Lịch sử và Địa Lý Úc

Lịch Sử Úc

Source : http://vi.wikipedia.org/wiki/

Thời điểm chính xác có người cư trú ở Úc vẫn còn là đề tài cho các nhà nghiên cứu. Có các bằng chứng khoa học mạnh mẽ xác nhận sự hiện diện của con người khoảng 50.000 năm trước, giai đoạn có những biến động sinh thái rộng lớn được tin là tương ứng với sự xâm nhập của con người. Tuy nhiên, cũng có suy đoán cho rằng con người đến vùng đất này sớm hơn nhiều, tận 100.000 năm trước hoặc lâu hơn nữa. Những người Úc đầu tiên là tổ tiên xa của thổ dân Úc, và đến Úc qua các cầu đất liền hoặc theo đường biển từ vùng Đông Nam Á ngày nay.

Việc có chung các loại động và thực vật giữa các vùng lân cận của Úc, Papua New Guinea, và Papua với các đảo Indonesia gần đó cho thấy trước đây tồn tại các cầu đất liền và chúng bị đóng khi mực nước biển dâng cao. Sự di chuyển truyền thống lịch sử của cư dân giữa các vùng này trong những chiếc thuyền buồm thô sơ cho thương mại và đánh cá, cho thấy có khả năng các thương gia Ả Rập Trung Hoa đến các đảo phía bắc, biết được và rồi đến các bờ biển phía nam lục địa vào thế kỉ 9. Các bản đồ vẽ tại châu Âu từ cuối những năm 1400 cho thấy các phần của đường bờ biển.

Người châu Âu phát hiện ra vùng đất này vào năm 1522 nhờ công của nhà thám hiểm Bồ Đào Nha Cristóvão de Mendonça, nhưng mãi đến thế kỉ 17 lục địa đảo này mới trở thành mục tiêu cho các cuộc thám hiểm của người châu Âu, trong đó vài cuộc hành trình đã trông thấy Terra Australis: nhà thám hiểm người Hà Lan Willem Jansz (1606), nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha Luis Vaez de Torres khi đang phục vụ ở Tây Ban Nha (1607), và các nhà thám hiểm người Hà Lan Jan Carstensz (1623), Dirk Hartog Abel Tasman (1642), tên ông này đã được đặt cho đảo Tasmania, nhưng chính ông ta lại đặt tên nó theo Anthoonij van Diemenslandt.

Các nhà thám hiểm người Anh đầu tiên là Willem Dampier ở bờ tây của lục địa vào năm 1688, và đại uý James Cook là người vào năm 1770 tuyên bố 2 phần 3 phía đông của lục địa thuộc chủ quyền Vương quốc Anh bất chấp chiếu lệnh từ vua George III về việc ban đầu kí kết hiệp ước với dân bản xứ. Báo cáo của ông ta gửi về Luân Đôn nói rằng Úc không có người sinh sống (xem Terra nullius) tạo cớ thúc đẩy việc thiết lập một thuộc địa lưu đày ở đó theo sau việc mất các thuộc địa châu Mĩ.

Thuộc địa hoàng gia (thuộc địa do Anh trực tiếp cai trị) của Anh ở New South Wales bắt đầu bằng việc thiết lập vùng định cư (sau này trở thành Sydney) tại cảng Jackson bởi đại tá Arthur Phillip vào ngày 26 tháng 1 năm 1788. Ngày đoàn tàu đầu tiên này (the First Fleet) cập bến sau đã trở thành ngày Quốc khánh của Úc.

Vùng đất Van Diemen (hiện nay là Tasmania) có người đến sống vào năm 1803, và trở thành thuộc địa riêng biệt vào 1825. Phần còn lại của lục địa, ngày nay là Tây Úc, được chính thức tuyên bố chủ quyền bởi Vương quốc Anh vàp năm 1829. Theo sau sự mở rộng định cư của người Anh, các thuộc đia riêng biệt được lập ra từ các phần của New South Wales: Nam Úc vào 1836, Victoria vào 1851 Queensland vào 1859. Lãnh thổ phía Bắc được thành lập, như là một phần của thuộc địa Nam Úc, vào năm 1863.

Trong thời kì 1855-1890, 6 thuộc địa hoàng gia lần lượt trở thành các thuộc địa tự trị, tức tự quản lí công việc của chính mình. Luật pháp Anh được kế tục sử dụng vào thời điểm nhận quyền tự trị, và sau đó thay đổi bởi cơ quan lập pháp từng vùng. Chính phủ Anh vẫn giữ quyền điều khiển một số vấn đề, đặc biệt là ngoại vụ, phòng thủ, tàu thuyền quốc tế. Mặc dù có nền kinh tế dựa đáng kể vào nông thôn, Úc nhanh chóng đô thị hoá, tập trung nhất là quanh các thành phố Melbourne Sydney. Vào những năm 1880 "Marvellous Melbourne" là thành phố lớn thứ hai trong Đế quốc Anh. Úc cũng giành được danh hiệu "thiên đường của người lao động" và là một nơi thí nghiệm cho cải cách xã hội, với kì bỏ phiếu kín đầu tiên và chính phủ đảng Lao Động đầu tiên trên thế giới.

