Hủ tíu Mỹ Tho, món ăn đặc sản

đậm đà chất phương Nam

Hoài Hương sưu tầm

Tô hủ tíu được đem ra cho thực khách, chìm dưới làn nước trong và sánh là những sợi bánh trắng phau, những lát thịt, tim gan màu sẫm, miếng tôm hồng tươi, cải xanh ngăn ngắt… Cho vào một ít nước tương, vắt vài giọt chanh, rải vài lát ớt, ngắt ít lá hẹ và giá sống. Một bức tranh tĩnh vật đầy màu sắc đang bốc lên một mùi thơm quyến rũ, tuyệt vời. Đó là hình ảnh sống động của một tô hủ tíu Mỹ Tho .

Nguồn gốc tên gọi hủ tíu Mỹ Tho

Mỹ Tho là thành phố của Tiền Giang, tỉnh được xem như cửa ngõ vùng đồng bằng sông nước miền Tây Nam Bộ. Nơi đây nổi tiếng với vườn trái cây nặng trĩu bốn mùa, đặc biệt món hủ tíu Mỹ Tho chính là điểm nhấn của vùng đất này

Hủ tíu là món ăn được người Hoa đưa vào nước ta và đặc biệt rất được yêu thích ở các miền tây. Tuy nhiên hủ tíu Mỹ Tho của tỉnh Tiền Giang được xem như là nổi tiếng nhất của cả miền Nam. Hủ tíu Mỹ Tho xuất hiện vào thập niên 60 của thế kỉ 20 từ các xe, cửa hiệu ven đường với những tên gọi như Phánh Ký, Vĩnh Ký, Hưng Ký, Gia Ký, Tuyền Kí. Các quán hủ tíu của người Việt gốc Hoa này trải rộng từ Mỹ Tho tới Gò Công và các quận của Cái Bè, Cai Lậy. Theo thời gian tên gọi hủ tíu Mỹ Tho trở thành một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang được rất nhiều thực khách biết đến.

Hủ tíu Mỹ Tho vang danh một vùng

Hủ tíu Mỹ Tho là một trong ba thương hiệu nổi tiếng nhất của miền Nam, bên cạnh hủ tíu Sa Đéc và hủ tíu Nam Vang. Nhìn sơ qua, hủ tíu Mỹ Tho cũng na ná các món ăn cùng loại, với thành phần chính là sợi hủ tíu, nước dùng và nguyên liệu ăn kèm. Nhưng chỉ đến khi ăn thử, bạn mới cảm nhận được sự khác biệt rất riêng của món ăn này.

Hủ tíu Mỹ Tho nổi tiếng hơn 100 năm nay, từ xưa đặc điểm của sợi hủ tíu Mỹ Tho là cọng nhỏ, dai, mềm, thơm phức mùi gạo ngon, mang nét đặc trưng không lẫn với hủ tíu ở một nơi nào khác khiến mọi người ưa chuộng do được làm từ những hạt gạo ngon nổi tiếng của xứ Gò Cát thuộc vùng phụ cận của Mỹ Tho đại phố (nay là xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho).

Sợi hủ tíu Mỹ Tho nổi tiếng đến mức, nhiều năm qua TP.Mỹ Tho đã thành lập hẳn một làng nghề truyền thống chuyên sản xuất sợi hủ tíu, bánh, bún từ bột gạo ở xã Mỹ Phong. Hiện nay xứ Gò Cát không còn trồng lúa, nên gạo Gò Cát cũng không còn. Các nghệ nhân làng nghề phải sử dụng các loại gạo ngon của những vùng khác để sản xuất sợi hủ tíu, nhưng chất lượng không thua kém sợi hủ tíu Gò Cát ngày xưa.

Tô hủ tíu Mỹ Tho được đánh giá là “ngon đúng điệu” thì nồi nước lèo phải được hầm bằng xương heo và củ cải trắng, tôm khô, mực khô, củ cải muối để lấy vị ngọt. Nếu dùng đường cát, bột ngọt, bột nêm tạo vị ngọt thì nồi nước lèo xem như...đáng đổ bỏ.

Tuy nhiên, hồn cốt của món ăn trứ danh này không nằm ở nước lèo và các món ăn kèm mà chính là ở sợi hủ tíu .

Sợi bánh hủ tíu Mỹ Tho đúng điệu phải làm bằng thứ bột gạo Gò Cát thơm dẻo nổi tiếng, xay thật nhuyễn, sợi nhỏ phơi khô nhưng chỉ cần trụng qua nước sôi là mềm, sợi hủ tíu sẽ trong veo, bóng loáng. Cái dẻo, cái thơm đã có thể cảm nhận được bằng mắt.

