Phú Quốc

Gỏi cá trích

Cá trích có rất nhiều ở vùng biển Phú Quốc và ngư dân có thể khai thác quanh năm. Vì thế, việc lựa chọn những con cá mới đánh bắt được còn tươi để làm gỏi là không mấy khó khăn. Đây cũng là lợi thế của biển đảo Phú Quốc và cũng là điều kiện thuận lợi để cho cư dân ở đây nghĩ ra cách chế biến gỏi cá trích.

Cá trích mang về cạo sạch vảy rồi rửa thật sạch, sau đó thái mỏng ra từng miếng một. Kế đến vắt lấy nước cốt chanh, ớt thái mỏng thành sợi, củ hành tây thái nhỏ rồi trộn đều lên cá trích đã thái sẵn. Bánh tráng, rau sống, dừa khô là những thứ không thể thiếu trong món ăn dân dã này. Rau thì luôn có trong các cánh rừng nguyên sinh của đảo, dừa thì được cư dân trồng rất nhiều, còn bánh tráng thì phải là bánh tráng do chính người dân Phú Quốc tự làm lấy vì bánh tráng ở đây có hương vị riêng biệt so với những nơi khác, vừa dày vừa dẻo lại vừa to. Do vậy, khi cuốn với gỏi cá trích, bánh tráng không bị bể và ăn rất ngon miệng. Đây cũng là nét đặc trưng của nghề làm bánh tráng ở Phú Quốc.

Nước chấm gỏi cá trích cũng rất đặc biệt, nó được làm từ ớt, tỏi và đậu phộng rang. Tất cả những thứ này được đâm nhuyễn rồi trộn lại với nhau , pha thêm nước mắm chính hiệu Phú Quốc sẽ tạo ra một hương vị vừa cay nồng, thơm lừng và khó quên khi chấm với gỏi cá trích. Do vậy, dân gian có câu:

“Nước mắm ngon đem dầm con cá trích

Anh có vợ rồi đứng xích cho xa”

Nét đặc biệt của cư dân Phú Quốc là khi ăn gỏi cá trích phải uống chút rượu sim, bởi cá trích có rất nhiều đạm và còn tươi sống, khi ăn gỏi cá dùng chút ít chất men để tốt cho tiêu hóa, đồng thời tạo nên sự hưng phấn, êm ấm bên gia đình sau những ngày ra khơi. Quây quần bên mâm bàn còn là dịp để cho các ngư dân hàn huyên tâm sự, trao đổi kinh nghiệm với nhau về việc đánh bắt hải sản và bàn tính chuyện ra khơi sắp tới.

Có thể nói, gỏi cá trích và rượu sim đã quyện chặt với nhau trong các bữa ăn gia đình trên đảo Phú Quốc mà khó có món ăn nào sánh được. Hơn nữa, sim thì có rất nhiều trong các cánh rừng của đảo Phú Quốc và cư dân ở đây cũng tự biết cách chế biến những quả sim chín này thành một thứ nước uống có hương vị rất đặc trưng, gần giống với rượu nho.

Từ món ăn dân dã của các ngư dân làng chài Phú Quốc, gỏi cá trích đã trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều thực khách. Không những thế, gỏi cá trích hiện đang chiếm lĩnh trong thực đơn của các quán ăn, nhà hàng sang trọng ở Phú Quốc. Sự lên ngôi của gỏi cá trích đã góp phần nâng cao nét đẹp vốn có của Phú Quốc trong cái nhìn của du khách. Điều này giúp cho Phú Quốc mở rộng vòng tay đón chào thực khách, bởi gỏi cá trích và rượu sim đi cùng với nước mắm danh tiếng của Phú Quốc sẽ tạo nên một thương hiệu khó quên mỗi khi đến thăm Phú Quốc - một hòn đảo ngọc của đất nước Việt Nam.

Nấm tràm Phú Quốc

Loại nấm này có nhiều ở Phú Quốc và có thể làm món gà luộc xúp nấm hoặc chọn cá rựa, cá nhồng lấy thịt làm chả cá viên nấu với nấm thì phải biết... ngon tuyệt cú mèo!

Nấm tràm chỉ mọc sau những cơn mưa đầu mùa trong các rừng tràm. Lá và vỏ của cây tràm rơi rụng thành từng lớp của mùa trước đã bắt đầu biến thành lớp mùn là nơi để nấm tràm phát triển. Meo nấm được ấp ủ trong lớp mùn đất, sau loạt mưa đầu mùa, những chiếc nấm tròn nhỏ cỡ đầu ngón tay út bắt đầu vươn mình ra khỏi lớp vỏ và lá tràm bảo vệ nó từ mùa trước. Nấm tràm bắt đầu rộ dần và kéo dài khoảng hơn tháng thì hết mùa.