Vào ngày 1 tháng 1 năm 1901, liên bang các thuộc địa được hoàn tất sau giai đoạn 10 năm thai nghén, và Liên bang Úc ra đời với tư cách là lãnh thổ của Đế quốc Anh. Lãnh thổ thủ đô Úc được tách khỏi New South Wales vào 1911, hình thành một nơi trung lập cho thủ đô mới của liên bang, Canberra (thủ đô lúc đầu là Melbourne). Mặc dù Úc đã trở nên độc lập về nhiều phương diện, chính phủ Anh vẫn giữ một số quyền lực cho đến khi Quy chế Westminster 1931 được Úc phê chuẩn vào năm 1942, và một số quyền lực trên lí thuyết của nghị viện Anh trên từng tiểu bang chưa hoàn toàn chấm dứt cho đến khi thông qua Đạo luật Úc năm 1986. Hiến pháp nguyên thuỷ cho phép chính quyền liên bang đề ra luật liên hệ đến bất cứ dân tộc nào, trừ thổ dân. Năm 1967, cuộc trưng cầu dân ý được hơn 90% người đi bầu ủng hộ việc cho phép chính quyền liên bang thông qua luật bảo vệ thổ dân và tính họ vào cuộc điều tra dân số.

Địa lý

Tổng diện tích tự nhiên của Úc là 7.617.930 km2 (2.941.300 dặm vuông)[18]. Tọa lạc trên mảng kiến tạo Ấn-Úc và bao quanh bởi Ấn Độ Dương Thái Bình Dương, Úc nằm cô lập với châu Á bởi biển Arafura biển Timor. Úc có 34.218 km đường bờ biển (21.262 dặm) bao gồm cả các đảo ngoài khơi[19] và diện tích vùng đặc quyền kinh tế của Úc là 8.148.250 km2 (3.146.060 dặm vuông). Vùng đặc quyền kinh tế này không bao gồm lãnh thổ của nước này tại Nam Cực.

Great Barrier, rặng san hô lớn nhất thế giới[20], cách không xa bờ biển phía Tây Bắc và dài trên 2000 km (1.240 dặm). Núi Augustus ở bang Tây Úc được coi là núi đá nguyên khối lớn nhất trên thế giới[21]. Với chiều cao 2.228 m (7.313 ft), núi Kosciuszlo Rặng núi lớn là đỉnh núi cao nhất trên lục địa Úc, mặc dù đỉnh Mawson đảo Herald còn cao hơn khi chiều cao đo được là 2.745 m (9.006 ft).

Phần lớn diện tích là hoang mạc hoặc bán hoang mạc thường được biết đến với cái tên vùng hẻo lánh (outback). Úc là lục địa bằng phẳng với đất đai già cỗi và kém màu mỡ nhất và cũng là lục địa có người ở khô cằn nhất. Chỉ có vùng Đông Nam và Tây Nam là có khí hậu ôn hòa. Phần đông dân cư của Úc sống tập trung ở bờ biển Đông Nam. Cảnh quan ở vùng Bắc đất nước, với khí hậu nhiệt đới, bao gồm rừng mưa, miền rừng, đồng cỏ, rừng đước hoang mạc. Khí hậu nhìn chung bị các dòng biển trong đó có El Nino chi phối đáng kể, gây ra những trận hạn hán theo chu kỳ và cả xoáy thuận nhiệt đới tạo bão ở miền Bắc nước Úc[22].

Biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành mối lo ngại lớn tại Úc trong những năm gần đây[23] trong đó nhiều người dân coi đây là vấn đề nghiêm trọng nhất mà quốc gia của họ đang phải đối mặt[24]. Tháng 6 năm 2008, một chuyên gia đã cảnh báo về một thời hạn dài, có thể là tổn thương sinh thái vô cùng nghiêm trọng cho toàn vùng vịnh Murray-Basin nếu nó không có đủ nước cho đến tháng 10[25]. Tình hình thiếu nước hiện cũng đang diễn ra ở nhiều vùng miền và thành phố của Úc do hậu quả của hạn hán[26]. Người Úc của năm 2007, nhà môi trường học Tim Flannery, đã dự đoán rằng trừ phi có một sự thay đổi mạnh mẽ nào đó, Perth của Tây Úc sẽ trở thành thành phố ma đầu tiên trên thế giới, một thành phố bị bỏ hoang do không có nước để duy trì dân cư[27]. Chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Rudd đã thi hành nhiều chính sách nhằm hạn chế mức độ nghiêm trọng của tình hình biến đổi khí hậu, trong đó có việc cố gắng cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính[28]. Trong ngày làm việc đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Úc, Rudd đã ký vào bản văn kiện phê chuẩn nghị định thư Kyoto. Tuy vậy mức độ khí thải cacbon điôxit tính theo đầu người của Úc thuộc hàng cao nhất trên thế giới, chỉ thấp hơn một số quốc gia công nghiệp hóa như Mỹ, Canada hay Na Uy. Nhìn chung mưa ở Úc có tăng lên trong vòng thập kỷ trước cả về diện và lượng[29]. Tuy đây là một tác động có lợi từ hiện tượng biến đổi khí hậu song lệnh tiết kiệm nước vẫn được áp dụng tại nhiều vùng miền và thành phố của Úc như một phản ứng trước việc thiếu nước thường xuyên do dân số đô thị tăng nhanh cũng như các trận hạn hán xảy ra tại địa phương[30].