mua heo cho người dân.

Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y không tăng giá bán trong dịp này để giúp người chăn nuôi qua giai đoạn khó khăn.

Ông Nguyễn Quang Thanh, người chăn nuôi tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, gia đình ông vẫn đang thấp thỏm chờ giá heo tăng lên để bán 300 con heo đang tồn trong chuồng.

Theo ông Thanh, hiện nay người chăn nuôi vẫn chưa dám tăng đàn vào thời điểm này vì lo sợ tiếp tục thua lỗ. Nhiều hộ sau khi giải phóng hết số lượng heo tồn đã chủ động treo chuồng chưa dám tái đàn.

Theo đánh giá, trong các năm 2014, 2015 do giá heo cao, nên người chăn nuôi ở Đồng Nai đã ồ ạt tăng đàn. Nếu như năm 2015 tổng đàn heo ở Đồng Nai là khoảng 1,7 triệu con thì đến năm 2016 tổng đàn đã tăng lên khoảng 2,2 triệu con. Do không nắm bắt được nhu cầu thị trường, nên nhiều người chăn nuôi đã ồ ạt tăng đàn dẫn đến nguồn cung dư thừa./.

Theo Sỹ Tuyên

TTXVN

Tin tức

Trung Quốc ngưng mua,đàn heo vỡ trận

  ĐIỂM BÁO CHĂN NUÔI | Ngày05/01/2017

Giá heo hơi đứng ở mức người nuôi có lời khá cao trong suốt cả năm 2015 và đến tận tháng 11/2016. Năm nay, những tưởng họ tiếp tục được vui tết nhưng từ đầu tháng 12, Trung Quốc đột ngột ngưng nhập heo từ Việt Nam khiến thị trường tiêu thụ bị đảo lộn.

Sau khi Trung Quốc đột ngột ngưng mua heo Việt Nam từ tháng 12, khủng hoảng thừa thịt heo là điều tất yếu, khi những người nuôi heo bất kể đến tình hình thị trường mà TGTT đã cảnh báo từ đầu năm 2016.

Hơn tháng nay, họ sôi sục tìm đường bán heo mà vẫn không được: cung đã vượt quá cầu tới 20 – 30%.

 

Năn nỉ bán giúp heo

7 giờ sáng ngày 1/1, ba tiếng bíp bíp từ chiếc điện thoại Nokia “cùi bắp” báo hiệu có ba tin nhắn. Không phải lời chúc mừng năm mới mà từ ba người người chăn nuôi ở Gia Kiệm (Thống Nhất, Đồng Nai).

Một từ anh Tr-heo: “Anh xem có mối nào ở Sài Gòn bắt cho em đàn heo 300 con được không”. M-heo: “Em có 500 con, trọng lượng trung bình 1,2 tạ, anh bán giúp em với!”. H-heo: “Em quen mấy lò mổ, kêu họ bắt đàn heo cho anh với. Mấy ngày nay anh tìm lái mua mà không được”.

 

Trung Quốc đột ngột ngưng nhập, giá heo rớt thê thảm. Có ngày, có nơi trong khoảng cuối tháng 12/2016 và đầu năm 2017, chỉ còn 26.000 – 30.000 đồng/kg. Ngày 1/1, ở Gia Kiệm, thương lái chỉ trả cho người nuôi có 28.000 đồng/kg heo mỡ, còn heo ngon nhất chỉ có 31.000 đồng. Với giá này, người nuôi lỗ ít nhất 30%, nhưng thời gian trước mắt vẫn còn mù mịt đầu ra.

 

Ông Trần Quang Trung, một người nuôi heo ở Gia Kiệm, cho biết vài tuần nay giá không còn chuẩn mực “sàn, trần” như trước do người nuôi có tâm lý cắt lỗ. Thương lái trả giá nào cũng bán. Có những ngày, theo ông Trung, giá heo hơi tụt xuống 25.000 đồng/kg.

 

“Trang trại của tui đang còn vài trăm con, trọng lượng tạ hai tạ ba, nhưng kêu bán hoài mà không được”, ông Trung chua chát nói.

