Lễ Rước Xuân
Lễ Rước Xuân
Thánh Giáo
Ngọc Hư Cung Chưởng Giáo Đại Thiên Tôn
22 Jan 1947 - Mùng Một tháng Giêng năm Đinh Hợi
Mừng Tứ Bửu, Năm Thiên Sư, mừng chư đệ tử, các con.
Này các con!
Các con vì thấy cái tân xuân sắp đến cho mình nên lớn theo lớn, nhỏ theo nhỏ, cũng tùy theo sức của mình đồng lo sấm sanh trong cuộc Lễ Rước Xuân.
Bổn Sư cũng mừng theo ý định và việc làm của các con mà phụ giảng cho các con, cũng gọi đặng là một món quà vô giá của Bổn Sư ban cho các con trong tân xuân này vậy.
Công việc của các con lo trong cuộc Lễ Rước Xuân, Bổn Sư thấy cũng đáng khen, con nào con nấy đều đồng để ý vào; con thì lo lau chùi Bàn Điển, con thì lo cho có ánh sáng một ngọn đèn thường thường hoài nơi ấy, con thì lo cho có một bình bông tươi đẹp thơm tho, hương trầm nghi ngút.
Công phu thật là công phu, công quả thật là công quả, song Bổn Sư rất tiếc cho cái công ấy đều là cái công thuộc về với vật chớ không có ích chi cho Đạo.
Các con lau chùi bàn điển cho sạch sẽ tinh khiết, song cái bàn ấy không phải là cái bàn điển, nó vẫn là một cái vật chứa đựng bụi bậm hàng ngày. Đã nó là cái bàn điển mà các con lo lau chùi cái bàn cây, cái vật đã mất sự sống, đã bị một tay thợ đống khuôn nó rồi, còn lau chùi cái điển thì các con lại lau chùi bụi bậm thì nó chỉ đặng trơn láng sạch sẻ là cùng; bụi năng quét năng lau thì nó đặng sạch chớ mấy đời chùi bụi ra Điển bao giờ! Nếu không phải không đặng là cái Bàn Điển, Bổn Sư thử hỏi các con một khi rước đặng cái Xuân rồi, các con để nó nơi đâu, cái Xuân là cái vật ra làm sao, nó có hình hài thể chất chi đặng để nó lên trên cái bàn ấy chăng?
Con thì lo dầu đèn cho đầy đủ bóng chóa trắng trong cho ngọn đèn nơi đó sáng ánh lên. Cái đèn ấy, ngọn đèn ấy chỉ để lên trên một cái bàn vật chất thì đặng. Nó đã có hình, các con làm sao để nó để nó lên đặng trên một cái vật vô hình. Nếu không để đặng thì dùng nó cũng không đúng theo với cuộc Rước Xuân rồi. cái đèn như thế làm điển theo khoa học kia chớ! Cái ngọn đèn đứng trước gió còn xao, mất bóng phải lu, phải tắt, hết dầu phải tim lụng mà gọi ngọn đèn Điển nỗi gì!
Có con lại lo sao cho có một bình bông tươi đẹp, một lư trầm nghi ngút mùi hương đặng để trên bàn Điển, song vật này còn khá hơn vì trong mình nó còn có sự sống của cái vật. Sao các con không chịu hiểu biết rẳng cái bông là cái biểu hiệu của vẻ đẹp tươi Xuân mà Đức Chí Tôn có nói:
“Cần phải Tu Tỉnh đặng tỏ bày vẻ đẹp thiên nhiên với Đấng Hóa Công là giúp công Hóa Hóa Sanh Sanh của Trời”.
Người này không phải là một cái bông đầy vẻ đẹp màu tươi để dâng lại cho Trời hay sao? Cái bông đồng Thể với Trời, biết sự Cảm Hóa như Trời, thốt lời cầu nguyện, cái Hơi cầu nguyện của cái bông, Người không phải là Hơi Hương sao? Mà là một Hơi Sanh Sống tự nhiên nó tiết ra mùi hương chớ dùng lửa mà đốt, nó đã bị thiêu rồi, mà còn gọi chi là mùi hương, cái bông như thế, cái mùi như thế mới có Thể để trên cái Bàn Điển đặng chớ! Các con biết chưa?
