Lái Thiêu ngày xưa với đồ gốm và trái cây ngon nức tiếng

Hoài Hương sưu tầm

Đất Bình Dương – Thủ Dầu Một ra đời cùng lúc với lịch sử hình thành Sài Gòn – Đồng Nai, thuở Nguyễn Hữu Cảnh “mang gươm đi mở cõi”.

Thuở trước, Bình Dương là một phần của tỉnh Thủ Dầu Một. Đến tháng 12 năm 1899 tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập từ Sở Tham biện Thủ Dầu Một, tách từ tỉnh Biên Hòa. Đến tháng 10 năm 1956 tỉnh Bình Dương được thành lập, bao gồm tỉnh Thủ Dầu Một và một phần tỉnh Bình Long, có 5 quận, tỉnh lỵ là Phú Cường.

Người Bình Dương trong lịch sử của mình đã làm nên di sản văn hóa miệt vườn “đặc trưng miền Đông” và làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ, đồ gốm và tranh sơn mài, tiếng tăm vang lừng cả nước cho tới ngày nay.

Đất Bình Dương nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Nam Trung Phần với đồng bằng sông Cửu Long nên thế đất bằng phẳng hơi dốc, có độ cao trung bình 20-25m so với mặt biển, rất thích hợp với các loại cây công nghiệp và cây ăn trái. Và Lái Thiêu là một trong 5 quận thuộc tỉnh Bình Dương từ lâu đã nổi tiếng với vườn cây trải rộng trên diện tích 1,250 ha.

Lái Thiêu nằm trên con đường Thủ dầu Một – Sai Gòn cách Sài Gòn khoảng 20 km, thuở xưa là nơi nghỉ cuối tuần tuyệt diệu “dành riêng” cho người Sài Gòn.

Qua khỏi cầu Bình Triệu, theo Quốc lộ 13 đi khoảng 20 phút chúng ta sẽ đi vào Lái Thiêu, một vùng đất vườn cây xanh tốt, mát lạnh (trung bình 26 độ, mùa tết 24 độ C), không khí trong lành. Vào trong làng, sâu vào là những nhà vườn, nơi đây có sông có rạch đưa nước len lỏi vào từng góc vườn, có những con đường đất đỏ quanh co theo các lùm cây rợp bóng trái trĩu trên đầu…

Lái Thiêu cũng là một trung tâm quan trọng có các xưởng làm đường và lò gốm, bên cạnh đó Búng là một địa phương rất thú vị… Với những vườn cây tươi tốt, lò gốm, lò sát sinh, khu chợ rộng rãi, cung cấp cho Sài Gòn các loại cây ăn trái như: măng cụt, mãng cầu, thơm,…

Gốm Lái Thiêu

Nói đến gốm sứ miền Nam không thể không nói đến gốm Lái Thiêu - một thương hiệu nổi tiếng với những sản phẩm gốm tinh tế, đậm chất Nam bộ và mang tính ứng dụng cao. Gốm là ngành nghề truyền thống của nhân dân Thuận An, từ những năm giữa thế kỷ XIX, những dòng gốm Lái Thiêu đầu tiên đã ra đời. Gốm Lái Thiêu được xác định mốc khởi phát khoảng trước sau năm 1860. Từ xưa, sản phẩm gốm Lái Thiêu đã đi vào đời sống cư dân Nam bộ. Trong các gia đình Nam bộ xưa, nhà nào cũng có vài ba sản phẩm gốm Lái Thiêu.

Gốm Lái Thiêu tập trung vào sản xuất dòng đồ gia dụng, từ đồ thờ tự đến các sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày của giới bình dân như tô, chén, dĩa, hũ, hộp, ống nhổ, tượng (tô lớn), tộ, ơ, thố, ấm, xanh, gối, đến sản phẩm sân vườn như đôn, chậu, bình bông, choé, khạp, lu, đồ thờ cúng tượng, bát nhang, đèn…Mặc dù sản xuất những đồ bình dân, thực dụng như vậy nhưng mỗi sản phẩm của gốm Lái Thiêu đều rất đặc trưng với nước men bóng và màu sắc mang chất hội họa rất đẹp mắt.

Theo dòng thời gian, gốm Lái Thiêu không ngừng phát triển với nhiều chủng loại, đa dạng sản phẩm, thể hiện tính mỹ thuật và kỹ thuật cao, thể hiện tâm hồn, cốt cách, văn hóa Việt. Gốm Lái Thiêu xưa và gốm Thuận An ngày nay đã có mặt trên thị trường trong và ngoài nước.

Trong những năm gần đây, với xu thế hội nhập và phát triển cùng với tiến trình đô thị hóa, một số cơ sở gốm sứ truyền thống đã ngừng hoạt động, di dời cơ sở, chuyển đổi ngành nghề. Song nghề gốm sứ truyền thống của Thuận An vẫn tiếp tục phát triển với việc phát huy những tinh hoa truyền thống và ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến, thay đổi quy mô sản xuất, mở rộng thị trường và đã đạt được những thành tựu đáng kể, là niềm vinh dự và tự hào cho quê hương Thuận An, Bình Dương.

Sầu Riêng Lái Thiêu

Trái cây Lái Thiêu không có nơi nào sánh được, bởi đặc tính của vùng đất, trái sầu riêng võ mỏng, chỉ cần khều nhẹ là võ bung ra, lộ cơm dầy đặc, thưởng thức đủ 5 vị: thơm, ngọt, béo, bùi và nhẫn ăn vào cảm giác khó quên; ăn lần đầu cảm thấy khó ngửi nhưng khi quen sẽ “ghiền”.