 

Thử kiểm tra thêm thông tin từ một số lò mổ lớn ở TPHCM, họ cũng khẳng định lượng heo đưa về thành phố mỗi đêm đang “vượt xa nhu cầu gấp nhiều lần”. Như lò mổ An Hạ của bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, ở Củ Chi, mỗi đêm làm trung bình khoảng 4.800 – 4.900 con, quá tải so với trước đây hơn 2.000 con.

 

Theo bà Thắm, từ khi Trung Quốc ngưng mua heo thì lượng heo từ khắp nơi đổ dồn về thành phố, trong khi sức mua cuối năm vẫn y, thậm chí là ít hơn do nguyên liệu thịt heo chế biến thực phẩm tết đã đủ.

 

 

 

Cái chết được báo trước

Đầu năm 2016, sau khi nhận thấy tình cảnh “nhà nhà đổ tiền nuôi heo”, Thế Giới Tiếp Thị từng có bài viết cảnh báo Nuôi heo sắp “vỡ trận” như nuôi gà. Tại thời điểm đó, người chăn nuôi cả nước đã có một năm (2015) thu lãi rất lớn từ con heo nhờ vào việc Trung Quốc đẩy mạnh thu mua.

 

Người ta tính toán, trong suốt cả năm 2015, cứ bán một con heo là thu về khoản tiền lời cả triệu đồng. Rất nhiều chủ trại, sau khi gom được một khoản lợi nhuận kha khá trong năm 2015, nên ngay từ đầu năm 2016, liền đẩy mạnh đầu tư xây trại, tăng đàn.

 

Như trường hợp của bà Thắm, một người nuôi heo ở huyện Định Quán, Đồng Nai là ví dụ. Từ tháng 11/2015 – 1/2016 đã xây liên tiếp ba trang trại cho công ty nước ngoài thuê nuôi heo. Trước đó, bằng nguồn vốn tự có 60 tỉ đồng, bà Thắm lên khu vực Madagui, Lâm Đồng mua thêm 20ha đất để xây hai trang trại nuôi heo.

 

Với hai trang trại này, trong suốt năm 2015, do heo hơi có giá nên bà Thắm nói đã thu về hơn 10 tỉ đồng lợi nhuận. Từ đầu năm 2016, do phong trào đầu tư nuôi heo nở rộ nên giá đất làm trang trại cũng tăng chóng mặt.

 

Một trang trại có công suất khoảng 10.000 heo thịt cần 10ha đất với giá tới gần chục tỉ đồng, và người nuôi còn phải bỏ ra 30 – 40 tỉ xây trang trại, mua sắm thiết bị. Số tiền tuy lớn, nhưng nếu ai có vài ba trại thời điểm đó thì chỉ cần trúng vài ba lứa heo là có thể thu hồi vốn.

 

Heo trúng giá là yếu tố quyết định đến việc tăng đàn, mở rộng trang trại. Ai có một trại thì tích luỹ tiền lãi bán heo để mua đất làm thêm trại mới. Cũng có người vay tiền ngân hàng xây trại cho các công ty thuê lại. Số trại mới được xây dựng thêm trong năm 2015 đếm không xuể. Lần đầu tiên, Việt Nam đã xuất tới hơn 600.000 tấn thịt heo, tương đương 6 triệu con sang Trung Quốc với trị giá hơn 1 tỉ USD.

 

Mọi chuyện chỉ bị đảo lộn từ đầu tháng 12/2016, khi Trung Quốc ngưng mua đột ngột. Lập tức, nguồn cung heo trên thị trường bị dư thừa cả về số lượng đầu con lẫn trọng lượng.

 

Giám đốc một doanh nghiệp chăn nuôi ở Đồng Nai phân tích: với 6 triệu con heo xuất sang Trung Quốc sau 11 tháng của năm 2016, thì tính ra mỗi ngày thị trường này nhập hơn 18.000 con heo từ Việt Nam.

 

Nay, nếu Trung Quốc ngưng mua thì cũng đồng nghĩa với việc trung bình mỗi ngày cả nước dư thừa hơn 18.000 con heo. Số heo này sẽ dư thừa thêm sản lượng do người nuôi không bán được. Thay vì trước đây cứ đạt trọng lượng 100kg/con là bán, còn nay có khi lên 130 – 150kg.

