Vài nét lịch sử trường Chu Văn An

CVA Lê Tất Luyện


Trường Chu Văn An được thành lập đến nay đã hơn một thế kỷ, nhưng tìm một tài liệu lịch sử chính xác về trường, tại hải ngoại rất khó. Bộ bách khoa toàn thư Wikipedia có đưa ra một số thông tin nhưng không hề ghi rõ xuất xứ từ nguồn nào. Gần đây, nhà nghiên cứu Đặng Hữu Thụ sau nhiều năm tìm kiếm tài liệu tàng trữ bên Pháp, đã cho xuất bản một bộ sách lịch sử làng Hành Thiện trong đó có hai cuốn Làng Hành Thiện, Thời Tây Học Cho Đến Năm 1954, tác giả nhắc đến lịch sử các trường học ở Việt Nam thời ấy. Ông cho biết rõ lịch sử nhà trường[1], có lẽ đây là những tài liệu khá đầy đủ và đáng tin cậy, vì soạn theo các văn bản tìm kiếm được trong văn khố lưu trữ hiện nay ở Paris, Aix en Provence, và Versailles. Bài viết này, ngoài sự sử dụng tư liệu của Đặng Hữu Thụ, chúng tôi còn tiếp xúc với một số cựu học trò trường Bưởi thập niên 20-40, để thử ghi lại vài dòng lịch sử trường Chu Văn An từ đầu thế kỷ XX đến 1954.

Trường Chu Văn An Saigon 1958


Năm 1886, Pháp mở Ecole d’Interprètes de Hanoi (Trường Thông Ngôn Hà Nội), trường này được coi là khởi điểm của trường Chu Văn An sau này.

Trường Thông ngôn khai giảng theo nghị định của Tổng Trú Sứ Trung Bắc lưỡng kỳ (Résident général de l’Annam et du Tonkin) ngày 24-2-1886, địa điểm phố Jean Dupuis. Thí sinh ghi tên thi tuyển phải có trình độ lớp nhất, và sau khi đỗ phải học 4 năm. Trong 4 năm học sinh theo chương trình tương đương bậc Cao đẳng tiểu học (tức là Trung học đệ nhất cấp). Giám đốc đầu tiên là ông Besançon. Đến năm 1887 trường dời đến đình làng[2] Yên Phụ, phía Bắc Hà Nội.

Năm 1904, Trường Thông Ngôn được đổi tên là Ecole Complémentaire de Hanoi[3] (Trường Thành Chung Hà Nội). Ngoài ban thông ngôn, còn mở thêm ban hành chính và ban sư phạm. Thời hạn học 4 năm. Chương trình căn bản, ba ban giống nhau, ngoài ra:

- Ban hành chính học thêm việc soạn thảo giấy tờ hành chính;

- Ban thông ngôn học thêm thông dịch Việt-Pháp, Pháp-Việt;

- Ban sư phạm học thêm việc dạy học và thực tập tại các trường tiểu học Hà Nội.

Sau 4 năm, học sinh thi lấy bằng Thành Chung (Diplôme d’Etudes Complémentaires) và thi riêng các môn hành chính, thông dịch, sư phạm.

Cựu học sinh trường Bưởi thập niêm 20-30, từ trái qua phải:

Trịnh Văn Tuất, Trần Văn Bảng, Lê Nhân Thuần, Khúc Đản, ảnh chụp ngày 27-5-1990, nay đã qua đời.


Năm 1908, theo nghị định ngày 9-12-1908 của Toàn Quyền ĐôngDương,haitrườngThành Chung Hà Nội và Nam Định (Ecole Jules Ferry[4]) hợp thành một, lấytênlà Collège du Protectorat[5] (Trung học Bảo Hộ), dạy hai cấp:

- Cấp Petit Collège (Tiểu học), học 4 năm (từ lớp tư đến lớp nhất, để thi bằng Tiểu học Pháp Việt. Cấp tiểu học về sau bãi bỏ (chưa rõ năm).

- Cấp Grand Collège (Cao đẳng tiểu học) học 5 năm. Trong 3 năm đầu học trò học chương trình Cao đẳng tiểu học; đến năm thứ 4 mới chia ra 4 ban: Sư phạm, Hành chính-Thông ngôn Kỹ thuật và Thương mại. Học trò thi bằng Thành Chung và thi thêm các bài về môn đã chọn.

