Bánh mì Sài Gòn

Muôn thuở như tình yêu ban đầu

Sưu tầm : NGV


Trong hàng loạt kiểu ăn sáng thì có thể nói gặm bánh mì là kiểu được nhiều người ưa chuộng nhất. Buổi sáng mắt nhắm mắt mở, lật đật đi đến công sở, không kịp ghé hàng quán tử tế thì ghé đại vào một xe bánh mì nào đó bên lề đường. Chỉ đủ thời gian để làm cữ cà phê vỉa hè thì phương án tốt nhất là bỏ cặp táp một ổ bánh mì để có thể vừa ăn sáng, vừa uống cà phê, vừa đọc báo. 3 trong 1, tiện đủ bề. Cũng có nhiều người ăn sáng kiểu “bồi dưỡng” riết cũng ngán, buổi sáng chạy thể dục về tiện thể mua nửa khúc bánh mì lót dạ v.v…

Mà, ai bảo bánh mì chỉ là thức ăn sáng? Nó còn dùng để ăn trưa, ăn chiều, ăn tối. Mọi lúc, mọi nơi. Không một con đường, hẻm phố nào của Sài Gòn lại không có bánh mì. Có loại bánh mì “đủ thứ” tức có đủ: thịt, pa-tê, chả lụa, dưa leo v.v… nhưng cũng có bánh mì chỉ đơn giản một thứ: cá, bì, xíu mại, trứng ốp-la v.v… Lại có cả những tiệm bánh mì hoành tráng như bánh mì Nam Sơn “chuyên trị” bánh mì breakfast: thịt bò, pa-tê, khoai tây chiên… ngon có tiếng. Nhưng, ở đây chỉ xin nói chuyện ăn bánh mì kiểu nhanh gọn, rẻ tiền, chứ không phải kiểu ăn “phô trương” trong hàng quán sang trọng. Dân Sài Gòn nói riêng, dân Việt Nam nói chung, ăn bánh mì cũng như dân ở bên Tây dùng thức ăn nhanh. Nó vừa giải quyết được thời gian, vừa đáp ứng được vấn đề của… bao tử. Thử tưởng tượng xem, nếu một ngày ra đường mà không thấy một tiệm bán bánh mì nào. Không sợ nói quá, nếu có trường hợp ấy xảy ra thì Sài Gòn không còn là Sài Gòn nữa!

Tôi có anh bạn nhà văn từ Hà Nội vào Sài Gòn chơi. Được dăm ngày, một buổi sáng, khi đang ngồi cà phê vỉa hè, anh chợt đưa ra nhận xét: “Sài Gòn có cái bánh mì là lạ nhất”. Tôi chưa hiểu. Anh giải thích: “Ở Hà Nội, người ta cũng bán bánh mì nhưng là để trong cái thúng, bưng đi dạo khắp nơi, ai kêu thì ghé lại. Còn ở Sài Gòn, một người bán bánh mì, mỗi bữa dẫu chỉ bán chục cái bánh cũng có một cái xe lắp kính hẳn hoi…”. À, thì ra cái lạ là ở chỗ “cái xe có kính” rất ư đàng hoàng tử tế ấy. Chưa hết, bánh mì Sài Gòn còn rất ngon và có nhiều sự lựa chọn. Ngán thịt, sợ phì thì kêu bánh mì bì. Muốn bụng nhẹ, mau tiêu thì gọi bánh mì cá. Thích bồi dưỡng một chút thì “đủ thứ”. Còn chỉ cần đủ dinh dưỡng thì “trứng ốp-la”.

Có lẽ không nơi đâu, bánh mì phong phú thể loại như ở Sài Gòn. Cũng có đôi khi cũng ghé nhầm tiệm bánh mì dở, nuốt không trôi. Nhưng cũng nhiều lúc chợt khám phá ra những tiệm bánh ngon bất ngờ. Với tôi, những buổi sáng đi làm muộn thường ghé gánh bánh mì dọc đường Trần Quốc Thảo, trước số 81 Quán Văn nghệ. Tôi hay mua bánh mì ở gánh của một anh chàng mà bàn tay xẻ bánh mì, nhét thịt nhanh như múa. Bánh mì ở đây ăn được, giá bình dân. Thời còn ở nhà thuê ở đường Yên Đỗ-Tân Phú cũng có thấy một ông bán bánh mì dạo, nhưng chỉ bán từ độ 3 giờ chiều đến tối. Bánh mì đặc ruột, rất thơm ngon. Buổi tối thức khuya thì rảo bước ra ngã ba Hương Lộ 14-Độc Lập, thấy có xe bánh mì của vợ chồng người xe ôm rất ngon, mà nhiều lần tôi “giải quyết” một lúc hai ổ. Về Thủ Đức, thỉnh thoảng ghé mua bánh mì chỗ vòng xoay trước bưu điện. Tiệm bánh mì này lúc nào cũng đông, nhưng thích ăn nên không ngại đợi chờ…

Bánh mì Sài Gòn. Mình đã ghé bao tiệm bánh mì bất chợt trên đường? Đã ăn bao nhiêu ổ bánh mì trong hơn 15 năm sống ngụ cư? Không nhớ hết, không tính được, chỉ biết rằng, trong cuộc sống có những thứ cần phải chọn lọc, giản lược. Cũng như có những món ăn mà mình gần như không bao giờ tìm đến. Nhưng, với bánh mì Sài Gòn thì… muôn thuở như tình yêu ban đầu.

Theo - Món Ngon Sài Gòn


Trở lại Trang Chính