Quả không sai! Nói đến Lái Thiêu không thể không nhắc cái tên “Sầu riêng Lái Thiêu”. Trái sầu riêng ở đây được liệt vào hàng ngon, bổ nhứt và đắt giá nhứt. Sầu riêng trồng được ở Lục Tỉnh nhưng trái không ngon bằng sầu riêng trồng ở Lái Thiêu.

Giai thoại kể rằng vào đầu thế kỷ 17, Lái Thiêu bấy giờ còn là một vùng đất hoang với bạt ngàn rừng rậm. Trong số những người Minh Hương đầu tiên đến lập nghiệp ở Lái Thiêu, có gia đình của một người đàn ông họ Lục làm nghề gốm. Con trai của ông là Lục Thành Tài đã đem lòng yêu một cô gái người Việt, nhà ở bên kia sông Rạch Tra. Hàng ngày, cô gái thường chèo ghe, chở mắm, khô đến bán cho lò gốm.Gia đình hai bên biết được, đều ngăn cấm nhưng hai người vẫn quyết tâm tìm đến nhau. Cuối cùng, mối tình của họ đã phải kết thúc bằng hai cái chết bi thương.Sau đó, trên mộ hai người mọc lên một loài cây lạ, trái của nó có vỏ ngoài xù xì, gai góc nhưng bên trong thì thơm ngon đến lạ lùng. Người dân địa phương đã đặt tên cây là sầu riêng để tưởng nhớ tới mối tình chung thuỷ của đôi trai gái và Lái Thiêu cũng nổi danh về trái cây từ đó.

Cây sầu riêng cao trên 20m, lá hình bầu hơi dài, hoa mọc ở nhánh, trái to, vỏ có gai rất nhọn trổ bông ba đợt trong một năm, cho 60 đến 90 trái. Từ khi trổ bông đến khi trái đậu là 20 đến 25 ngày, và từ ngày trổ bông đến ngày kết trái và chín là 5 tháng, trái nặng từ 2 – 5kg.Trái cho nhiều múi, mỗi múi có từ 1 đến 5 hột như hột mít. Hột có bao bọc một lớp cơm mềm, màu trắng vàng óng như màu mỡ gà, giống như múi mít mật, mít ráo. Sầu riêng khi “chín mùi” thì tự nhiên ban đêm rụng xuống gốc. Điều kỳ lạ là trái sầu riêng chỉ rụng vào ban đêm nên không hề có trường hợp rơi vào đầu người. Người cho đó là do sự linh nghiệm của chàng trai Minh Hương và cô gái Lái Thiêu. Chủ vườn không ai để trái chín mùi cả, mà cắt sầu riêng trước khi chín, nhiều khi trái đem đi bán hãy còn xanh là vậy. Mùa sầu riêng từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch.

Sầu riêng chín có mùi rất đặc biệt, gọi là mùi sầu riêng. Mùi xuất phát từ lớp cơm sầu riêng, bay xuyên qua vỏ tỏa ra ngoài. Mùi sầu riêng mạnh hơn mùi mít, người thích thì khen là thơm, ai không ưa thì cho là mùi “khó chịu”. Nói gì thì nói là hễ đã “chịu ăn” sầu riêng rồi thì thấy nó ngon-bùi-béo-thơm và ghiền luôn …

Măng cụt Lái Thiêu

Măng cụt cũng thế vừa được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam bầu chọn là một trong 50 loại trái cây đặc sản nổi tiếng của Việt Nam.

Măng cụt loại trái cây được xem là nữ hoàng của cây ăn trái nhiệt đới, trái có hình dáng đẹp dễ thương và chứa nhiều chất bổ dưỡng. Trái măng cụt chín có màu tím sẫm nhìn bắt mắt, bổ ra bên trong màu trắng tinh gợi cảm, hương thơm dịu mát quyến rủ, và bạn có thể ăn no mà không sợ đầy bụng.

Măng cụt Lái Thiêu trồng theo kỷ thuật cách 6-7m/cây theo hình vuông, tàn cây không được giáp nhau nên phải tỉa cành sau mỗi vụ thu hoạch. Măng cụt được trồng từ hột cũng có đặc tính giống như cây mẹ, độ 8 – 10 tuổi mới cho trái. Cây măng cụt trổ bông thay lá vào tháng 2, tháng 3. Mùa trái chín từ tháng 5 đến tháng 7.

Theo các nhà nghiên cứu trên thế giới thì măng cụt (Garania Mangostana Linn) là 1 trong 10 “siêu trái cây”, vì măng cụt là sự kết hợp hoàn hảo về nhiều mặt như:hương vị thơm ngon đặc sắc, hình dáng và màu sắc đẹp mắt, giàu dưỡng chất, có khả năng chống oxy hóa và giúp cơ thể chống lại được nhiều bệnh tật. Vỏ măng cụt được xắt lát, sấy khô, rồi nghiền thành bột trị bệnh kiết lỵ.

Có người nói rằng hương sắc miệt vườn Lái Thiêu một phần được thể hiện rõ qua hương vị của những loại trái cây nơi đây. Nó dân dã, mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế, quý phái. Mít tố nữ, sầu riêng thì hương thơm lừng, bay xa, dễ quyến lòng du khách. Đặc tính ấy như cái bộc trực, thẳng thắn của người dân Nam Bộ, không màu mè, khách sáo, có sao nói vậy. Còn chôm chôm, bòn bon, dâu xiêm là những loại trái cây dân dã, chỉ ra đúng mùa trong cái nền không gian và thổ nhưỡng xanh mát xứ đồng bằng. Nó không có hương thơm bên ngoài nhưng màu sắc và hương vị bên trong thì không ai lại không mê bởi vị ngọt thanh mát của nó.

Trở lại Trang Chính