Kể từ năm 1918, học trò chỉ học chương trình Cao đẳng tiểu học trong 4 năm, và các môn Sư phạm, Hành chính-Thông ngôn, Kỹ thuật, vàThương mại được bãi bỏ.

Đến niên khoá 1924-1925, trường mở thêm cấp Trung học đệ nhị cấp, cho học trò đã có bằng Cao đẳng tiểu học, để thi bằng Trung học bản xứ[6](Brevet de l’enseignement secondaire local), thường gọi là Tú tài bản xứ[7]. Năm 1937, ban trung học bản xứ bị bãi bỏ.

Năm 1929, do nghị định ngày 24-4-1929 của Toàn Quyền Đông Dương, Collège du Protectorat đổi tên thành Lycée du Protectorat (Trung Học Bảo Hộ), tức là từ diện collège (từ tiểu học đến đệ nhất cấp) chuyển sang lycée (từ tiểu học đến đệ nhị cấp). Từ đây, ngoài tên nôm Trường Bưởi, còn có danh hiệu Lypro[8], viết tắt của Lycée du Protectorat, đặc biệt với bài hành khúc do giáo sư Nguyễn Mạnh Tường soạn lời ca[9].

Từ niên khóa 1942-1943, ngoài ban cao đẳng tiểu học, còn mở thêm hai ban : ban trung học cận đại (cycle secondaire moderne) và ban trung học cổ điển Viễn Đông (cycle secondaire Extrême Oriental), theo nghị định của Toàn Quyền Đông Dương ngày 5-5-1942.

Từ niên khóa 1943-1944, để tránh oanh tạc của phi cơ đồng minh[10], trường dời Hà Nội, chia ra ba nơi[11]:

- Ban Cao đẳng tiểu học chuyển vào Phúc Nhạc (Ninh Bình), dạy tại Tiểu Chủng Viện Phúc Nhạc.

- Ban trung học cổ điển Viễn Đông (đệ nhất và đệ nhị cấp), và ban trung học cận đại (cycle secondaire moderne) đệ nhị cấp chuyển vào Sầm Sơn, Thanh Hóa.

- Ban trung học cận đại đệ nhất cấp được dạy tại Hà Đông, cùng với ban trung học đệ nhất cấp của trường Albert Sarraut.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, Hoàng Xuân Hãn[12], bộ trưởng bộ giáo dục trong chính phủ Trần Trọng Kim, đổi tên là Trường Trung Học Chu Văn An. Hiệu trưởng đầu tiên là giáo sư Hoàng Cơ Nghị[13], tốt nghiệp cử nhân lý hóa tại Paris.

Hiệu trưởng (proviseur) cuối cùng của trường trung học Bảo Hộ thời Pháp thuộc là giáo sư Antoine Perucca, giám học (censeur) là Dizès.

Từ niên khóa 1945-1946, trường dời về Hà Nội, học trò học tại trường Félix Faure, trước là một trường nữ cao đẳng tiểu học Pháp.

Niên khóa 1948-1949, trụ sở của trường là Trường nữ tiểu học Phố Hàng Cót.

Niên khóa 1949-1950, trường dời đến trường nữ sinh Đồng Khánh khi trước.

Từ niên khóa 1950-1951 cho đến năm 1954, trụ sở đặt tại trường cao đẳng tiểu học Đỗ Hữu Vị. Hiệu trưởng cuối cùng ở Hà Nội là Vũ Ngô Xán.

Sau hiệp định Genève 1954, trường Chu Văn An di chuyển vào Sàigòn, tọa lạc tại đường Trần Bình Trọng, sau lưng trường Pétrus Ký. Vũ Ngô Xán tiếp tục làm hiệu trưởng. Trường Chu Văn An này tồn tại đến năm 1975. Từ niên khóa 1954-1955, ở Hà Nội, một trường cũng mang tên Trung Học Chu Văn An được gây dựng tại làng Bưởi, ngoại ô thành phố, với ban giáo sư điều hành mới, dạy theo chương trình giáo dục Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Ảnh bìa Thông tín bạ với danh xưng chính thức: Trường Trung Học Chu Văn An, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Quốc Gia Việt Nam


Trong 90 năm, từ 1886 đến 1975, trường Chu Văn An đã thay đổi không ngừng, từ danh xưng, trụ sở đến chương trình giáo dục để thích ứng với nhu cầu và hoàn cảnh Việt Nam. Tên chính thức lần lượt là Ecole d’Interprètes de Hanoi (1986-1904), Ecole Complémentaire de Hanoi (1904-1908), Collège du Protectorat (1908-1929), Lycée du Protectorat (1929-1945), Trường Trung Học Chu Văn An (1945-1975). Hai chữ Trường Bưởi chỉ được dùng trong dân gian, có lẽ từ năm 1908 đến năm 1945. Hiện nay người ta dùng bốn chữ "Trung Học Bảo Hộ" dịch từ Collège du Protectorat hoặc Lycée du Protectorat.

