Độc chất trong một số loại rau quả

Ngọc Ngà sưu tầm

Rau quả là những loại thực vật được dùng làm thức ăn thường ngày của con người. Tuy nhiên, nếu ăn hay chế biến một số rau quả không đúng cách sẽ gây nhiễm độc cho người sử dụng. Tạp chí Santé của Pháp đã cảnh báo người sử dụng về nguy cơ gây độc của một số loại rau quả sau đây.

Cây cơm cháy

Cây cơm cháy hấp dẫn mọi người nhờ quả mọc từng chùm và hương thơm của hoa tỏa khắp nơi. Quả cây cơm cháy sau khi nấu chín được để lên men làm thành một loại rượu thơm ngon hay nước trái cây. Còn hoa được giã và rán thành một loại bánh mà trẻ con rất thích ăn. Tuy nhiên, trong quả cây cơm cháy có chứa độc chất có thể gây tổn thương dạ dày. Vì vậy, cần phải nấu chín quả cây cơm cháy để độc chất bị phân hủy hết trước khi chế biến. Ngoài ra, trong rễ và một số bộ phận của cây cơm cháy có chứa một loại chất độc gây rối loạn hệ tiêu hóa. Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, cần phải loại bỏ các phần rễ và các bộ phận khác của cây cơm cháy lẫn vào hoa trước khi chế biến hoa thành bánh.

Quả hạnh

Hạt của quả hạnh không chỉ được xay làm bột chế biến đủ loại thực phẩm mà còn là một loại gia vị không thể thiếu trong chế biến nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa quả hạnh ngọt và quả hạnh đắng. Hạnh đắng thường được sử dụng nhiều nhất nhưng lại có chất độc cyanide gây tổn thương hệ tiêu hóa. Vì vậy, trước khi được bán cho người tiêu dùng hay chế biến thành bột, gia vị, hạnh đắng cần phải được chế biến và tẩy độc. Tại một số quốc gia, việc mua bán công khai quả hạnh chưa được tẩy độc đều bị nghiêm cấm.

Quả anh đào

Quả anh đào là một loại trái cây thông dụng trong chế biến thức ăn, làm rượu và cả ăn sống. Anh đào cùng họ với mận, mơ và đào. Tuy nhiên, tất cả quả của các loại cây này đều chứa chất độc trong lá và hạt. Khi cắn hay nhai phải hạt của quả anh đào, chúng sẽ tiết ra acid prussic là một chất độc có thể gây tổn thương hệ tiêu hóa. Khi ăn quả anh đào, tốt nhất là nên bỏ hạt.

Táo

Giống như quả anh đào, hạt táo có chứa chất độc cyanide, nhưng với liều lượng nhỏ hơn. Tuy nhiên, người ta thường ăn phải hạt táo nhiều hơn. Ăn phải hạt táo với số lượng ít không gây tử vong, nhưng hãy cẩn thận, cắn và nuốt phải một lượng hạt táo sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng. Tốt nhất là nên gọt bỏ hết hạt táo trước khi ăn.

Quả cà chua

Tại một số quốc gia, cà chua được xếp vào dạng trái cây, nhưng tại một số quốc gia khác, cà chua là một loại rau. Nhưng cho dù có là rau hay trái cây thì phải cẩn thận khi ăn cà chua. Trong lá, thân và cuống quả cà chua có chứa chất glycoalkaloid gây chứng rối loạn tiêu hóa và căng thảng thần kinh cho người ăn phải.

Khoai tây

Cũng giống cà chua, lá, thân khoai tây có chứa chất độc. Chất độc này phát triển mạnh khi khoai tây trở màu xanh. Ngộ độc do ăn khoai tây là rất hãn hữu, nhưng không phải là không xảy ra. Khi bị nhiễm chất độc glycoalkaloid do ăn phải lá, thân và củ khoai tây có màu xanh với số lượng lớn, người sử dụng sẽ bị hôn mê dẫn đến tử vong. Trường hợp tử vong do bị nhiễm chất độc glycoalkaloid do ăn khoai tây xảy ra gần đây nhất là tại Mỹ vào năm 1968. Vì vậy, cách đề phòng tốt nhất là không sử dụng lá, thân và củ khoai tây có màu xanh.

Nấm

Nấm là một loại thức ăn thường dùng. Nhưng hãy cẩn thận, một số loại nấm có độc chất gây chết người, trong đó nguy hiểm nhất là nấm mũ độc. Cách phân biệt một loại nấm có độc hay không là mũ bằng và không lồi lên, mũ nấm có lá tia màu hồng hay màu đen (nấm độc thường có lá tia màu trắng) và các tia dính vào mũ nấm mà không dính vào thân nấm.

Dầu hải ly

Dầu hải ly hay thầu dầu là tinh dầu thiên nhiên được chiết xuất từ hạt cây thầu dầu. Dầu hải ly được sử dụng trong sản xuất kẹo, chocolate và các loại thực phẩm khác. Thế nhưng, hạt thầu dầu lại có chứa độc chất ricin gây chết người hay chết thú vật khi ăn phải. Tuy nhiên, do được chế biến theo một quy trình nghiêm ngặt nên dầu hải ly đã bị loại bỏ hết độc chất ricin và trở thành một phụ gia không thể thiếu của ngành chế biến thực phẩm.



Trở lại Trang Chính