Các con dùng ba vật làm Lễ Rước Xuân là ba cái vật, ba vật rời rã nhau ra đâu có đủ tinh thần để rước. Bổn Sư muốn sao các con hiểu thấy biết thêm lên rằng cái Bàn Điển ấy là một vật đầy đủ sự sống tự nhiên sáng suốt. Cái vật có đầy đủ sự sống tự nhiên tức nhiên có đủ thần lực. Thần Lực này vận chuyển ra Điển Lực. Cái Bàn như vậy có sự sống, có Điển chiếu sáng tự nhiên không gọi đặng cái Bàn Điển sao? Cái Bàn Điển như vậy phải tìm đâu cho có đặng dùng cho trúng trong cuộc Lễ Rước Xuân.
Các con đành quên rằng: Trong mình các con có một chỗ Cao quý để Trời Ngự là cái Tâm của các con đó, mà là Chơn Tâm vậy. Các con dùng đặng cái Chơn Tâm để làm Bàn Điển để Rước Xuân thì có gì đúng bằng. nơi Chơn Tâm mới có Chơn Điển không gọi đặng là cái Bàn Điển hay sao? Cái Bàn Điển này tự nhiên có sự sáng sống, sáng hoài, còn hoài, không hơn đặng ngọn đèn thường trực của các con đó chăng? Cái Sáng ấy tức Chơn Tánh không bằng ngọn đèn dầu hay sao?
Các con dùng đặng cái Bấu Vật như vậy để làm Lễ Rước Xuân, rước Trời Ngự mà chẳng đặng thì Bổn Sư đây cũng nguyện nếu các con không đặng Hiệp Nhứt về với Trời, Bổn Sư đành khóa Ngọc Hư Cung lại đặng đi dìu dẫn từ con một đặng đem về cho Thầy.
Do nơi việc làm của các con, theo lời giảng của Bổn Sư, cũng cho rằng các con sắm sanh Lễ vật xong xui rồi để Rước Xuân, vậy nay các con Rước chưa, Rước đặng chưa; cái Xuân là cái vật ra sao cần phải làm Lễ Rước mới đặng? Rước để làm gì? Bổn Sư khuyên các con hãy tỏ ra, tõ ra hết cho Bổn Sư nghe hùng với.
Có con đáp rằng: cái xuân là cái biểu hiệu trẻ trung tươi tắn, rước nó thì đặng tươi tắn trẻ trung.
Bồn Sư cũng cho là phải theo con đó, đã đành vậy, còn lúc tuổi đã cao rồi Bổn Sư thấy có kẻ cũng rước mà vẫn thấy thân hình tiều tụy thêm hơn lên. Bổn Sư e cho các con rước cái xuân như thế càng lâu ngày càng cao chừng nào thì càng thấy chưa làm xong một tí trách nhậm nào của Trời phú giao mà càng thấy sự luân hồi của kiếp trần gian lại thêm gần gũi.
Cũng có con đáp nữa rằng: Rước Xuân là mừng sống thêm đặng một tuổi; thử hỏi đặng thêm lên một tuổi, các con có làm đặng điều gì giúp ích cho đời, cho nhơn loại chăng?
Bổn Sư chỉ thấy cái xuân của các con rước đó, không phải là Cái Xuân của Đạo, mà nó là cái Xuân của Đất vậy. Cái Xuân của Đất, Người Trời đâu có rước để làm gì? Rước Xuân đặng về với Đất hay sao?
Bổn Sư xin đem một ví dụ đặng thể cho các con dễ thấy dễ hiểu là một vật vô tri giác mà còn biết hành theo đúng cái Xuân mà chẳng cần làm Lễ Rước như các con. Vật ấy là loài Thảo Mộc Hoa Cỏ vậy. Bổn Sư không hề thấy loài Thảo Mộc Hoa Cỏ có làm lễ rước cái Xuân một lần nào song hễ đến mùa xuân tháng xuân thì chúng nó đua nhau đâm chồi sanh là trổ bông đơm trái. Tưởng cũng không cấn tính tháng tính ngày làm chi, hễ thấy mái lá sum sê xanh tươi đẹp đẻ, trổ bông đơm trái là tới mùa xuân, cái xuân của nó vậy.
Loài Thảo Mộc Hoa Cỏ thi hành đúng luôn luôn cái Luật Tự Nhiên đã định 1 không hề chối cải bao giờ. Nó thi hành theo đúng cái Luật đã định cho nó đặng nó thêm vẽ đẹp cho Võ Trụ, giúp công Hóa Hóa Sanh Sanh của Trời đặng bồi đấp cái công của Trời cho nó có đặng Sự Sống, chẳng lựa đến cái xuân mà nó phải như vậy, ngày thường nó cũng không chịu rời cái Xuân của nó sẵn có.
