hủ tục trong đời sống tâm linh

Tâm linh là nhận thức của con người về nguồn gốc các sự vật, hiện tượng diễn ra trong tự nhiên và đời sống xã hội một cách đúng đắn, thông qua việc cảm nhận, đoán định những hoạt động hoặc các biến cố sẽ có thể xảy ra.

Đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang rất phong phú và đa dạng, xuất phát từ quan niệm về thế giới vạn vật hữu linh (Mọi vật đều có linh hồn). Đồng bào các dân tộc thiểu số có tục lệ thờ cúng tổ tiên. Ngoài ra họ còn thờ thần tự nhiên và các vị thần liên quan đến đời sống của con người.

Đời sống tâm linh vô cùng quan trọng đối với mỗi con người. Tuy nhiên, để hoạt động tâm linh luôn có nghĩa, hướng đến những điều tốt đẹp trong ứng xử giữa con người với tự nhiên và giữa con người với con người thì mỗi người cần có tri thức và sự hiểu biết để thể hiện hoạt động tâm linh phù hợp. Mọi hoạt động tâm linh trái với văn hoá truyền thống, mang lại nguy hại cho con người, kéo lùi sự phát triển của cộng đồng và xã hội thì đó là hủ tục cần phải loại bỏ.

Nhận diện hủ tục trong tang ma

Tang ma hay tang lễ là nghi lễ linh thiêng nhằm đưa tiễn người đã mất. Tang lễ tại mỗi vùng miền, mỗi dân tộc gồm nhiều tập tục, nghi thức khác nhau, nhằm bày tỏ lòng thành kính, tiếc thương người đã mất. Trải qua thời gian, nhiều tập tục trong tang ma từ xa xưa đã không còn phù hợp với đời sống xã hội hiện đại, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, đi ngược lại với những thiết chế văn hoá, luật định: Tục chậm chôn người chết, phơi nắng người chết, bón cơm cho người chết, chôn nông, chôn người chết gần nhà, giết mổ nhiều gia súc gia cầm và làm ma dài ngày, đốt nhiều vàng mã và tiền giấy… Đó là những hủ tục trong tang ma cần phải cải tạo, bài trừ.

1. Hủ tục tang ma là gì?

Là những tập tục trong nghi lễ tang ma có từ thời xa xưa, đã lỗi thời, lạc hậu,Những yếu tố tiêu cực của nó không còn phù hợp với xã hội hiện nay và không còn phù hợp với văn hoá, quy định của pháp luật, mang màu sắc mê tín, ảnh hưởng đến đời sống xã hội, vật cản, gánh nặng, kéo lùi sự phát triển của mỗi cá nhân, cộng đồng, xã hội nơi tồn tại những hủ tục. Vì thế cần được bài trừ, xóa bỏ.

2. Nhận diện hủ tục trong tang ma

Hiện nay, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Hà Giang, nơi vùng sâu, vùng xa vẫn còn tồn tại các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong tang ma, gây lãng phí thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường, trật tự an toàn xã hội. Cụ thể:

- Tục “phơi nắng” cho người chết: Tục lệ đem tử thi ra phơi dưới ánh nắng mặt trời.

- Tục lệ cúng bái, làm bùa phép, xua đuổi, bắt ma, đốt nhiều vàng mã trong đám tang.

- Tục chậm đưa người chết vào quan tài; để người chết lâu trong nhà (từ 5 đến 7 ngày); bón cơm cho người chết.

- Tục “Làm ma to”: Thể hiện việc đám tang tổ chức ăn uống linh đình nhiều ngày, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm.

- Tục "Nợ ma": Xuất phát từ quan niệm làm ma to, lễ phúng viếng to là sự thể hiện lòng tiếc thương, hiếu kính với người chết. Vì thế, nhiều gia đình nghèo, phải đi vay mượn để “Đua cỗ, đua phúng lễ” giữa hai bên thông gia của người chết và giữa các dòng họ trong thôn bản phổ biến ở dân tộc Giáy; “Đua làm các lễ sau đám tang” nhằm báo hiếu giữa các con cháu của người chết phổ biến ở dân tộc

Mông (ma khô, ma trâu/bò), dân tộc Nùng (ma khô)… Từ đó dẫn đến “nợ ma” hết đời này đến đời khác.

- Tục lệ làm ma dài ngày, tục chôn người chết quá nông, chôn đầu nguồn nước...