Ảnh hai cựu học sinh và giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Tường


Chương trình Hoàng Xuân Hãn được áp dụng từ năm 1945 và chỉ thay đổi ít nhiều theo các trào lưu tiến bộ khoa học những năm cuối cùng[14]. Những tài liệu lưu trữ tại Pháp thường là các nghị định, ... liên quan đến việc tổ chức hành chính hoặc chương trình giáo khoa thời Pháp thuộc, không cho biết sĩ số học trò, hay danh sách các thày giáo đã giảng dạy từng năm. Chúng tôi ước mong được tiếp tay để lịch sử trường Chu Văn An được sáng tỏ và hoàn chỉnh hơn.


Lê Tất Luyện, CVA61

[1] Đặng Hữu Thụ, Làng Hành Thiện Thời Tây Học Cho Đến Năm 1954, tập thượng, tác giả xuất bản, Paris, 1999, trang 158-161.

[2] Theo Đặng Hữu Thụ, trường Thông Ngôn dời đến chùa Yên Phụ. Nhưng theo tập tài liệu Kỷ niệm 60 năm ngày giỗ ông Nguyễn Văn Vĩnh, tập 1, trang 3, thì Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) làm "chú bé kéo quạt trường Thông Ngôn" trong ba năm 1890-1893, ở đình làng Yên Phụ. Chúng tôi thấy đình làng hợp lý hơn.

[3] Phạm Quỳnh (1892-1945), theo tiểu sử do bà Phạm Thị Ngoạn (con gái) soạn, tốt nghiệp thủ khoa trường Bưởi năm 1908, vậy ông học ban Thông ngôn trường Thành Chung Hà Nội (Ecole Complémentaire de Hanoi) từ năm 1904 đến 1908, trước khi trường này được đổi tên là Collège du Protectorat.

[4] Trường Cao Đẳng Tiểu Học Nam Định hay Trường Thành Chung Nam Định, tên chính thức là Ecole primaire supérieure de Nam-Dinh, được thành lập do nghị định ngày 27-4-1904 của Toàn quyền Đông Dương, có tên là Collège Jules Ferry. Hoạt động được 4 năm thì đóng cửa vì được sáp nhập vào Trường Trung Học Bảo Hộ tại Hà Nội. Năm 1920 trường được tái lập, lấy tên là Cours Complémentaires de Nam Đinh, Năm 1924 đổi tên là Ecole Complémentaire de Nam Đinh [sở dĩ đổi tên từ Cours complémentaires sang Ecole compémentaire vì trường tuyển 80 học sinh cho lớp 2 đệ thất (từ 2 lớp trở lên thì được gọi là Ecole), thay vì 40 học sinh cho một lớp (chỉ được gọi là Cours)]. Năm 1928 lại đổi tên thành Ecole primaire supérieure de Nam-Dinh. Sau ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, trường đổi tên là Trường Trung Học Nguyễn Khuyến, với vị hiệu trưởng đầu tiên là Phan Thế Roanh (Đặng Hữu Thụ, sđd, trang 163-165).

[5] Còn được gọi là Trường Bưởi vì tọa lạc tại làng Bưởi tức làng Thụy Khuê. Trường được xây tại địa điểm trước là nhà in và xưởng giấy Schneider. Có lẽ vì làng Bười chuyên nghề làm giấy bản nên ông Schneider đã lập nhà in tại đây.

[6] Muốn thi bằng Trung học bản xứ, học sinh phải học chương trình cả hai ban Toán và Triết của chương trình Tú tài Pháp, cộng thêm lịch sử, địa lý các nước Viễn Đông. Đa số thí sinh thi bằng tú tài bản xứ cũng thi luôn cả bằng tú tài Pháp.

[7] Ban Trung học bản xứ, thực ra đã có từ năm 1919, nhưng từ 1919 đến 1924, học trò phải học tại trường Trung học Pháp (Lycée de Hanoi), trường này đến năm 1923 đổi tên là Lycée Albert Sarraut.

[8] Tên tắt Lypro được gọi từ đây. Còn tên Nôm Trường Bưởi, có lẽ được đặt ra từ khi trường dời về làng Bưởi.

