Rằm Tháng Giêng

Năm Tân Sửu 2021

Ý Nghĩa Của Rằm Tháng Giêng Trong Đạo Phật

Đại lễ Rằm Tháng Giêng theo truyền thống Phật Giáo mang hai ý nghĩa:

+ Kỷ niệm ngày đức Phật thuyết kinh Giải Thoát Giáo tại Thánh Hội Tăng Già.

+ Kỷ niệm đánh dấu ngày Đức Phật công bố Giáo Pháp đã được thiết lập vững vàng và Ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa (tháng tư)

Thánh Hội Tăng Già là một sự cố hy hữu xảy ra duy nhất một lần trong thời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Thuở ấy, Đức Điều Ngự đang trú ở chùa Trúc Lâm tại thành Ràjagaha. Đó ngày trăng Rằm tháng Magha (tháng Giêng). Mặc dù không một lời mời nào, 1250 vị thánh Tăng tự vân tập về. Tất cả đều là bậc thánh tứ quả vô lậu giải thoát và đều xuất gia bằng lời gọi của Đức Phật: "ehi bhikkhu - thiện lai tỳ kheo". Những bậc phước huệ vẹn toàn đó đã ngồi vây quanh dưới chân của Đấng Đại Giác trong sự im lặng tuyệt đối. Những lời giản dị nhưng thâm sâu của Phật được đón nhận bởi những tâm hồn cao khiết. Dưới ánh trăng vằng vặc sáng trong vườn trúc, tiếng nói giác ngộ được nói lên bởi con người giác ngộ cho một hội chúng giác ngộ. Quả là một cuộc gặp gỡ vô tiền khóang hậu.

Rằm Tháng Giêng cũng kỷ niệm ngày Đức Phật tuyên bố đạo tròn duyên mãn và Ngài sẽ viên tịch trong ba tháng nữa. Sau 45 năm hoằng đạo, đức Phật kết thúc năm sau cùng bằng cuộc hành trình dài. Năm ấy Ngài đã 80 tuổi. Con đường từ Ràjagaha về Kusinara ghi lại nhiều sự cố quan trọng. Tại Vesalì, Đức Điều Ngự "với cái nhìn của con voi chúa" đưa mắt quanh núi đồi thanh tú của xứ Vajji lần sau cùng. Buổi trưa hôm đó tôn giả Ananda vị thị giả của đức Như Lai cảm nhận sự rung chuyển mạnh của một cơn động đất trong khi đang thiền tịnh. Tôn giả đến gặp bậc Đạo Sư và từ kim khẩu của Phật tôn giả được biết rằng Đức Phật đã quyết định sẽ viên tịch sau 3 tháng tới. Không cầm được nước mắt, người đệ tử trung kiên này đã khẩn cầu đức Phật trụ thế lâu hơn. Đức Phật ôn tồn: Hỡi Ananda, các con còn chờ đợi gì nữa ở Như Lai. Giáo pháp đã được truyền dạy đầy đủ không có gì giấu kín. Bốn chúng đệ tử đã được hướng dẫn đầy đủ trong việc tu học. Pháp và Luật đã được giảng giải tường tận. Rất dễ dàng cho hậu thế chia sẻ tâm trạng của tôn giả Ananda nhưng cũng không thể quên rằng sự hoàn tất ngôi nhà giáo pháp của Đức Phật là một sự kiện thiêng liêng để kỷ niệm.

Rằm Tháng Giêng cũng được gọi là Ngày Pháp Bảo - Dhamma Day. Cùng với ngày Phật Bảo (đại lễ Rằm Tháng Tư) và ngày Tăng Bảo (Lễ Kathina tháng Mười.) Bởi vì nội dung kinh Giải Thoát Giáo được xem là tôn chỉ của giáo Pháp nên đại lễ này được gọi là Ngày Pháp Bảo.

Ngày Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu, là một trong những ngày rất quan trọng theo lịch âm của người Việt Nam. Việc cúng lễ trong ngày này phần lớn được tổ chức tại chùa, vì ngày rằm tháng giêng còn là ngày vía của Phật tổ. Vào ngày này, người Việt thường đi chùa lễ Phật để cầu mong quanh năm an lành cho bản thân và gia đình. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên. Lễ rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường; những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khỏe mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán, được ăn Tết bù...

