Cảm Nghĩ về Bát Cú Ngũ Độ Thanh


Cảm Nghĩ về Bát Cú Ngũ Độ Thanh

vương thanh

07/15/2017


Mấy năm gần đây, nghe trên mạng có một kiểu thơ đường luật mới được gọi là đường luật ngũ độ thanh.  Hôm nay, mình xin giải thích quy luật của đường luật ngũ độ thanh là gì và cho vài lời bình luận về kiểu thơ này. 

Những quy luật sẵn có của thơ đường luật sau đây vẫn đuợc tuân thủ . 

1.  Luật bằng, trắc trong mỗi câu thơ "BTB", hay là "TBT" cho chữ thứ 2, thứ 4 và thứ 6 trong mỗi câu vẫn được áp dụng. Chữ có thanh (vần) trắc là chữ có dấu (sắc, nặng, hỏi, ngã .) Chữ có thanh bằng (vần bằng) là chữ có dấu huyền hay là không có dấu. Mấy dấu mũ, dấu á không tính. Người làm thơ đường luật quen rồi thì cái luật này không còn nhớ tới nữa vì câu thơ làm đúng luật bằng trắc nghe sẽ êm tai hơn là câu thơ không đúng luật.  Như thơ lục bát cũng có âm luật bằng trắc : cũng thường là "BTB" trong câu lục - như trong câu "gió mưa (2B) là bệnh (4T) của trời (6B).

2. Niêm của bát cú . "BTTB BTTB" hay là "TBBT TBBT" của bài bát cú vẫn đuợc tuân thủ. Mỗi mẫu tự B/T là cho chữ thứ 2 trong mỗi câu từ câu 1 tới câu 8. 

Còn sau đây là những quy luật  của bát cú kiểu ngũ độ thanh:

NDT1 : Cho những chữ thanh "trắc" trong mỗi một câu, không được dùng lại cùng dấu . Thí dụ như đã dùng chữ có dấu sắc trong câu rồi, phải dùng chữ có dấu khác, như dấu (hỏi, ngã, nặng) . 

NDT2: Không có 2 từ vần bằng được đứng sát nhau mà cùng dấu.  (Hai chữ có dâu huyền không đuợc đứng cạnh nhau, và hai chữ không có dấu không được đứng cạnh nhau ). 

 Hai quy luật trên đuợc chế ra với giả thuyết là sẽ làm cho bài bát cú nghe êm dịu hơn, có nhiều nhạc tính hơn. Theo mình thấy thì: dấu hỏi và dấu nặng đọc cũng rất giống nhau, có thể thay thế lẫn nhau, cũng chắng ảnh hưởng gì đến âm điệu du duơng của câu thơ. 

Nhưng kiểu thơ ngũ độ thanh có hai vấn đề lớn:  

1. Rất nhiều cụm từ và chữ kép trong tiếng Việt bị loại bỏ . Thí dụ : suối tóc, lung linh, yêu thương, bâng khuâng, miên man, hòa bình, lác đác, thương em , tháng sáu, hạnh ngộ, trao tay, cao nguyên,  v.v.  

2. Khi làm một câu thơ, ý tưởng bị gò bó, từ ngữ bị giới hạn rất nhiều. 

Những vần thơ kiệt tác của tiền nhân như bài "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan, như "Mười Hai Tháng Sáu" của Vũ Hoàng Chương, "Tình Tự Dưới Hoa" của Đinh Hùng  không bài nào đúng quy luật lcủa ngũ độ thanh. 

Như đoạn thơ sau đây trong bài "Qua Đèo Ngang" của Bà Huyện Thanh Quan:

(1) Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà

(2) Cỏ cây chen đá, lá xen hoa

(3) Lom khom dưới núi, tiều vài chú

(4) Lác đác bên sông, chợ mấy nhà

Không có câu nào là theo luật ngũ độ thanh và câu nào nghe cũng du dương, êm tai, mượt mà. Nếu theo ngũ độ thanh, thì làm sao có thể diễn tả cái cảnh : cỏ cây chen đá, lá xen hoa. Làm sao mà có câu đối "Lom khom dưới núi ... Lác đác bên sông ..." tuyệt diệu như thế . "Lom khom"  không đúng luật NDT2, "dưới núi" không đúng luật NDT1.  Câu 4:  "lác đác bên sông" cũng không đúng luật NDT1, và NDT2. Tác giả cảm khái mà làm ra câu đối tuyệt vời, chả lẽ lại vì câi kiểu thơ NDT mà vừt bỏ đi câu đối, làm câu khác sao. 

Bây giờ, minh lại lấy môt đoạn bài thơ "Mười Hai Tháng Sáu" của Vũ Hoàng Chương ra làm ví dụ:

(1) Trăng của nhà ai, trăng một phương

(2) Nơi đây, rượu đắng mưa đêm trường

(3) Ờ, đêm tháng sáu, mười hai nhỉ

(4) Tố của Hoàng ơi, hỡi nhớ thương. 

