TRANG NHÀ


THANH MINH MỒNG 10/3 NĂM GIÁP THÌN

 (2024)

THƯ NGỎ 

 Điện Quang ngày 20 /3/2024

 

  Kính gửi:

 Con cháu Nội; Ngoại ;Dâu; Rể tộc Lê Văn Bến Đền , Điện Quang , Điện Bàn gần xa. Theo lời vận động của HĐGT  sau 9 năm kể từ lần sửa chữa trước, nay nhà thờ Từ đường tộc Lê Văn được trùng tu vào tháng Giêng năm Giáp thìn 2024 . Hưởng ứng lời kêu gọi bà con chúng ta từ khắp nơi trong và ngoài nước đều gửi tiền về góp phần sửa chữa nhà thờ tộc được khang trang như ngày nay .Tình thần đó đã là nguồn cảm hứng cho mọi thế hệ uống nước nhớ nguồn nhớ về quê cha đất tổ thể hiện tình thần một giọt máu đào hơn ao nước lã...

Mồng 10/3 AL năm nay nhằm ngày 18 tháng 4 năm 2024 HĐGT Họ Lê Văn tổ chức Thanh mình đúng vào ngày lễ lớn của đất nước. Nguyện vọng đông đảo bà con muốn duy trì việc gặp gỡ thường xuyên hàng năm vào dịp lễ trọng đại này ngày Giỗ tổ Hùng Vương, bà con gặp gỡ thăm hỏi nhau ,đồng thời qua đó là cơ hội giáo dục cho con cháu biết yêu nguồn cội ,chính là cái quan niệm về quê hương hay tình yêu quê nhà, là lúc ta đã nhất thể hóa được quê nhà với đất nước, dân tộc…

Đại diện HĐGT gửi đến bà con tộc Lê Văn lời chúc Chúc mãi mãi trường tồn, đời đời bền vững. Chúc toàn thể gia tộc đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Chúc cho sự đoàn tụ của đại gia tộc chúng ta thật luôn dồi dào sức khỏe hạnh phúc, viên mãn.

    HỘI ĐỒNG GIA TỘC LÊ 

         LÊ VĂN QUANG

 


CHƯƠNG TRÌNH THANH MINH 2024

          Hội đồng Gia tộc thống nhất chương trình tổ chức Lễ Thanh minh tại từ đường tộc Lê Văn Bến Đền ,Điện Quang,Điện Bàn,Quảng Nam như sau:

 Ngày 9/3 AL tức 17/4/2024

-       Từ17h00 đến 20h00: Cúng Tiên thường ( Thành phần tham dự gồm bà con tại địa phương và số bà con ở xa về sớm)

 

 Ngày 10/3 AL tức 18/4/2024

 

-  Từ 7h00 đến 8h30 Thăm Nghĩa Trang tộc Lê Văn tại Bạc Hà ;Thanh Châu;Duy Xuyên

 

- Từ 8h30 đến 10h30 Đón bà con Nội ;Ngoại ở xa về  Cùng dự lễ  đọc văn tế

 

-     Từ 10h30 đến 11h00 Lễ dâng hương Ông bà Tổ tiên

 

-  Từ 11h00 đến 12h00 Hội đồng Gia tộc và Hội Khuyến học thông qua báo cáo công việc trong năm ;Công khai tài chính

  -Từ 12h00 đến 13h30 Khách và con cháu Nội ;Ngoại dự tiệc liên hoan . 

Hội khuyến học: Báo cáo công việc hoạt động của hôi trong năm và phương hướng nhiệm vụ năm tới.

Phát thưởng cho con cháu có thành tích xuất sắc trong học tập

 

 -Từ 13h30 đến 15h00  Hội đồng Gia tộc và Hội Khuyến học họp bàn kế hoạch năm tới.

Kết thúc lễ Thành mình 2024

       Vậy Hội đồng Gia tộc Lê Văn Bến Đền; Điện Quang;Điện Bàn ;Quảng Nam .Xin thông báo để bà con Nội; Ngoại tộc biết 

 

Để có kế hoạch về Từ đường dự lễ Thanh Minh đông đủ.

 

HỘI ĐỒNG GIA TỘC LÊ VĂN

LÊ VĂN QUANG

 



Dấu xưa đình Phi Phú

Thứ Bảy, 31/05/2014, 08:28 [GMT+7]

Source: www.baoquangnam.com.vn

Đình làng Phi Phú, thôn Bến Đền Tây, xã Điện Quang (Điện Bàn) xưa là quần thể kiến trúc tâm linh, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử cách mạng, nhưng hiện nay chỉ còn mảnh đất trống với vài dấu vết xa xưa. Ước mong của người dân làng Phi Phú hiện nay là ngôi đình được khôi phục và ghi nhận những đóng góp của nó với lịch sử làng quê.