Rằm tháng Giêng cũng chính là ngày vía Đức Phật Di Lặc là một vị Phật vị lai do đức Phật Thích Ca Mâu Ni truyền dạy, vì vậy hằng năm Tết đến các Tự viện có một tấm bảng treo trước cổng trên đó có ghi "Mừng Xuân Di Lặc" cũng chính mang ý nghĩa trên vậy.

_Theo Ý nghĩa Rằm Tháng Giêng trong Đạo Phật_


Buổi lễ Phóng Sanh

Vào những ngày lễ Tết, những ngày lễ lớn của Phật giáo rằm tháng Giêng hình ảnh người người Phật tử mang đến xô, chậu, lồng chứa những con cá, con chim, con rùa,…để phóng sanh đã trở thành nét đẹp trong văn hóa Việt Nam nói chung và của Phật giáo nói riêng. Đó là hành động đẹp bởi nó thể hiện lòng yêu thương loài vật, yêu thiên nhiên, là một hành động rất thánh thiện: Ban tặng sự sống.

Trong thư viện Phật giáo có câu thơ nói như sau:

“ Ta thương chim trời tung bay ngàn hướng

Ta thương đàn cá bơi lội giữa dòng

Thương cho chúng sinh nặng nề nghiệp chướng

Luân hồi sinh tử nghìn kiếp long đong.”

Hình ảnh thái tử Tất Đạt Đa ôm con chim bị thương vào lòng khi bị Đề Bà Đạt Đa bắn cùng lý lẽ biện bạch hùng hồn trước nhà vua và đại thần để giành lấy quyền chăm sóc con chim, và ngài Thái tử Tất Đạt Đa đã biện bạch như sau :

Thói thường những kẻ thương yêu nhau mới ở chung với nhau, còn những kẻ ghét bỏ nhau thì không bao giờ sống chung với nhau. Em có ý dữ, muốn bắn giết con chim, như vậy em và con chim là những kẻ thù ghét nhau, làm sao con chim có thể ở chung với em đựơc. Trong khi đó, anh cứu con chim, anh săn sóc vết thương cho nó, anh suởi ấm cho nó, và anh đang đi kiếm thức ăn cho nó… Vậy anh và chim là những kẻ biết thương yêu nhau, anh và chim có thể ở chung với nhau… Như anh đã nói, con chim cần anh chứ không cần em.

_Theo Ý nghĩa Phóng Sanh trong Phật Giáo_

Cúng Cửu Huyền Thất Tổ

Thích độ nhân miễn tam đồ khổ,

Thoát cửu huyền thất tổ siêu thăng.

Nghĩa là: Giáo lý đức Phật Thích Ca hóa độ chúng sinh để thoát khỏi ba đường khổ: Đại ngục, ngạ quỷ, súc sinh và có khả năng cứu thoát Cửu huyền và Thất tổ được siêu thăng.

Cửu huyền: “Huyền” ở đây vốn có nghĩa theo nhà Phật là “đen”, có từ vô lượng kiếp chúng sanh luân hồi sống chết, khi thân xác này rã rời, phân ly trả về cho tứ đại, những chất tinh tủy xương máu và thịt tan rã, hủy hoại đều biến thành màu đen nên gọi là “Huyền”. Bởi chín thế hệ này vẫn xoay, sống chết như vậy nên gọi là “Cửu Huyền”.

Thất tổ: Bảy đời (bảy ông tổ): Cao, Tằng, Tổ, Cao Cao, Tằng Tằng, Tổ Tổ, Cao tổ. Tổ là ông nội của đời mình, đi ngược lên sáu đời nữa gọi là Thất tổ. Như vậy, chữ Cửu huyền bao quát hơn chữ Thất tổ. Vì Thất tổ chỉ các thế hệ đi trước, còn Cửu huyền không chỉ bốn thế hệ trước mà còn nhắc đến bốn thế hệ sau. Chính vì vậy nơi thờ phụng những vị quá vãng còn được gọi là “Nhà thờ Cửu huyền”.

Dù hiểu theo nghĩa nào chăng đi nữa, thì bốn chữ “Cửu huyền Thất tổ” không ngoài ý nghĩa bổn phận làm con cháu phải kính trọng, khắc sâu trong tâm khảm nhớ ơn ông bà cha mẹ.

