NHÀ NƯỚC
VĂN LANG, ÂU LẠC
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. NHÀ NƯỚC VĂN LANG
Văn Lang (chữ Hán: 文郎) là nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam cai trị bởi các Vua Hùng, tương ứng với các thời kỳ văn hóa Đông Sơn, Phùng Nguyên, Gò Mun và Đồng Đậu. Lãnh thổ nhà nước Văn Lang gồm một phần Trung Quốc, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay.
Theo bộ sử ký “Đại Việt sử ký toàn thư” của sử gia Ngô Sĩ Liên viết ở thế kỷ 15 Đế Minh (theo truyền thuyết thuộc dòng dõi Thuần Nông) sinh ra Lộc Tục, tức Kinh Dương Vương ( người cai trị nước Xích Quỷ), Lộc Tục lấy con gái Long Vương và đẻ ra Lạc Long Quân. Sau đó Lạc Long Quân và Âu Cơ (con gái Đế Lai) kết hôn, sinh được 100 người con trai, 50 người theo cha về biển Đông (Lạc Việt), 50 người theo mẹ Âu Cơ lên núi (Âu Việt). Người con trai cả Lạc Long Quân phong làm vua, lấy hiệu Hùng Vương, đặt tên nước Văn Lang và đóng đô ở Bạch Hạc – Phú Thọ (nay là Việt Trì, Phú Thọ).
Nhà nước Văn Lang ra đời trong hoàn cảnh nào?
Lãnh thổ nhà nước Văn Lang nằm trên khu vực ven các sông lớn ở đồng bằng Bắc bộ và Bắc trung bộ. Ban đầu là những bộ lạc dưới quyền cai quản của các thủ lĩnh, các bộ lạc này có nhiều điểm tương đồng như các sinh hoạt, tiếng nói, cách thức sản xuất,...
Giữa các chiềng, chạ dần xảy ra mâu thuẫn do quyền lợi của người dân không đồng đều như là sự phân chia của cải, sự phân công lao động. Mặt khác ở ven các con sông lớn nên việc sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn khi mùa mưa lũ đến.
Do đó, cần phải có người chỉ huy để chỉ đạo người dân sản xuất, ngăn chặn lũ lụt, bảo vệ mùa màng và đấu tranh chống xung đột. Vì vậy, nhà nước Văn Lang đã ra đời trong hoàn cảnh phức tạp trên.
Theo Ngọc phả Hùng Vương, 18 đời vua Hùng là:
Kinh Dương Vương, vị vua viễn tổ.
Lạc Long Quân, vị vua cao tổ.
Hùng Quốc Vương, huý là Lân Lang, vị vua mở nước.
Hùng Diệp Vương Bảo Lang.
Hùng Huy Vương Viên Lang.
Hùng Huy Vương (cùng hiệu với đời thứ 5) huý Pháp Hải Lang.
Hùng Chiêu Vương Lang Tiên Lang.
Hùng Vi Vương Thừa Vân Lang.
Hùng Duy Vương Quốc Lang.
Hùng Uy Vương Vương Hùng Hải Lang.
Hùng Chính Vương Hùng Đức Lang.
Hùng Việt Vương Đức Hiền Lang.
Hùng Việt Vương Tuấn Lang.
Hùng Anh Vương Châu Nhân Lang.
Hùng Chiêu Vương Cảnh Chân Lang.
Hùng Tạo Vương Đức Quân Lang.
Hùng Nghị Vương Bảo Quang Lang.
Hùng Duệ Vương Huệ Lang.
Đứng đầu nhà nước Văn Lang là Hùng Vương, giúp việc là lạc hầu và lạc tướng. Cả nước chia thành 15 bộ, hay còn gọi là quận. Đứng đầu mỗi bộ là lạc tướng. Như vậy một mặt thể hiện sự phân chia cư dân theo sự áp đặt của nhà nước, mặt khác thể hiện đó là đơn vị bộ mang tính nửa vời: vùng – bộ lạc hoặc thị tộc, bộ lạc – đơn vị hành chính.
Dưới bộ là các công xã nông thôn, lúc bấy giờ có tên là kẻ, chiềng, chạ. Đứng đầu kẻ, chiềng, chạ là các bồ chính, tức gài làng.