( Xem tiếp)

 NHÀ THỜ TỘC LÊ VĂN 

BIA TƯỞNG NIỆM (Đối diện nhà thờ tộc)


XỨ ĐÀNG TRONG

Source :Nguyễn Cochinchina Southern Vietnam in the Seventeenth and Eighteenth Centuries ( Click here)

MỘT VÙNG ĐẤT KHAI SINH CHỮ QUỐC NGỮ

( Bài được trích từ Facebook Lê Văn Trợ)

"Quốc Ngữ chữ nước ta

Con cái nhà đều phải học."

 Đó là một bài học vỡ lòng đầu đời của thế hệ trẻ con chúng tôi khi cắp sách đến trường ở độ tuổi tóc còn để chỏm. Khi trưởng thành, càng đọc Kiều, chúng tôi càng khám phá ra những nét đẹp của tiếng mẹ đẻ. Người Pháp cho rằng "dịch là phản," nhưng khi đọc hai bản dịch trong cổ văn nước ta,"Chinh phụ ngâm," theo dư luận chung, của Đoàn Thị Điểm và bản dịch "Tỳ Bà Hành" nguyên tác của Bạch Cư Dị mà theo ý kiến nhiều người, của Phan Huy Vịnh, tâm trạng chúng tôi giống hệt như suy nghĩ của cố thi sĩ Đông Hồ khi ông đọc bản dịch bài thơ "Le Lac" nổi tiếng cuả thi sĩ Pháp Lamartine đăng trên Nam Phong  tạp chí do Học giả Phạm Quỳnh làm chủ bút vào những năm 20 của thế kỷ trước: tiếng Việt có đủ khả năng diễn giải cả văn học phương Tây lẫn thơ chữ Hán:

 Thiên địa phong trần

Hồng nhan đa truân

   (Đặng Trần Côn, Chinh Phụ ngâm)

 Thưở trời đất nổi cơn gió bụi

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên

 (Đoàn Thị Điểm dịch)

 Thời trung học, chúng tôi được các vị thầy dạy rằng Giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc Ngữ bằng cách phiên âm tiếng Việt theo mẫu tự Latinh. Những ngày đầu trở lại Sài Gòn trước 1975, chúng tôi thấy đường Alexandre de Rhodes nằm ở một vị trí đẹp và trang trọng nhất tại trung tâm thủ đô, ngay trước mặt Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa, từ Dinh Độc Lập nhìn ra, con đường nầy giao nhau với đường Công Lý (nay là Nam kỳ khởi nghĩa) bên cánh trái dinh. Năm 1974, Giáo sư LM Thanh Lãng, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam uy tín nhất và lớn nhất của Việt Nam Cộng Hòa, là người đầu tiên nói với chúng tôi, "Alexandre de Rhodes không phải là ông tổ của chữ Quốc Ngữ."

 Vào những năm cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, Đức Chúa Jesus Christ khi phái những con chiên ngoan đạo của Ngài từ châu Âu đến truyền bá Phúc âm tại xứ An Nam, Ngài đã gởi họ mang đến cho dân tộc chúng ta một món quà vô giá đến muôn đời mà các thế hệ người Việt Nam có bổn phận phải biết trân trọng, gìn vàng giữ ngọc và vun đắp để giá trị ấy ngày càng đẹp hơn và phong phú hơn. Món quà đó là CHỮ QUỐC NGỮ.

 Tháng 1- 1615, ba nhà truyền giáo Dòng Tên châu Âu, gồm có hai vị người Bồ Đào Nha là Linh mục Diego Carvalho, Thầy Antonio Dias và một Linh mục người Ý là Francesco Buzomi cùng hai người Nhật là Jose và Paulo cập bến Cửa Hàn, Đà Nẵng thuộc xứ Đàng Trong. Mấy tháng sau, họ đến truyền giáo tại Hội An.

 Hội An nằm ở đoạn cuối hạ lưu sông Thu Bồn, tại đó, dòng sông đổ ra biển ở cửa Đại. Thu Bồn là con sông chính của tỉnh Quảng Nam. Hội An cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía đông nam. Vào thế kỷ 17, Hội An là một thương cảng quốc tế sầm uất, là nơi gặp gỡ của các thương gia người Bồ Đào Nha, người Trung Hoa, người Nhật, v.v... Các nhà truyền giáo phương Tẫy gọi Hội An là Faifo. Di tích của người Nhật còn lại tại Hội An cho đến ngày nay là Chùa Cầu. Chùa nầy do các thương gia người Nhật xây dựng vào thế kỷ 17. Chuá Nguyễn Phúc Chu đã đặt tên cho chùa là La Viễn Kiều. Chùa Cầu được cấp bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia ngày 17-2-1990 và nó trở thành một điểm du lịch rất hấp dẫn của Hội An. Một công trình mang dấu ấn của người Trung Hoa xưa tại Hội An là Miếu Quan Công, còn gọi là Chùa Ông. Miếu được xây dựng năm 1653. Miếu thờ Quan Vân Trường, danh tướng nổi tiếng nhất thời Tam Quốc với những đức tính: trung, dũng, tiết,  nghĩa. Chùa Ông được công nhân là Di tích Lịch sử và Văn hóa cấp Quõc giá ngày 29-1-1991 và đây cũng là một nét đẹp cổ kính của phố cổ Hội An. Những kiến trúc cổ có từ những thế kỷ trước của phố cổ Hội An, như nhà cửa, đường sá, hiện còn lưu giữ trên đường Trần Phú. Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới từ năm 1999.

