60 năm xôi Tám Cẩu

Bài và hình: Nguyễn Ðạt

Bùi Chiêm Hải sưu tầm

Chưa từng ăn điểm tâm bằng xôi Tám Cẩu lần nào, cho tới một bữa gần đây chúng tôi gặp người bạn ở khu vực đường Cao Thắng và Ðiện Biên Phủ – tức đường Phan Thanh Giản trước 30 Tháng Tư, 1975, nghe bạn hỏi đã ăn xôi Tám Cẩu bao giờ chưa. Và bạn thân tình bảo: “Chưa ăn xôi Tám Cẩu thì chưa phải là cư dân Sài Gòn đích thực. Xôi Tám Cẩu đã hiện diện gần 60 năm giữa đô thành Sài Gòn rồi đó!”

Người bán xôi Tám Cẩu

Thuở trước, khi còn ở tuổi thanh niên, việc ăn điểm tâm buổi sáng của chúng tôi rất tùy tiện, nghĩa là không nhất thiết phải ăn điểm tâm, lót dạ cho một ngày. Sau này càng có tuổi, chúng tôi mới thấy việc cần thiết của ăn uống để có chất dinh dưỡng cho sức khỏe của. Có bạn đã nêu một “danh ngôn” xuất phát từ phương Tây về ăn uống: sáng ăn cho chính mình – trưa ăn cho bằng hữu – tối ăn cho kẻ thù!

Nghe hàng xôi nổi tiếng Sài Gòn mang tên Tám Cẩu không mấy thuận tai, chúng tôi nhớ những tháng ngày ăn bánh mì Lý Toét, đã từng nổi tiếng không kém xôi Tám Cẩu. Những ổ bánh mì Lý Toét nóng hổi để trong cái thúng, đặt trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng-quận 1, gần bến tàu Bạch Ðằng, chỉ trong một hai tiếng đồng hồ đã bán hết. Mang tên Lý Toét, nhưng đôi mắt chủ nhân thúng bánh mì-giò lụa không sao cả, bình thường như mọi người. Bánh mì Lý Toét có lẽ còn tồn tại trên vỉa hè đường Hai Bà Trưng gần chục năm sau ngày Sài Gòn thất thủ, nên từ nhiều năm sau này chúng tôi không còn thấy bánh mì Lý Toét nữa.

Xôi Tám Cẩu, chiếc xe đẩy có che kính, nồi xôi, thêm một cây dù, đặt ở khoảng đất trống tại góc ngã tư Cao Thắng và Ðiện Biên Phủ. Ði trên đường Ðiện Biên Phủ một chiều, xe xôi Tám Cẩu ở góc phía tay trái ngã tư này. Khoảng trống mà xe xôi Tám Cẩu tọa lạc không che chắn cửa hàng quán tiệm nào, không làm cản trở hoặc vi phạm an toàn giao thông, nên không bị dẹp đuổi bao giờ, dù trong đợt cao điểm dọn dẹp lòng lề đường – bảo vệ an toàn trật tự của ngành chức năng thành phố. Hàng ngày xe xôi Tám Cẩu đẩy tới góc ngã tư Cao Thắng-Ðiện Biên Phủ, từ 6 giờ rưỡi sáng, tới khoảng 9 giờ thì nghỉ. Buổi chiều, xe xôi Tám Cẩu đẩy lùi vào trong một ngõ hẻm, gần bên tiệm phở 5 Sao. Cây dù của xôi Tám Cẩu chỉ để che nắng cho chiếc xe bày bán xôi, không đặt bàn ghế để khách mua xôi ngồi ăn. Gặp buổi sáng trời mưa, xe xôi cũng được đẩy vào ngõ hẻm này. Buổi chiều, xôi Tám Cẩu bán từ 4 giờ rưỡi tới 11 giờ đêm.

Gói xôi Tám Cẩu.

Chị Hà Thị Lượng, người con thứ 7 của ông Tám Cẩu, cho biết: chị là người kế tục nghề nghiệp của cha. Có khách hàng tò mò hỏi vì sao hàng xôi này lấy tên là Tám Cẩu, chị Lượng lắc đầu, nói: “Tui cũng hổng biết. Cha tui là người Việt gốc Hoa, con thứ tám trong gia đình. Má tui cũng thứ tám trong gia đình, là người Việt, quê ở Bình Chánh.”

Theo nhận xét của nhiều thực khách, xôi Tám Cẩu đặc biệt ở món thịt luộc trong xôi mặn. Chúng tôi hỏi chị Lượng về món thịt luộc của xôi Tám Cẩu, chị cười rất tươi, nói: “Món thịt luộc này cũng khá cầu kỳ đó. Phải làm theo đúng cách thức của ba tui mới giữ được tiếng của xôi Tám Cẩu. Ðó là phải chọn thịt ba rọi chỗ ít mỡ, cuộn lại trong thịt nách, bởi da loại thịt nách có độ dai hơn da chỗ khác của con heo. Bó thiệt chặt cuộn thịt như bó giò thủ giò lụa, rồi luộc đúng một giờ ba mươi phút. Luộc ít hơn thời lượng đó, cuộn thịt sẽ bị cứng, mà luộc quá giờ thì thịt bị bở, khi cắt ra từng khoanh sẽ rất dễ bị rã nát.”

Ngó cuộn thịt luộc của xôi Tám Cẩu, thấy màu đỏ đẹp mắt, không giống những cuộn thịt luộc có màu đỏ lòe loẹt ở quán hàng xôi hoặc bánh mì nơi khác, hỏi chị Lượng bí quyết. Chị giải thích rõ ràng: “Thứ màu đỏ thực phẩm này phải được hòa trộn với tỏi giã nát để thoa lên miếng thịt đặng khử mùi hôi của thịt. Luộc chín, cuộn thịt không nực mùi tỏi, lại có màu đỏ đẹp, vị thịt đậm đà…” Khách ăn xôi Tám Cẩu thừa nhận: cuộn thịt luộc của xôi Tám Cẩu hẳn nhiên có hương vị đặc trưng, do cách nêm ướp gia vị các món ăn chuyên nghiệp của người Hoa.

Chị Lượng cho chúng tôi biết ông Tám Cẩu đã qua đời gần hai mươi năm nay, vào năm ông 62 tuổi. Chị vẫn nhận ra, nhiều khách ăn xôi hiện nay là khách quen thuộc, từ lúc đương thời vợ chồng ông Tám Cẩu đứng bán. “Hồi còn ba tui, khách tới mua xôi đông lắm. Bi giờ hổng sánh nổi, bị hàng xôi đầy khắp phố phường Sài Gòn,” chị Lượng cho biết như vậy.

Từ nhiều năm nay tại Sài Gòn, xôi và bánh mì là thức ăn điểm tâm bình dân hơn cả; và thông thường, nhiều xe bán xôi có bán kèm cả bánh mì, xe xôi Tám Cẩu của chị Lượng cũng vậy. Về giá cả, chúng tôi nhận thấy xôi Tám Cẩu hơi bị mắc. Với hai chục ngàn đồng để ăn gói xôi, nhiều người chọn ăn phở, hủ tiếu, mì Quảng,… nói chung giá cũng chừng đó .


Trở lại Trang Chính