Tục lệ này có ở đám tang của người Mông. Theo quan niệm của người Mông, việc kéo dài ngày tổ chức lễ tang là sự thể hiện lòng tiếc thương của gia đình, dòng tộc đối với người đã khuất. Vì thế, có những đám tang kéo dài từ 4 đến 5 ngày. Khi chôn người chết, nắp quan tài đóng vào có thể cao bằng với mặt đất.

Tục lệ làm ma dài ngày, chôn nông người chết gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

- Tục lệ giết mổ nhiều gia súc, gia cầm; sử dụng nhiều vàng mã

Trong đám tang của người đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang, tục lệ giết mổ nhiều gia súc, gia cầm; đốt vàng mã để dâng cúng người đã khuất tồn tại từ lâu đời

Tục lệ này xuất phát từ quan niệm: Việc dâng cúng gia súc, gia cầm, vàng mã là sự thể hiện lòng tiếc thương, chữ hiếu của người thân đối với người chết. Càng dâng cúng nhiều lễ vật thì lòng tiếc thương đối với người chết càng lớn. Mỗi khi có người nhà mất đi, người ta sẵn sàng vay mượn để tổ chức đám tang cho người đã khuất, dẫn đến nhiều gia đình phải trả nợ ma nhiều năm liền, gia đình ngày càng nghèo khó

- Tục lệ treo người chết, phơi nắng người chết

Tục lệ treo người chết, phơi nắng người chết xuất phát từ quan niệm: Nếu cho xác người chết vào áo quan thì con cháu, người thân sẽ không được nhìn người đã khuất lần cuối trước khi đưa đi chôn cất (Hình ảnh minh họa 5). Đây là hủ tục gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người cần phải bài trừ.


3. Hậu quả của hủ tục trong tang ma

Nhiều tập tục trong tang ma của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang đã trở thành hủ tục, không còn phù hợp với xã hội ngày nay. Sự tồn tại những hủ tục tang ma đó để lại những hậu quả nặng nề, trở thành vật cản, gánh nặng về kinh tế, kéo lùi sự phát triển của mỗi cá nhân, cộng đồng, xã hội. Cụ thể:

a. Gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khoẻ con người, vi phạm thiết chế văn hoá và luật định : Tục chậm đưa người chết vào quan tài; bón cơm, phơi nắng người chết; tục chôn nông, chôn đầu nguồn nước: Gây hậu quả ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sức khoẻ của con người. Tục lệ này cũng vi phạm những qui định trong thiết chế văn hoá, hương ước của các thôn bản; vi phạm các quy định của nhà nước về tổ chức tang ma.

b. Gây ảnh hưởng xấu đến tín ngưỡng văn hoá tốt đẹp, tốn kém lãng phí, tạo cơ hội để kẻ xấu truyền đạo trái phép

- Tục lệ cúng bái, làm bùa phép, xua đuổi, bắt ma trong đám tang: Xuất hiện hành vi “biến tướng” trong lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh để hoạt động mê tín dị đoan của một số người hành nghề cúng bái nhằm trục lợi, gây tâm lý hoang mang, bất ổn, tác động xấu đến niềm tin tín ngưỡng, tâm linh trong nhân dân.

- Gây hậu quả ảnh hưởng đến tâm lý hoang mang, lo sợ của người dân. Vì thiếu hiểu biết, tin lời thầy cúng, sợ ma ác, nhiều gia đình đã nghe theo mọi yêu cầu của thầy cúng. Thậm chí, đây chính là cơ sở để kẻ xấu lợi dụng mượn danh thầy cúng để truyền đạo trái phép.

- Tục đốt nhiều vàng mã gây tốn kém, lãng phí, cũng là một nguyên nhân dẫn tới “nợ ma” từ đời này sang đời khác.

c. Gây hậu quả đói nghèo, lạc hậu, thất học, ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội

- Tục “làm ma to”, “đua cỗ”, “đua phúng lễ” dẫn đến gánh nặng nợ nần của nhiều gia đình từ đời này sang đời khác. Nạn đói nghèo, thất học vì thế mà tiếp nối giữa các thế hệ sống trong vòng luẩn quẩn của “Nợ ma”. Tục “Nợ ma” dẫn đến biến tướng trong việc kẻ xấu lợi dụng tập tục để cho vay lãi cao nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Những hủ tục trong tang ma nếu không được cải tạo, xoá bỏ, về lâu dài sẽ để lại những hậu quả nặng nề, tác động sâu rộng đến cả cộng đồng, quốc gia, dân tộc; kéo theo nhiều những hệ lụy khôn lường khác: Tình trạng thất nghiệp, tệ nạn xã hội, xã hội bất ổn định…


BẠN CẦN BIẾT

- Lễ tang là một nghi lễ lớn trong những phong tục của người Việt Nam nhằm tiễn biệt người đã khuất.