Sau một, hai cơn mưa đầu mùa, những người sống bằng nghề hái nấm đã bắt đầu chuẩn bị thu hoạch nấm tràm. Họ vào rừng, thăm những khu vực để xem nơi nào nấm đã bắt đầu phát triển, độ một tuần sau là có thể đến nơi có nấm để thu hoạch. Thường họ đi cả gia đình, cặm cụi hái cả ngày đến khi đầy giỏ mới ra về.

Rời rừng tràm, mang những bao nấm hái được, họ ghé ngang nhà của cư dân sống gần đó, mua lại vài con gà giò và sẵn mượn luôn nồi, bếp. Gà luộc vừa chín tới, cho một mớ nấm tươi mới hái đã chuẩn bị sẵn vào. Nồi nước luộc gà trở thành món xúp nấm. Những chiếc nấm vừa chín cho vào miệng cảm giác giòn, xốp, càng nhai càng thấy vị đắng nhân nhẩn cứ lan dần. Húp miếng nước xúp ngọt lừ mùi vị của nấm và thịt gà, lúc này vị của nấm mới thấy rõ, đắng nhưng thật thanh. Chính cái vị đắng này mà nhiều người đâm ghiền món nấm tràm. Họ ăn nấm nhưng không uống nước, để sau buổi ăn mới bày thêm bàn trà nhâm nhi như để tận hưởng thêm hương vị có một không hai của nấm tràm.

Ở Phú Quốc, nấm tràm được nấu với tôm, mực là một món ăn phổ thông, nhà nào tới mùa cũng có. Nhưng nếu chịu khó một tí, kiếm cá rựa hoặc cá nhồng lấy thịt làm chả cá viên nấu với nấm thì mới đúng là tuyệt cú mèo. Khi chuẩn bị ăn, đập vào nồi nước sôi mấy quả trứng vịt như người miền Tây hay ăn chè đậu xanh cho trứng vịt, ăn kiểu này cũng là một gu đặc sắc của món nấm tràm.

Bánh tét mật cật –PQ

Tham quan chợ Dương Đông - ngôi chợ lớn nhất của huyện đảo Phú Quốc - khách ngợp mắt trước đủ loại hàng hóa "nhập" từ đất liền hoặc từ các tàu biển. Nhưng thu hút khách phương xa nhất vẫn là những đòn bánh tét mật cật.

Bánh tét gói bằng lá mật cật của đảo ngọc Phú Quốc

Ở Phú Quốc, người dân gói bánh tét bằng lá mật cật. Bánh dậy mầu xanh ngọc, nhân đậu ăn bùi, béo.

Mật cật là loại cây có lá xòe rộng như lá cọ, mọc đầy trên dãy núi Hàm Ninh. Người ta thường dùng lá mật cật để chằm nón lá. Nhưng ở Phú Quốc, lá chuối đâu phải hiếm nhưng chẳng biết can cớ gì lại dùng loại lá này gói bánh tét? Điểm độc đáo nữa của bánh tét mật cật là không gói thành đòn tròn mà gói thành đòn hình tam giác.

Để có đòn bánh này, trước tiên người ta phơi lá mật cật hơi héo, rửa và lau lá bằng dầu cho mềm thêm. Nếp gói bánh xanh ngọc bích và mùi thơm hấp dẫn. Đậu xanh cà nấu nhừ cùng dây thịt mỡ làm nhân. Gói đòn bánh tét mật cật là việc làm công phu vì mặt lá hẹp. Nhưng buộc dây sao cho đòn bánh không quá chặt hoặc quá lỏng đòi hỏi tay nghề cao.Buộc chặt quá, có khi bánh sống hoặc khô. Buộc lỏng, bánh nong nước. Không ngon. Đặc biệt, bánh tét mật cật không xào nước cốt dừa nên để được lâu ngày.

Còi Biên Mai-PQ

Phú Quốc - hòn đảo lớn nhất Việt Nam cùng những bờ biển cũng vào hàng đẹp nhất Việt Nam làm say đắm du khách đến đây với vô số món ăn ngon, lạ, đặc sắc. Trong đó, còi biên mai là một loại đặc sản không thể nào không thử một lần cho biết khi đặt chân đến nơi này.

Còi biên mai chính là hai lớp cơ thịt nối liền hai mảnh con sò biên mai. Có thể thấy con sò này lớn cỡ nào nếu bạn cứ hình dung với con sò huyết quá thông dụng ở đất liền có hai bộ phận còi chỉ như cây tăm tre nhỏ thì còi biên mai lại lớn bằng đồng xu và lớp thịt dày đến nửa lóng tay. Các ngư phủ bảo rằng, con biên mai lớn xác vậy nhưng thịt của chúng rất nhão và ăn không ngon. Mọi tinh túy của con vật này chỉ tập trung vào hai cái còi mà thôi.