Có thể sơ đồ hoá cơ cấu hành chính thời Hùng Vương như sau:
2. NHÀ NƯỚC ÂU LẠC
Âu Lạc (chữ Hán:甌貉/甌駱;) là nhà nước cổ của người Việt cổ được thành lập tại miền Bắc Việt Nam bởi một nhân vật có thật tên là Thục Phán (An Dương Vương) năm 257 TCN. Nhà nước này đã thống nhất 2 bộ tộc Âu Việt - Lạc Việt (Sử gọi là Văn Lang) lại với nhau và đã bảo vệ đất nước thành công trước cuộc xâm lược của nhà Tần, nhưng sau cùng, nhà nước sụp đổ do thất bại trước Nam Việt của Triệu Đà (một quan lại nhà Tần), tạo cơ sở cho nhà Hán xâm lược sau này.
Nhà nước này kế tục nhà nước mang tính truyền thuyết Văn Lang của các vua Hùng. Kinh đô của Âu Lạc đặt tại Cổ Loa, ngày nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Nhà nước Âu Lạc ra đời trong hoàn cảnh nào?
Vừa mới bắt đầu dựng nước, nhân dân ta đã phải liên tiếp đương đầu với nhiều mối đe dọa từ bên ngoài. Truyền thuyết nhan gian kể lại cuộc chiến đấu chống lại nhiều kẻ giặc như giặc Man, giặc Mủi Đỏ, giặc Ân... xác nhận từ thời các vua Hùng, nhân dân ta đã phải nhiều lần đứng dậy chống ngọai xâm
Vào thời cuối các vua Hùng, nạn ngoại xâm càng trở thành mối đe dọa to lớn. Ở Trung Quốc, Việt Vương Câu Tiễn sau khi diệt nước Ngô năm 473 tr CN làm bá chủ miền Duyên Hải từ Sơn Đông đến Quảng Đông và đã từng sai sứ xuống dụ nước Văn Lang nhưng đã bị vua Hùng cự tuyệt. Sự kiện này được các nhà sử học Việt Nam coi là cuộc đụng độ đầu tiên giữa nước ta với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Truyền thuyết "Họ Hồng Bàng" trong sách Lĩnh Nam chích quái cũng phản ánh phần nào cuộc tiếp xúc và đụng độ của người Việt với người Hoa Hạ ở phương Bắc.
Sách có chép" Dân phương Nam khổ vì bị người phương Bắc quấy nhiễu, không được yên sống như xưa...". Nước Tần thành lập năm 221 tr CN đã mở rộng những cuộc chiến tranh xâm lược đại quy mô ra cả hai phía bắc, nam thành lập một đế chế rộng lớn đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.
Về phía Nam tiếp tục kế thừa và phát triển chủ trương " bình Bách Việt" của nước Sở trước đây, Tần Thủy Hoàng đã sai 50 vạn quân xâm lược đất đai của Bách Việt ở phía Nam Trường Giang. Hàng vạn quân Tần vượt biên giới tràn vào lãnh thổ phía Bắc và đông bắc nước ta lúc đó.
Lúc này hai tộc người Lạc Việt và Âu Việt (Tây Âu) vốn gần gũi về dòng máu, về địa vực cư trú, về kinh tế và văn hóa lại có điều kiện liên kết chặt chẽ lại với nhau hơn trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung
Theo sách Hoài Nam Tử, "lúc đó người Việt đều vào rừng ở với cầm thú, không ai chịu để quân Tần bắt", và "họ cùng nhau đặt người kiệt tuấn lên làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần" . Đó là hình thức phôi thai của lối đánh du kích và thông qua lối đánh này mà lực lượng kháng chiến của người Việt ngày càng lớn mạnh; còn quân Tần dần dần bị dồn vào thế nguy khốn và tuyệt vọng.
Trên đà chiến thắng, người Việt tập hợp lực lượng tổ chức đánh lớn nhằm tiêu diệt sinh lực địch, đại phá quân Tần, giết chết chủ tướng Đồ Thư, buộc nhà Tần phải bãi binh. Đây là thắng lợi oanh liệt đầu tiên của cả dân tộc ta chống lại họa xâm lược của phong kiến phương Bắc.
Trong cuộc chiến đấu này, vai trò và uy tín của Thục Phán, người thủ lĩnh kiệt xuất của liên minh bộ lạc Tây Âu ngày càng được nâng cao, không chỉ ở trong bộ lạc Tây Âu mà còn có ảnh hưởng sâu rộng trong bộ lạc Lạc Việt.
Sau khi cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, trong điều kiện cộng đồng cư dân Lạc Việt - Tây Âu đã hình thành và uy tín ngày càng cao của Thục Phán, Thục Phán đã thay thế Hùng Vương, tự xưng là An Dương Vương, lập ra nước Âu Lạc.