 Để thuận tiện cho việc truyền đạo, các giáo sĩ phải học tiếng Việt, trong số đó, Giáo sĩ Francisco de Pina (1585-1625), người Bồ Đào Nha, là nhà truyền giáo châu Âu đầu tiên nói thạo tiếng Việt. Ông đến truyền đạo tại Hội An vào năm 1617.

 Francisco de Pina là một tu sĩ Dòng Tên. Năm 1611, tại Macao, ông theo học về khoa học xã hội, thần học và tiếng Nhật. Sau khi được thụ phong linh mục năm 1617, ông đuợc cử đến truyền đạo tại xứ Đàng Trong.

 Trong thời gian sống tại Ma cao 1611- 1617, Francisco de Pina, nhờ học được phương pháp Latinh hoá tiếng Nhật từ Giáo sĩ João Rodrigues nên khi đến Hội An, ông đã áp dụng phương pháp chuyển ngữ của João Rodrigues cùng với sự giúp đỡ của các đạo hữu và cư dân địa phương, Francisco de Pina đã nhanh chóng học được tiếng Việt để trở thành nhà truyền đạo châu Âu đầu tiên giảng đạo bằng tiếng Việt mà không cần thông dịch.

 Năm 1618, Francisco de Pina cùng với Giáo sĩ Francesco Buzomi và Giáo sĩ Christoforo Borri đến lập cơ sở truyền đạo tại Nước Mặn, Bình Định. Hai năm sau, 1620, Francisco de Pina trở lại Hội An và năm 1623, ông bắt đầu công việc truyền bá Phúc âm tại Thanh Chiêm sau khi hoàn thành việc xây dựng căn cứ truyền đạo tại đây.

 Dinh trấn Thanh Chiêm, thủ phủ của Quảng Nam dinh, cách Hội An chừng 10km, được Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chọn làm kinh đô thứ hai của xứ Đàng Trong từ năm 1602, sau kinh thành Phú Xuân, Thuận Hoá. Dinh trấn Thanh Chiêm, ngày nay, thuộc xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Để ghi dấu di tích lịch sử dinh trấn Thanh Chiêm, năm 2007, một bia tưởng niệm được dựng lên tại làng Thanh Chiêm. Và nơi đây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhân là Di tích cấp quốc gia từ ngày 24-5-2017. Cùng với Hội An là nơi đầu tiên, Thanh Chiêm là một vùng đất tại xứ Đàng Trong đón tiếp các Giáo sĩ Dòng Tên châu Âu đến truyền đạo và khai sinh chữ Quốc Ngữ. Pina chọn Thanh Chiêm vì, lúc bấy giờ, đây là một trung tâm chính trị của xứ Đàng Trong và so với Hội An là một thương cảng, cư dân Thanh Chiêm thuần nhất, nên việc học và nghiên cứu tiếng Việt của ông tại đây sẽ thuận lợi hơn.

 Theo nhà nghiên cứu lịch sử chữ Quốc Ngữ, LM Đỗ Quang Chính, năm 1620, tại Hội An, với sự cộng tác của các giáo hữu người Việt, các nhà truyền giáo châu Âu đã soạn một cuốn sách truyền đạo chép tay. Tài liệu nầy có hai bản: một bản viết bằng chữ Nôm dành cho tín hữu Việt Nam và một bản tiếng Việt ký âm theo mẫu tự Latinh dành cho các nhà truyền giáo phương Tây. LM Francisco de Pina là người thông thạo tiếng Việt nhất trong các nhà truyền giáo châu Âu; do vậy, chắc chắn rằng, ông đã đóng vai trò then chốt trong việc biên soạn văn bản tiếng Việt được Latinh hóa. Nếu vậy, đây là tài liệu tiếng Việt đầu tiên được phiên âm theo ký tự Latinh. Nhưng rất tiếc, cả hai bản chữ Nôm và chữ Việt Latinh hóa, hiện nay, vẫn chưa tìm thấy, trong khi đó, rất không may, Giáo sĩ Pina mất qúa sớm. Ông bị đuối nước và qua đời tại cửa biển Hội An tháng 12- 1625. Trong một bức thư viết bằng tiếng Bồ gởi cho cha bề trên tại Ma cao năm 1623, Pina cho biết, với sự giúp đỡ của các đạo hữu người Việt và cư dân địa phương, ông đã học được tiếng Việt. Nhờ đó, cũng trong thư này, Francisco de Pina cho biết thêm, ông đã soạn một tập sách nhỏ về chữ viết và thanh tiếng Việt và ông bắt đầu học ngữ pháp tiếng Việt.

