Lịch sử trường

Lịch sử Trường

Cách đây 30 năm trường THPT Tam Giang đã được thành lập. Sự ra đời của nhà trường sau khi miền Nam hoàn toàn được giải phóng là cái mốc rất quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới cho nhân dân 8 xã thuộc 2 huyện Phong Điền và Quảng Điền. Một bước nhảy vọt chưa từng có trong lịch sử của sự học tập ở một vùng đất cát ven bờ phá Tam Giang lắm cách trở và đầy gian nan.

Hội đồng sư phạm Nhà Trường

Tiền thân của trường THPT Tam Giang là các lớp cấp II, III được hình thành ngay sau những ngày quê hương được hoàn toàn giải phóng, đến ngày 02-9-1976 mới chính thức hình thành trường cấp III Phong Điền. Đây là ngôi trường cấp III đầu tiên trên mảnh đất huyện Phong Điền.Thầy hiệu trưởng lúc đó là thầy giáo Hồ Viết Ảm. Từ đó đến nay trường đã qua nhiều tên gọi khác nhau như: Trường Cấp III Phong Điền, trường phổ thông trung học số 3 Hương Điền, trường phổ thông cấp 2-3 Tam Giang, trường trung học phổ thông Tam Giang. Hiện nay trường nằm trên đường Quốc lộ 49B, thuộc địa phận xã Điền Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hơn 30 năm qua, trường đã không ngừng phát triển về quy mô cũng như chất lượng giáo dục. Nhiều thế hệ học sinh của trường đã và đang trưởng thành đi khắp mọi miền của đất nước, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều muốn nói ở đây nhờ có ngôi trường mà trình độ dân trí của cả vùng được nâng lên một bước.

Nhà trường xin điểm qua vài nét xây dựng và trưởng thành suốt hơn 30 năm qua mà nhà trường đã đạt được:

Về cơ sở vật chất : khi mới hình thành chỉ được 1 dãy gồm 8 phòng học cấp 4 xuống cấp trầm trọng, là nơi căn cứ quân sự của chế độ cũ để lại, đây cũng là cơ sở một trường trung học đệ nhất cấp. Cho nên khi mới tiếp quản để làm trường học, thì hầu như không có gì, nhưng lại bộn bề mọi nỗi nhọc nhằn khó khăn để đáp ứng cho công việc giảng dạy, học tập của nhà trường.

Qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử hơn 30 năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của ngành, của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, của phụ huynh học sinh, những người có tâm huyết với nhà trường và bằng sự nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo nhà trường, các thế hệ thầy cô và các thế hệ học sinh nhà trường đã có những đổi thay rất lớn.

Vào năm 1998 trường đã được xây dựng mới tại một địa điểm cách trường cũ 500m về phía Bắc. Hiện nay bộ mặt của nhà trường được khang trang,môi trường xanh - sạch - đẹp với diện tích gần 2 hecta, gồm 20 phòng học, 1 phòng thư viện đã được công nhận đạt chuẩn từ năm 2003, 3 phòng vi tính, 1 phòng hoá chất, 3 phòng thực hành bộ môn, 2 phòng ứng dụng CNTT, đầy đủ các phòng làm việc của khu hiệu bộ, các thiết bị, phương tiện hỗ trợ, góp phần đổi mới phương pháp dạy học tương đối đầy đủ để phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập.

Về qui mô số lớp và học sinh: Lúc đầu mới hình thành chỉ có 5 lớp với sỉ số 291 học sinh (trong đó cấp II 3 lớp: 120 học sinh; cấp III 5 lớp:171 học sinh). Khi mang tên cấp III Phong Điền chính thức có 5 lớp với 208 học sinh, từ năm học 1989-1990 trở về trước số lớp chỉ dao động từ 5 đến 8 lớp là tối đa với số lượng chưa quá 330 học sinh cả toàn trường. Do điều kiện kinh tế của phụ huynh quá khó khăn, nên số lượng học sinh đến trường rất hạn chế, có những năm e rằng trường sẽ không tồn tại, vì lý do quy mô của một trường cấp III quá nhỏ. Những năm đó không riêng gì đối với trường mà nhìn chung nhiều trường, đặc biệt là ở vùng nông thôn thì cũng có hoàn cảnh tương tự như vậy.

Từ năm học 1990-1991 đến năm học 1998-1999, chủ trương chung của ngành giáo dục, ghép một số trường cấp III với cấp II trở thành mô hình trường phổ thông cấp 2-3, để duy trì được trường lớp, tạo điều kiện học tập cho con em ở các vùng. Năm học 1999-2000, do số lượng học sinh bậc trung học tăng nhanh, trường lại được tách bộ phận cấp II ra khỏi cấp III để trở lại trường trung học phổ thông.

Từ năm 2000-2001 đến nay trường luôn luôn có số lớp từ 34 đến 36 lớp với sĩ số bình quân hàng năm gần 1500 học sinh, năm học 2005-2006 có 35 lớp với 1483 học sinh.

Chất lượng giáo dục: Mặc dù là một trường xa xôi, cách trở, gặp không ít khó khăn, nhưng chất lượng giáo dục không thua kém các trường có điều kiện thuận lợi hơn, như tỉ lệ tốt nghiệp bình quân hàng năm 92%, thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp hàng năm khoảng 45%, đã có hơn 5610 học sinh tốt nghiệp THPT.

