Áo bà ba - nét xưa nhìn lại

Hoài Hương sưu tầm

Kể từ khi cha ông ta khai phá mảnh đất phương Nam, trải qua mấy trăm năm, chiếc áo bà ba đã trở thành biểu tượng, tâm hồn của quê hương Nam bộ. Tuy vậy cho đến nay, chưa có tài liệu nào nói rõ sự xuất hiện của chiếc áo này.

Phụ nữ Nam bộ trong trang phục áo bà ba, khăn rằn, nón lá.

Theo nhà văn Sơn Nam thì “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba”. Cụ thể hơn, đó là kiểu trang phục của người "BaBa"- một nhóm người Hoa sống trên đảo Penang thuộc Malaysia ngày nay.

Một quan niệm khác lại cho rằng, “Có thể áo bà ba ảnh hưởng, cách tân từ áo lá và áo xá xẩu may bằng vải buồm đen của người Hoa lao động, là kiểu áo cứng, xẻ giữa, cài nút thắt... Phải chăng, do thời tiết quanh năm nóng bức, họ bỏ luôn chiếc cổ thấp của áo lá và áo xá xẩu, mang thêm áo quanh chân cổ cho chắc. Áo xẻ giữa thay vì cài nút thắt đã được làm khuy, cài nút nhựa do ảnh hưởng phương Tây”.

Cho đến nay, mặc dù nguồn gốc, xuất xứ của trang phục này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nhưng phải khẳng định một điều rằng, dù xuất xứ như thế nào thì bộ bà ba đen, khăn rằn và nón lá đã kết hợp với nhau trở thành nét biểu trưng đặc sắc cho vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ Nam bộ.

Áo bà ba của người Nam bộ xưa.

Ngày xưa, người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long thường mặc bộ bà ba đen đi ra đồng. Áo bà ba là chiếc áo không cổ, thân áo phía sau may bằng một mảnh vải nguyên, thân trước gồm hai mảnh, ở giữa có hai dải khuy cài chạy dài từ trên xuống. Áo chít eo, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông. Áo chít eo, xẻ tà vừa phải ở hai bên hông. Độ dài của áo chỉ trùm qua mông, gần như bó sát thân. Áo kết hợp với chiếc quần đen dài chấm cổ chân hoặc gót chân đã làm đẹp thêm hình hài vóc dáng của người phụ nữ với chiếc lưng ong nhẹ nhàng, thanh thoát, mềm mại.

Khi chưa có thuốc nhuộm hóa học, muốn nhuộm màu đen, màu nâu cho áo bà ba, người dân thường dùng lá bàng, vỏ trâm bầu, vỏ cây dà, cây cóc, vỏ sú vẹt hoặc trái dưa nưa… nhuộm rồi phủ bùn để chống trôi màu. Khi có vải nhập cảng, thì lại dùng vải ú, vải sơn đầm, vải chéo go đen được sử dụng rộng rãi, vì tính tiện dụng, tối màu phù hợp với điều kiện lao động, đi lại nơi sông rạch, bùn lầy, dễ giặt và chóng khô.

Áo bà ba trước thế kỷ 20 không có túi nên bên trong đàn bà mặc thêm áo túi, một loại áo giống như áo bà ba nhưng ngắn tay dùng làm áo lót, thân áo cũng ngắn hơn và không xẻ nách, may hai túi to ở hai bên để cất món đồ vặt. Đôi khi ở nhà đàn bà cũng dùng mỗi áo túi mà không bận áo bà ba bên ngoài. Đàn ông thì mặc áo lá tương đương với áo túi của đàn bà, kích thước càng ngắn nữa, không có tay nên hở nách, hai bên bụng cũng may hai túi. Bên ngoài mặc áo bà ba. Áo túi và áo lá từ thập niên 1950 trở đi lùi dần, không còn dùng làm áo lót nữa.