 Linh mục Roland Jacques, nhà ngữ học người Pháp, đã bỏ ra một khoảng thời gian hàng chục năm để đi tìm bằng chứng về người đầu tiên phát minh ra chữ Quốc Ngữ. Và mới đây, tại Thư viện Hoàng gia Bồ Đào Nha, Roland Jacques tìm thấy một bức thư viết dở dài 7 trang cuả Pina gởi cho Khâm sai Jéromino Rodriquez tại Macao vào năm 1623 để tường trình về công tác truyền đạo và Latinh hóa tiếng Việt.Trong thư này, Pina viết, "Về phần tôi, tôi đã biên soạn một chuyên luận nhỏ về từ vựng và các thanh điệu của ngôn ngữ này và tôi đang bắt đầu bắt tay viết về ngữ pháp."

 Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu cho biết khi Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes tới Thanh Chiêm vào cuối năm 1624, lúc ấy, Francisco de Pina đã thông thạo tiếng bản xứ rồi. Ông Nguyễn Đình Đầu thuật lại lời Alexandre de Rhodes  rằng, "Chúng tôi thấy các cha Fernandez và Buzomi bao giờ thuyết giảng cũng có thông ngôn, chỉ có cha Pina thì khỏi cần thông ngôn vì đã nói rất thạo."VàAlexandre de Rhodes đã viết trong lời tựa từ điển Việt Bồ La như sau, "Trong công việc này ngay từ đầu tôi đã học với cha Francisco de Pina người Bồ Đào Nha là thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rầt am hiểu tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu thuyết giảng bằng phương ngữ mà không cần thông ngôn."

 Như vậy, theo các nhà nghiên cứu và các tài liệu đã dẫn ở trên, Giáo sĩ Francisco de Pina là người đầu tiên đặt nền móng cho sự ra đời của chữ Quốc Ngữ ký âm theo mẫu tự Latinh. Ngoài ra, tại Thanh Chiêm, Pina còn dạy tiếng Việt cho Alexandre de Rhodes và Antonio de Fontes, đồng thời, ông cũng dạy tiếng Latinh cho các giáo hữu người Việt. Nhưng rất tiếc, trong khi công việc đang còn dang dở thì ông đột ngột vĩnh viễn ra đi ở độ tuổi 40 và đất Quảng Nam có được vinh dự là nơi yên nghỉ cuối cùng của ông.

 Căn cứ vào các bản tường trình viết tay của các nhà truyền đạo gởi về La Mã từ năm 1621- 1626 để tường thuật về hoạt động truyền đạo tại xứ Đàng Trong, chúng ta biết rằng chữ Quốc Ngữ trong giai đoạn phôi thai chưa có cách quãng giữa các từ và cũng chưa có dấu. Dưới đây là những chữ Quốc Ngữ có trong hai tài liệu chép tay bằng tiếng Bồ và tiếng Latinh năm 1621  của hai Giáo sĩ người Bồ là João Roiz và Gaspar Louis: Sinoa (xứ Hoá tức Thuận Hoá), unsai (ông sãi), Cacham (Kẻ Chàm tức Thanh Chiêm), ungue (ông nghè), v.v...

 Giáo sĩ người Ý Christoforo Borri (1583-1632) đến cửa Hàn, Đà Nẵng năm 1618. Sau đó, ông cùng các Linh mục Francisco de Pina và Francesco de Buzomi (1576- 1639)) đi lập cơ sở truyền giáo tại Nước Mặn, Bình Định. Năm 1621, ông rời Nước Mặn để trở về Ma Cao.Tuy sống ở Đàng Trong có ba năm, nhưng Borri khá thạo tiếng Việt. Ông trở thành nhà Việt học phương Tây đầu tiên khi ông biên soạn  cuốn "Xứ Đàng Trong." Tác phẩm nầy của Borri nói về công việc truyền giáo, thiên nhiên và con người xứ Đàng Trong. Sách được xuất bản bằng tiếng Ý tại Roma lần đầu vào năm 1631, sau đó,  sách được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Hà Lan, tiếng Latinh, tiếng Đức và tiếng Anh.Trong sách Xứ Đàng Trong của Borri, chúng ta bắt gặp nhiều điạ danh tiếng Việt gần giống như tiếng Việt của năm 1621, như Sinua (xứ Hoá, tức Thuận Hoá), Cacciam (Kẻ Chàm, tức Thanh Chiêm), Quamgua (Quảng Ngãi), Quignin (Qui Nhơn), Renran (sông Đà Rằng, Phú Yên). Như vậy, căn cứ vào các tài liệu nêu trên, chúng ta biết được rằng chữ Quốc Ngữ trong giai đoạn sơ khai chưa có khoảng cách giữa các từ và chưa có dấu.