- Cần bài trừ, xóa bỏ những hủ tục trong tang lễ, gây tác động xấu tới con người và xã hội ngày nay.

- Nên tổ chức đám tang theo nếp sống văn minh, đưa người chết vào áo quan ngay khi làm lễ tang tại nhà và không thực hiện tục phơi nắng, chôn cất người chết quá nông, không tổ chức đám tang dài ngày (quá 48 tiếng); không giết mổ nhiều gia súc, gia cầm.

(Trích: Tài liệu tuyên truyền giáo dục bài trừ, xóa bỏ hủ tục, dùng trong các trường THPT tỉnh Hà Giang)

Nhận diện hủ tục cúng bái

Cúng giải hạn:

Với quan niệm trong cuộc đời mỗi người, mỗi gia đình, dòng họ sẽ có lúc gặp vận hạn, đen đủi. Do đó hàng năm, các gia đình thường mời thầy cúng về làm lễ giải hạn, các nghi lễ này có yếu tố mê tín dị đoan và đều diễn ra ở các dân tộc. Thậm chí, khi gặp phải điều không may, ví như trong họ xảy ra hỏa hoạn cháy nhà, người ta cho rằng do trong dòng họ có người thất lễ, phạm vào thần lửa, bị thần phạt; gia đình có người bị tai nạn (bên ngoài nhà) là do vận hạn đến nên cần cúng giải hạn. Đồng bào cho rằng, làm lễ cúng là để tẩy rửa mọi sú uế, đen đủi cho mỗi cá nhân và dòng họ. Việc tổ chức lễ cúng rất tốn kém về kinh tế, do phải mổ nhiều gia súc, gia cầm, chi phí để tổ chức ăn uống, tiền công cho đội thầy cúng… nghi lễ thường diễn ra từ 2 - 3 ngày, gây lãng phí thời gian.

Cúng để chữa bệnh:

Mỗi khi có bệnh thì mời thầy cúng đã trở thành tập tục của một số dân tộc thiểu số Hà Giang. Điều này xuất phát từ quan niệm mọi điều xảy ra đối với con người là do thần linh, ma làm. Trong lễ cúng, một số hành động “làm phép”, “bắt ma” của thầy cúng vẫn diễn ra như: Việc nhúng tay vào nước mỡ đang sôi để chữa bệnh của thầy cúng người Dao ở xã Sủng Máng, huyện Mèo Vạc; liếm lưỡi cày nung nóng của thầy cúng người Cờ Lao ở xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì… gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh và những người xung quanh.

Việc cúng bái khi đau ốm là hủ tục, hiện còn tồn tại trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang. Mỗi khi trong gia đình, dòng họ có người ốm, đồng bào dân tộc thiểu số thường đến nhờ thầy cúng xem bói, nguyên nhân do “ma gì làm hại” và nhờ thầy cúng giúp làm lễ xua đuổi tà ma chữa bệnh. Nhiều trường hợp bệnh nặng, cúng mãi không khỏi, họ nhờ nhiều thầy cúng, tốn kém về lễ vật, tiền bạc. Chỉ đến khi thấy người bệnh ốm nặng, thầy cúng không thể chữa được, người nhà mới đưa đến bệnh viện. Sự tồn tại hủ tục cúng bái khi ốm đau mang lại nhiều hậu quả đối với bản thân người bệnh, gia đình và xã hội.

Người bệnh không được cứu chữa kịp thời, có thể gặp nguy hiểm, thậm chí

Cúng trong các lễ hội:

Lễ là phần quan trọng trong lễ hội, do thầy cúng chủ trì. Có những lễ hội cần đến 7 thầy cúng, đảm đương các việc khác nhau trong phần lễ. Tuy nhiên, xuất phát từ việc “thiêng hóa” thần linh, đồng bào luôn có tâm lý lo có ma xấu, ma ác làm hại, nên rất nghe theo thầy cúng. Yếu tố mê tín dị đoan trong lễ hội vì thế mà có ảnh hưởng nhất định đến đời sống người dân.Ví như lễ Cúng Rừng của dân tộc Nùng có tục kiêng đi làm sau khi lễ hội kết thúc. Thầy cúng xem chân gà và định ra cho cả bản phải kiêng bao nhiêu ngày không được làm việc. Nếu có người vi phạm, thần linh sẽ trách phạt, dân làng cũng sẽ xử phạt họ theo quy định của làng. Lễ cấp sắc của dân tộc Dao: thời gian tổ chức 03 ngày, mổ nhiều gia súc, gia cầm (lợn, gà, bò/trâu), gây ảnh hưởng đến kinh tế hộ gia đình và lãng phí thời gian.

