Nhà vườn, nét đặc trưng của xứ Huế

Liêu Thái/Người Việt

Hoài Hương sưu tầm

Nói đến xứ Huế, ngoài những lăng tẩm, đền đài, sông Hương, núi Ngự, cồn Hến, thôn Vĩ Dạ… không thể không nhắc đến những khu nhà vườn. Có thể nói rằng đây mới là nét đặc trưng của xứ Huế, vẻ đẹp cũng như sự tĩnh lặng pha chút bí huyền của xứ Huế là đây.

Nhà vườn ở Kim Long, Huế. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Vườn lớn và vườn nhỏ

Nói về nhà vườn Huế, phải nhắc đến khái niệm “vườn lớn và vườn nhỏ” trong quan niệm thời phong kiến ở đây. Khái niệm này không nhằm ám chỉ diện tích của khu vườn mà muốn nói đến vấn đề đẳng cấp, thứ bậc của chủ khu vườn, thể hiện quyền lực trong thời phong kiến.

Thường thì vườn lớn nhất thuộc về bậc “vạn tuế,” tức nhà vua. Chính vì vậy mà trong một kinh thành nhỏ xíu, khu vườn của vua hay còn gọi là hoàng thành (thành nội) đã chiếm hết gần một nửa. Những khu vườn nhỏ của giới quan lại nằm rải rác chung quanh hoàng thành chỉ nhỏ bé bằng một phần ngàn hoặc một phần mười ngàn của hoàng thành, đây là qui định bắt buộc.

Ðiều này hoàng toàn phụ thuộc vào thứ bậc, phẩm hàm của chủ vườn. Và đương nhiên chủ vườn cũng chỉ có tính tạm bợ nếu như chức vị của ông ta bị lay chuyển. Ông ta có thể bị tịch thu toàn bộ nhà cửa, vườn tược để sung vào đất vua (giống như sung công quĩ thời hiện tại).

Nhà nghiên cứu Huế tên Thắng, chuyên nghiên cứu về nhà vườn Huế, cho biết: “Ví dụ như trong cửu phẩm, nhất phẩm là phẩm hạng cao nhất, nằm trong tứ trụ triều đình, được lạy vua với danh xướng là ‘thiên tuế’, những thứ hạng khác đều phải lạy và đọc danh xướng ‘vạn tuế’. Và người nào xưng như thế nào thì khu vườn như thế đó.”

“Nghĩa là khi hô vạn tuế thì khu vườn nhỏ bằng một phần vạn của hoàng thành, xưng thiên tuế thì khu vườn nhỏ bằng một phần ngàn hoàng thành. Như vậy, quan nhất phẩm, nằm trong tứ trụ triều đình sẽ có khu vườn rộng gấp mười lần những chức danh bên dưới.”

Nhà vườn Huế ở gần hoàng thành. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

“Và những chức danh bên dưới lại bố trí khu vườn theo thứ hàm của mình. Ví dụ như quan từ Tứ Phẩm đến Nhị Phẩm thì được bố trí một con rồng trong vườn nhưng con rồng đó phải là màu xanh, chỉ có ba móng thôi, tuyệt đối tránh màu đỏ, màu vàng và không được phép vượt quá ba móng. Ông nào mà chơi ngông để rồng bốn móng thì bị chém đầu ngay.”

“Quan Nhất Phẩm, các hoàng thân quốc thích và thái tử thì được bố trí một con rồng màu đỏ hoặc màu khác nhưng tuyệt đối không phải là màu vàng và con rồng của họ có bốn móng. Thời đó, chỉ cần nhìn vào cách bố trí cặp rồng trước cổng thì biết ngay thứ hạng của vị quan trong triều đình.”

“Những hạng quan từ Ngũ Phẩm cho đến Cửu Phẩm thì không được bố trí cặp rồng ngoài cổng hay trong vườn, chỉ được để lân, sư tử hay nghê gì đó nhưng không phải là rồng. Và diện tích khu vườn cũng khá nhỏ. Khái niệm ‘vườn lớn và vườn nhỏ’ nhằm ám chỉ những thứ bậc như vậy.”

“Chỉ có hoàng thành, tức là vườn của vua thì mới thích rộng bao nhiên thì rộng, rộng thoải mái, nếu lấy hết đất nước xây dựng thì cũng không sao. Nhưng không có đủ lính gác và cũng không có đủ tiền xây dựng thôi. Vả lại nếu xây hết như vậy thì dân không có đất để, ở lấy ai đóng sưu thuế mà vua sống. Chính vì vậy mà hoàng thành chỉ cần rộng bằng mười ngàn lần vườn các quan là đủ.”