 Năm 1626, chữ Quốc Ngữ trong các tài liệu chép tay của các Giáo sĩ như Antonio de Fontes, một học trò của Francisco de Pina, Gaspar Louis, Francesco Buzomi bắt đầu xuất hiện dấu thanh và khoảng cách giữa các từ,  như Dĩgcham (Dinh chàm, tức Thanh Chiêm), Nuócman (Nước Mặn), Sinúa (xứ Hoá), ondóc (ông đề đốc), thien chu (thiên chúa), ngoac huan (ngọc hoàng), xám ti (thượng đế), v.v...

 Hai vị Giáo sĩ Dòng Tên người Bồ, Gaspar do Amaral (1592-1645) và Antonio Barbosa (1594-1647) cùng đến truyền đạo tại Đàng Ngoài. LM Gaspar do Amaral đến Đàng Ngoài vào tháng 11 năm 1929 và sau đó, ông đến Thăng Long. Amaral giỏi tiếng Việt và tiếng Nhật. Ông là tác giả cuả tự điển Việt Bồ La. LM Antonio Barbosa (1594-1647) đến Đàng Ngoài vào cuồi tháng 4- 1636. Ông đã biên soạn tự điển Bồ Việt. Hai cuốn từ điển nầy là nền tảng cuả tự điển Việt Bồ La của LM Alexandre de Rhodes sau này. Nhưng, rất lấy làm tiếc, cả hai vị tác giả đều mất trước khi hai công trình quý giá nói trên được xuất bản. Cả hai cuốn từ điển nầy đẽn nay vẫn chưa được tìm thấy.

 Như vậy, sự ra đời của chữ Quốc Ngữ là công trình của các nhà truyền bá đạo Cơ đốc người châu Âu, gồm có người Bồ Đào Nha và người Y, tại nước ta vào nửa đầu thế kỷ 17, trong đó có sụ hợp tác của các tín hữu người Việt và cả cư dân địa phương. Các vị Giáo sĩ như Francisco de Pina, Christoforo Borri, Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa, Francesco Buzomi, v.v...là những người đi tiên phong trong việc hình thành chữ Quốc Ngữ ở giai đoạn sơ khai, trong đó, Linh Mục Francisco de Pina là nhà truyền giáo châu Âu đầu tiên giảng đạo bằng Việt ngữ và ông được xem là người đầu tiên đặt nền móng cho việc ghi âm tếng Việt theo mẫu tự Latinh.

 Alexandre de Rhodes (1593-1660) là một giáo sĩ Dòng Tên người Pháp, đến Đàng Trong vào tháng 12 năm 1624, bảy năm sau Francisco de Pina. Khi ông đến đây thì việc ghi âm tiếng Việt theo mẫu tự Latinh đã và đang được thực hiện. Tại Thanh Chiêm, ông đã học tiếng Việt với LlM Francisco de Pina và người dân địa phương, một đứa trẻ khoảng 12 tuổi. Alexandre de Rhodes viết, "Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chủ bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ." Alexandre de Rhodes truyền đạo cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài và nhiều lần bị các chúa trục xuất, lần cuối là vào năm 1645. Khi trở về Roma, năm 1651, Alexandre de Rhodes đã xuất bản TỪ ĐIỂN VIỆT BỒ LA và PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY. Cuốn từ điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes được biên soạn dựa trên hai cuốn từ điển đã nói ở trên của Amaral và Barbosa. Ông viết, "Tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều cha khác cùng Hội dòng nhất là của cha Gaspar do Amaral và cha Antonio Barbosa. Cả hai ông đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển. Ông trước bắt đầu bằng tiếng Nam (từ điển Việt Bồ) ông sau bằng tiếng Bồ Đào Nha ( từ điển Bồ Việt), cả hai ông đều đã chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng Latinh theo lệnh của Hồng Y rất đáng tôn."

 Từ điển Việt Bồ La và Phép Giảng Tám Ngày được Thánh bộ Truyền bá Đức tin ấn hành tại Roma năm 1651. Từ điển có khoảng 8.000 từ tiếng Việt được dịch ra tiếng Bồ và tiếng Latinh. Từ điển còn có phần tóm tắt ngữ pháp tiếng Việt và cách phát âm. Phép Giảng Tám Ngày là một sách giáo lý đạo Cơ đốc dày 319 trang.  Đó là một tác phẩm văn xuôi song ngữ. Mỗi trang có hai cột song song: tiếng Latinh bên trái và tiếng Việt bên phải. Đây là văn bản hoàn chỉnh đầu tiên cuả chữ Quốc Ngữ hiện còn lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng,  thôn Hội Phú, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Như vậy, tuy không phải là một trong những tác giả khai sinh ra chữ Quốc Ngữ, nhưng công lao của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đối với chữ Quốc Ngữ là hết sức lớn lao và cực kỳ quan trọng : Ngái là người có công  PHÁT TRIỂN và TRUYỀN BÁ CHỮ QUỐC NGỮ trong giai đoạn khởi thuỷ. Tự điển Việt Bồ La là cuốn từ điển Việt ngữ đầu tiên được xuất bản. Nó khai mở việc biên soạn từ điển và ngữ pháp tiếng Việt ở nước ta và LM Alexandre de Rhodes có thể được xem là một người đi tiên phong trong lãnh vực này. Phép Giảng Tám Ngày của Ngài là tác phẩm văn xuôi đầu tiên trong lịch sử phát triển chữ Quốc Ngữ.

