Cầu ao quê nhà

Bùi Thị Phượng

“Nhà em ở cạnh cầu ao

Chàng đi xuôi ngược, chàng vào nghỉ chân”

(ca dao)

Miệt vùng quê sông nước, có rất nhiều loại cầu: cầu khỉ, cầu ván, cầu tre, cầu ao, cầu sông... Hình ảnh chiếc cầu ao, bờ kinh, ruộng lúa…trở thành hình ảnh quen thuộc với ai đã từng ở nơi đồng ruộng. Cái cầu ao đã gắn liền vào đời sống hàng ngày của người dân Nam Bộ.

Ở nhà quê, sau nếp nhà, trái bếp là đến cầu ao. Cầu ao đơn giản chỉ là ba thân cây cau già ghép lại, một đầu dựa vào bờ ao, một đầu ghếch lên một cái nạng tre cắm sâu xuống bùn ao. Những tấm gạch, đá được lát ở cái bực cầu ao sao cho dễ bước lên, bước xuống.

“ Cầu ao ván yếu gập ghềnh

Chân lần tay dắt chung tình đi qua”

Nhưng với ba cây cau nhiều khi chật chội quá, nước cạn, không với tới để lấy nước sử dụng, người ta đã bắc một cái cầu ngang ngắn hơn và thấp hơn, dầm hẳn dưới nước. Như vậy khi ở cầu chính có người rửa rau, vo gạo thì ở cầu phụ người khác vẫn có thể giặt giũ tắm táp như thường. Theo thời gian, cầu ao được đúc bằng xi măng, hay thay bằng những mảnh ván gỗ ghép lại…. mặt gỗ nhẵn nhụi để lên trên, mặt gồ ghề quay xuống dưới.

Cầu ao có thể như trôi giữa trùng điệp hoa và rau: dưới ao những bông hoa súng đỏ hồng khoe sắc mùa hè, bông rau nhút vàng tươi mùa nước nổi, bông lục bình phơn phớt tím vào những ngày giáp tết. Phía trên là những cây rau thơm bình dị quê nghèo trong những bữa cơm hàng ngày: rau giấp cá xanh non, rau húng cây, húng lủi, rau răm cay nồng; hành lá, ngò gai, rau quế tốt mịt, thơm phức. Mỗi khi có một cái rổ hoặc cái thúng nhỏ, người ta thường không vứt đi mà lấy đất đập nhỏ trộn với phân rác bỏ vào, chọn những gốc rau già trồng vô. Sau đó cất công đi tìm những cây khoai mì chống nạnh (cây mì mọc chẻ nhánh thành chạc ba) cặm xuống ao rồi để chiếc thúng rau lên trên, mỗi lần vo cơm đều tưới vào một ít nước.

Ở đó, mỗi trưa hè nước lớn bọn trẻ mình trần trùng trục thi nhau vừa la hét vừa từ trên cầu phóng ùm ùm xuống sông. Đối với những đứa trẻ làng quê, tắm ở cầu ao là một thú vui, có khi tắm hàng giờ liền để lặn, ngụp, bơi, mò bắt những con ốc, hay những muỗng, đũa, chén, dĩa… mà người nhà đã đánh rơi khi rửa bát.Ở dưới ao lên, những đứa trẻ còn bẩn hơn lúc chưa xuống tắm, bùn bám đầy người, lông chân lông tay như dài ra, đen hơn và sồm soàm một cách ghê sợ.

Hình ảnh chiếc cầu ao, gắn liền với những gì thân thương, mộc mạc và dân dã. Người ta mượn hình ảnh chiếc “cầu ao” để nói về chuyện nắng mưa:

“Én bay thấp mưa ngập cầu ao

Én bay cao mưa rào lại tạnh”

Chiếc cầu ao, quanh năm nhộn nhịp, từ sáng sớm đến chiều tối. Lúc nào cũng thấy bì bõm, róc rách, việc gì cần đều mang ra cầu ao: vo cơm, rửa rau, làm cá, giặt giũ…

“Nhao nhao như cầu ao cả xóm”

Vào mùa cắt lúa, cái cầu ao tấp nập khác thường. Các Mẹ và Chị quần quật lên lên, xuống xuống để lo cho kịp ba bữa cơm thợ cắt lúa và ba bữa cơm người nhà. Cắt lúa xong là bắt đầu ngâm thóc giống cho vụ sau, tháng sáu ngâm giống vụ mùa và tháng một ngâm giống vụ chiêm. Cầu ao được nối dài ra bằng một cây tre có treo lủng lẳng năm sáu dành thóc dầm nước tới miệng dành. Ban ngày thì ngâm nước, ban đêm lại đem lên ủ, cứ như vậy được ba hôm, thóc nẩy mộng.