Chuyện quyền sở hữu thời bấy giờ

Một người khác, chuyên nghiên cứu về Huế, không muốn nêu tên, chia sẻ thêm: “Thật ra, thời đó tuy nói rằng đây là vườn của quan nhưng chỉ mang tính chất tạm bợ thôi. Vì đất trên đất nước này đều là của vua.”

“Bình thường thì thôi, có nhiều ông quan bất mãn triều đình, cáo quan về vườn. Nhưng sống một thời gian thì vua lấy đất lại, cho những quan mới lên nên đất của ông quan cáo lão này cũng chỉ đủ cắm dùi mà sống kiếp thanh bần thôi! Thời nào cũng vậy!”

Một khu vườn bên trong tử cấm thành Huế. (Hình: KN/Người Việt)

“Và điều này rất giống với thời xã hội chủ nghĩa, có thể nói rằng giữa phong kiến và xã hội chủ nghĩa có chung một bản chất, tuy khác nhau về hình thức câu chữ. Ví dụ như thời xưa, nhà vua được coi là thiên tử, nghĩa là ông trời con. Mọi đất đai quốc gia đều thuộc về ông trời con này, do ông trời con định đoạt.”

“Và các ông vua sau cứ như thế mà nối tiếp, mà nhận phần do thiên hoàng, tức vua cha hoặc thái thượng hoàng tức vua ông nội để lại mà trị vì, mà quyết định ai ở ai đi, ai sống ai chết. Thời đó làm quan giống như ngồi trên thớt, chết giờ nào không hay.”

“Nhưng thời đó kể cũng hay, vì mặc dù sống như vậy nhưng các ông quan lại khéo tổ chức xây dựng nhà cửa và thiết kế vườn khá đẹp, cũng dựa trên nguyên tắc âm dương ngũ hành, cũng có bốn cửa Ðông Tây Nam Bắc và cũng có thanh tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền chu tước hậu huyền vũ y như nhà vua. Trên một nghĩa nào đó, có thể thấy rằng việc bố trí vườn như vậy cũng hàm chứa một tham vọng và một ý thức cách mạng ngấm ngầm!”

“Thời bây giờ, tuy đã tiến bộ hơn nhiều so với thời phong kiến nhưng cách quản lý đất cũng tựa như thời phong kiến. Người dân chỉ có quyền sử dụng đất hoặc ngắn hạn hoặc lâu dài chứ chưa bao giờ có quyền sở hữu. Ðất trên danh nghĩa của toàn dân do nhà nước quản lý. Ðến khi nhà nước thu hồi thì miễn bàn!”

“Trong khi đó, nếu muốn làm chủ thật sự một mảnh đất thì phải có quyền sở hữu. Bởi trong quyền sở hữu có ba thuộc tính căn bản gồm chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Dân Việt chỉ có quyền sử dụng, còn quyền chiếm hữu và định đoạt thì do mấy ông lớn trên trung ương nắm giữ. Tính ra thì không khác mấy so với phong kiến!”

“Nhưng thời phong kiến dân số ít, có văn hóa và có nề nếp, chính vì vậy mà còn giữ được những khu vườn đẹp cho đến ngày nay. Ðặc biệt, những khu vườn ở Huế mang hồn vía và đặc trưng chính trị của thời nó được xây dựng, vun trồng. Còn bây giờ, nếu tìm những khu vườn mang đặc trưng chính trị, khó lắm! Không lẽ lại tìm đến các dinh thự, biệt khu trong rừng cấm của các quan chức để nói về thân phận chính trị của ông ta trong thời đại? Vì chuyện này phi pháp.”

Câu chuyện của người nghiên cứu này còn rất dài. Nhưng chung qui, vẻ đẹp của những khu vườn Huế cùng với sự yên tĩnh, hiền hòa và phảng phất dáng vẻ quí phái của nó cũng phản ánh được hồn vía của đất Huế một thuở cùng với nền chính trị phong kiến của nó.

Câu chuyện quyền lực của thời phong kiến đã khép, quyền lực xưa không còn. Nhưng những khu vườn xưa trên đất Huế vẫn kiêu hãnh đứng lại với thời gian làm một ấn chứng lịch sử. Mà ở đó, mỗi khi khách đến thăm, lại miên man suy tư, mường tượng về một thuở.

Và trong giấc miên man đó, người ta tự hỏi không hiểu sau này, khi con cháu chúng ta nói về thời đại của chúng ta, chúng dựa trên những ấn chứng nào để tìm hiểu và liệu những dấu vết lịch sử của thời được cho là tiến bộ này có còn đẹp và thơ mộng trong mắt con cháu như những gì thời xưa để lại cho hôm nay.



Trở lại Trang Chính