 Năm 1655, LM Alexandre de Rhodes đến truyền đạo tại Ba Tư và qua đời tại đây vào năm 1660.

 

Nhân ngày giỗ lần thứ 358 của LM Alexandre de Rhodes, ngày 05 tháng 11năm 2018, một phái đoàn Việt Nam gồm 20 người, trong đó có các nhà khoa học, văn học nghệ thuật, báo chí, nhiếp ảnh gia, v.v...đại diện cho ba miền Bắc Trung Nam của đất nước và có cả đại diện người Việt hải ngoại đã tổ chức một chuyến hành hương đến tận nơi an nghỉ cuối cùng của LM Alexandre de Rhodes tại thành phố Isfahan, Iran. Phái đoàn mang theo một tấm bia tưởng niệm bằng đá lấy từ Quảng Nam là nơi đầu tiên Ngài đặt chân đến tại Việt Nam để thực hiện sứ mệnh truyền đạo. Bia được khắc bằng bốn thứ tiếng: Việt, Pháp, Anh và BaTư. Bia tưởng niệm được đặt ngay tại mộ Alexandre de Rhodes trước sự chứng kiến của chính quyền thành phố Isfahan, đại diện đạo Thiên  Chúa và đạo Hồi tại địa phương. Bia tưởng niệm mang dòng chữ, "Tri ân Cha Alexandre de Rhodes đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác Chữ Quốc Ngữ - chữ Viết viết theo ký tự Latinh." Ngoài bia tưởng niệm tri ân công đức Giáo sĩ Alexandre de Rhodes, đoàn còn mang theo một tấm bia nhỏ hơn khắc họa chân dung của Alexandre de Rhodes và cuốn từ điển Việt Bồ La của Ngài. Trong bài diễn văn tôn vinh công lao đóng góp của LM Alexandre de Rhodes đối với sụ ra đời của chữ Quốc Ngữ, vị trưởng đoàn, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, đã nhấn mạnh, "Tiếng Việt còn, nước ta còn." Và sau các bài phát biểu tham luận, tất cả các thành viên của đoàn, mỗi người cầm một bông hoa, đi chậm rãi vòng quanh mộ Alexandre de Rhodes và cùng đồng thanh cất lên tiếng hát "Tình ca" của cố Nhạc sĩ Phạm Duy, "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời... người ơi. Mẹ hiền ru...à ơi... tiếng ru muôn đời.. Tiếng nước tôi bốn nghìn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi..." Buổi lễ diễn ra trong bầu không khí trang trọng và gây xúc động cho những ai quan tâm đến việc bảo tồn chữ Quốc Ngữ.

Chữ Quốc Ngữ là hồn  dân tộc. Chúng ta không thể hình dung được, ngày nay, chữ viết của chúng ta là chữ gì, chữ Hán, chữ Pháp, gần đây là chữ Nga hoặc quay lại với chữ Hán, nếu không có chữ Quốc Ngữ. Đó là một cống hiến vĩ đại cuả Kitô giáo với dân tộc. Bên cạnh sự ra đời của chữ Quốc Ngữ, những người con Chuá còn là những người mở đường cho nền văn học Quốc Ngữ. Văn khố Dòng Tên ở La Mã hiện còn lưu giữ những tài liệu viết tay đầu tiên bằng chữ Quốc Ngữ cuả Thầy Igesico Văn Tín và Thầy Bentô Thiện. Đó là những bức thư gửi cho Giáo sĩ Philippo Marini vào tháng 9 và tháng 10 năm 1659. Thầy Bentô Thiện còn là người đầu tiên viết lịch sử dân tộc bằng chữ Quốc Ngữ. Năm 1865, một tín đồ nổi tiếng cuả Kitô giáo, Học giả Pétrus Ký, đã khai mở nền báo chí Việt Nam với tờ Gia Định báo. Đó là tờ báo đầu tiên viết bằng chữ Quốc Ngữ. Đại Nam Quấc âm tự vị 1895-1896 của Paulus Của là cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên do người Việt biên soạn sau ba cuốn đã xuất bản trước đó của ba nhà truyền đạo người Pháp là LM Alexandre de Rhodes 1651, Giám Mục Pierre Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc) và của Giám Mục Jean Louis Taberd năm 1838. Truyện ngắn Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản xuất bản lần đầu năm 1887 tại Sài Gòn là tiểu thuyết văn xuôi đầu tiên viết bằng chữ Quốc Ngữ trong lịch sử tiểu thuyết nước ta.

