Đâu rồi “làng của phố”?

Linh Chi

Hoài Hương sưu tầm

Hà Nội của những năm 2000 hiện đại và gấp gáp, không chỉ có 36 phố phường tấp nập, mà giờ đây mọi con phố đều náo nhiệt, mang hơi thở của cuộc sống mới. Tuy nhiên, bên cạnh những phố xá sầm uất còn có sự hiện diện của những ngôi làng trong phố, tồn tại hàng trăm năm cùng kinh thành Thăng Long.

Những ngôi làng của Hà Nội xưa

Làng Yên Phụ là cửa ngõ phía Bắc của kinh thành Thăng Long xưa. Ở đó có cửa ô Yên Hoa, sau đổi thành ô Yên Phụ, là nơi mà đào Nhật Tân, quất Quảng An, hoa Tứ Tống v.v… phải vượt qua để vào kinh thành. Đây là một làng cổ nằm trên bán đảo nhô ra Hồ Tây. Trước đây, ngoài nghề trồng hoa, nuôi cá cảnh, làng còn có nghề làm hương trầm với lịch sử lâu đời.

Cổng làng Yên Phụ

Cũng như Yên Phụ, Ngọc Hà là cũng là một ngôi làng nổi tiếng trên đất Thăng Long trước kia. Đó là một trong số thập tam trại – mười ba ngôi làng bao quanh hồ Tây. Người Hà Nội không ai không biết đến hoa Ngọc Hà, bởi lẽ từ những năm 40 – 70 của thế kỷ trước, làng Ngọc Hà là nơi chuyên cung cấp hoa tươi trong nội thành Hà Nội.

Trong số mười ba ngôi làng ở phía Tây kinh thành Thăng Long, ngoài làng Ngọc Hà kể trên còn có làng Đại Yên. Làng này phía Bắc giáp đường Thành cũ (nay là đường Hoàng Hoa Thám), phía Đông giáp làng Ngọc Hà, làng Hữu Tiệp, phía Tây giáp làng Vĩnh Phúc và phía Nam giáp đường Quần Ngựa (tức phố Đội Cấn). Dân làng Đại Yên xưa vốn sống bằng nghề trồng lúa và các cây thuốc Nam, đồng thời chế biến các bài thuốc Nam cho các chợ trong thành. Khi người Pháp vào, phố phường Hà Nội mở rộng, người làng cũng học thêm nghề trồng hoa, một bộ phận nam giới trong làng học theo nghề xây dựng.

Tìm trong sử sách, Thăng Long còn có những ngôi làng ven đô với nghề dệt lĩnh nổi tiếng như làng Trích Sài, làng Bái Ân, làng Dâu, Nghè, Tân… Dân gian có câu “Nhắn ai trẩy hội kinh thành/ Mua em tấm lĩnh hoa chanh gửi về”. Theo các cụ cao niên cho biết, nghề dệt đã có từ lâu lắm rồi. Tương truyền, vua Lý Thái Tổ ngự thuyền trên sông Tô Lịch đi thăm dân chúng ven thành Thăng Long, khi đến bến Hồng Tân (nay thuộc Nghĩa Đô, Cầu Giấy), nhân dân trên bến căng một tấm lĩnh vẽ rồng chào đón nhà vua. Vua khen người dân nơi đây có nghĩa, nên ban cho ba làng Dâu, Nghè, Tân tên gọi “Nghĩa Đô”, còn xóm bãi được đổi tên thành “Bái Ân”. Lĩnh hoa chanh là sản phẩm dệt bằng tơ quý, không thô, dày dặn, một mặt mờ, một mặt bóng, có điểm lấm tấm hoa mịn màng, kín đáo. Để làm được một sản phẩm sẽ vô cùng cầu kỳ, vì vậy lĩnh là mặt hàng quý và có giá trị cao.

Nay còn không những làng giữa “Hà Nội phố”?

“Làng” trong tiềm thức của người Việt là mái đình, cây đa, giếng nước… Dù Hà Nội nay mang trên mình nhịp sống gấp gáp, những phố phường đổi thay nhanh đến chóng mặt, thì Đình làng vẫn là những bằng chứng cho sự tồn tại của các ngôi làng trong phố trước thời gian.

Đình Yên Phụ là di tích lịch sử văn hóa được nhà nước xếp hạng năm 1986, là ngôi đình duy nhất ở Hà Nội được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ 17. Hàng năm, hội đình Yên Phụ được tổ chức vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, với sự tham gia của nhân dân các địa phương xung quanh hồ Tây như Nghi Tàm, Tứ Liên, Nhật Tân… Ngày nay làng Yên phụ thuộc phường Yên phụ, quận Tây Hồ. Tại đây có khách sạn Thắng Lợi, là một trong những khách sạn đầu tiên ở Hà Nội, do Cuba giúp đỡ xây dựng. Tuy nhiên, ngoài đình làng đã trở thành di tích lịch sử, thì làng Yên Phụ cũng không còn dấu tích của ngôi làng cổ nổi tiếng với trầm hương như xưa kia.

Đình làng Yên Phụ

Nếu ai đã nghe kể về làng hoa Ngọc Hà từ những năm 70 của thế kỷ 20, hẳn sẽ vô cùng tiếc nuối khi về lại làng Ngọc Hà ngày nay. Vẫn là nơi ấy, nhưng những vườn hoa bạt ngàn không còn nữa, nhà đã mọc lên san sát và giá đất ở đây đã lên cao đến chóng mặt. Đã hàng chục năm nay “hoa Ngọc Hà” chỉ còn trong những lời kể. Trong trận đánh “Điện Biên Phủ trên không”, một máy bay B52 đã rơi xuống hồ Hữu Tiệp của làng Hữu Tiệp, tuy nhiên không có nhiều người nhầm lẫn đó là làng Ngọc Hà. Xác chiếc máy bay ấy ngày nay vẫn còn trên hồ, cả khu vực làng Hữu Tiệp trước kia nay cũng được gọi tên chung là Ngọc Hà.

Làng Đại Yên ngày nay với nhà cửa san sát

Cũng giống như hoa Ngọc Hà, những vườn thuốc nam ở làng Đại Yên ngày nay cũng không còn nữa. Hàng ngày trong khu chợ gần đó vẫn thấy một vài sạp hàng bán các loại lá thuốc, nhưng đều là người của các vùng khác. Đáng tiếc nhất là nghề dệt lĩnh nay đã gần như mai một hoàn toàn, ngày nay không phải ai sống ở khu vực Nghĩa Đô, Cầu Giấy, nơi trước kia là làng Trích Sài, Bái Ân, đều biết rằng nơi đây có lĩnh hoa chanh nổi tiếng.

Tháng 10 – 2010, thành phố sẽ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ghi dấu lịch sử lâu đời của thủ đô. Hà Nội đẹp bởi ngoài sự hiện đại của cuộc sống mới, còn mang nét rêu phong của bề dày ngàn năm. Nếu thế hệ mai sau chỉ còn biết đến các làng của phố qua những lời kể thì có lẽ sẽ không bao giờ cảm nhận được vẻ đẹp cổ kính của Thăng Long nghìn năm văn hiến.



Trở lại Trang Chính