* Tin sinh hoạt : CVA 5461 Houston phúng điếu thân mẫu các CVA NV.Minh và NV. Khuy

Tin & hình NGV.

Ngày chủ nhật 16 tháng 10.2016, các CVA 5461 tại Houston đã tới thăm viếng và phúng điếu tại tang lễ Cụ bà thân mẫu của hai CVA Nguyễn Văn Minh và Nguyễn Văn Khuy, có mặt các CVA Lê Khắc Chấn, Đỗ Đăng Giao, Phạm Đình Lục, Khúc Thuần, và đặc biệt còn có sự góp mặt của CVA Nguyễn Tấn Dzao và Phu nhân nhân chuyến tới thăm Houston để chuẩn bị cho việc dọn về định cư tại miền “Houston nắng ấm, tình nồng“ . Dưới đây là hình ảnh buổi viếng tang và phúng điếu tại Houston, và lời phân ưu của các CVA 5461 miền Nam Cali được đăng trên báo Người Việt.

Nhân dịp này Vườn CVA 5461 cũng xin được post một bài của NV Khuy viết trước đây, về bà mẹ khả kính vừa vĩnh viễn ra đi .

Bài viết của Nguyễn Văn Khuy

Thân mẫu bác Phượng và mẹ tôi đã ngoài 90 tuổi nhưng may mắn vẩn còn sống . Hai cụ được sinh ra cùng một thế hệ nên cũng có những điểm giống nhau về đường phu tử như tục tảo hôn thời xưa. Tôi và bác Phượng đều sinh ở vùng quê nên có nhiều kỷ niệm về đời sống êm đềm nơi thôn dã . Để hưởng ứng với bác Phượng tôi cũng viết vài hàng về mẹ tôi để vinh danh các bà mẹ VN suốt đời vất vả, tần tảo , hy sinh mình để phục vụ chồng con . Thế hệ của bà Trần Tế Xương, quanh năm buôn bán ở ven sông , nuôi nấng năm con với một chồng.

Mẹ tôi sinh năm 1921 tại Lộc Ninh, tỉnh Bình Long ( ngày xưa gọi là Hớn Quản ) . Sinh tại miền Nam vì ông bà ngoại bỏ làng đi làm công nhân cho đồn điền cao su CEXO (Company d' Extrême Orient ). Năm mẹ tôi 13 tuổi được ông bà ngoại dẫn về thăm làng cũ cùng với người em gái mới có 11 tuổi, mẹ tôi là con trưởng . Bà nội tôi kể rằng thấy hai cô gái này dễ coi nên nhờ người mai mối cho bố tôi lấy cô chị và cô em thì cho đứa cháu gọi bố tôi là cậu. Thế là hai cậu cháu lấy hai chị em. Bố tôi là con trai út, cũng là con trai duy nhất của bà nội tôi, còn bốn người con nữa đều là gái. Bà nội tôi kể lại rằng lúc đó bố tôi đã 17 tuổi nên cụ hỏi có muốn lấy vợ không thì bố tôi trả lời rằng : " Bu bảo sao thì con nghe vậy " . Ông nội tôi là thầy đồ cũng làm lý trưởng nhưng đã qua đời lúc bố tôi mới ba tuổi. Ông nội tôi lúc 70 tuổi mới sinh ra bố tôi vì bà nội là bà thứ hai, trẻ hơn ông khoảng 30 tuổi .

Tục tảo hôn thời xưa đã làm người phụ nữ VN không có thời hoa mộng của đời con gái. Bà nôi tôi kể rằng một người cô tôi (chị út của bố tôi) mới 10 tuổi nằm trên võng để ru bố tôi ngủ đã có người tới coi mắt để hỏi làm vợ cho con trai. Bà cô này là thân mẫu của Hoàng Đinh Thịnh lớp B1 , CVA5461, sau này đi khóa 19 VBQG và chết trong trận Mậu Thân. Có lẽ chỉ có bác Khoáng còn nhớ cu con CVA này thôi.

Sau khi gả chồng cho hai người con còn nhỏ tuổi ông bà ngoại trở vào Nam. Hai mươi năm sau, năm 1954 , di cư vào Sài Gòn mẹ tôi đã 33 tuổi mới gặp lại bà ngoại ở Lộc Ninh, còn ông ngoại thì đã mất. Tôi còn nhớ lúc thắp hương trên bàn thờ ông ngoại mẹ tôi khóc thảm thiết.

Mẹ tôi sinh con đầu lòng lúc 15 tuổi và thêm hai người nữa nhưng đều mất cả vì hệ thống y tế thời đó lạc hậu và thiếu thuốc men. Tôi chỉ là đứa con thứ năm. Sau khi sinh ra tôi thì bố tôi đi theo kháng chiến chống Pháp . Tôi còn nhớ mấy câu mà các cán bộ VM tuyên truyền cho xóm làng hồi đó là "' Bảo Đại là cháu Gia Long, là con Khải Định là dòng việt gian.