 

“Điều này rất nguy hiểm, nếu không bán kịp thì con heo càng lớn và lượng thịt dư thừa càng tăng”, vị giám đốc trên nói.

 

Trong khi đó, nhiều phân tích cho thấy ngành chăn nuôi heo của Trung Quốc trong năm 2016 đã lấy lại đà hồi phục của hai năm giảm suốt trước đó do vấn đề dịch bệnh và môi trường.

 

Từ năm 2017, chắc chắn Trung Quốc sẽ giảm mạnh nhập khẩu thịt heo, và như vậy cuộc sống tương lai phía trước của hàng triệu hộ chăn nuôi Việt Nam sẽ rất mù mịt. Nếu có giảm đàn ngay từ lúc này thì phải ít nhất hai năm sau lượng heo mới có thể duy trì ở trạng thái cân bằng cung cầu.

Nguồn : VietDVM

Tin tức

Giá heo giảm mạnh, người nuôi lỗ

Ngọc Ánh - Ca Linh | 30/12/2016 22:00

 

Ngày 30-12, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thừa nhận đã có một số trường hợp giá bán heo hơi chỉ còn 25.000 đồng/kg.

Đây là những con lỡ lứa, nặng trên 150 kg mà chủ trại phải bán tháo sau thời gian chờ thương lái mua xuất sang Trung Quốc nhưng không được. Mặt bằng chung thì giá heo hơi đang khoảng 33.000 đồng/kg (loại 1), thấp hơn giá thành và còn có khả năng giảm tiếp do tổng đàn tồn quá lớn.

Theo ông Đoán, nguyên nhân giá giảm là do đàn heo tại vựa chăn nuôi Đồng Nai đã tăng quá nhanh sau 3 năm có giá cao nhờ thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh, đến 40% tổng đàn nhưng nay lại đột ngột ngưng nhập. “Những hộ nuôi nhỏ, quy mô dưới 100 con phải mua nợ đại lý tiền cám hiện không chịu nổi. Nhiều người phải bán heo khi mới 30-40 kg với giá chưa tới 1,5 triệu đồng/con để cắt lỗ” - ông Đoán nói.

Chủ một cơ sở giết mổ heo tại huyện Củ Chi, TP HCM cho biết lượng heo về TP đang tăng mạnh do bị dội hàng. Nhiều thương lái lớn đến chiều bán heo mảnh chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn cả heo hơi.

Dù giá heo hơi giảm sâu nhưng tại TP HCM, nơi tiêu thụ đến 10.000 con heo/ngày, giá bán lẻ không giảm tương ứng. Tại các điểm bán có tủ mát, giá sườn non vẫn 120.000-150.000 đồng/kg, thịt nạc 80.000-90.000 đồng/kg, ba rọi 90.000 đồng/kg...; ở các chợ lẻ, giá rẻ hơn khoảng 10.000 đồng/kg.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, tại các cửa hàng bán lẻ heo thịt VietGAP của công ty đang giảm giá thịt heo 10% so với trước đây nhưng lượng bán ra vẫn không tăng. Công ty vẫn còn một số hợp đồng với nông dân mua heo 39.000-40.000 đồng/kg nên giá heo VietGAP chưa thể giảm.

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN), nhìn nhận nguồn heo của công ty được chọn lọc, phải kiểm tra chất cấm, đo độ nạc... nên giá mua vẫn ở mức 38.000-39.000 đồng/kg, không rẻ như heo quá lứa. Vì thế, VISSAN vẫn giữ ổn định giá bán lẻ và đang có kế hoạch giảm giá.

Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Đoán nhận xét chuỗi cung ứng thịt heo hiện chưa hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, cơ sở giết mổ, hệ thống phân phối và người tiêu dùng. Do vậy, theo từng giai đoạn, các khâu luôn tranh thủ phần lợi về mình nên ngành chăn nuôi chưa phát triển bền vững.

Giá heo hơi ở ĐBSCL cũng đang giảm mạnh, gây khó khăn cho hộ nuôi nhỏ. Cụ thể, giá heo hơi ở đây hiện chỉ còn 34.000-38.000 đồng/kg, giảm 6.000-8.000 đồng/kg so với vài tháng trước. Anh Lê Văn Lương (ngụ xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Chưa bao giờ giá heo hơi lại giảm như hiện nay. Do tôi nuôi ít, thương lái chỉ mua 34.000 đồng/kg”. Đó là chưa kể những đàn heo thừa mỡ hoặc quá lứa, giá heo hơi còn thấp hơn.