Hiện nay, trong đời sống đồng bào các dân tộc có rất nhiều các nghi lễ cúng. Tình trạng lợi dụng sinh hoạt nghi lễ, tín ngưỡng để hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi cá nhân còn tồn tại phổ biến. Đồng thời, trong quá trình tổ chức các hoạt động cúng tế có nhiều tục lệ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, trong đó phải kể đến việc ăn uống không hợp vệ sinh và uống quá nhiều rượu.

Cúng khi ốm đau:

Việc cúng bái khi đau ốm là hủ tục, hiện còn tồn tại trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Hà Giang. Mỗi khi trong gia đình, dòng họ có người ốm, đồng bào dân tộc thiểu số thường đến nhờ thầy cúng xem bói, nguyên nhân do “ma gì làm hại” và nhờ thầy cúng giúp làm lễ xua đuổi tà ma chữa bệnh. Nhiều trường hợp bệnh nặng, cúng mãi không khỏi, họ nhờ nhiều thầy cúng, tốn kém về lễ vật, tiền bạc. Chỉ đến khi thấy người bệnh ốm nặng, thầy cúng không thể chữa được, người nhà mới đưa đến bệnh viện. Sự tồn tại hủ tục cúng bái khi ốm đau mang lại nhiều hậu quả đối với bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Người bệnh không được cứu chữa kịp thời, có thể gặp nguy hiểm, thậm chí mất mạng trước khi đến bệnh viện; nhiều gia đình vì cúng bái mà vay nợ, kéo theo những bất ổn trong cuộc sống gia đình; các thầy thuốc gặp khó khăn vất vả trong điều trị. Nguyên nhân chủ yếu của hủ tục cúng bái khi đau ốm là do thói quen từ xa xưa để lại. Mặc dù ngày nay, dịch vụ y tế đã tới tận thôn bản, tuy nhiên do nhận thức còn hạn chế, nhiều gia đình dân tộc thiểu số vẫn phải mời thầy cúng khi ốm đau.


(Trích: Tài liệu tuyên truyền giáo dục bài trừ, xóa bỏ hủ tục, dùng trong các trường THPT tỉnh Hà Giang)

CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ?

- Trong tín ngưỡng, lễ hội: Cần tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng; các quy định của pháp luật về trật tự an toàn xã hội. Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể và địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục; không nghe theo kẻ xấu xúi giục đi theo các tà đạo trái phép. Đồng thời, phát huy vai trò hướng dẫn quản lý của ngành văn hóa trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở vùng đồng bào. Khuyến khích tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa tiến bộ, lành mạnh.

Xử lý nghiêm những sai phạm trong công tác quản lý, vi phạm quy ước, nếp sống văn hóa cộng đồng và các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan, truyền đạo trái phép. Đẩy mạnh việc xây dựng nếp sống văn minh. Gắn tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh với việc công nhận các danh hiệu văn hóa. Nêu gương những cá nhân, tập thể điển hình, tiên tiến trong việc thực hiện nếp sống văn minh để cho mọi người học tập, noi theo.

Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục - đào tạo, văn hóa - thông tin ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: phổ cập giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; chính sách xóa mù chữ… để nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào. Tăng cường việc cung cấp các ấn phẩm văn hóa phù hợp để đáp ứng nhu cầu về thông tin chính sách, pháp luật, kiến thức khoa học - kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe… giúp đồng bào nâng cao nhận thức, hiểu biết. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, lễ hội; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, trong các hoạt động lễ hội, góp phần hạn chế và đẩy lùi những hủ tục trong đời sống sinh hoạt, trong tín ngưỡng, lễ hội hiện nay ở vùng đồng bào.

