Sự thật về các chất bổ sung

Kim Khánh sưu tầm

Trong số các thực phẩm bổ sung, loại nào là thực sự hữu ích?

Vitamin D:

Vitamin này đóng vai trò chủ chốt trong việc làm cho xương cứng cáp. Sự thiếu hụt viamin D nơi trẻ em sẽ gây ra chứng còi xương, còn ở người già là chứng loãng xương. Hiện nay, người ta biết rằng vitamm D cũng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch. Nếu ra nắng thường xuyên sẽ giúp cho da tổng hợp vitamin này, cho dù mặt và bàn tay được che. Nhiều chuyên gia lão khoa khuyên nên bổ sung thêm vitamin D từ tuổi 65, đặc biệt là tại các viện dưỡng lão, nơi người ta ít ra ngoài. Một người thường xuyên dùng cá béo hay trứng không cần uống thêm viên vitamin D, nhưng những ai thích ăn đồ nhẹ có thể bị thiếu hụt vitamin này vì nó luôn kết hợp với chất béo.

Omega 3:

Đó là các chất béo “chủ yếu” vì rất cần thiết cho sự sống mà cơ thể lại không tổng hợp được chúng. Omega 3 có trong cá béo, hồ đào, cải dầu, mầm lúa mì. Chúng rất phổ biến từ 10 năm nay vì thực sự có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là tim, khớp xương và não. Khuyến cáo bổ sung Omega 3 luôn thay đổi từ các cơ quan y tế quốc gia và châu Âu. Tuy nhiên có thể xem một lượng, bổ sung 200mg/ngày là đủ, tức 1,5g/tuần. Các viên dầu cá thường chứa từ 100 mg đến 400 mg, còn 100g cá thu hay cá ngừ mang lại lg hoặc 2g.

Sắt:

Cơ thể thiếu sắt sẽ cảm thấy mệt mỏi và nhiễm trùng liên tục. Ở mức độ cao hơn sẽ là thiếu máu. Những người có nguy cơ thiếu sắt là phụ nữ có kinh nhiều, những người ăn chay, phụ nữ có thai và các thiếu nữ. Các vận động viên cũng có thể bị thiếu sắt. Xét nghiệm máu sẽ cho biết tình trạng máu, nhưng dư thừa sắt cũng không tốt vì tác dụng oxy hóa của nó có thể gây ngộ độc.

Sâm:

Người ta gán cho sâm rất nhiều đặc tính: phòng ngừa ung thư, trị tiểu đường, cải thiện tình trạng thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu gần đây, “thành tích” của sâm lại khiêm nhường hơn. Những kết quả thực nghiệm đáng phấn khởi trên loài chuột đều sử dụng sâm với liều lượng rất cao hoặc tiêm tĩnh mạch. Loài thực vật đó không có đặc tính cải lão hoàn đồng như người ta thường nói. Thật ra, nhiều công trình nghiên cứu chỉ cho thấy đặc tính phòng ung thư của sâm, nhất là ung thư buồng trứng và tụy.

Carnitine:

Được các vận động viên và những người béo phì biết đến nhiều, carnitine là một chất cần thiết để sản sinh năng lượng từ mỡ của cơ thể. Theo các nhà sản xuất, bổ sung carnitine sẽ làm tăng sự tiêu thụ mỡ, một công đôi việc: khỏe mạnh hơn và giảm thể trọng. Tuy nhiên, tin buồn cho những ai thích carnitine là các nghiên cứu cho thấy nó chẳng giúp ích gì cả! Ngay cả ở những người ăn chay, cơ thể cũng đã sản sinh carnitine đủ cho nhu cầu. Các nghiên cứu nghiêm túc cũng không cho thấy nó phòng ngừa bệnh Alzheimer hay các vấn đề về tim mạch.

Guarana:

Loại cây gốc vùng Amazone chứa nhiều caffeine này được cho là tăng cường sinh lực và làm gầy. Người Brazil dùng nó như nước uống, còn người Pháp dùng thuốc viên. Thật ra, guarana làm tăng sinh lực sau khi dùng nhưng không hơn gì một tách cà- phê. Một viên guarana 200g mang lại 80g caffeine. Không nên dùng nếu ta đã uống trà hay cà phê vì có thể bị mất ngủ, đánh trống ngực hay thấy cồn cào dạ dày. Caffeine làm tăng nhẹ sự tiêu thụ năng lượng nhưng khó làm giảm cân.

Nghệ:

Vốn là thành phần chủ yếu trong bột cà ri, nghệ đã được tôn vinh từ khi tiến sĩ David Servan-Schreiber đưa nó vào chế độ ăn uống phòng chống ung thư. Người ta cho rằng nó ngăn ngừa bệnh ung thư và bệnh Alzheimer, các chứng bệnh nhiễm virus như viêm gan siêu vi C, kháng viêm hay lượng cholesterol trong máu cao. Tuy nhiên, vẫn còn phải chứng minh tính chống ung thư của nghệ.

Spirulina:

Loài tảo xanh nước ngọt này được nuôi trồng vì có nhiều protein (đến 70% trọng lượng khô). Nó chứa nhiều sắt và kẽm, các chất mà những người ăn chay thường bị thiếu và vitamin nhóm B. Ngược lại, nó rất nghèo chất béo. Spirulina được ca ngợi nhiều vì các đặc tính chống lão hóa; giảm cân hay kháng cholesterol, thế nhưng điều này chưa được chứng minh. Tệ hơn nữa, spirulina có thể làm thiếu hụt vitamin B12 do một hiện tượng nghịch lý. Thật vậy, spirulina chứa nhiều vitamin B12, nhưng dưới dạng bất hoạt, nên sẽ cản trở hoạt động của vitamin B12 hữu ích trong cơ thể.

Sélénium:

Đây là nguyên tố vi lượng rất cần thiết, đóng vai trò quan trọng trong việc chống stress do oxy hóa. Nó thường được dùng trong các công thức chống lão hóa. Thật ra, một chế độ ăn uống đa dạng cũng đủ để tránh thiếu hụt và sélénium quá nhiều cũng rất độc hại. Liều tối ưu là từ 50 đến 100 microgram/ngày; nếu có đến 900 microgram /ngày, móng tay sẽ giòn, tóc dễ gãy và da dễ nhiễm trùng. Sau đó là các tổn hại của thần kinh. Do vậy, nên cẩn trọng với các loại thuốc bán trên thị trường vì thường có liều cao. Đừng dùng dưới dạng selenium sulphide, vì những thí nghiệm trên loài vật cho thấy chất này gây ung thư.

Beta-carotene:

Là sắc tố thực vật có màu cam, beta-carotene có mặt trong hầu hết những loại nước uống có vitamin và trong thuốc chống nắng. Khi hấp thu vào, nó sẽ được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A. Beta-carotene trong thức ăn rất hữu ích, nhưng trong thuốc thì chẳng có tác dụng gì, thậm chí có thể gây nguy hiểm vì thường có liều cao. Tác dụng có hại này thường thấy nơi những người hút thuốc lá, chết nhiều hơn do ung thư phổi. Tốt hơn hết là nên dùng nhiều cà-rốt, cam và rau cải xanh.