Tuy đây không phải bát cú, nhưng bài này cũng là đọan tứ tuyệt. Và luật NDT1, NDT2 mục đích cũng là làm cho mỗi câu thơ 7 chữ (giả thuyết) nghe du dương hơn.  Nếu theo NTD, thì không thể dùng cụm từ "mưa đêm" rồi . Mà tác giả lại muốn nói đến cảnh uống rượu trong mưa đêm, vậy phải làm thế nào . Còn câu thứ sáu, cụm từ "tháng sáu" cũng không đúng NDT, chả lẽ lại đổi là "tháng bảy"  cho đúng.  

Còn như trong bài "Tình Tự Dưới Hoa", những câu thơ tuyệt vời của Đinh Hùng (1) Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay

(2) Ôi, mộng nào hơn giấc mộng này

(3) Mùi phấn em thơm mùa hạ cũ

(4) Nửa như hoài vọng, nửa như say

Câu 1: "hạnh ngộ" và "trao tay" thành không đúng luật của NDT.

Câu 2: láy lại chữ "mộng" rất hay, nhưng không đúng NDT.

Câu 3: "mùi phấn em thơm ..." hình ảnh đep vập nhưng không đúng NDT.

Câu 4: láy 2 chữ "nửa" có cùng dấu hỏi trong một câu và cụm từ "như say" không đúng NDT.

Từ những đoạn thơ mà minh nêu lên ở trên và phân tích, chúng ta có thể thấy kiểu thơ NDT : 

1. gò bó tư tưởng người làm thơ, rât nhiều cụm từ hay, không dùng đuợc vì không đúng luật NDT. 

2. Rất nhiều từ kép tiếng việt , hay cụm từ tiếng Việt không dùng đuợc

3. Một số ý tưởng hay hình ảnh không diễn tả đuợc như "mưa đêm", "tháng sáu", cao nguyên, "lác đác lá rơi vàng nẻo trúc", ... 

4. Những câu thơ cố tình láy lại chữ , dùng theo kiểu điệp khúc, rất hay, thi sẽ không đuợc dùng vì không đúng luật NDT.  

Theo mình nghĩ,  một bài đường luật bát cú đã có đầy đủ nhạc tính , với âm điệu bằng trắc du dương. Nếu muốn cho câu vần nghe mượt mà, du duơng  hơn, thì chỉ cần đọc nhẩm lên bằng tai rồi sửa lại những chữ ở vị trí nhất tam ngũ bât luận, chữ thứ 1,3,5 đổi thành bằng hay là trắc , hay là tthanh trắc khác cho êm tai hơn. Đọc qua những bài thơ ngũ độ thanh, mình thây cũng không êm dịu bằng phương pháp đọc nhẩm lên  mà bao nhiêu nhà thơ vẫn dùng từ trứoc tới giờ.  

Đôi khi, mượn thể thơ bát cú để diễn đạt tình cảm, ý tưởng, hình ảnh, ... trong một khuôn khổ có sẵn nhiều nhạc tính. Làm quen với bát cú một thời gian rồi thì chẳng còn thấy luật thơ bằng trắc nữa, cũng giống như làm lục bát. Chỉ còn vài điểm đặc biêt là mấy câu đối, mà làm mấy câu đối cũng là hứng thú của người làm thơ bát cú .

Nhưng với kiểu thơ ngũ độ thanh, thì  bát cú trở thành một trò chơi chữ rắc rối mà người làm thơ phải đi tim vần điệu, và gò ép ý tưởng để câu thơ vào đúng khuôn khổ của hộp thơ NDT với những luật lệ lập dị, gò bó. Mỗi khi làm một câu thơ thì phải coi lại tất cả mọi dấu thanh trắc, thanh bắng, coi có đúng luật NDT không. Đó là chưa nói đén sự gò bó, giới hạn ý tưởng và ý cảnh.  Thiệt là mất  đi ý nghĩa của sự làm thơ. Thể thơ nên giúp nguời làm thơ, chứ không nên gò bó ý tưởng, hạn hẹp ý cảnh, ngôn từ!  Mình thấy thể thơ này rất là vô vị, là "vẽ rắn thêm chân", chẳng có bổ ích gì cho người làm thơ, chắng làm cho thể thơ bát cú được hay hơn, mà dễ làm cho câu thơ nghe gượng gạo. Đây là quan điểm riêng cùa mình, xin chia sẻ với các bạn đọc và những ai đang tư lự về kiểu thơ ngũ độ thanh là kiểu thơ như thế nào, có đáng tập làm hay không. 

vương-thanh

07/15/2017