Trong nhiều năm học trường đã có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh và cũng có học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia. Phong trào văn hoá, văn nghệ là mặt mạnh của trường, luôn dẫn đầu của khối THPT trên địa bàn huyện Phong Điền. Qua các lần Hội thi tiếng hát của ngành, huyện và Hội khoẻ phù Đổng, Đại hội TDTT, học sinh của trường đã đạt được những thành tích đáng kể, với hàng chục giải và huy chương các loại. Nhiều năm liền nhà trường vinh dự được UBND tỉnh và UBTDTT tặng bằng khen về hoạt động TDTT.

Nhiều học sinh cũ của trường, nay đã có học hàm, học vị cao như PGS.TS Cao Ngọc Thành, TS Nguyễn Văn Dũng, TS Nguyễn Văn Tập, TS Hoàng Đức Minh..., còn nhiều học sinh đang nghiên cứu sinh trong và ngoài nước, hàng chục học sinh đã có bằng thạc sĩ. Nhiều học sinh hiện nay đang giữ vai vế chủ chốt trong các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, các ngành.

Về chất lượng đội ngũ: Đội ngũ CB-GV của trường qua bao thế hệ đều có tay nghề vững vàng, tận tâm, tận lực với học sinh, luôn yêu nghề, mến trẻ, những năm tháng trong quá khứ có lúc lắm nỗi khó khăn, tưởng chừng có người không vượt qua được, nhưng họ đã biết vượt lên trên hoàn cảnh của đời thường, với bao bề bộn lo toan trong cuộc sống, để miệt mài nghiêng mình trên từng trang giáo án, quyết tâm đứng vững trên bục giảng, ai ai cũng chỉ vì một mục tiêu “Tất cả vì học sinh thân yêu của chúng ta”.

Sự cống hiến của đội ngũ thầy cô giáo càng làm cho các cấp uỷ, chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh học sinh ghi nhớ, trân trọng mãi mãi .Suốt trong chặng đường vừa qua đã hơn 10 cán bộ, giáo viên nhận kỷ niệm chương “vì sự nghiệp giáo dục” do Bộ Giáo dục - Đào tạo trao tặng. Hàng năm có khoảng 25 cán bộ giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp cơ sở. Nhiều thầy cô giáo không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có 4 giáo viên đã học xong cao học, nhiều thầy cô hoàn thành các chứng chỉ sau đại học, và qua nhiều lớp bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ khác. Hiện nay trường có 72 cán bộ, giáo viên đều đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn theo quy định. Nhìn chung đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ bề dày kinh nghiệm để đảm đương nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đối với các tổ chức chính trị, đoàn thể của nhà trường:

Chi bộ luôn luôn đạt chi bộ trong sạch, vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Công đoàn nhiều năm liền đạt danh hiệu vững mạnh và vững mạnh xuất sắc.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh liên tục đạt danh hiệu vững mạnh, được tỉnh đoàn và Trung ương đoàn tặng cờ và bằng khen.

Hội chữ thập đỏ của trường trong nhiều năm liền được tỉnh Hội tặng giấy khen, UBND tỉnh và Hội chữ thập đỏ Việt Nam tặng bằng khen.

Công tác xã hội:

Trường không ngừng phối hợp với Hội cha mẹ học sinh trong việc giáo dục con em và huy động tranh thủ với các tổ chức, cá nhân từ thiện, giàu lòng tâm huyết kêu gọi sự giúp đỡ về tinh thần lẫn vật chất, góp phần tăng cường cơ sở vật chất, và tặng thưởng cho những học sinh ưu tú vào cuối năm, kịp thời động viên mọi phong trào hoạt động của thầy và trò.

Nhà trường không ngừng tăng cường phối hợp với các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và đặc biệt là lực lượng công an xã, huyện để thắt chặt tay ba phối hợp tốt việc giáo dục con em, góp phần ổn định kỷ cương nền nếp của nhà trường, đầy lùi các hiện tượng tiêu cực từ xã hội xâm nhập học đường.

Chi đoàn giáo viên đã nhiều năm kết nghĩa với chi đoàn đồn biên phòng 216, để không ngừng thắt chặt mối tình đoàn kết quân dân, thông qua các hoạt động giao lưu để giáo dục ý thức bảo vệ Tổ quốc cho học sinh. Nhà trường làm tốt công tác từ thiện nhân đạo, thông qua Hội cơ sở chữ thập đỏ ủng hộ xây dựng 2 nhà tình thương, giúp đỡ nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam và các hoạt động cứu trợ từ thiện khác.

Với những nỗ lực cố gắng như vậy trong nhiều năm qua nhà trường luôn đón nhận danh hiệu tập” thể lao động xuất sắc.”

Có được những thành quả như hôm nay là nhờ sự nỗ lực phấn đấu không hề mệt mỏi của bao thế hệ thầy trò, đã và đang công tác, học tập dưới mái trường Tam Giang yêu quý này.Bên cạnh đó được sự quan tâm chỉ đạo, động viên sâu sát của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, mà trực tiếp là Sở GD-ĐT TTHuế, cũng như tấm lòng thành của Hội cha mẹ học sinh, sự giúp đỡ của ban ngành các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, những cá nhân giàu lòng hảo tâm đã dành cho nhà trường.

Trên đây nhà trường chỉ điểm lại một vài bước chuyển mình trong vô vàn gian khổ, nhưng đầy tự hào mà nhà trường đã đi qua. Để khi nghĩ về mái trường, mỗi một chúng ta hôm nay và mai sau cũng đều phải biết giữ gìn, phát huy truyền thống cao đẹp đó. Đồng thời quyết tâm khắc phục những gì còn hạn chế, không ngừng phấn đấu xây dựng trường THPT Tam Giang sớm đạt chuẩn Quốc gia và từng bước nâng lên một tầm cao mới.

Trường THPT Tam Giang