Có lần bố tôi bị lính Tây bắt đem ra sông bắt cửi hết quần áo ra để bắn. May thay gặp thằng xếp Tây có lẽ còn nhân đạo nên hỏi vài câu trước khi hành hình và bố tôi trả được bằng tiếng Pháp. Nghĩ sao nó lại cho mặc quần áo vào rồi nhốt trong tù đến khi đảo chính Nhật mới được thả ra. Ông nội tôi mất lúc bố tôi còn nhỏ nên được ông bác , anh ruột bố tôi làm đội trong lính Pháp nuôi dưỡng đem đi Tourane Đà Nẵng nên được theo học bậc tiểu học . Thấy Việt Minh không xài được bố tôi bỏ kháng chiến và được người cháu là trung úy phòng nhì của Pháp giới thiệu làm thư ký ban kế toán của sở Cảnh Binh Hải Phòng .

Khi bố tôi theo kháng chiến mẹ tôi một mình phải cáng đáng công việc đồng áng để nuôi chúng tôi và bà mẹ chồng qua cơn đói năm Ất Dậu. Một thời gian làm nhân công nhà máy sơi Nam Định phải đi bộ từ sáng sớm, 12km , từ làng ra tỉnh rồi chiều về nhà 12km nữa. Làng tôi nuôi du kích nên ban đêm tụi Tây câu Cà Nông về làng , đang ngủ phải chui xuống hầm tránh đạn. Ban ngày thì càn về làng ruồng bố , đình , chùa , nhà thờ ông bà đều bị hư hại, sụp đổ. Đình làng tôi ngày xưa là thái ấp của thượng tướng T Q Khải. Trong khuôn viên đình làng hiện nay vẫn còn hai ngôi mộ của thượng tướng T Q Khải và phu nhân là bà Phụng Dương công chúa.

Khi được báo lính Tây sắp về làng mẹ tôi phải dẫn bà nội và chúng tôi đi chạy qua làng khác, thường bằng thuyền vì nhà tôi ở xóm Miễu ,rất gần bờ sông. Lính Tây về làng hay giết hại dân lành . Ba người chị của bố tôi đều có con và cháu bị giết chết. Bà chị cả có người con dâu và bốn con nhỏ bị lính Tây đem ra mả gần nhà bắn chết , may có một đứa nhỏ bị thương nên sống sót. Người chị thứ hai có đứa con trai đang cầy ruộng cũng bị bắn chết. Bà chị thứ ba thì người con trai chạy không kịp phải chui xuống hầm trốn cũng bị lính tây quăng lựu đạn vào hầm giết chết.

Mẹ tôi sợ quá phải đem bà nội và chúng tôi ra Nam Định rồi bà đi buôn trứng và trái cây để nuôi gia đình. Vì thế tôi và ông Minh học tiểu học ở trường Bến Ngự ( trường Carreau cũ của Pháp ) một thời gian trước khi di chuyển đi Hải Phòng đoàn tụ với bố tôi. Các bạn N Đ Kiệm, N Đ Nhận ,và Đ Đ Giao cũng theo học trường Bến Ngự lúc đó . Thời gian này Nam Định điêu tàn, vườn không nhà trống cũng nhiều vì bị đồng minh dội bom thời Nhật và tiêu thổ kháng chiến của VM. Nhà tôi ở phố Đường Gòn số 39 BIS , gần chợ Rồng. Thỉnh thoảng vào đêm lính Tây ruồng bố bằt những kẻ tình nghi là VM đem ra đường gần trước nhà tôi để tra tấn rồi bắn chết với những tiếng kêu rú thảm thiết của người bị nạn.

Hai năm sau mẹ tôi đem bà nội và bốn đứa con ra Hải Phòng đoàn tụ với bố tôi . Tại đây bà mở của hàng tạp hóa và đại lý bán sỉ các loại bia thời gọi là bia cổ vàng , bia cổ bạc, box 33, các loại nước ngọt như Orange Juice, orange Jade, tên là tiệm là Nam Phong ở số 214 phố Hàng Kênh. Chúng tôi theo học trường tiểu học Hàng Kênh. Bạn Đỗ Diễn Nhi cũng ở Hải Phòng theo học trường Văn Trinh ở phố Trại Cau thì phải. Thi đậu tiểu học rồi định thi vào trường Ngô Quyền thì di cư vào Nam. Cụ Trần Văn Việt là hiệu trưởng trường Ngô Quyền thời đó sau này cũng làm hiệu trưỏng CVA.