Khi chế biến, sợi hủ tíu được trụng sơ qua nước sôi, các loại rau như hẹ, xà lách, giá được cho lên trên, chan ngập nước dùng. Đặc biệt là hủ tíu Mỹ Tho luôn có một ít thịt băm thật nhuyễn và không dai, không nát, không khô xơ, quá béo. Trải lên sợi bánh là thịt nạc, gan, tôm tươi luộc vừa chín có vị ngọt tự nhiên. Một số nơi lại thêm miếng sườn heo hoặc vài trứng cút .

Khác với hủ tíu người Hoa ăn kèm rau nộm, cải sà lách, hủ tíu Mỹ Tho chỉ ăn kèm với giá và rau thơm, thêm chút vị chua của chanh vị cay của ớt cùng một ít vị thơm, mặn của nước tương pha chút giấm và đường, có nơi sẽ có thêm tép mỡ. Rắc thêm một ít hành phi và tiêu lên trên, bạn sẽ được thưởng thức một tô hủ tíu thơm và ngon theo đúng điệu của dân miền Tây.

Thật thong thả , đặt một ít hủ tíu lên chiếc muỗng, kèm theo là giá, hẹ, một lát thịt nếu có thể ăn cay thì thêm một lát ớt sừng trâu múc thêm một miếng nước lèo và thế là đưa hết vào miệng. Nhai và cảm nhận cái ngọt của nước lèo, cái giòn giòn của giá, vị cay của ớt cùng cái dai dai của hủ tíu.

Ngoài cách làm hủ tíu trụng nước, không ít người lại rất thích ăn món hủ tíu khô, tức là không chan nước lèo vào tô bánh. Nước lèo múc riêng ra một chén, sau đó thêm hành và tiêu vào, riêng hủ tíu trụng khô xong sẽ trộn với một ít nước tương, giấm đường cho vừa ăn. Húp miếng nuớc lèo thanh ngọt và gắp một đũa hủ tíu khô cùng với thịt, mực, hay tôm sẽ tạo thành một mùi vị ngon khó tả được. Về mặt dinh dưỡng, tô hủ tíu Mỹ Tho là một tổng hợp của nhiều chất bổ dưỡng khá phong phú.

Hủ tíu khô

Chỉ đơn giản là thế, nhưng tất cả tinh hoa của món ăn đều hội tụ vào bát hủ tíu thơm ngon đang bốc khói nghi ngút cùng hương thơm lan tỏa khiến thực khách khó có thể cưỡng lại được. Cái dai mềm của sợi bánh, vị ngọt thanh của nước dùng, mềm ngọt của thịt... hòa quyện vào vị chua chua của nước chấm không chỉ đem đến cảm giác ngon miệng cho người ăn mà còn đọng lại hương vị thơm ngon khó quên cho thực khách khi đã thưởng thức . Hủ tíu Mỹ Tho đã làm nên thương hiệu và ghi điểm trong lòng thực khách tứ phương mỗi khi đến với vùng đất này

Những xe hủ tíu của người Hoa

Hiện nay, nhiều nơi đã phá cái nghĩa nguyên của hủ tíu Mỹ Tho, món hủ tíu ngày càng có nhiều biến tướng khi chủ quán cho thêm vào cả thịt gà, cá, mực, bò viên, trứng cút, giò heo… khiến người ăn không thể phân biệt như thế nào mới là tô hủ tíu Mỹ Tho chính hiệu, hiện tại ở TP.Mỹ Tho những quán nấu được món hủ tíu đúng điệu, mà nấu ngon nhất chính là những quán do người Hoa làm chủ, chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Hủ tíu Mỹ Tho là món ăn đặc sản đậm đà chất Nam Bộ, luôn gợi về quê hương, kỷ niệm với những ai đã từng tri âm, tri kỷ với đất Mỹ Tho và người dân phương Nam .

Hủ tíu Mỹ Tho, món ăn cùng tuổi với vùng đất Nam bộ, có lẽ còn giữ được gần như nguyên bản với món hủ tíu khi mới ra đời. Nó vươn ra khỏi địa phương đã sản sinh ra và chinh phục khẩu vị của đa số người dân Việt Nam. Hủ tíu Mỹ Tho, một ký ức của thời khẩn hoang, đáng được đặt trang trọng vào nền văn hóa ẩm thực của nước ta.


Trở lại Trang Chính