 Đất nước Việt Nam chúng ta, mỗi vùng miền mang một sắc thái riêng, trong đó có ngôn ngữ. Tiếng Việt phát âm theo giọng Quảng Nam chỉ có người Quảng Nam rốn mới nói đúng và hiểu được dễ dàng. Có những chữ rất dễ phiên âm như "ă" trong từ "ăn" nói thành "en," nhưng ngược lại, nguyên âm "a" trong nhiều từ rất khó để ký âm chính xác. Ví dụ từ "ba" nói theo giọng Quảng, không phải "boa" cũng không phải "ba." Nó nằm giữa "a" và "oa." Tương tự, nguyên âm "a" trong từ "tham" là sự kết hợp của ba nguyên âm "a" "o" và "ô," nhưng hai nguyên âm "a" và "o" đi liền nhau  thì nghiêng hẳn về "ô" như "bao" thì nói là   "bô," cái "áo" thành cái "ố," v.v...Các Giáo sĩ phương Tây khi đến xứ Đàng Trong, họ đặt chân lên Hội An trước. Tại đây, LM Alexandre de Rhodes, khi nghe phụ nữ nói chuyện với nhau, ông đưa ra nhận xét người Việt nói nghe như chim hót. Khác với nữ giới, theo nhà văn Nguyễn Khắc Phục, hai người đàn ông là bạn thân thiết và cùng là dân xứ Quảng, lâu ngày gặp lại, họ nói chuyện vồn vã với nhau, mới nghe qua, tưởng chừng như họ đang gây gổ. Cương trực và bộc trực là một địa phương tính của người Quảng Nam; do vậy, Nguyễn Khắc Phục đã ví phong cách làm cách mạng của người Quảng Nam như tiếng chuông nhà thờ. Chúng tôi là người Quảng Nam chính thống, nhưng so với "Học phí trả bằng máu" của Nguyễn Khắc Phục, sự hiểu biết của tôi về đất nước và con người Quảng Nam chỉ là i tờ, mặc dù nhà văn không phải là người Quảng Nam. Nhưng, càng tìm hiểu, chúng tôi càng nhận ra rằng Quảng Nam là một vùng đất đặc biệt của dải đất duyên hải miền Trung. Càng hiểu, chúng tôi càng trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa và càng thêm yêu mến những địa phương tính của người dân xứ Quảng. "Quảng Nam hay cãi " vì họ không chấp nhận những cái vô lý và bất công. Đất Quảng Nam có vinh dự là điểm đến đầu tiên của các giáo sĩ phương Tây khi họ đến xứ Đàng Trong truyền đạo để rồi sau đó Hội An và Thanh Chiêm trở thành những vùng đất đầu tiên khai sinh chữ Quốc Ngữ.

Dân tộc Việt Nam chúng ta, tuy không có được những triết lý tôn giáo cao siêu như đạo Phật và đạo Bà la môn của người Ấn Độ cổ đại, chúng ta cũng không có một hệ thống triết lý làm nền tảng đạo đức và luân lý cho một số xã hội Á Đông, trong đó có Việt Nam, trong suốt mấy ngàn năm như Nho Giáo của người Trung Hoa, nhưng văn học dân gian nước ta chuyển tải nhiều nhân sinh quan cao đẹp. Một trong những giá trị đó là, "ĂN QUẢ NHỚ KẺ TRỒNG CÂY."

 

Việt Nam bị người Tàu đô hộ đến cả nghìn năm. Chúng âm mưu đồng hoá dân tộc ta, nhưng âm mưu đó bị thất bại trướ sức sống mãnh liệt của Tổ Tiên chúng ta. Sự quật khởi của dân tộc, về phương diện ngôn ngữ, đó là chữ Nôm và từ Hán Việt. Tiếng mẹ đẻ là hồn thiêng sông núi. Chúng ta là người Việt Nam, không phải là kẻ ngoại bang, nên chúng ta phải biết trân trọng, nuôi dưỡng và phát huy những giá trị tinh hoa cao quý để dân tộc trưởng tồn mãi mãi. "TRUYỆN KIỀU CÒN, TIẾNG TA CÒN. TIẾNG TA CÒN, NƯỚC TA CÒN." (Phạm Quỳnh).





DIỂN VĂN LỄ THANH MINH TỘC LÊ VĂN

NĂM ĐINH DẬU 2017

Kính thưa:

Khách mời

Họ tộc bạn

Bà con Nội,Ngoại ,Dâu, Rễ tộc Lê Văn

  Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, từ xa xưa Tết Thanh minh đã trở thành lễ hội quan trọng, thiêng liêng, đi sâu vào tiềm thức của biết bao người Việt Nam trong và ngoài nước.

   

Thanh minh là cái tết lớn đối với dòng tộc Lê Văn chúng ta, nhưng lại gắn liền với đạo đức, với bổn phận con người Việt Nam - bổn phận của con cháu tưởng nhớ công lao của ông bà tổ tiên, của những người đi trước. Đây chính là ngày giỗ tổ chung để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, gọi là đền đáp phần nào công ơn sinh thành tạo dựng của tổ tiên,dòng họ.