 

Nguồn : Báo Người lao động

Tin tức

Thương lái Trung Quốc thu gom, giá heo Đồng Nai tăng trở lại

Sau quãng thời gian ngừng mua, thương lái Trung Quốc bắt đầu gom heo trở lại để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên Đán.

Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, giá thịt heo có nhiều biến động trong tuần qua. Tại Đồng Nai - "thủ phủ heo" lớn nhất cả nước từng giảm sâu xuống 35.000-37.000 đồng một kg từ cuối tháng 10 thì nay bắt đầu tăng lên mức 39.000-41.000 đồng một kg.

Thương lái Trung Quốc chuộng thu gom heo Việt. Ảnh: Phước Tuấn.

Hiện giá lợn hơi của Đồng Nai đang phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trung bình mỗi ngày, các trại của tỉnh bán hơn 2.000 con lợn thịt cho thương lái đưa sang Trung Quốc với trọng lượng trung bình 120-140 kg một con.

Lãnh đạo hiệp hội dự báo, nếu tình hình thu mua từ phía Trung Quốc tiếp tục tăng thì giá heo có thể sẽ còn cải thiện. Giá thịt heo cho dịp Tết sắp tới cũng sẽ có nhiều biến động.

Trước đó, hồi cuối tháng 5, Trung Quốc cũng ồ ạt thu mua khiến giá heo tăng mạnh lên trên 54.000 đồng một kg. Đó cũng là đợt tăng giá cao nhất từ năm 2012 đến nay. Với giá thu mua cao, người chăn nuôi lãi khoảng 13.000 đồng một kg heo hơi, tương đương tầm 1,5 triệu đồng mỗi con (cho khoảng thời gian nuôi 5-6 tháng).

Trừ Đồng Nai, giá lợn hơi tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long chưa có nhiều thay đổi. Giá bán tại Vĩnh Long, An Giang, Bạc Liêu đang ổn định ở mức 38.000-43.000 đồng một kg.

                                                               Hồng Châu

                                                              nguồn tin: vnexpress.net

Tin tức

TÌNH HÌNH CHUNG (mới cập nhật)

Theo kết quả điều tra chăn nuôi 01/10/2016 cả nước có 2,52 triệu con trâu, bằng 99,8% so cùng kỳ năm trước do đàn trâu hiện nay nuôi với mục đích lấy thịt là chủ yếu. Tổng số bò đạt 5,48 triệu con, tăng khoảng 2,4% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó đàn bò sữa đạt gần 283 nghìn con, tăng 2,76% so cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi bò sữa có xu hướng phát triển ổn định tại những địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển đần bò sữa như Sơn La, Hà Nội, Nghệ An, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh,… Đàn lợn cả nước có 29,1 triệu con bằng 104,8% so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi lợn phát triển nhanh, giá thịt lợn hơi trên thị trường duy trì ở mức ổn định, người chăn nuôi có lãi nhất là những hộ chăn nuôi qui mô gia trại và trang trại. Đàn gia cầm cả nước hiện có 364,5 triệu con, bằng 106,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số lượng gà đạt 277,2 triệu con, tăng 6,9%. Đàn gia cầm phát triển tốt, giá gia cầm hơi tăng, người chăn nuôi có lãi, chăn nuôi gia cầm phát triển nhanh theo mô hình sản xuất hàng hóa qui mô trang trại, chăn nuôi hộ nhỏ lẻ có lãi nhưng không nhiều do gặp khó khăn về vốn và thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Chăn nuôi trâu, bò: Theo kết quả điều tra chăn nuôi 01/10/2016 cả nước có 2,52 triệu con trâu, giảm 0,17% , tổng số bò đạt 5,48 triệu con, tăng khoảng 2,4%, đàn bò sữa đạt gần 283 nghìn con, tăng 2,76% so cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi bò sữa có xu hướng phát triển ổn định tại những địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển đần bò sữa như Sơn La, Hà Nội, Nghệ An, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh,…

