* Húng Láng - Tinh hoa riêng

của người Hà Thành

Hoài Hương tổng hợp

Không biết tự bao giờ, húng Láng đã góp mặt trong những tinh hoa của đất Hà Thành bởi hương vị thơm ngon nổi tiếng.

Húng Láng

Rau húng Láng hay còn gọi là rau thơm, có vị thơm dịu mát là một đặc sản của làng Láng, thường xuất hiện trong bữa cơm bình dân hay cỗ bàn của người Hà Nội. Chính vì thế mà ngay từ xa xưa, húng Láng đã được ngợi ca hết lời cùng những đặc sản khác của Hà Thành:

Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm

Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây

Cánh đồng trồng rau Húng Láng làng Hổ Đội xã Thụy Lương

Cây húng Láng lá nhỏ, thân tròn, mọc lan thành khóm. Mặt lá mầu xanh thẫm, cuống và gân lá mầu tím. Thân cây đanh lẳn, cũng tím sẫm. Hái một lá vò nhẹ trên đầu ngón tay, mùi thơm dậy, sang trọng quyến rũ. Ðặc biệt, húng Láng không thơm hắc như húng dũi, bạc hà, húng chó, ngổ...

Người Hà Nội gọi chung các loại rau gia vị là rau thơm, có lẽ vì loại nào cũng có mùi thơm. Duy chỉ có húng Láng có tên là húng thơm (một loại rau gia vị được mang tên chung cả loài). Cây húng thơm quý này được trồng ở làng Láng (Hà Nội) rất lâu đời. Chỉ trên đồng đất Láng, húng thơm mới có hương vị đặc biệt ấy. Thật vậy, rau húng Láng được trồng ở chính đất Láng có một mùi vị riêng độc đáo mà nơi khác không thể sánh bằng. Bởi húng làng Láng lá dày, có mùi thơm dịu mát, thoang thoảng, vị không cay còn húng Láng trồng nơi khác có lá mỏng hơn, ăn rất nhạt lại không thơm và có mùi hơi hắc…

Chùa Láng

Làng Láng thuộc phường Láng Thượng, quận Ðống Ða, Hà Nội. Xưa kia, làng này thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Sông Tô Lịch chảy qua bên cạnh làng, theo vòng ngoài đê Ðại La. Dân Láng đi đường bộ theo bờ sông Tô, qua cửa Bảo Khánh, vào nội thành Ðại La xưa chỉ chừng hơn cây số. Ðường thủy cũng ngược dòng sông Tô, thuyền đi vào tận phố cổ bên hồ Gươm ngày nay, hoặc theo Ðại hồ qua Giảng Võ, vào đến Quốc Tử Giám cũng chỉ một độ đường ngắn. Dân Láng đem rau, phần lớn là rau thơm vào thành bán thời trước, đều chuyên chở bằng hai con đường ấy. Ngay từ thời Lý (thế kỷ 11, Láng là một trong 61 phường của kinh thành Thăng Long...Nghề trồng rau và cây gia vị bấy giờ đã xuất hiện ở Láng. Ðến thời Trần (thế kỷ 13, phường Láng đổi thành phường Toán Viên (vườn tỏi) chuyên canh tác loại rau cung cấp cho triều đình và dân kinh thành.

Vườn Húng Láng cuối cùng ở Láng hiện nay

Dân làng Láng trồng nhiều loại rau thơm, cây gia vị, nhưng húng thơm là cây thích ứng hơn cả và thành một đặc sản lừng danh. Trong suốt nhiều thế kỷ, trên đồng đất làng Láng luôn phẳng xanh những luống thơm dài tắp, đem lại nguồn thu nhập chính cho các thế hệ người trồng rau truyền thống của làng. Cây húng Láng là niềm tự hào của họ.

Để cảm nhận được hương vị của húng Láng, người ăn phải ăn từ từ, nhấm nháp từng chút… Tuy nhiên, để phân biệt được rau húng trồng ở làng Láng với rau húng trồng ở nơi khác thì phải người sành ăn mới biết còn những người trẻ không phân biệt được bởi quan niệm rau nào chẳng là rau.

Húng Láng ( Húng thơm )

Người Hà Nội sành ăn từ bao đời nay đã nhắc đến hương và vị của rau thơm Láng như một thứ tinh hoa riêng của đất trời và người Kẻ Láng. Húng Láng có 3 loại: Húng thơm màu tía, ngọn lá nhỏ, ăn kèm với rau sống và các món ăn khác, tạo một hương vị hấp dẫn đến nỗi người ăn chỉ muốn nhấm nháp từng cánh lá nhỏ để cảm nhận cái ngon, cái thơm của đất trời ban tặng. Ngoài ra còn có húng dũi, húng dồi, ăn với lòng lợn, tiết canh, thịt cầy. Nhưng dân Hà Nội mê nhất húng thơm vì đi với món ăn nào nó cũng dậy hương thơm, thứ hương tinh khiết của đất kinh kỳ không nơi nào có được.

Húng dũi ( Húng Lủi )

Húng Láng thích hợp với rất nhiều món xào, nấu hoặc ăn sống cùng những loại rau khác. Với các món xào, nấu, rau húng Láng trở thành thứ gia vị gợi mùi hương cho món ăn đó. Rau húng Láng thường được ăn kèm cùng một số loại rau sống khác: xà lách, rau mùi, rau bạc hà, kinh giới… Món rau sống này thường được ăn kèm với bún chả, nem, cá nấu, cá luộc….

Húng Dồi ( Húng Chó )

Với người Hà Nội, húng Láng chính là một đặc sản thân quen trong mỗi bữa ăn hàng ngày của họ. Và trong những ngày hè nóng nực này, rau húng Láng thường góp mặt cùng món bún riêu cua, canh cua, phở , bún đậu mắm tôm hay cá sốt cà chua…

Trên bát phở, đĩa thức ăn, điểm một vài nhánh thơm Láng cọng tía, lá xanh, thơm man mác, hấp dẫn khứu giác, vị giác. Mùi thơm của gia vị, màu xanh mỡ màng của lá rau và vẻ dịu dàng, hiền thảo của cô gái làng Láng gánh rau đi chợ Đồng Xuân, đã làm say lòng bao thực khách:

Ở đâu thơm húng, thơm hành

Có về làng Láng cho anh theo cùng

Theo ai vai gánh vai gồng

Rau xanh níu gót bóng hồng sông Tô.


Trở lại Trang Chính