Vậy thì cái Xuân của các con rước đây chính là cái Xuân của đời của đất. Còn cái Xuân của Đạo là cái gì?
Này các con!
Nó vốn là cái Sức Sanh, Sức Sống, Sức Hóa, Sức Sáng tự nhiên vô hình đó. Đã biết là vô hình song nó không phải đâu xa xác thân của các con đó. Nó ở trong Trung Tâm Điểm của các con nên cũng gọi là Lương Năng. Mỗi khi các con tuân theo Lịnh Một Trời Độc Nhứt đặng thi hành phận sự nó liền đổi qua một cái danh từ khác là: Thông, Hiểu, Biết.
Ba cái Thông, Hiểu, Biết này nó ở nơi Tâm của các con. Chính nó là một thứ Hơi, mà là Hơi Điển vậy. Hơi Điển này trông truyền cùng khấp Ngũ Giác Thân nó làm cho bộ phận ấy cũng đặng thông truyền. Như vậy cái Tâm của các con đó là chỗ chứa đựng các Mối Điển ấy; cái thứ Hơi thông truyền sáng suốt ấy nó mới gọi đặng là Cái Bàn Điển cho chớ.
Các con có nhìn nhận cái Tâm của con là cái Bàn Điển thì các Mối Điển ấy tùy theo danh từ, phận sự như: Thông, Hiểu, Biết, Nghe, Thấy, đều do nơi Nó mà phát ra, ở ngoài cũng vào ngay nơi đó. Lời nói, việc làm của các con cũng đều do nơi đó. Lời ấy, Hành Vi ấy, tức là Lời của Thầy vậy. Nơi nào mà đặng có Lời Thầy phát ra, tức là Thầy đã có ngự nơi đó. Thầy đã có ngự nơi đó thì nơi đó mới đặng gọi là cái Bàn Điển để thờ Thầy.
Các con hiểu chưa?
Các con phải làm lễ rước là vì trước kia, không biết mấy muôn ngàn kiếp rồi, các con đành bỏ cái Bàn ấy, dẹp cái Bàn ấy một nơi. Các con dẹp cái Bàn ấy đi rồi, các con đâu còn dùng các Mối Điển ấy nữa. Các con đã dùng sái cái Mực Chơn rồi các con mới hủy hoại các Mối Điển ấy, không một tí nào đoái hoài đến. Nay các con đặng tròn Tỉnh Ngộ. Các con Thành Tâm trân trọng yêu cầu được “các Mối Điển” ấy trở lại với các con, các con để nó vào cái Bàn ấy. Các con yêu cầu các Mối Điển ấy, trân trọng để trên Bàn ấy là các con đã có cái Bàn Điển chắc chắn rồi vậy.
Rước đặng rồi cái Bàn Điển ấy các con còn phải làm Lễ trước Bàn Điển ấy là chẳng phải các con lạy Thầy mà là các con thề nguyện trước Bàn Điển ấy rằng các con không còn tái phạm bỏ dẹp, đánh rơi Bàn Điển ấy. Chẳng luận đi đứng ngồi nằm đều do nơi Điển trong Bàn Điển ấy mà ra, ấy
Rước Xuân
là vậy.
Làm Lễ Rước Xuân
là vậy, nhớ hoài nguyện hoài làm y theo cái Điển ấy, chớ Đạo nào có buộc rước Xuân, làm lễ Rước Xuân làm chi, hay làm lễ Rước Xuân là lạy Thầy theo dịp Tân Xuân đâu.
Tóm tắc là khi các con làm lễ Rước Xuân rồi là các con phải hành theo đúng mực Chơn Lý Tầm Nguyên Đại Đạo, đừng làm cho ai khinh bỉ Tam Kỳ.
Các con phải do noi theo các Mối Điển ấy mà tập tành sửa mình cho trong trắng trong suốt phòng có tỏ bày vẻ đẹp giúp công Hóa Hóa Sanh Sanh với Trời, vì Thầy có câu:
“Tu Hành là Học làm Trời”!
Có học làm Trời đặng mới có thể tỏ bày vẻ đẹp thiên nhiên với Trời đặng, các con hiểu chưa?
Bổn Sư sơ giảng cái Lễ Rước Xuân cho các con hiểu, hiểu rồi, khuyên các con hãy suy nghĩ đặng noi theo đó mà học hỏi thêm cho đáng mặt con cái của Trời.
Bổn Sư ban ơn cho chư đệ tử các con.
Ngọc Hư Cung Chưởng Giáo Đại Thiên Tôn
22 Jan 1947
Đêm mùng Một tháng Giêng năm Đinh Hợi