Vào Nam mẹ tôi mở nhà hàng ăn tại đường Lacaze sau đổi là Nguyễn Tri Phương ở ngã sáu Chợ Lớn , gần nhà thờ cha Tam. Tôi và ông Minh ban sáng đi học ở trường Đỗ Hữu Phương, buổi chiều vế làm bồi dọn bàn . Hồi đó còn lính Tây nên khách hàng cũng khá đông vì người đầu bếp có kinh nghiệm nấu ăn cho Tây. Tụi Tây thường thích ăn steak với khoai chiên hay salad hoặc poulet rôti. Chắc các bác còn nhớ hồi đó lớp nhì đã phải học môn Pháp Ngữ rồi nên tụi này cũng biết khách Tây muốn ăn gì vì bồi bàn đâu cần chữ nghĩa nhiều. Tây cho pourboire rất khá. Tôi còn nhớ một lần có người đội Tây dẫn theo môt phụ nữ Việt vào ăn và thấy người lính này khóc trong lúc ăn. Tôi đoán có lẽ người lính này buồn vì sắp rời VN mà vợ hay bạn gái không muốn theo về Pháp.

Năm 1956 phải dẹp tiệm vì lính Tây đã về nước và người đầu bếp thì chỉ biết nấu thức ăn choTây, không rành nấu phở và thức ăn Việt nên vắng khách. Sau đó gia đình tôi dọn về Phú Thọ ỏ 291 Lê Đại Hành , trước cửa trường đua Ngựa, cùng đường và gần nhà Nguyễn Huy Oánh . Đổ Đình San cũng ở Phú Thọ, khu nhà thờ Thăng Long, không xa nhà tôi vì thế nên bọn này chơi rất thân với nhau. Tại Phú Thọ sau này mẹ tôi mở quán Sóng để bán cà phê, các thức uống , bánh mì thit nguội và bún thang cho đến năm 1975 .

Tháng 4 năm 1975 bố tôi , đám con trai 5 đứa và một cô em gái thoát đi trước còn mẹ tôi và 5 con gái kẹt lại vì máy bay trực thăng rớt tại ngã bẩy, đường Lý Thái Tổ. Lý do chở quá tải nên khi cất cánh đụng vào dây điện đường , nhưng may mắn mọi người đều sống sót. Sau đó mẹ tôi lo cho các con còn lại vượt biên nhưng mẹ tôi tới Hoa Kỳ sau chót với một cô em gái năm 1981 do bố tôi bảo lãnh. Qua Mỹ mẹ tôi vẫn đi chợ nấu cơm cho chồng con và các cháu.

Không may mẹ tôi bị bệnh Alzheimer đã gần hai chục năm nay . Có những lúc ngồi cạnh bên mẹ ,tôi mường tượng đến thời xa xưa khi mẹ tôi đi làm dâu lúc 13 tuổi. Không một thân nhân gần cạnh vì bố mẹ và các em đều ở trong Nam . Bao nhiêu những đắng cay và khó khăn bên gia đình chồng , họ hàng bên chồng , chẳng có ai tâm sự chia sẻ, phải một mình âm thầm chịu đựng.

Các bà mẹ VN thuộc thế hệ bọn mình trong thời phong kiến do trọng nam khinh nữ nên đã chịu nhiều bất công . Đã không được hưởng tuổi thanh xuân , thời hoa mộng của con người con gái do tục tảo hôn , phải đi làm dâu sớm rồi mang gánh nặng phục vụ chồng con với bao nỗi nhọc nhằn vất vả. Ngoài công việc đồng áng hoặc đi buôn bán rồi còn chăm sóc hàng chục đứa con hay nhiều hơn nữa với phương tiện nuôi con rất hạn hẹp so với thời nay.

Trong một phạm vi nhỏ hẹp thì các bà mẹ VN phải được vinh danh là các bà mẹ vĩ đại . Cũng vì thế các thi sĩ , văn sĩ , nhạc sĩ viết nhiều tác phẩm ca tụng người mẹ chứ rất ít tác phẩm ca tụng người cha. . Ông bố vợ tôi lúc còn sống rất thích những bản nhạc nói về công lao người mẹ . Ông mồ côi mẹ lúc chưa tới 10 tuổi. Mẹ ông mới sinh đứa em trai út được mấy ngày thì phải chạy ra sân đem thóc đang phơi vào nhà vì trời mưa nên không may trượt chân ngã xuống , bị băng huyết rồi chết.

Nhà thơ Lưu Trọng Lư viết bài thơ Nắng Mới để nhớ mẹ rất hay. Nhưng khi học bậc tiểu học tôi còn nhớ một bài thơ lục bát chủ đề về mẹ không rõ tác gỉa và cũng chỉ còn nhớ vài câu thôi. Bác nào có biết bài thơ này xin bổ túc dùm.

Chúng con là kẻ xa nhà,

Tình thương xa vắng mẹ nhà nơi quê.

Chiến tranh không hẹn ngày về ,

Máu xương giữ trọn lời thề năm xưa.

-------------------------------------------

--------------------------------------------

Hôm qua nhớ cánh đồng vàng,

Nhớ người mẹ với muôn vàn tình thương.

Khuy

Trở lại Trang Chính