Nhà nước Âu Lạc tồn tại trong khoảng thời gian nào?
Nước Âu Lạc chỉ tồn tại trong khoảng thời gian không đầy 30 năm (từ năm 208 đến năm 179 tr CN), nhưng cũng đã có những đóng góp đặc biệt to lớn vào trong tiến trình phát triển của lịch sử đất nước.
Tên nước Âu Lạc bao gồm hai thành tố là Tây Âu (hay Âu Việt) và Lạc Việt, phản ánh sự liên kết của hai nhóm người Lạc Việt và Tây Âu. Trong triều vua Thục vẫn có Lạc hầu và các địa phương vẫn do Lạc tướng cai quản.
Lãnh thổ nước Âu Lạc cũng được mở rộng trên cơ sở sáp nhập hai vùng lãnh thổ Văn Lang và Tây Âu. Sự thành lập nước Âu Lạc không phải là kết quả của một cuộc chiến tranh thôn tính, tiêu diệt lẫn nhau mà là một sự hợp nhất cư dân và đất đai của Lạc Việt và Tây Âu, của vua Hùng và vua Thục. Vì vậy, nước Âu Lạc là một bước phát triển mới, kế tục và cao hơn nước Văn Lang
Để nói đến thành tựu của nhà nước Âu Lạc không thể không nói đến thành Cổ Loa. Được mệnh danh là tòa thành cổ lớn nhất Việt Nam, di tích lịch sử Cổ Loa rộng khoảng 500ha, được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc.
Do yêu cầu bức thiết của cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, trong thời Âu Lạc, kỹ thuật quân sự có những tiến bộ vượt bậc. Đó là việc sáng chế ra nỏ Liên Châu bắn một lần nhiều phát tên, được coi là loại vũ khí mới, lợi hại (mà dân gian gọi là nỏ thần) và việc xây dựng kinh đô Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), hình ảnh tập trung sự phát triển nhiều mặt của nước Âu Lạc.
Theo tài liệu khảo cổ thì An Dương Vương xây dựng được một đạo quân khá mạnh sử dụng thành thạo cung tên. Các loại vũ khí phong phú, đa dạng và hơn vạn mũi tên đào được ở chân thành Cổ Loa đã chứng tỏ điều đó. Âu Lạc còn có thuỷ quân và được luyện tập khá thường xuyên. Sau khi nước Âu Lạc ra đời, Thục An Dương Vương đã chọn Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) làm Kinh đô và cho xây dựng thành Cổ Loa kiên cố, trở thành trung tâm của nước Âu Lạc và là một căn cứ quân sự vững chắc, lợi hại.
Thành Cổ Loa nằm ở vị trí trung tâm đất nước vàlà đầu mối của các hệ thống giao thông đường thuỷ. Ở đây có sông Hoàng chảy qua thuận lợi cho việc đi lại quanh vùng, rồi toả đi các nơi, theo sông Hồng, sông Đáy xuôi về đồng bằng rồi ra biển cả hoặc xuôi sông Cầu qua sông Thương, sông Lục Nam lên vùng rừng núi Đông Bắc v.v… Theo di tích còn lại, thành Cổ Loa gồm 3 vòng thành khép kín là thành Nội, thành Trung và thành Ngoại. Thành Nội hình chữ nhật có chu vi 1650 mét, cao khoảng 5 mét, rộng khoảng từ 6 đến 12 mét và chỉ mở 1 cửa ở phía nam.
Đây là một kiến trúc quân sự kiên cố được phòng vệ chắc chắn, kết hợp chặt chẽ giữa quân bộ và quân thủy. Thành Cổ Loa còn biểu thị một bước phát triển mới của Nhà nước Âu Lạc, của quyền lực xã hội và sự phân hóa xã hội. Với vị trí kiên cố và lợi hại, thành Cổ Loa đã góp phần vào chiến thắng vẻ vang của nhân dân Âu Lạc chống các cuộc xâm lược của quân Triệu (trước năm 179 tr.CN).
Sơ đồ bộ máy nhà nước:
II. LUYỆN TẬP
HS tham gia trò chơi ô chữ liên quan đến nhà nước thời Văn Lang, Âu Lạc
III. HÌNH ẢNH, VIDEO MINH HỌA
IV. KIẾN THỨC MỞ RỘNG
Xem Thành Cổ Loa tại đây Google Earth
Xem khu di tích Đền Hùng tại đây Google Earth
Xem giới thiệu lễ hội Đền Hùng