Chăn nuôi lợn: Chăn nuôi lợn phát triển nhanh, giá thịt lợn hơi trên thị trường duy trì ở mức ổn định, người chăn nuôi có lãi nhất là những hộ chăn nuôi qui mô gia trại và trang trại. Theo kết quả chăn nuôi, đàn lợn cả nước có 29,1 triệu con tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi gia cầm: Theo số liệu điều tra 1/10/2016, đàn gia cầm cả nước hiện có 364,5 triệu con, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số lượng gà đạt 277,2 triệu con, tăng 6,9%. Đàn gia cầm phát triển tốt, giá gia cầm hơi tăng, người chăn nuôi có lãi, chăn nuôi gia cầm phát triển nhanh theo mô hình sản xuất hàng hóa qui mô trang trại, chăn nuôi hộ nhỏ lẻ có lãi nhưng không nhiều do gặp khó khăn về vốn và thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Sản lượng thịt các loại: Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng trong tháng ước tăng 5,5% – 6%, sản lượng trứng gia cầm tăng 6% – 6,3% , sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng trong tháng ước tăng 1,8%, sản lượng sữa bò 6 ước tăng 10% , sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong tháng tăng 5% so với cùng kỳ năm trước.

 

Dịch bệnh: Theo Cục Thú y, tính đến thời điểm 27/11/2016, tình hình dịch bệnh trong cả nước diễn biến như sau:

1. Dịch Cúm gia cầm: Trong ngày,không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ cácđịa phương.

  Hiện nay, cả nước không có dịch Cúm gia cầm.

2. Dịch Lở mồm long móng gia súc

Trong ngày, không có báo cáo ổ dịch mới phát sinh từ các địa phương.

Hiện nay, cả nước có 04 ổ dịch tại huyện Krông Bông (típ A) và huyện Buôn Đôn (típ O), thuộc tỉnh Đắk Lắk đã qua trên 15 ngày.

3. Dịch Tai xanh trên lợn

Trong ngày,không có báo cáo ổdịch phát sinh từ các địa phương.

Hiện nay, cả nước có 03 ổ dịch Tai xanh trên lợn tại 03 xã (Cẩm Nam, Cẩm Thăng và Cẩm Dương),huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh chưa qua 21 ngày.

 4. Nhận định tình hình dịch

Cúm gia cầm: Do diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao; các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống Cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng vi rút cúm có thể lây sang người như vi rút H7N9; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.

Dịch LMLM: Các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.

Dịch lợn Tai xanh: Hiện nay vi rútTai xanh có thể vẫn tồn tại trong môi trường chăn nuôi kết hợp với những diễn biến phức tạp của thời tiết ảnh hưởng xấu đến đàn lợn dễ làm phát sinh dịch bệnh.Trong thời gian tới,có thể tiếp tụcxuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao.Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan.

Các địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thông báo của Cục Thú y về lưu hành vi rút Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh và hướng dẫn sử dụng vắc xin năm 2016 (văn bản số 2151/TY-DT ngày 24/10/2016) để tổ chức mua đúng loại vắc xin phòng, chống dịch nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

THỊ TRƯỜNG SẢN PHẨM CHĂN NUÔI

Thịt: Trong tháng 11/2016, tại Đồng Nai, do việc vận chuyển lợn qua Trung Quốc không thực hiện bởi khó khăn từ lũ lụt tại miền Trung, giá thịt lợn đã giảm sâu xuống chỉ còn 35.000 – 37.000 đ/kg. Trong khi giá lợn hơi tại Đồng Nai đang nhích nhẹ thì giá thu mua lợn hơi tại các tỉnh ĐBSCL khá ổn định. Theo đó, lợn hơi tại An Giang, Vĩnh Long, Bạc Liêu đang được các thương lái thu mua với mức giá lần lượt là 39.000 đ/kg; 41.500 đ/kg và 38.000 – 43.000 đ/kg.

