Chiếc nón lá, hình bóng quê hương

Nhật Quỳnh sưu tầm

Nón lá là hình ảnh thân thuộc, gắn bó với hình ảnh người mẹ tần tảo sớm hôm trên đồng ruộng, người chị đảm đang dẻo chân từng phiên chợ hay cô gái đương xuân e ấp nụ cười…Nói đến nón lá, bất cứ người dân Việt Nam nào, từ già đến trẻ, từ thành thị đến nông thôn đều không xa lạ, dù có thể chưa một lần sử dụng. Trong thơ, trong tranh, trong lời ca tiếng hát, trong cuộc sống thường ngày hay trong ngày hội, nón lá luôn hiển hiện, vừa mộc mạc, vừa lam lũ mà mong manh, duyên dáng. Không phải chỉ là vật dụng che mưa nắng thường ngày mà các bà, các cô đội trên đầu ở khắp mọi nơi với dáng hình chóp hay như nón quai thao trên sân khấu của các cô diễn viên hát quan họ… Chiếc nón có lá còn chứa đựng cả một kho tàng lịch sử, văn hóa của người Việt Nam, cư dân khu vực nhiệt đới gió mùa với nền tảng là văn minh lúa nước.

Thứ bậc qua loại nón

Thực ra, nón lá không phải đặc quyền sử dụng dành riêng cho phụ nữ mà nam phụ, lão ấu, từ bậc thượng lưu đến thường dân, từ quan đến lính đều sử dụng nhưng mỗi tầng lớp có loại nón với kiểu dáng, chất liệu khác nhau. Vì thế, từ xưa, chiếc nón là biểu tượng của đẳng cấp, thứ bậc trong xã hội phong kiến Việt Nam.

Nón Ngựa hay nón Nghệ chóp bạc

Nón gõ, nón dấu dùng cho lính thú, nón khua của người hầu, nón ngựa hay nón Nghệ dành cho tầng lớp quan lại, nhà giàu; nón lông quạ, bông bèo đồng hay lông trắng, bông bèo vàng dành cho quan lớn, quan nhỏ dùng nón chóp và bông bèo bạc…

Trẻ thơ có nón lá sen

Ở mỗi tuổi, mỗi gia đoạn trong cuộc đời lại có những loại nón khác nhau. Trẻ thơ có nón lá sen, thiếu nữ thường đội nón bài thơ Huế, nón ba tầm.

Nón bài thơ xứ Huế

Các bà, các mợ thường thích loại bình dân, bền, tiện lợi mà rẻ tiền nên không thích loại mỏng manh như nón bài thơ, vướng víu như nón ba tầm mà chuộng nhất nón loại lá dày, như nón Ba Đồn, nón làng Chuông.

Nón Phú Gia Bình Định

Dấu ấn vùng miền

Chiếc nón lá là hình ảnh thân thương của mỗi làng quê Việt Nam, gắn với nghề truyền thống làm nón khắp ba miền, Bắc- Trung – Nam đều có các làng làm nón nổi tiếng. Chỉ cần để ý một chút, người ta có thể gọi tên làng nghề, vùng đất từ chiếc nón lá. Chiếc nón mỏng tang, nhẹ như một làn gió, trong suốt dưới ánh nắng mặt trời với hoa văn sông Hương núi Ngự và đôi dòng thơ lãng mạn là nón bài thơ xứ Huế được làm từ làng Tây Hồ nằm bên dòng sông Như Ý, thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế với nguyên liệu lá dừa, lá gồi.

Làng làm nón Tây Hồ

Bền và chắc, màu trắng đục với vành nón được nức bằng cước màu đỏ là nón Làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội). Người làng Chuông được cả nước biết đến bởi chiếc nón với niềm tự hào “Muốn ăn cơm trắng cá mè/ muốn đội nón tốt thì về làng Chuông”.

Nón làng Chuông

Nón Gò Găng (Bình Định) nổi tiếng không kém vì sự dày dạn với mưa nắng bởi nguyên liệu lá dứa, lá buông và dẻo dai với những vòng giang lấy tận vùng núi Vân Canh, Hầm Hô làm sườn, chứ không phải bằng tre như các loại nón khác. Người dân làng nón Ninh Sơn (Tây Ninh) thì chọn loại lá mật cật của vùng đất quê hương mình để tạo nên chiếc “nón hàng” dành cho người lao động, sản xuất đại trà, giá rẻ mà bền, khi gặp mưa lá vẫn thẳng mà không dúm.

Nón Gò Găng

Hình dáng nhẹ nhàng, đơn giản là vậy nhưng chiếc nón lá được tạo nên bằng bao khó nhọc và công phu của người làm nón. Mọi công đoạn, từ chọn lá, là phẳng, vót nan sườn, lợp hay chằm nón…đều làm bằng đôi tay.

Sự tiếp biến văn hóa

Khó xác định được thời điểm ra đời của chiếc nón lá trong lịch sử nhưng sự có mặt của nón lá trong đời sống người Việt Nam rất sớm và khá phổ biến với hình dáng đa dạng, từ rộng và phẳng như chiếc mâm, khum khum hay hình chóp nhọn, loại dày và cứng đến nhẹ và mỏng. Đến nay, kiểu hình chóp là hình dáng định hình của chiếc nón hiện đại vì nó phù hợp với đời sống, không vướng víu lại nhẹ nhàng cho việc sử dụng mà sản xuất cũng đơn giản hơn. Có thể nói, hiếm có những vật dụng xuất hiện từ ngày xửa ngày xưa mà cho đến ngày nay vẫn còn giữ gần như nguyên vẹn hình dáng, công dụng và cách thức sản xuất.

Trong nhịp sống hiện đại, chiếc nón không còn thông dụng và phổ biến như trước nhưng ở khắp mọi miền của đất nước, hình dáng thân thương của nón lá vẫn hiển hiện, từ chốn đô thành sôi động náo nhiệt đến miền quê yên bình. Không bền, gọn, thời trang như các loại mũ nhưng nón lá lại tiện dụng vì che được cả mưa và nắng, giá thành lại rẻ và nhất là tăng nét duyên dáng nữ tính của nữ giới, vì vậy nón vẫn là lựa chọn số một của không ít chị em phụ nữ.

Nón lá đã đi vào bảy loại hình nghệ thuật một cách hết sức tự nhiên, sinh động, như chính vẻ đẹp của nó – vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam. Chiếc nón vẫn tận tụy thủy chung với người dân lao động một nắng hai sương trên con đường mưu sinh và cũng không kém duyên dáng của những nữ sinh áo dài hay lung linh, huyền ảo trên sân khấu biểu diễn. Biết bao cảm hứng sáng tạo của người nghệ sỹ từ chiếc nón lá, từ nụ cười lấp lánh, e ấp của cô gái trong vành nón hay đôi má bừng đỏ và lấp lánh mồ hôi trong trưa hè nào đó. Cả hình bóng quê hương như gói trọn trong chiếc nón lá mong manh…

Nguồn : Triều Thành



Trở lại Trang Chính