Sang đầu thế kỷ 20 thì áo bà ba mới may túi ở hai vạt trước tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc.... Bên cạnh đó, chiếc áo bà ba được xẻ ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái. Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi. Riêng lúc đi chơi, họ thường chọn màu sắc nhẹ hơn như màu trắng, màu xám tro. Còn các cô, các bà thì chọn màu mạ non, xanh lơ nhạt, hồng... với chất liệu vải đắt tiền hơn như the, lụa, sa tanh (satin)..

Nút áo bà ba cũng đa dạng và biến đổi theo mỗi giai đoạn. Trước đây, người ta thường sử dụng kiểu nút áo truyền thống là nút bấm. Nhưng bây giờ, các loại nút đã được sáng tạo thêm nhiều mẫu mã làm tôn thêm điểm nhấn cho thân áo.

Nếu so với các trang phục truyền thống trong và ngoài nước, thì có lẽ áo bà ba Nam bộ là bộ trang phục đơn giản nhất. Sự khiêm tốn này phù hợp với quan điểm sống của người Việt luôn đề cao sự giản dị, nền nã.

Chiếc áo bà ba ngày nay.

Áo bà ba là biểu tượng, là tâm hồn, là kết tinh của quê hương xứ sở, là hồn Việt trải qua mấy trăm năm kể từ khi cha ông ta khai phá mảnh đất phương Nam. Nhưng ngày nay cái đẹp thuần khiết ấy, những sắc màu dung dị ấy đang mai một dần đi.

Trải qua thời gian, chiếc áo bà ba đã nhiều lần được cách tân cho phù hợp với sự vận động của cơ thể người mặc cũng như sự thay đổi về tư duy thời trang.

Áo bà ba hiện nay không thẳng và rộng như xưa mà được nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân hình. Ngoài ra, người ta còn sáng tạo các kiểu chắp vai, cổ tay, cửa tay, riêng các kiểu cổ lá sen, cánh én, đan tôn..., được tiếp thu từ kiểu y phục nước ngoài. Các kiểu ráp tay cũng được cải tiến. Từ kiểu may áo cánh xưa liền thân với tay, người ta nghĩ tới cách ráp tay rời ở bờ tay áo. Vào thập niên 1970, các tỉnh, thành phía Nam phổ biến kiểu ráp tay raglan, đã tạo nên vẻ đẹp hiện đại cho chiếc áo bà ba truyền thống. Hai thân áo trước và sau tách rời khỏi vai và tay áo, trong khi tay và áo lại liền từ cổ tới nách. Áo bà ba vai raglan được may rất khít, vừa vặn với eo lưng, không quá thắt như kiểu áo trước đó. Tay áo dài hơn, hơi loe, hai túi ở vạt trước được bỏ đi để tạo cho thân áo nhẹ nhõm, mềm mại hơn.

Áo bà ba không kén người mặc, cũng chẳng kén tầng lớp nào. Người giàu thì mặc nó trong những bữa tiệc sang trọng với chất liệu lụa Tân Châu cùng với quần đen lãnh Mỹ A có tiếng. Còn người nghèo, lam lũ với ruộng đồng thì mặc vải thô, kèm theo những mảnh vá đi cùng với thời gian. Áo càng đẹp, càng thanh nhã hơn khi người mặc nó đoan trang, thùy mị. Đặc biệt, trong những buổi chiều tà, hình ảnh cô lái đò mặc chiếc áo bà ba thấm đượm mồ hôi càng làm cho trai làng ngơ ngẩn

Áo bà ba trong âm nhạc :

* Chiếc áo bà ba (Trần Thiện Thanh) - Hương Lan

* Chiếc áo bà ba (Tân cổ) – Kim Tử Long

* Thương áo bà ba (Đình Văn) - Cẩm Ly

* Duyên dáng áo bà ba (Hồ Hoàng) - Tốp Ca

* Duyên quê trong áo bà ba (Long Hồ) - Minh Luân



Trở lại Trang Chính