(Trích "Bài trừ hủ tục để cuộc sống tốt đẹp hơn" của NXB Chính trị quốc gia- NXB Văn hoá dân tộc )

các quy định thực hiện nếp sống

văn minh trong việc tổ chức tang ma

Các quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc tổ chức tang ma (theo Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011)

Mục 2. Nếp sống văn minh trong việc tang

Điều 7. Tổ chức việc tang

Việc tang phải được tổ chức theo quy định của pháp luật về đăng ký và quản lý hộ tịch, pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về y tế và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Điều 8. Khai tử

Khi có người qua đời, gia đình hoặc thân nhân phải làm thủ tục khai tử trước khi tổ chức lễ tang theo quy định của pháp luật.

Điều 9. Trách nhiệm tổ chức lễ tang

1. Lễ tang do gia đình người qua đời quyết định tổ chức tại nhà hoặc tại địa điểm công cộng.

2. Trong trường hợp lễ tang do Ban lễ tang tổ chức, Ban lễ tang có trách nhiệm phối hợp với gia đình người qua đời

thống nhất quyết định những vấn đề liên quan đến việc tổ chức tang lễ.

3. Nếu người qua đời không có gia đình hoặc thân nhân đứng ra tổ chức lễ tang thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với các đoàn thể quần chúng chịu trách nhiệm tổ chức khâm liệm và mai táng chu đáo theo phong tục truyền thống.

Điều 10. Tổ chức lễ tang

1. Lễ tang được tổ chức tại nhà hoặc tại địa điểm công cộng phải thực hiện các quy định sau:

a) Lễ tang phải được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hoá dân tộc và hoàn cảnh gia đình người qua đời;

b) Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức lễ tang chu đáo; vận động gia đình có người từ trần xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, các hành vi mê tín dị đoan trong lễ tang;

c) Việc quàn ướp thi hài thực hiện theo Thông tư số 02/2009/TT-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng.

d) Việc mặc tang phục và treo cờ tang trong lễ tang thực hiện theo truyền thống của địa phương, dân tộc và tôn giáo; chỉ treo cờ tang tại địa điểm tổ chức lễ tang;

đ) Không cử nhạc tang trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam thực hiện tại bản tiêu chuẩn Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 2351/1998/QĐ-BKHCNMT

ngày 5 tháng 12 năm 1998 của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ). Trường hợp người qua đời theo một tôn giáo hoặc là đồng bào dân tộc thiểu số, trong lễ tang được sử dụng nhạc tang của tôn giáo hoặc của dân tộc thiểu số đó; không sử dụng các nhạc khúc không phù hợp trong lễ tang;

e) Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang;

g) Người qua đời phải được chôn cất trong nghĩa trang; trường hợp chưa xây dựng được nghĩa trang, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn nhân dân tổ chức chôn cất phù hợp với quy hoạch quỹ đất của địa phương;

h) Việc tổ chức ăn uống trong lễ tang chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình, dòng họ và phải đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm;

i) Nghiêm cấm lợi dụng việc tang để hành nghề mê tín dị đoan dưới mọi hình thức; nghiêm cấm lợi dụng việc tang để cản trở việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân trước pháp luật.

Khuyến khích các hoạt động sau trong tổ chức việc tang:

a) Các nghi thức cúng ba ngày, bảy ngày, bốn chín ngày, một trăm ngày, giỗ đầu, giỗ hết, cải táng chỉ thực hiện trong

ngày và trong nội bộ gia đình, dòng họ;

b) Thực hiện hình thức hoả táng, điện táng, hung táng một lần vào khu vực nghĩa trang đã được quy hoạch;

c) Việc chôn cất người qua đời thực hiện theo hướng dẫn tại Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang;

d) Xoá bỏ các hủ tục mê tín lạc hậu như yểm bùa, trừ tà, lăn đường, khóc mướn và những nghi thức rườm rà khác;

đ) Không rắc vàng mã trên đường đưa tang.

Điều 11. Việc xây cất mộ

1. Việc xây cất mộ phải thực hiện các quy định của Bộ Xây dựng.

2. Khuyến khích các địa phương xây dựng nghĩa trang theo quy hoạch, đảm bảo khoa học, tiện lợi cho việc chôn cất, phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang.

3. Khuyến khích việc xây dựng nghĩa trang thành công trình văn hoá tưởng niệm tại địa phương.

(Trích: Tài liệu tuyên truyền giáo dục bài trừ, xóa bỏ hủ tục, dùng trong các trường THPT tỉnh Hà Giang)