- VAI TRÒ NGƯỜI TRỢ TÁ :

Khóa 3 Ngày đã trở thành phương tiện biến cải những người bình thường được tuyển chọn để họ có thể chia sẻ cuộc sống Kitô hữu của mình với người khác. Không nên quên điều này là: mục tiêu và đối tượng của Khóa 3 Ngày chính là những người tham dự.Khóa học ngắn hạn, cô đọng để cùng với người khác sống những gì là căn bản để trở thành Kitô hữu, không phải để hoán cải con người về với Chúa Kitô mà thôi, nhưng cũng để trở về vị trí của mình trong Giáo Hội. Một lối sống như một tông đồ giáo dân trong thế giới của họ, đó là gia đình, khu xóm, sở làm, và cuộc sống xã hội.

Trợ tá là ai?

Trợ tá là tất cả mọi thành viên của Ban Ðiều Hành Khóa Cursillo (cũng gọi là Ban Lãnh Ðạo Khóa) (Team of Leaders, Team members, Leaders), Trợ tá gồm cả các Rollista và những người trợ tá trong các Decuria (Table Group) và trợ tá trong các ban Học tập, Ẩm thực, Hành chánh và Phụng vụ.

Trong cuốn Tư Tưởng Căn Bản Về Phong Trào Cursillo viết

VAI TR Ò TR Ợ T Á

287. a) - Dầu có giữ vai trò là rollista hay không, phận sự chính của tất cả các Trợ tá trong Khóa Tĩnh Huấn Cursillo là giữ thái độ thân mật bằng hữu với các Khóa sinh, ngõ hầu giúp họ gặp gỡ với Chúa Kitô. Trong căn bản, các Trợ tá phải có những cử chỉ sau đây:

- Luôn luôn sẵn sàng phục vụ các khóa sinh;

- Quan tâm một cách tế nhị đến các khó khăn trở ngại của họ;

- Giúp đỡ họ vượt thắng những nghi nan hoặc lo lắng;

- Ðồng hành với họ qua các bước khó khăn;

- Nêu gương sáng chứng nhân về sự hiện diện của Chúa;

- Ðưa họ đến gặp gỡ Chúa trong lời kinh nguyện.

288. b) - Và như vậy Trợ tá:

- Chấp nhận với tất cả tấm lòng đơn thành sự tín cẩn mà Giáo Hội đã đặt nơi họ, và cam kết dấn thân sống gương mẫu như dấu chỉ ngời sáng của chân lý mà họ đang tuyên giảng.

- Biết được rằng họ có trách nhiệm kiếm tìm lâu, và khó nhọc những đường lối thuận lợi nhất và những ngôn từ thích đáng nhất để truy ra tận gốc bất cứ vấn đề nào mà mỗi khóa sinh đang gặp phải;

- Ý thức rằng mình đã được tuyển chọn để tác động như nhân tố cho việc hoán cải tâm hồn, ngõ hầu khiến thời giờ của Chúa gặp gỡ mọi khóa sinh đến nhanh chóng hơn, đồng thời vẫn kính trọng sự tự do của khóa sinh.

- Sẵn sàng dâng hiến con người mình để Ngôi Lời sử dụng và tác động trong việc tuyên giảng;

- Tìm được sức mạnh trong những lần viếng Thánh Thể. Việc cầu nguyện trước Thánh Thể đánh động lòng Chúa hơn.

- Cậy trông vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần;

- Hiểu được rằng toàn thể vai trò của mình có thể gồm tóm trong một chữ: phục vụ.

Noi gương theo tính cách phục vụ của Đức Kytô, chúng ta cần đào sâu hơn để thấm nhập vào tinh thần phục vụ của Ngài hầu mỗi ngày trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài hơn. Tinh thần phục của ĐK gắn liền với tinh thần trách nhiệm.

1. Tinh thần trách nhiệm

Phục vụ nổi bật hơn cả là tinh thần trách nhiệm. Trách nhiệm trước tiên nằm trong trách vụ mà mình được giao phó. Điều gì thuộc về trách nhiệm của mình đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt hy sinh, cho dù sự hy sinh đó xem ra có vẻ quá lớn lao đang khi kết quả của nó quá nhỏ bé và không chắc chắn. Tuy nhiên chúng ta phải xét tính cách giá trị của nó trước cái nhìn của Chúa chứ không xét theo thành quả trước sự đánh giá của người đời. Cử chỉ người chăn chiên lặn lội đi tìm một con chiên lạc trong tổng số 100 con chứng minh cho chúng ta thấy điều đó.

Chúng ta luôn ưa thích những thành quả lớn lao và dễ dàng đang khi tinh thần trách nhiệm thì nhiều khi rất khó khăn và thành quả rất âm thầm.Nhưng đó lại là điều biểu hiện tấm lòng nhân hậu mà Chúa ưa thích nhất.

Trong tinh thần trách nhiệm chúng ta cần xét theo ý Chúa chứ không phải ý người ta. Vì thế phục vụ trước tiên là phục vụ chính Chúa, Đấng đảm nhiệm mọi ý nghĩa và giá trị của công việc chúng ta làm để đưa nó vào chương trình cứu độ của Ngài.

Trong tinh thần trách nhiệm cũng cần phải luôn biết rằng, mình phục vụ và người khác cũng đang phục vụ. Sự phục vụ trong vai trò của chúng ta không được làm hư hại hay hạ thấp sự phục vụ của người khác.

Giá trị của phục vụ không nằm trong công việc lớn nhỏ, trong vai trò hay chức vụ, nhưng nằm trong tâm tình, ý hướng và cách thái của người phục vụ. Sự phục vụ chân chính trong tinh thần trách nhiệm bao giờ cũng đòi hỏi một sự tế nhị, nhường bước để tạo được hoà khí sinh động, bình đẳng và bổ túc cho nhau trong mọi công việc. Phục vụ mà gây ra bất an, hổn loạn và hư hại cho người khác thì quả là sự phục vụ bất chính.