Hoài Hương tổng hợp

Từ lâu, hoa đã đi vào tâm hồn con người bằng mọi nẻo đường: tình yêu, nhân cách, đạo đức và thẩm mỹ. Con người thưởng thức hoa không chỉ ở sắc màu, hương thơm mà còn bởi những giá trị tinh thần cũng như tình cảm sâu lắng nhất mà con người muốn gởi cho hoa.

Hoa Đào trong ngày Tết

Hoa đào được xem là loài hoa báo hiệu thời tiết xuân trong cái rét đầu năm ở Miền Bắc. Tục chưng hoa đào ở Miền Bắc đã có từ lâu rồi nhưng không phải ai cũng biết được ý nghĩa khi sử dụng hoa.

Cành đào ngày Tết mang nhiều ý nghĩa tâm linh tốt đẹp đối với mỗi người con Việt.

Ngày xửa, ngày xưa ở phía Đông núi Sóc Sơn, Bắc Việt có một cây hoa đào cổ thụ, cành là xum xuê, bóng râm che phủ cả một vùng rộng lớn.

Ở nơi đó, có 2 vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ ở trên cây hoa đào khổng lồ này. Với sức mạnh phi thường của mình các vị thần giúp dân diệt trừ ma quái, giúp cho người dân trong vùng có được cuộc sống yên bình, hạnh phúc. Khiếp sợ trước quyền năng to lớn của 2 vị thần, lũ yêu ma cũng sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào là chúng đã sợ hãi bỏ chạy, mất vía.

Tuy nhiên, đến ngày cuối năm, cũng như các thần khác, 2 thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Chính vì thế, lũ yêu tinh được dịp hoành hành, tác oai tác quái làm hại dân làng.

Vì thế các vị thần nghĩ ra một cách, để ma quỷ khỏi quấy phá, dân chúng đã nghĩ ra một cách là đi bẻ cành hoa đào về cắm trong lọ. Nếu ai không bẻ được cành đào thì lấy giấy hồng điều vẽ hình 2 vị thần linh dán ở cột trước nhà để xua đuổi ma quỷ. Chỉ cần nhìn thấy hình vẽ trên giấy hồng ma quỷ đã thi nhau bỏ chạy.

Việc làm này từ đó trở thành thông lệ, hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến, mọi người đều cố gắng cắm một cành hoa đào trong nhà mình.

Lâu dần, người Việt không còn tin mấy ở ma quỷ thần linh như tổ tiên ngày xưa nhưng vẫn giữ tập tục trang hoàng cho nhà mình bằng cành đào tươi thắm với mong muốn sang năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, an lành, hạnh phúc.

Ngày nay những cành đào tươi thắm vẫn xuất hiện trong mỗi ngôi nhà vào dịp Tết đến xuân về nhưng ý nghĩa của nó đã khác xa với tục lệ ngày xưa. Vẻ đẹp của nó đã mang lại sự ấm cúng cho mỗi nhà, gieo vào lòng mỗi người niềm vui, niềm tin yêu, hy vọng vào năm mới An Khang Thịnh Vượng.

( Bạch Dương )

Hoa Mai trong ngày Tết

Mỗi vùng đất, mỗi quê hương đều có một loài hoa tiêu biểu. Ngày Tết, nếu ở miền Bắc có hoa đào thì miền Nam nhà nào dù nghèo hay giàu cũng đều muốn có một nhành mai hay một chậu hoa mai đặt trước bàn thờ để tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên và cầu mong cho gia đình luôn may mắn quanh năm. Chưng hoa mai trong ngày Tết là một quan niệm nhân sinh của đồng bào Nam Bộ.

Mùa xuân khí hậu mát mẻ, vạn vật chuyển mình, cỏ cây đua nhau đâm chồi nảy lộc. Mùa xuân cũng là mùa khoe sắc của trăm hoa. Trong không khí mùa xuân nhẹ nhàng thanh thảng, lòng người bỗng như rạo rực khi nhìn thấy màu vàng, màu trắng của hoa mai. Tự ngàn xưa, mai đã được xác định là loài quý nhất trong "tứ quý" (mai, lan, cúc, trúc).

Màu vàng là màu tươi sáng, mai vàng biểu trưng cho tấm lòng thủy chung, chân thật

Tùy kiểu dáng và màu sắc đặc trưng của từng loại mà mai có những tên khác nhau. Hoa trắng tinh khôi gọi là bạch mai. Hoa màu vàng gọi là hoàng mai. Mai trổ cả bốn mùa gọi là mai tứ quý. Hoa màu đỏ gọi là hồng mai. Lại có loại mai trổ hoa màu trắng, nhỏ, quý phái khi nở chếch nghiêng xuống gọi là mai chiếu thủy.

Mai có thân hình cứng cáp mà thanh tú, yểu điệu mà duyên dáng. Hoa mai dù mỏng mảnh nhưng vẫn không phai một màu vàng tươi sáng. Cả đến khi rơi rụng nhan sắc vẫn trinh nguyên. Giữa tiết đông lạnh giá, mọi sinh vật co ro nhưng mai vẫn hiên ngang khoe sắc, nở nụ cười duyên hiền dịu, yểu điệu mà đoan trang. Hoa mai tỏa hương thoang thoảng nhẹ nhàng.

Mai trắng, vàng, đỏ điểm xuyến cho vườn cảnh suốt từ đông sang xuân thêm tươi thắm, đầm ấm tình người.Màu vàng là màu tươi sáng nên trong tâm thức người Việt Nam, mai vàng còn biểu trưng cho tấm lòng thủy chung, chân thật - Tấm lòng vàng. Dù có bao nhiêu cánh, hoa mai vẫn cấu tạo đều đặn, chân phương, nở xòe tươi thắm, không che giấu bất cứ những gì bên trong như những loài hoa khác.

Mai vàng được tôn vinh là "đệ nhất hoa mai". Ngoài vẻ đẹp chân phương lộng lẫy, đài các và phơn phớt kiêu sa ấy người ta còn gởi gắm niềm ước mong những điều may mắn, giàu sang, tấn tài tấn lộc. Hoa mai làm đẹp nhà cửa, xóm làng, quê hương, đất nước. Hoa mai còn nâng cao tình cảm, tình người và là nguồn cảm hứng vô tận của bao nghệ sĩ. Thi sĩ Lưu Trọng Lư đã có lý khi nói rằng: "Không có lời nào đẹp bằng tiếng nói của hoa, ở đâu có hoa thì ở đó có lòng thơm thảo"

( Minh Chính )