Tại các tỉnh phía Nam, do không có đột biến về sức mua nên giá gà ta đang khá ổn định. Giá thu mua gà ta tại Đồng Nai đang duy trì mức 65.000 – 67.000 đ/kg; Vĩnh Long 75.000 đ/kg; An Giang 90.000 đ/kg (bán buôn). Còn tại các tỉnh phía Bắc, giá gà có xu hướng ngược với xu thế thường niên với mức là 75.000 – 80.000 đ/kg, giảm từ 20 -30% so với hai, ba tháng trước

 

Biểu đồ. Diễn biến giá lợn, gà và vịt hơi (giá tại trại) tại các tỉnh phía Nam

Xem chi tiết tại: http://channuoivietnam.com/bieu-2/

TÌNH HÌNH NHẬP KHẨU

Thức ăn gia súc và nguyên liệu: Giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu ước tính trong tháng 11/2016 ước đạt 255 triệu USD, nâng tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 11 tháng đầu năm 2016 đạt 3,04 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2015. Ba thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 10 tháng đầu năm 2016 là Achentina, Hoa Kỳ và Trung Quốc, chiếm thị phần lần lượt là 46%, 10,8% và 8,2%. Các thị trường có giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là TVQ Arap Thống Nhất (tăng 54,8%), Trung Quốc (tăng 47,3%), Indonesia (tăng 13,8%), Đài Loan (tăng 13,1%), Áo (tăng 10,6%) và Achentina (tăng 7%). Các thị trường còn lại có giá trị nhập khẩu giảm, trong đó Brazil (giảm 50%), Ấn Độ (29,4%), Hoa Kỳ (18,5%), và Thái Lan (15,8%)

Đậu tương: Ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 11/2016 đạt 42 nghìn tấn với giá trị 21 triệu USD, đưa tổng khối lượng đậu tương nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2016 đạt 1,34 triệu tấn với giá trị đạt 570 triệu USD, giảm 12,4% về khối lượng và giảm 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Ngô: Ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 11/2016 đạt 882 nghìn tấn với giá trị đạt 179 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu ngô 11 tháng đầu năm 2016 đạt 7,64 triệu tấn với giá trị đạt 1,51 tỷ USD, tăng 13,4% về khối lượng và tăng 2,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong 10 tháng đầu năm 2016, Achentina và Braxin là hai thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng này, chiếm lần lượt là 45,9% và 44% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng. Thị trường có khối lượng và giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015 là thị trường Campuchia tăng 80,9% về khối lượng và tăng 67,7% về giá trị. Thị 13 trường có khối lượng và giá trị giảm mạnh là Ấn Độ, giảm tới 99,5% về khối lượng và giảm 94,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Lúa mì: Ước tính khối lượng nhập khẩu lúa mì trong tháng 11/2016 đạt 474 nghìn tấn với giá trị đạt 99 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu lúa mì 11 tháng đầu năm 2016 đạt 4,5 triệu tấn với giá trị đạt 948 triệu USD, tăng hơn 95,2% về khối lượng và tăng 60,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Úc – thị trường nhập khẩu lúa mì chính trong 10 tháng đầu năm 2016, chiếm tới 38,1% thị phần, tăng 35,9% về khối lượng và tăng 15,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Tiếp theo là Brazil chiếm 7,6% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này, với tổng khối lượng nhập khẩu đạt 336,5 nghìn tấn và 64,25 triệu USD, tăng 7% về khối lượng nhưng giảm 14,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. 12 Thị trường có giá trị giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2015 là thị trường Canada (giảm 81,3% về khối lượng và giảm 80,1% về giá trị).

Sắn và các sản phẩm từ sắn XK: Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 11 năm 2016 ước đạt 294 nghìn tấn với giá trị đạt 80 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các phẩm từ sắn 11 tháng đầu năm đạt gần 3,3 triệu tấn và 896 triệu USD, giảm 12,3% về khối lượng và giảm 24,9% về giá trị so cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính trong 10 tháng đầu năm 2016 chiếm tới 86,2% thị phần, giảm 15,4% về khối lượng và giảm 28,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong 10 tháng đầu năm 2016, giá trị nhập khẩu sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam hầu hết đều giảm ngoại trừ thị trường Hàn Quốc có giá trị tăng (11,3%) so với cùng kỳ năm 2015.

Nguồn tin: http://channuoivietnam.com

Lên đầu trang