Có rất nhiều cách chế biến món còi biên mai. Ví dụ xào cùng với nấm đông cô, nấm rơm, củ hành cùng cải bẹ xanh. Các đầu bếp còn pha thêm một chút tương đậu nành vào nước nấu xâm xấp cho ra một màu nâu đậm của đất phù sa. Cái ngọt đậm đà của thứ hải sản lạ hợp cùng cái ngọt nhẹ nhàng của các loại nấm, ngọt hăng của hành pha thêm một chút cay nồng của cải xanh khiến mọi người có thể ăn không biết no. Tuy nhiên, với người sành ăn muốn thưởng thức hương vị nguyên sơ của biển cả thì không gì qua nổi món còi biên mai nướng muối ớt. Cả một dĩa còi biên mai được ướp cùng muối hạt to đã được đâm nhuyễn vào đó mấy trái ớt đỏ tươi. Thực khách cứ lấy một vài sống lá dừa xâu chuỗi chúng lại để nướng trên bếp than đỏ rực. Cái mặn mà của muối, cái cay xé lưỡi của ớt càng nâng tầm vị ngọt của còi biên mai. Và cũng chỉ chế biến bằng cách này thì còi biên mai mới giữ được độ dai và giòn hết chỗ chê.

Tại các quán nhỏ ven bãi biển Hàm Ninh, bãi Ghềnh Dầu, bãi Sao giá một dĩa còi biên mai dành cho 2 thực khách ăn no giá chỉ độ 20 ngàn đồng.

Tiết canh cua

Tiết canh cua ra đời từ đâu ? Ai là đầu bếp đầu tiên chế biến nên món ăn có hương vị rất riêng của miền đất cuối trời này ? Có lão ngư miệt biển kể lại rằng : Xưa kia, trong những chuyến đi biển dài ngày, khi nước uống trên thuyền cạn, không kịp trở về hoặc ghé đảo Hòn Khoai để lấy nước ngọt, người đi biển thường bẻ càng cua, hứng lấy chất dịch bên trong để uống. Vị mằn mặn, ngòn ngọt trong càng cua dễ uống hơn nước biển, lại không tanh. Sau này, có người khéo chế biến thành món ăn trong hành trình tìm món lạ đã nhớ đến chất dịch này trong cơ thể cua, và món tiết canh cua ra đời từ đó.

Cua dùng làm tiết canh nhất thiết phải là cua biển, và nên lựa những con có gạch thì đĩa tiết canh cua mới ngon ngọt và đầy đủ chất bổ khi ăn.

Để có đủ tiết làm được một đĩa tiết canh cua loại thường, người ta phải cần từ ba đến bốn con cua loại lớn, mỗi con chừng bảy tám trăm gam đến một ký. Nhưng chưa hết, vì tiết cua không thể hãm được như tiết canh vịt, tiết canh heo nên người ta phải chuẩn bị trước phần nguyên liệu từ một con cua khác. Cua được luộc sơ, khi luộc cho vào một chút rượu đế... để cho thơm thịt cua. Khi cua chín, gỡ lấy từng miếng nạc cua, cho vào đĩa để nguội, rồi trộn với gia vị cho đậm đà; trộn thêm ít ngò gai, tía tô, rau húng xắt nhuyễn và phải có một ít lá quế để giảm bớt vị nồng của cua.

Kế đến mới thực hiện giai đoạn quan trọng nhất là cắt tiết cua. Cua còn sống, rửa thật sạch, sau đó dùng dây buộc thật chặt bốn chiếc ngoe lại thành một chụm. Dùng kéo bén cắt thật ngọt một lượt. Tiết cua màu trắng từ những chiếc chân còn ngo ngoe chảy thẳng xuống đĩa thịt cua đã được bày biện sẵn, ban đầu thành vòi nhỏ, sau cứ ri rỉ cho đến hết. Xong phần chân bên này lại cắt tiếp phần chân bên kia. Ở những con cua có gạch thì ta lấy phần gạch có ở mu cua cho vào đĩa tiếp theo sau phần lấy tiết cua. Phần tiết cua luôn có lẫn nước, khi tiết đã đông, phần nước nổi lên mặt, phải khéo léo dùng muỗng hớt ra cho thật khô, rồi mới rắc lên ngò rí, đậu phộng rang giã nhỏ.

Tiết cua đông lại trông như rau câu. Tiết canh cua ăn là lạ, phần thịt cua mềm lẫn với tiết cua, thêm vào đó vị ngọt béo của gạch cua cho ta một hỗn hợp: mằn mặn, ngòn ngọt khiến dễ hình dung đến những lần trên bãi biển ta ăn cua luộc mà miệng và tay còn dính nước biển. Tiết canh cua cũng được ăn chung với bánh tráng như các loại tiết canh khác, nhưng phần rau thì ngoài mùi tàu, không thể thiếu rau dấp cá và có khi cũng ăn chung với khế chua, chuối chát cũng rất hợp và ngon. Và nhất là, không thể không nhắc đến món tiết canh cua trên mỗi bàn nhậu của cư dân miệt biển sành ăn .