                                 " Dù ai đi ngược về xuôi

                    Nhớ ngày giổ Tổ mồng mười tháng ba”

Dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày Thanh minh âm lịch cũng cố gắng về với từ Đường dòng tộc  để được đi tảo mộ, để cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp cùng quê hương dòng tộc  Những ngôi mộ được người trong dòng tộc dọn dẹp sạch sẽ, vun đắp thêm đất mới, đó là những tâm đức của    người đang sống đối với người đã khuất.

  Đó cũng là lý do chúng ta thực hiện buổi gặp mặt hôm nay !

  Đại văn hào Nguyễn Du cũng có nhắc đến mùa Thanh Minh mùa hướng về ông bà cha mẹ.

“Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Thanh minh trong tiết tháng Ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh”

Nhiều năm qua chúng ta tổ chức đúng ngày 10 tháng 3 âm lịch dòng họ chúng ta đều tập trung về Từ đường để gặp lại bà con dòng họ, thăm hỏi về sức khoẻ và công việc làm ăn ,chia sẽ mọi niềm vui và cả nỗi buồn ,cha ông chúng ta dạy rằng : “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”.

  Dòng họ chúng ta năm qua có một số gia đình thăng tiến về công ăn việc làm,số khác thành đạt về con đường học vấn của con cái đổ đạt : Cử nhân;Thạc sĩ;Tiến sĩ …Cũng như việc dựng vợ gã chồng yên bề gia thất cho con cái.Thêm những thành viên mới gia nhập vào dòng tộc chúng ta.

  Bên cạnh cũng còn những yếu kém chưa vực dậy được về kinh tế quê nhà ,được mùa mất giá ,được giá mất mùa những khó khăn cần được khắc phục .Tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách hợp lý nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống.

Công việc chúng ta đã thực hiện :

  Trong năm qua chúng ta cũng đã trùng tu nhà thờ ,xây tường rào che chắn phía sau nhà thờ,quét vôi tô vẽ cổng ngõ ,chúng ta cũng tổ chức các nghi thức tế lễ tại nhà thờ tộc Lê Văn trong các dịp lễ trong năm một cách trang trọng mang tính truyền thống  ,việc tổ chức thành công cũng nhờ Con,Cháu,  Dâu, Rễ  tộc Lê Văn luôn làm việc với tinh thần đoàn kết và trách nhiệm.

  Về Hội Khuyến Học: chúng ta đã thực hiện nhiều năm nay bằng nhiều hình thức phát sách vở từ cấp một đến cấp ba trước mùa tựu trường. Nhưng năm nay không thể duy trì hình thức trên vì giáo trình sách giáo khoa thiếu đồng nhất ,khác biệt vùng miền nên chúng ta thưởng cho các em trong dòng họ có thành tích xuất sắc trên 30 xuất từ cấp 1 đến cấp 3 bằng hiện kim có giá trị từ 200.000vnd đến 500.000vnd,có em được nhận học bổng toàn phần trong niên học 2015-2016 ;tạo công ăn việc làm sau khi ra trường 2 trường hợp , tạo động lực cho các em có tiêu chí phấn đấu .Chúng ta theo đuổi đến cùng về việc khuyến khích các em đi học không để con em trong dòng tộc thất học vì lý do nghèo khó.

       Trong việc đạt được đối với chúng ta là nhờ từ những mạnh thường quân như Ông :Lê Văn Quang ; Lê Văn Linh … Mặt khác sự tận tình từ bà con trong nước và nước ngoài đã luôn hướng về cội nguồn , anh em tại địa phương đã thể hiện tinh thần đoàn kết và trách nhiệm .

 

  Đặc biệt năm nay chúng ta đón bà con từ:Huế ,Phan Thiết ; Nha Trang;TP HCM…về dự lễ Thanh Minh ,chúng ta cho một tràn pháo tay hoan nghinh trân trọng nghĩa cử nầy.

  Về Hội Khuyến Học sẽ thông qua kết quả thống kê số học sinh đạt thành tích cao trong năm học vừa qua.Sau đây Hội trưởng Hội Khuyến Học sẽ lên báo cáo về danh sách những con em đạt thành tích cao trong học tập lên nhận phần thưởng

  Tất cả hoạt động của dòng tộc sẽ được thông qua trong trang web : levan1618.

  Nhân dịp Lễ Thanh Minh Đại diên Hội Đồng Gia Tộc tôi gửi đến bà con người thân trong gia đình lời chúc sức khoẻ,hạnh phúc và thành đạt.

Xin cảm ơn

)

Ai cũng có thể... tự bấm huyệt trị bệnh

Bấm huyệt Thập Chỉ Đạo là phương pháp chữa bệnh độc đáo của các lương y Việt Nam.( Xem tiếp)