Nước chảy ra thương cha nhớ mẹ

Nước chảy vào nhớ mẹ thương cha.

Dù lịch sử trải qua bao thăng trầm, dù chiến tranh cướp mất nhiều nhà cửa, nơi thờ tự Tổ tiên, nhưng với lòng hiếu kính ông bà cha mẹ luôn được giữ gìn sâu lắng. Đây là niềm tự hào, người Việt Nam luôn biểu hiện lòng tôn trọng, nhớ ơn Tổ tiên, cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp qua việc thờ cúng. Nền văn hóa tinh thần này đã được duy trì, phát huy trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Đó là bàn Thờ “Cửu huyền Thất tổ” hàng đêm luôn hương khói bàn thờ “Cửu huyền thất tổ” trước để nhớ Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, sau hồi hướng trong một ngày mình làm được điều gì tốt và điều gì chưa tốt, cần phải sửa đổi, đó cũng là cách “Uống nước nhớ nguồn”. “Cây có gốc mới đâm chồi xanh ngọn. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Chúng ta nên nhớ từ mọi ý nghĩ, việc làm, bản thân (thân, khẩu, ý) luôn ảnh hưởng đến “Cửu huyền Thất tổ” trong hiện tại, tương lai cũng như quá khứ.

_Theo Ý nghĩa của bốn chứ "Cửu huyền Thất tổ"_

Cúng Thí Thực

Nguyên do chính ngài A Nan khởi giáo bạch Phật Thích Ca thuyết chú Biến thực (trong kinh Cứu bạt Diệm Khẩu,..), sau Phật bảo đức Quan Âm bồ tát thị hiện Tiêu Diện quỷ, để thống lãnh và phát chẩn cho cô hồn, về sau các vị Thánh Tăng đã lập thành các khoa, nghi quỹ để chẩn tế cô hồn vào các ngày rằm, các lễ cầu siêu …, đối với những người không tu tập thiện pháp, hạng người sát sinh, trộm cắp, gây ra nhiều ác nghiệp, khi chết sẽ không được vào cõi an lạc mà bị đầy xuống địa ngục hay vào ngạ quỷ. Những chúng sinh ở cõi ngạ quỷ này phải chịu nhiều khổ đau, đói rét, luôn mong muốn nhận được cúng phẩm của người thân. Chính vì vậy, nghi thức cúng thí sẽ giúp họ nhận được phẩm vật mà con người hiến cúng và nhờ sức chú nguyện của đàn tràng có thể giúp họ mau chóng siêu sanh về thế giới an lành

Cũng như trong bài kinh Cúng Linh – Tăng Chi Bộ IV, chương 10, phẩm Jànussoni Đức Phật dạy: “…Này Bà la môn, người nào sau khi thân hoại mạng chung, sinh vào cõi ngạ quỷ. Vị ấy được nuôi sống và tồn tại với các món ăn tại đấy. Món ăn nào, các bạn bè, thân hữu, hoặc bà con, hoặc người cùng huyết thống muốn hướng cúng cho vị ấy; tại đấy, vị ấy sống với món ăn đó, tồn tại với món ăn đó…”. Như vậy việc cúng thí thực cho các vong linh trong cõi Ngạ Quỷ là đúng chính Pháp, đúng với lời Đức Phật đã dạy.

Ngoài ra, trong buổi lễ cúng thí thực, chư Tăng cũng tụng đọc những bài kinh Phật để giúp cho các vong linh được giác ngộ nhờ đó được thoát khỏi những cảnh giới khổ đau. Đúng như bài “Ngạ Quỷ Nghe Kinh” có dạy:

“Này Piyankara

Chớ có sinh tiếng động

Vị Tỳ-kheo đang tụng

Những lời về Pháp cú

Nếu chúng ta biết được

Học được Pháp cú này

Rồi như Pháp hành trì

Chúng ta được lợi ích

Không sát hại sinh vật

Không cố ý nói láo

Tự học tập giới luật

Chúng ta thoát ngạ quỷ.”

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 10, phần Priyankara)

_Theo Ý nghĩa của đàn tràng Thí thực trong Phật Giáo_


_Tiểu Mãn Tử_

Cập nhật: 27/2/2021