Vào mùa nước nổi, tháng tám nước trong vắt, cá đi hàng đàn trông rõ mồn một. Lũ con nít, say sưa ngồi mê mải xem những bầy cá trắng nghe động nước bơi đến vờn mồi kiếm ăn. Lũ con nít lén người lớn mang cần câu ra ngồi câu hàng giờ hy vọng bắt được vài con cá làm “chiến tích”.

Dịp tết, tháng chạp là tháng cầu ao rộn rịp nhất trong năm hơn cả ngày mùa. Đầu tháng nhà đã rửa hành, làm dưa. rửa lá chuối, ngâm đậu, nếp để gói bánh tét.

Ba ngày Tết, cầu ao cũng không được nghỉ. Công việc trong nhà tuy có giảm bớt đi, nhưng ai sắp sửa mặc những bộ quần áo mới cũng ra cầu ao rửa chân tay thật kỹ…. Chỉ ở nhà quê mới có thể tự tìm thấy một nơi mà công việc nội trợ đi liền với sự đỏm đáng như ở cầu ao.

Hình ảnh chiếc cầu ao không chỉ gắn liền với sinh hoạt làng quê, mà nó đi vào ca dao, dân ca thật nhẹ nhàng, sâu lắng….ví von cho tình mẹ con:

“Chiếc cầu ao dài bao nhiêu nhịp

Em đi cho kịp kẻo mẹ trông chờ

Mẹ già nắng sớm chiều mưa

Muốn con khôn lớn cậy nhờ mai sau”.

Tình yêu đôi lứa:

“Cầu ao ván yếu gió rung

Anh thương em thì thương đại,

Ngại ngùng đừng thương”

Đó là lời bộc bạch tâm tình mộc mạc, gần gũi.

Hay:

“Nhà em ở cạnh cầu ao

Chàng đi xuôi ngược, chàng vào nghỉ chân

Chàng ngồi chàng nghỉ ngoài sân

Cơm thì nhỡ bửa, canh cần nấu suông”

Chiếc cầu ao để ví cho thân phận người phụ nữ xưa

“Con cò đậu cọc cầu ao

Phất phơ đôi dãi yếm đào gió bay”

Những đêm trăng sáng, hình ảnh chiếc cầu ao lung linh soi đáy nước. Đó là nơi nam thanh nữ tú hẹn hò:

“Có rửa thì rửa chân tay

chớ rửa lông mày chết cá ao anh”

Thể hiện cho tình vợ chồng:

“Nhớ khi rửa bát cầu ao

Ta cầm nắm đũa ta trao cho mình”.

Bát và đũa là hai vật dụng không thể rời nhau trong bữa cơm gia đình. Nó được ví von, so sánh cho tình vợ chồng, sự gắn béo keo sơn, thủy chung.

Cây cầu ao bắc bằng thân dừa, rổ rau thơm xanh ngút mắt gác trên cội mì già chống nạng. Chỉ đơn giản như vậy, nhưng níu từng bước chân của người đi xa, là nỗi nhớ nao lòng, cho những ai xa quê có dịp quay trở về. Những chiếc cầu ao thân thương gắn liền với bao kỉ niệm tuổi thơ, với đời sống lam lũ của người dân Cần Thơ. Nó ẩn hiện lung linh trong tâm hồn họ qua mỗi điệu hò, điệu lý. Nó ngân vang mãi với sóng nước mênh mang va muôn vạn nỗi lòng.

Bùi Thị Phượng

Tài liệu tham khảo:

http://www.cadaotucngu.com/phorum/topic.asp?TOPIC_ID=827

Vũ Ngọc Phan, (1996), Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, NXB Hà Nội

Vũ Ngọc Phan, (2003), Tuyển tập ca dao dân ca Việt nam, NXB Hà Nội

Nguyễn Xuân Kính, (2006), Thi pháp ca dao, NXB Hà Nội


Trở lại Trang Chính