Ảnh chụp bài hát Hymne Lypro


[9] Hymne du LYPRO

Nous, les jeunes, les grands, les forts

Nous allons joyeux par le monde

Épris d'azur de soleil d'or

Entrez, entrez dans notre ronde.

Nos bateaux s'éloignent des ports

Nous allons joyeux par le monde

Avec des rires pleins des bords

Entrez, entrez dans notre ronde.

Au bord de ton grand lac, LYPRO

Tu y as formé notre jeunesse, LYPRO

Aujourd'hui nos cœurs en liesse, LYPRO

Te chantent avec allégresse

Au bord de ton grand lac, LYPRO

Vive LYPRO.

[10] Ngày 3-12-1943, máy bay Mỹ oanh tạc Hà Nội, một trái bom rơi vào sân vận động trường Albert Sarraut. Để tránh nạn oanh tạc của phi cơ Đồng Minh, các trường Albert Sarraut, trường Bưởi được dời khỏi thành phố Hà Nội về Đà Lạt, Hà Đông, Thanh Hóa, Ninh BìnhBình.

[11] Trong những buối tiếp xúc với các cựu học sinh trường Bưởi, không một ai xác nhận có chi nhánh trường Bưởi/Chu Văn An ở chiến khu Việt Bắc. Lý do dễ hiểu là hầu hết ban giám đốc và giáo sư đều chuyển vào Thanh Hóa, Ninh Bình và Hà Đông. Ngoài ra chính phủ kháng chiến vẫn coi chính phủ Trần Trọng Kim là «bù nhìn», không có lý do gì tạo dựng thêm một trường trung học mang tên Chu Văn An do Hoàng Xuân Hãn, bộ trưởng của chính phủ «bù nhìn» đặt. Tuy nhiên, Nguyễn Đăng Mạnh xác nhận: "Năm 1947, tốt nghiệp cấp II, ông học tiếp trung học chuyên khoa (phân ban Toán Lý Hóa) tại trường Trung học kháng chiến đóng tại Đào Giã, thuộc huiyện Thanh Ba , tỉnh Phú Thọ (tức trường Chu Văn An, Hà Nội sơ tán lên). Năm 1948, giặc Pháp đánh lên Phú Thọ, trường rút vào rừng sâu một thời gian rồi giải thể." (Nguyễn Đăng Mạnh, Tuyển tập, tập 1, nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2005, trang7). Nguyễn Đăng Mạnh không xác nhận tên trường là Chu Văn An, như vậy chúng ta có thể hiểu rằng năm 1947-48, một số giáo sư, học sinh trường Chu Văn An Hà Nội tản cư lên Đào Giã lập ra trường Trung học kháng chiến, trong khi Trường Trung học Chu Văn An vẫn mở cửa tại Hà Nội, trụ sở tại trường Félix Faure, sau dời sang trường tiểu học phố Hàng Cót.

[12] Ngày 17/4/1945 Hoàng Xuân Hãn tham dự nội các Trần Trọng Kim, giữ chức Bộ Trưởng Giáo Dục và Mỹ Thuật. Từ 20/4/45 đến 20/6/45 ông thiết lập và ban hành chương trình giáo dục bằng chữ quốc ngữ ở các trường học. Áp dụng việc học và thi Tú Tài bằng tiếng Việt. Chương trình này là nền tảng của chương trình giáo dục của Bộ Quốc Gia Giáo Dục - Quốc Gia Việt Nam, dưới hai chính thể Bảo Đại và Việt Nam Cộng Hòa.

[13] Giáo sư Hoàng Cơ Nghị, đậu cử nhân khoa học tại Paris còn dạy Vật Lý tại trường Chu Văn An Sàigòn cho tới niên khóa 1959-1960. Ông nổi tiếng là người nghiêm khắc, đã không cho bà Hoàng Thị Nga, em ruột, vào thi vấn đáp tú tài vì bà đến trễ. Sau này bà Nga sang Pháp du học và trở thành giáo sư đại học tại đây.

[14] Thí dụ hai bộ sách Toán từ đệ thất đến đệ nhất của các giáo sư Lebossé hay Brachet vẫn được dùng từ thập niên 20 đến 60. Chính người viết đã dùng bộ sách Brachet từ năm 1957 đến 1961. Về văn chương, bộ sách của giáo sư Dương Quảng Hàm vẫn được dùng trong nhiều thập niên...